- Đặt vấn đề
FDI có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế quốc gia, ảnh hưởng tới nền kinh tế ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội. Thời gian qua, các công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế được thực hiện chủ yếu đối với tổng thể quốc gia, như các nghiên cứu của Blomstrom et al. (1994), Agrawal (2000); Aviral Kumar Tiwari (2011); Roman và Padureanu (2012)… Kết quả của các nghiên cứu cho thấy tồn tại mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế. Nhìn chung, các nghiên cứu đều chỉ ra tính tích cực của mối quan hệ giữa FDI đến tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn có những nghiên cứu cho thấy FDI ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Như vậy, các kết quả nghiên cứu vẫn chưa thống nhất với nhau về ảnh hưởng của FDI đến tăng trưởng kinh tế. Xuất phát từ thực trạng đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm xem xét một cách toàn diện ảnh hưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia trong khu vực ASEAN+3.
- Cơ sở lý thuyết về tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế
* Lý thuyết tăng trưởng ngoại sinh
Lý thuyết tăng trưởng ngoại sinh, thường được gọi là mô hình tăng trưởng tân cổ điển hoặc mô hình tăng trưởng Solow-Swan đi tiên phong bởi Solow (1956). Lý thuyết này cho rằng kinh tế tăng trưởng được tạo ra thông qua các yếu tố ngoại sinh của các chức năng sản xuất như tích lũy vốn và lao động. Barro và Sala-I-Martin (2004) chứng minh rằng, có mối quan hệ tích cực giữa tăng trưởng kinh tế và tích lũy vốn theo thời gian. Lý thuyết tăng trưởng ngoại sinh cho rằng, FDI làm gia tăng vốn ở nước sở tại và sau đó thúc đẩy kinh tế tăng trưởng hướng tới trạng thái ổn định mới bằng cách tích tụ vốn. Theo lý thuyết tăng trưởng ngoại sinh thì FDI tác động đến tăng trưởng kinh tế thông qua tác động đến đầu tư trong nước (Herzer et al., 2008).
* Lý thuyết tăng trưởng nội sinh
Vào giữa những năm 1980, lý thuyết tăng trưởng ngoại sinh đã trở thành lý thuyết không phù hợp trong việc giải thích các yếu tố quyết định tăng trưởng dài hạn (Barro và Sala-I-Martin, 1995). Vì vậy, lý thuyết tăng trưởng nội sinh, tiên phong bởi Romer (1986), trong đó tập trung vào hai yếu tố: tăng trưởng kinh tế có nguồn gốc từ nguồn nhân lực và sau đó từ thay đổi công nghệ.
Lý thuyết tăng trưởng nội sinh xác định tăng trưởng kinh tế bằng việc giới thiệu quy trình sản xuất công nghệ mới ở nước sở tại và FDI được giả định là hiệu quả hơn đầu tư trong nước (Herzer et al., 2008). Do đó, FDI tăng cường tăng trưởng kinh tế thông qua sự lan tỏa công nghệ, dịch chuyển lao động, đào tạo kỹ năng quản lý và sắp xếp tổ chức (Romer, 1990; Barro và Sala-I-Martin, 1995; De Jager, 2004). Kết quả là, đầu tư nước ngoài có thể làm tăng năng suất nền kinh tế chủ nhà và sau đó FDI có thể được coi như là chất xúc tác của đầu tư trong nước và tiến bộ công nghệ.
Về mặt lý thuyết, FDI có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng nhiều cách khác nhau (Herzer et al., 2008). Một số nhà nghiên cứu cho rằng, những tác động của FDI tới tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ có hai phần (De Mello, 1999; Kim và Seo, 2003). Thứ nhất, FDI có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thông qua tích lũy vốn bằng cách giới thiệu hàng hóa mới và công nghệ nước ngoài. Quan điểm này xuất phát từ lý thuyết tăng trưởng ngoại sinh. Thứ hai, FDI có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua công tác nghiên cứu phát triển ở nước sở tại về chuyển giao kiến thức. Quan điểm này xuất phát từ lập luận của lý thuyết tăng trưởng nội sinh. Vì vậy, FDI về mặt lý thuyết có thể đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế thông qua việc tăng tích lũy vốn, lan truyền công nghệ và sự tiến bộ (Herzer et al., 2008). Kết luận này cho thấy, FDI có thể góp phần phát triển kinh tế và hứa hẹn lợi ích tiềm năng để phát triển ở nước tiếp nhận đầu tư
- Phương pháp nghiên cứu
3.1. Mô hình nghiên cứu
Trên cơ sở các mô hình nghiên cứu thực nghiệm về tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế (Herzer et al., 2008; Sajid A., Lan N. P, 2011; Aviral Kumar Tiwari (2011); Roman và Padureanu, 2012; …), mô hình hồi quy bội được xây dựng có dạng:
Yit: = ß0 + ß1(Yit-1)+ ß2(Kit)+ ß3(Lit)+ ß4(FDIit)+ ß5(EXit)+ ß6(INFit) + µit (1)
Trong đó:
– Yit: Đại diện cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia i vào năm t, được tính bằng logarit tự nhiên của GDP bình quân đầu người của quốc gia i vào năm t.
– Yit-1: Độ trễ một thời đoạn của biến phụ thuộc Yit.
– Kit: Đại diện cho vốn đầu tư trong nước của quốc gia i vào năm t, được tính bằng logarit tự nhiên của vốn đầu tư trong nước của quốc gia i vào năm t.
– Lit: Đại diện cho lực lượng lao động của quốc gia i vào năm t, được tính bằng logarit tự nhiên của lực lượng lao động của quốc gia i vào năm t.
– FDIit: Đại diện cho vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của quốc gia i vào năm t, được tính bằng logarit tự nhiên của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của quốc gia i vào năm t.
– EXit: Đại diện cho giá trị xuất khẩu của quốc gia i vào năm t, được tính bằng logarit tự nhiên của giá trị xuất khẩu của quốc gia i vào năm t.
– INFit: Đại diện cho bất ổn kinh tế của quốc gia i vào năm t, được tính bằng tỷ lệ lạm phát của quốc gia i vào năm t.
– i: Là các quốc gia trong khu vực ASEAN+3: 10 quốc gia thành viên trong khu vực ASEAN là: Indonesia; Việt Nam; Malaysia; Myanmar; Lào; Campuchia, Thái lan, Philippines, Brunei, Singapore và 3 quốc gia phát triển ngoài khu vực ASEAN là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Dữ liệu của 13 quốc gia được thu thập tạo ra dữ liệu bảng cân bằng.
– t: Là thời gian, giai đoạn 1997-2016. Để ước lượng mô hình (1) tác giả sử dụng các phương pháp ước lượng dành cho dữ liệu bảng. (Xem bảng 1)
Bảng 1. Tổng hợp các biến trong mô hình nghiên cứu
Biến |
Ký hiệu |
Đo lường |
Biến phụ thuộc | ||
Tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia qua các năm |
Ingdp |
|
Vốn đầu tư trong nước qua các năm | ||
Lực lượng lao động của nền kinh tế qua các năm |
Inl |
|
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài qua các năm | ||
Xuất khẩu của nền kinh tế qua các năm |
Inex |
|
Bất ổn kinh tế |
INF |
Tỷ lệ lạm phát các quốc gia qua các năm |
Nguồn: tổng hợp của tác giả
3.2. Phương pháp ước lượng
Để ước lượng các mô hình nghiên cứu, đề tài sử dụng các phương pháp ước lượng cho dữ liệu bảng gồm tác động cố định (Fixed Effects), tác động ngẫu nhiên (Random Effects), bình phương tối thiểu tổng quát khả thi (Feasible Generalized Least Squares). Tuy nhiên, với mô hình (1) khi đưa vào các biến trễ thì ước lượng FE sẽ bị chệch khi mô hình có chuỗi thời gian T của dữ liệu bảng nhỏ (Judson et al., 1996). Bên cạnh đó, các ước lượng truyền thống thường không giải quyết được hiện hiện tượng nội sinh trong mô hình.
Để khắc phục các hiện tượng này sử dụng ước lượng GMM sai phân (Difference Generalized Method of Moments-DGMM) của Arellano-Bond (1991) dựa trên cơ sở được đề xuất bởi Holtz-Eakin, Newey & Rosen (1988). Ngoài ra, ước lượng theo phương pháp GMM sai phân của Arellano-Bond được thiết kế thích hợp cho dữ liệu bảng với T nhỏ và mảng không gian nhỏ (N = 13) (Judson et al., 1996; Roodman, 2006). Tóm lại, phương pháp cho dữ liệu bảng năng động sử dụng các độ trễ thích hợp của các biến được công cụ (instrumented variables) để tạo nên các biến công cụ (instruments). Ngoài ra, GMM còn khai thác dữ liệu gộp của bảng và ràng buộc độ dài chuỗi dữ liệu thời gian của các đơn vị bảng trong bảng dữ liệu. Từ đó, cho phép sử dụng một cấu trúc trễ thích hợp để khai thác đặc tính năng động của dữ liệu.
Các kiểm định độ tin cậy của mô hình đã được chúng tôi thực hiện bao gồm:
Kiểm định sự tự tương quan của phần dư: Theo Arellano & Bond (1991), ước lượng GMM yêu cầu có sự tương quan bậc 1 và không có sự tương quan bậc 2 của phần dư. Do vậy, khi kiểm định giả thuyết H0: không có sự tương quan bậc 1 (kiểm định AR(1)) và không có sự tương quan bậc 2 của phần dư (kiểm định AR(2)), chúng ta bác bỏ H0 ở kiểm định AR (1) và chấp nhận H0 ở kiểm định AR (2) thì mô hình đạt yêu cầu.
Kiểm tra tính phù hợp của mô hình và các biến đại diện: Tương tự các mô hình khác, sự phù hợp của mô hình có thể được thực hiện thông qua kiểm định F. Kiểm định F sẽ kiểm tra ý nghĩa thống kê cho các hệ số ước lượng của biến giải thích với giả thuyết H0: tất cả các hệ số ước lượng trong phương trình đều bằng 0, do đó để mô hình phù hợp thì phải bác bỏ giả thuyết H0. Ngoài ra, kiểm định Sargan/Hansen còn được sử dụng để kiểm tra giả thuyết H0: các biến công cụ là phù hợp. Khi chấp nhận giả thuyết H0 nghĩa là các biến công cụ được sử dụng trong mô hình là phù hợp.
3.3. Dữ liệu nghiên cứu
Do giới hạn về số liệu được công bố nên nghiên cứu dự kiến tiến hành tại 13 quốc gia trong khu vực ASEAN+ 3 được thu thập từ năm 1997 đến năm 2016.
Theo nguyên tắc kinh nghiệm kích thước mẫu tối thiểu phải gấp 5 lần số biến trong mô hình (Nguyễn Đình Thọ, 2011). Mô hình nghiên cứu thực nghiệm bao gồm 6 biến, như vậy kích thước mẫu tối thiểu là 30 quan sát. Với dữ liệu bảng bao gồm 13 quốc gia trong khu vực ASEAN + 3 được thu thập từ năm 1997 đến năm 2016, như vậy mẫu nghiên cứu bao gồm 13 x 20 = 260 quan sát và đáp ứng yêu cầu về độ phù hợp. Dữ liệu thứ cấp về các biến trong mô hình nghiên cứu được tác giả thu thập từ dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WorldBank) trong giai đoạn 1997 – 2016.
- Kết quả nghiên cứu
Để đánh giá tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia ASEAN+3, tác giả tiến hành ước lượng mô hình (1) với các phương pháp: Tác động cố định (fixed effects), tác động ngẫu nhiên (random effects), bình phương tối thiểu tổng quát khả thi (FGLS), phương pháp GMM. (Xem Bảng 2)
Bảng 2 cho thấy kết quả ước lượng mô hình đánh giá tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia ASEAN+3 có tính hội tụ cao.
Kiểm định Hausman có giá trị p-value nhỏ hơn mức ý nghĩa 5% cho thấy mô hình được ước lượng theo phương pháp tác động cố định hiệu quả hơn mô hình được ước lượng theo phương pháp tác động ngẫu nhiên. Tuy nhiên, kiểm định Wooldridge đối với hiện tượng tự tương quan và kiểm định Wald đối với hiện tượng phương sai thay đổi cho thấy mô hình được ước lượng theo phương pháp tác động cố định có hiện tượng tự tương quan và phương sai thay đổi. Để khắc phục các hiện tượng này, mô hình được ước lượng theo phương pháp bình phương tối thiểu tổng quát khả thi. Kết quả ước lượng mô hình theo phương pháp này cho thấy hệ số hồi quy của các biến độ trễ của GDP bình quân đầu người, FDI, vốn đầu tư trong nước, lực lượng lao động và giá trị xuất khẩu đều có giá trị p-value nhỏ hơn mức ý nghĩa 1%. Như vậy các biến độ trễ của GDP bình quân đầu người, FDI, vốn đầu tư trong nước, lực lượng lao động và giá trị xuất khẩu đều tác động có ý nghĩa thống kê đến tăng trưởng kinh tế.
Hệ số hồi quy của biến lnFDI là 0.0348682 có ý nghĩa thống kê tại mức 1% và mang giá trị dương. Điều này cho thấy FDI có tác động tích cực làm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trong khu vực ASEAN+3. Cụ thể, khi FDI gia tăng 1% thì tăng trưởng kinh tế gia tăng 0.03%.
Mặc dù, kết quả ước lượng bằng phương pháp bình phương tối thiểu tổng quát khả thi cho thấy tác động tích cực của FDI đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia ASEAN+3. Tuy nhiên, kết quả này cũng có thể bị ảnh hưởng bởi hiện tượng nội sinh thường xảy ra trong các dữ liệu kinh tế. Để đảm bảo độ tin cậy của kết quả, tác giả tiếp tục ước lượng mô hình (1) bằng phương pháp DGMM nhằm khắc phục các hiện tượng nội sinh có thể xảy ra. Theo Arellano & Bond (1991), ước lượng DGMM yêu cầu có sự tương quan bậc 1 và không có sự tương quan bậc 2 của phần dư. Kết quả ước lượng (4) cho thấy p-value của kiểm định AR1 có giá trị nhỏ hơn mức ý nghĩa 10% và p-value của kiểm định AR2 có giá trị lớn hơn mức ý nghĩa 10%, như vậy, ước lượng GMM thỏa mãn yêu cầu. Bên cạnh đó, kiểm định Hansen có giá trị p-value lớn hơn mức ý nghĩa 10% cho thấy các biến công cụ sử dụng là phù hợp.
Kết quả ước lượng mô hình (1) bằng phương pháp DGMM cho thấy hệ số hồi quy của các biến độ trễ của GDP bình quân đầu người, FDI, vốn đầu tư trong nước đều có giá trị p-value nhỏ hơn mức ý nghĩa 5%. Như vậy, các biến độ trễ của GDP bình quân đầu người, FDI, vốn đầu tư trong nước đều tác động có ý nghĩa thống kê đến tăng trưởng kinh tế. Hệ số hồi quy của biến lnFDI là 0.027333 có ý nghĩa thống kê tại mức 5% và mang giá trị dương. Điều này cho thấy FDI có tác động tích cực làm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trong khu vực ASEAN+3. Cụ thể, khi FDI gia tăng 1% thì tăng trưởng kinh tế gia tăng 0.03%. Kết quả này tương đối phù hợp với kết quả thu được từ phương pháp bình phương tối thiểu tổng quát khả thi.
- Kiến nghị
Dựa vào các kết quả phân tích, tác giả đề xuất một số kiến nghị đối với Việt Nam nhằm tăng cường thu hút FDI để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các kiến nghị được trình bày theo nhóm dưới đây.
* Tiếp tục đổi mới tư duy và đổi mới cách tiếp cận trong xây dựng chính sách đầu tư nước ngoài cho giai đoạn tới
Bên cạnh công nhận khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế, thì việc thực hiện các cam kết về hội nhập và điều chỉnh luật lệ cho phù hợp với qui định và nguyên tắc của thế giới sẽ ảnh hưởng tích cực tới thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vì vậy cần tính đến bối cảnh toàn cầu hóa và cần được xây dựng trên cơ sở xác định rõ các mục tiêu trung và dài hạn để có những giải pháp mang tính kết hợp và có tính chuyển tiếp, hỗ trợ cho nhau. Ví dụ, trong giai đoạn tới, thu hút FDI về chiều rộng cần được tiếp tục (do nhiều lý do khác nhau). Nhưng về lâu dài, để thu hút các nhà đầu tư lớn Việt Nam cần chuẩn bị nâng cao năng lực theo nghĩa rộng như cải thiện môi trường đầu tư, tăng trình độ của lực lượng lao động, tăng năng lực về R&D… Để đạt mục tiêu này thì cần thực hiện ngay từ bây giờ. Tiếp tục mở rộng hoạt động xúc tiến đầu tư ra nước ngoài và ở trong nước, tạo môi trường cho trao đổi thông tin giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giữa các nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan liên quan.
* Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài để có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực về thu hút FDI
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, áp lực cạnh tranh sẽ không giảm mà còn tăng. So với các nước trong khu vực, môi trường đầu tư của Việt Nam đang kém cạnh tranh hơn. Vì vậy, cải thiện môi trường đầu tư là hết sức quan trọng và cần thiết. Việc đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư nhằm mục đích chính là lợi nhuận. Do đó, ở đâu có điều kiện thuận lợi hơn, hấp dẫn hơn, chi phí đầu tư và kinh doanh thấp hơn cho đầu tư hiệu quả (lợi nhuận) sẽ thu hút FDI nhiều hơn. Về phía nước sở tại, khía cạnh tạo việc làm, tạo môi trường cho chuyển giao công nghệ và tạo sự ổn định cho kinh doanh lâu dài của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là mục tiêu của cải thiện môi trường đầu tư. Nghiên cứu cho rằng các chính sách cần tập trung vào hai vấn đề:
Thứ nhất, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trước hết cần nhanh chóng xóa bỏ sự phân biệt đối xử và tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro (xuất hiện do thay đổi chính sách, do bất ổn vĩ mô, do không đảm bảo quyền sở hữu, do tính thực thi hợp đồng kém v.v.).
Thứ hai, nhanh chóng hoàn thiện thị trường các nhân tố sản xuất, trước hết là thị trường vốn, thị trường lao động và thị trường bất động sản. Các nhà đầu tư nước ngoài thường đến từ các nước có nền kinh tế thị trường và các thị trường nhân tố vận hành khá hiệu quả. Tức là, khả năng tiếp cận các nhân tố sản xuất là dễ dàng và có thể sử dụng linh hoạt xét về phạm vi giá cả, không gian và thời gian. Sự kém phát triển của các thị trường này ở Việt Nam đang là một yếu điểm lớn và là một nguyên nhân đẩy chi phí sản xuất lên cao và giảm cơ hội tận dụng thời cơ kinh doanh.
* Tạo cơ hội và khả năng hấp thụ các tác động tích cực của FDI cho các ngành, vùng trong nước
Thay vì khuyến khích thu hút FDI vào một số ngành như hiện nay, có lẽ nên quy định một số lĩnh vực cấm đầu tư và cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực còn lại. Nhanh chóng thực hiện chương trình cổ phần hóa DNNN, tạo cơ hội và mở cửa hơn nữa cho sự gia nhập thị trường của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong nước trong một số ngành mà hiện nay vẫn do DNNN chủ yếu nắm giữ. Đồng thời, thực hiện tốt cam kết về giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan theo lộ trình hội nhập và tiến trình tự do hóa thương mại, qua đó tạo áp lực về cạnh tranh cho tất cả các doanh nghiệp và giảm thiểu mức độ bảo hộ đối với một số ngành đang được ưu đãi. Các biện pháp trên đây sẽ làm giảm mức độ tập trung của FDI vào một số ngành sản xuất thay thế nhập khẩu, thu hút nguồn vốn này vào tất cả các ngành, qua đó tạo cơ hội để có được tác động lan tỏa cho các doanh nghiệp trong nước và nền kinh tế.
* Thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhằm thu hút các công ty đa quốc gia lớn có tiềm năng về công nghệ và tận dụng tối đa thế mạnh về R&D của các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam
Nhanh chóng cải cách các tổ chức R&D của nhà nước nhằm tăng năng lực của các tổ chức này, kể cả nhân lực sao cho đủ khả năng tiếp thu kiến thức và tiến bộ công nghệ mới. Một mặt, luôn cập nhật, phân tích và xử lý thông tin về các công ty lớn, nhất là công ty có khả năng về R&D hàng đầu trên thế giới, cũng như nghiên cứu chiến lược/kế hoạch về chuyển giao công nghệ, về phạm vi hoạt động và về đổi mới công nghệ của các công ty này. Việc này cần khuyến khích các tổ chức/doanh nghiệp quan tâm, nhưng cũng cần giao cho một cơ quan nhất định để theo dõi và phân tích có hệ thống. Mặt khác, cần học tập kinh nghiệm của các nước về thu hút các công ty nước ngoài có tiềm năng về công nghệ./.
Trần Đình Lý & Lê Hoàng Anh