Kinh tế phi chính thức ở Việt Nam và một số khuyến nghị

0
70

Khái niệm về kinh tế phi chính thức

Có thể nói, khu vực kinh tế không chính thức tồn tại như một tất yếu khách quan, luôn chịu sự tác động của các quy luật kinh tế, chính sách phát triển kinh tế – xã hội cũng như hiệu lực của hệ thống pháp luật ở mức độ khác nhau, tùy thuộc vào mỗi quốc gia.

Khu vực này đã trở thành bộ phận cấu thành của nền kinh tế của tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một tên gọi cũng như khái niệm thống nhất về khu vực kinh tế phi chính thức. Do một định nghĩa ngắn gọn không thể diễn đạt hết được tính chất, đặc điểm của khu vực này, nên các nhà kinh tế và tổ chức quốc tế thường chỉ nêu lên đặc điểm chính để nhận dạng qua đó giải thích cho tên gọi và khái niệm mà họ đưa ra.

Chẳng hạn, trên thế giới hiện đang phổ biến một số tên gọi như: Khu vực phi chính thức; Kinh tế Bóng đen; Kinh tế chìm; Kinh tế không được quan sát… Theo các chuyên gia kinh tế, dù tên gọi khác nhau nhưng các khái niệm trên đều phản ánh bản chất hoạt động kinh tế của một khu vực trái ngược với khu vực kinh tế chính thống và không thể phủ nhận nó là một bộ phận rất quan trọng trong nền kinh tế mỗi quốc gia.

Trên thực tế, thuật ngữ “Khu vực kinh tế phi chính thức” đầu tiên do Hart (1973) đề xuất để mô tả một khu vực kinh tế truyền thống ở các nền kinh tế đang phát triển. Nguyên gốc của sự phân biệt giữa khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức là dựa trên sự phân biệt giữa lao động được trả lương và lao động tự làm.

Phạm trù này dần dần được mở rộng để bao quát tất cả các sự thay đổi về công việc do toàn cầu hóa gây ra, do đó đã chuyển từ khái niệm “Khu vực kinh tế phi chính thức” sang khái niệm “Kinh tế phi chính thức”.

Một khái niệm bao trùm cả khu vực kinh tế phi chính thức và việc làm phi chính thức – xuất hiện ở cả hai khu vực kinh tế phi chính thức và và chính thức (ILO, 2002). Nói cách khác, kinh tế phi chính thức gồm khu vực kinh tế phi chính thức và việc làm phi chính thức.

Trong khi đó, quan điểm của Tổ chức Lao động Thế giới (2002) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (2002) lại coi đây là “kinh tế chưa được giám sát” với 3 thành tố sau: Nền kinh tế phi chính thức (thoát khỏi một phần hoặc hoàn toàn các quy định của Nhà nước, đặc biệt là ở các nước đang phát triển: lao động tự làm); Kinh tế ngầm (tránh các quy định của Nhà nước nhằm cố ý khai thấp doanh số; Kiểu chợ đen nhằm tránh kiểm toán thuế) và Kinh tế bất hợp pháp (buôn bán các sản phẩm và dịch vụ bất hợp pháp như ma túy, mại dâm…).

Như vậy, về cơ bản, kinh tế phi chính thức là khu vực mà ở đó tồn tại việc làm phi chính thức, là một tập hợp các đơn vị sản xuất ra sản phẩm vật chất và dịch vụ với mục tiêu nhằm tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho những người có liên quan, đóng góp vào GDP mà khu vực kinh tế chính thức không với tới được. Kinh tế phi chính thức bao gồm nhiều khu vực, nhiều loại hình, nhiều hình thức và đối tượng hoạt động.

Khu vực kinh tế phi chính thức được hiểu ở đây gồm tất cả các hộ sản xuất kinh doanh chưa có tư cách pháp nhân, chưa đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực phi nông, lâm nghiệp, thủy sản nhưng vẫn sản xuất các hàng hóa dịch vụ để bán hoặc trao đổi trên thị trường. Còn việc làm phi chính thức được hiểu là việc làm không có bảo hiểm xã hội, nghĩa là việc làm của cả khu vực kinh tế phi chính thức và có thể một phần việc làm của khu vực kinh tế chính thức.

Như vậy có thể thấy, kinh tế phi chính thức sẽ bao gồm cả khu vực kinh tế phi chính thức và việc làm phi chính thức. Thông thường ở các nước đang phát triển, khu vực kinh tế phi chính thức đã giúp 60% lao động tìm được cơ hội việc làm, còn ở Việt Nam hiện 82% việc làm có thể coi là việc làm phi chính thức.

Tại Việt Nam, khái niệm về khu vực kinh tế phi chính thức cũng chưa có sự thống nhất, do việc thống kê không hề đơn giản. Năm 2006, khái niệm kinh tế phi chính thức được nhắc đến tại Việt Nam, khi Tổng cục Thống kê cùng phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD-DIAL) thực hiện một số dự án nhằm xây dựng một hệ thống thông kê để đo lường khu vực kinh tế phi chính thức của Việt Nam.

Mới đây, trong Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trình Thủ tướng Chính phủ, cơ quan này cho rằng, cần phải làm rõ khái niệm khu vực kinh tế chưa được quan sát, trên cơ sở quan điểm gồm 5 thành tố như sau:

– Thứ nhất, các hoạt động kinh tế ngầm, đây là những hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu diếm có chủ ý nhằm tránh phải nộp thuế (thuế thu nhập, thuế GTGT), đóng bảo hiểm xã hội và thực hiện các quy định của Nhà nước. Ví dụ, về mức lương tối thiểu, số giờ làm việc tối đa, điều kiện sức khỏe cho người lao động… tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính cũng như thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo thống kê.

– Thứ hai, các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, bao gồm các hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm, ví dụ như sản xuất, buôn bán ma túy, mại dâm, buôn người… Các hoạt động kinh tế không bị pháp luật cấm nhưng do các nhà sản xuất trái phép thực hiện cũng thuộc vào các hoạt động kinh tế bất hợp pháp.

– Thứ ba, hoạt động của các đơn vị sản xuất kinh doanh tham gia quá trình sản xuất hàng hóa, dịch vụ với mục tiêu cơ bản là tạo công ăn việc làm, thu nhập cho những người thực hiện hoạt động kinh tế đó.

Các hoạt động này thường hoạt động quy mô nhỏ, tổ chức sản xuất đơn giản, chưa phân định rõ ràng giữa lao động và vốn của cơ sở kinh doanh với hộ gia đình. Mối quan hệ giữa người lao động và sử dụng lao động dựa trên nền tảng tạm thời, gia đình không dựa trên hợp đồng chính thức.

– Thứ tư, hoạt động kinh tế hộ gia đình, tự sản tự tiêu của hộ gia đình, bao gồm các hoạt đông sản xuất của hộ gia đình tạo ra sản phẩm để tự tiêu dùng và tích lũy cho chính những thành viên trong gia đình (như trồng trọt, chăn nuôi, hoạt động tạo ra sản phẩm vật chất khác phục vụ nhu cầu trong hộ gia đình), các hoạt động xây nhà để ở, tự sửa chữa nhà, tự tích lũy tài sản cố định khác, hoạt động giúp việc cho gia đình.

Cần lưu ý, một số hoạt động phục vụ đời sống hằng ngày (như nấu cơm, lau nhà, giặt quần áo…) nếu được thực hiện bằng hình thức thuê người ngoài làm thì được tính là hoạt động kinh tế phi chính thức.

– Thứ năm: Là hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản, bao gồm cả các hoạt động kinh tế đáng lý phải thu thập thông tin nhưng bị bỏ sót trong quá trình thu thập số liệu do điều tra không bao phủ đầy đủ phạm vi hoặc đối tượng điều tra không hợp tác…

Vài nét về kinh tế phi chính thức ở Việt Nam

Hoạt động kinh tế phi chính thức xuất hiện khắp mọi nơi ở Việt Nam và phát triển mạnh mẽ. Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế phi chính thức ở Việt Nam chiếm không tới 30% GDP như nhận định lâu nay của các chuyên gia kinh tế.

Theo tính toán của cơ quan này, tỷ lệ đóng góp của khu vực phi chính thức đã được quan sát trong chỉ tiêu GDP cả nước năm 2015 là 14,34%; Hoạt động tự sản, tự tiêu hộ gia đình đã được quan sát là 2,09%. Đối với hoạt động kinh tế bị bỏ sót do Chương trình thu thập dữ liệu cơ bản, Tổng cục Thống kê đang thực hiện rà soát, điều chỉnh trong quy mô GDP dựa vào kết quả các cuộc Tổng điều tra.

Theo Tổ chức Lao động Thế giới, người lao động phi chính thức ở Việt Nam thường có thu nhập thấp và không thường xuyên, giờ làm việc dài và ít tiếp cận với các cơ hội phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

Do họ không được công nhận, đăng ký hay quản lý vì vậy họ không được bảo vệ bởi các thể chế của thị trường lao động, người lao động trong khu vực phi chính phải đối mặt với nguy cơ trở thành “tầng lớp lao động nghèo”. Kinh nghiệm cho thấy, người lao động trong khu vực kinh tế phi chính và gia đình họ hay phải chịu thiệt thòi vì không được điều chỉnh bởi pháp luật lao động.

Trong khi là một nguồn quan trọng tạo việc làm và cơ hội thu nhập cho nhiều người Việt, đời sống của người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam có đặc điểm chủ yếu là thu nhập thấp, điều kiện lao động không đảm bảo, khiến cho họ dễ bị tổn thương hơn trước các tác động bên ngoài. Đối với yêu cầu về an toàn và sức khỏe liên qua tới điều kiện làm việc, họ không được nhận hỗ trợ từ các chương trình trợ cấp xã hội.

Thêm vào đó, tiếng nói của người lao động trong khu vực phi chính thức ít khi được nhắc đến trong quá trình quyết định các chính sách. Doanh nghiệp trong nền kinh tế chính thức phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành lạnh từ khu vực phi chính do giá cả hàng hóa và dịch vụ được cắt giảm bởi họ không đóng góp vào bảo hiểm xã hội cũng như thuế.

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã và đang nỗ lực để mở rộng sự bảo vệ đến nhóm lao động này thông qua cải thiện khuôn khổ pháp luật quốc gia và phát triển chính sách nhằm giải quyết các thách thức của nền kinh tế phi chính thức.

Cụ thể, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy quá trình chính thức hóa nền kinh tế như chuyển hộ sản xuất, kinh doanh sang thành lập, đăng ký và hoạt động theo các hình thức doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho việc thành lập mới doanh nghiệp, khuyến khích khởi sự doanh nghiệp, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014. Nhờ đó, tỷ trọng lao động phi chính thức ở Việt Nam đã giảm từ 58,8% năm 2014, xuống 58,3% năm 2015 và 57,2% năm 2016.

Tuy nhiên, thống kê mới đây của Vụ Thống kê dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho thấy, quy mô lao động phi chính thức ở Việt Nam tiếp tục tăng lên trong cùng thời gian. Năm 2016, tổng số lao động phi chính thức ở Việt Nam là hơn 18,01 triệu người, tăng 2,8% so với năm 2015; trong đó, nữ chiếm hơn 7,8 triệu người, tương đương 43,56%.

Khu vực phi chính thức có những đặc điểm dễ nhận thấy như: lao động trong khu vực này có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thỏa thuận miệng, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác cho người lao động… Trong số 21 ngành kinh tế được Vụ Thống kê dân số và Lao động khảo sát, 4 ngành có tỷ lệ lao động phi chính thức cao nhất là: Làm thuê trong các hộ gia đình (gần 99%), xây dựng (hơn 90%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (hơn 80%), hoạt động dịch vụ khác (trên 83%).

Tỷ lệ qua đào tạo của lao động phi chính thức khá thấp, chỉ khoảng gần 15%, thấp hơn mức chung của lao động có việc làm trong toàn bộ nền kinh tế 5,7 điểm phần trăm và thấp hơn so với lao động chính thức là 17,4 điểm phần trăm.

Gần 98% lao động khu vực phi chính thức không được đóng bảo hiểm xã hội… Nhìn về trung và dài hạn, khu vực lao động phi chính thức còn phải chịu sức ép gián tiếp từ cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đang hình thành ngày càng rõ nét. Trong đó, hai yếu tố chính đáng lưu ý đó là trí thông minh nhân tạo (AI) và robot – công nghệ tự động hóa.

Việc robot tham gia vào các dây chuyền sản xuất hay AI thay người lái xe, lái máy bay làm dịch vụ giao nhận hàng… đã được thí nghiệm thành công và từng bước ứng dụng vào thực tế, sẽ làm cho hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức co hẹp lại.

Hiện nay, các hoạt động của các hộ sản xuất kinh doanh trong khu vực kinh tế phi chính thức đang trong điều kiện rất tạm bợ, khó tiếp cận tới các dịch vụ công. Các hộ sản xuất kinh doanh phi chính thức thiếu nơi sản xuất kinh doanh và đây là nguyên nhân chính ngăn cản các hộ sản xuất kinh doanh phi chính thức thức tăng quy mô lao động của mình lên.

Bảng 1: 3 thành tố của kinh tế chưa được quan sát

STT

Thành tố

Chi tiết

1 Nền kinh tế phi chính thức Thoát khỏi một phần hoặc hoàn toàn các quy định của Nhà nước, đặc biệt là ở các nước đang phát triển: lao động tự làm
2 Kinh tế ngầm Tránh các quy định của Nhà nước nhằm cố ý khai thấp doanh số; Kiểu chợ đen nhằm tránh kiểm toán thuế.
3 Kinh tế bất hợp pháp Buôn bán các sản phẩm và dịch vụ bất hợp pháp như ma túy, mại dâm…

Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, hiện cả nước có 4,9 triệu hộ kinh doanh cá thể, sử dụng khoảng 8,2 triệu lao động. Không dễ để chuyển được hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp do chi phí thuế, lao động và các khoản chi không chính thức khác… khi trở thành doanh nghiệp còn cao.

Ngoài ra, các hộ kinh doanh cá thể còn thiếu khả năng tiếp cận thị trường, vốn, công nghệ để trở thành doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng bởi mang danh “phi chính thức”. Hầu hết các hộ kinh doanh cá thể sử dụng vốn tự có hoặc đi vay bạn bè, người thân thay vì từ những kênh chính thức.

Hơn nữa, hộ kinh doanh cá thể còn thiếu về kỹ năng quản lý để trở thành doanh nghiệp. Đa số các hộ kinh doanh cá thể không có kỹ năng kế toán. Cụ thể, có tới 62% hộ kinh doanh cá thể tại Hà Nội và 79% tại TP. Hồ Chí Minh không có hồ sơ hoặc không ghi chép kế toán, dù chỉ là ghi chép đơn giản.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát. Mục tiêu của Đề án là nhằm xây dựng phương pháp luận và tiến hành đánh giá kết quả sản xuất của các hoạt động kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ quy mô của nền kinh tế theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.

Theo lộ trình thực hiện của Tổng cục Thống kê, năm 2018, Tổng cục Thống kê sẽ nghiên cứu phương pháp luận và tiến hành đánh giá thử nghiệm kết quả sản xuất của các hoạt động kinh tế chưa được quan sát ở Việt Nam.

Từ năm 2019 trở đi, sẽ hoàn thiện phương pháp luận, chính thức biên soạn và tích hợp kết quả sản xuất của khu vực kinh tế chưa được quan sát trong tổng sản phẩm trong nước và tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… Việc tìm hiểu nghiên cứu đánh giá về khu vực kinh tế phi chính thức là rất cần thiết để giúp cho các nhà quản lý đưa ra những chính sách phù hợp thời gian tới.

Một số kiến nghị

Theo các chuyên gia kinh tế, kinh tế phi chính thức đang gánh vai trò của nó là tạo việc làm cho hàng triệu lao động, hấp thụ số lao động dôi dư trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế như hiện tượng lao động các nhà máy, khu công nghiệp trở về quê làm nông, hoặc buôn bán trên vỉa hè.

Tuy nhiên, lâu nay, Việt Nam đang hoạch định chính sách chỉ cho một nhóm mà bỏ qua các thành phần lao động phi chính thức. Các đề án cải cách kinh tế dường như chỉ tập trung vào các điểm nghẽn chính như đầu tư công, tập đoàn nhà nước, khu vực doanh nghiệp nhà nước mà chưa đề cập đến nhóm kinh tế ngầm.

Kinh tế phi chính thức tồn tại khách quan ở Việt Nam và trong những năm tới nó vẫn tiếp tục có tỷ trọng lớn trong lao động ở Việt Nam, vì thế cần phải có chính sách và mục tiêu cho khu vực kinh tế này, trong đó cần phải tính đến tính đa dạng của khu vực kinh tế phi chính thức.

Hiện nay, các quốc gia đều cố gắng kiểm soát nhằm giảm quy mô kinh tế ngầm và có nhiều biện pháp dành cho khu vực kinh tế phi chính thức.

Nền kinh tế càng minh bạch thì càng mang lại nhiều lợi ích xã hội và có thể đạt được điều này bằng cách loại bỏ những gánh nặng quy định pháp luật chồng chéo, làm cho luật pháp trở nên hợp lý hơn, có tính thực thi cao hơn và tạo sân chơi bình đẳng. Nếu môi trường kinh doanh tăng trưởng tốt thì sẽ khuyến khích người dân khởi sự doanh nghiệp, hoạt động mạnh mẽ trong kinh tế chính thức.

Vấn đề hiện nay là Chính phủ cần phải làm sao để tỷ lệ của khu vực phi chính thức, đặc biệt là kinh tế ngầm ngày càng giảm đi để chuyển sang khu vực kinh tế chính thức. Do vậy, trong thời gian tới cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý hỗ trợ khu vực kinh tế phi chính thức, đồng thời tăng cường năng lực thực thi pháp luật và trách nhiệm hành chính. Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, khuôn khổ pháp luật hiện hành ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập.

Chẳng hạn như, cơ chế phê duyệt và thủ tục cấp giấy phép vẫn còn phức tạp do sự chồng chéo, không phân định rạch ròi trách nhiệm giữa các cơ quan, khiến doanh nghiệp tốn thời gian và tiền bạc, khiến họ chán nản dù không phủ nhận được những nỗ lực cải cách hành chính trong thời gian qua của các bộ, ngành.

Chính những bất cập này có thể càng khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động không chính thức, trong khi lại kìm hãm sự tăng trưởng của khu vực chính thức.

Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý hỗ trợ khu vực kinh tế phi chính thức, cần tăng cường năng lực thực thi pháp luật và trách nhiệm hành chính, từ đó cải thiện mối quan hệ của các cơ quan hành chính với khu vực kinh doanh.

Hai là, cần có chính sách khuyến khích các hoạt động kinh tế phi chính thức vươn lên để gia nhập khu vực chính thức, trong đó tập trung vào việc ban hành các chương trình hành động cụ thể khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể phát triển thành doanh nghiệp.

Hiện nay, nước ta đang tạo mọi điều kiện để khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể nâng lên thành doanh nghiệp với mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020.

Việt Nam vẫn đang phổ biến mô hình kinh tế gia đình, buôn bán vỉa hè, chủ tiệm tạp hóa… Cần phổ biến thông tin để người dân dần thay đổi tập quán cũng như mô hình kinh doanh. Việc này sẽ giúp tránh được thực trạng thất thu thuế hiện nay.

Đây cũng là lý do khiến các hộ kinh doanh cá thể lẩn tránh được việc nộp thuế, khiến ngân sách nhà nước thất thu… Do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục chuyển đổi; Giảm bớt gánh nặng về chế độ kế toán; Có chính sách hỗ trợ về thuế, vốn, công nghệ… để đối với các hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp.

Ba là, tạo sân chơi bình đẳng cho các đối tượng trong nền kinh tế. Mặc dù, hiện nay chúng ta đã có những bước tiến quan trọng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Để tạo sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, các cải cách cần bao gồm các hoạt động như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đa dạng hóa các loại hình sở hữu và quản lý một cách có hiệu quả tài sản nhà nước, từ đó tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn trong khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính và nguồn lực đất đai một cách bình đẳng hơn.

Hơn nữa, hiện nay, Việt Nam xác định khu vực kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, do vậy, các doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cần có môi trường để phát triển.

Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình cải cách phát triển kinh tế nhằm hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển, từ đó góp phần nâng đáng kể tỷ trọng tính minh bạch trong mọi hoạt động của doanh nghiệp tư nhân cũng như doanh nghiệp nhà nước, hạn chế đến mức thấp nhất các hoạt động không chính thức của các doanh nghiệp như hiện nay…

Bốn là, tăng cường thực thi pháp luật lao động trong khu vực chính thức nhằm chuyển số lao động không có hợp đồng thành lao động chính thức. Có chính sách đào tạo nghề hiệu quả, tăng cường sự trợ giúp pháp lý cũng như tăng tính hiệu quả, hấp dẫn của bảo hiểm xã hội, tự nguyện để giúp một phần lao động phi chính thức hiện nay chuyển dịch sang khu vực chính thức.

Ngoài ra, hiện nay, dù giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và giải quyết việc làm tại Việt Nam nhưng nhóm đối tượng này vẫn bị bỏ quên trong nhiều chính sách của Nhà nước, ít nhận được sự bảo vệ của công đoàn và pháp luật.

Chính phủ cần tăng cường chính sách công và sự bảo vệ đối với lao động phi chính thức, đồng thời thiết kế các chế độ bảo đảm công bằng với bảo hiểm xã hội bắt buộc. Có thể hình thành các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ một phần kinh phí để người lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng như sự linh hoạt trong mức đóng, phương thức đóng…

THS. ĐINH THỊ LUYỆN – ĐẠI HỌC TÀI CHÍNH QUẢN TRỊ KINH DOANH
Nguồn: 
Tapchitaichinh.vn

 

 

 

 

 

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here