Giống như công ty hợp danh, công ty hợp vốn đơn giản cũng là công ty “thuộc hình thức của công ty đối nhân”[1], về mặt lịch sử, “vào khoảng thế kỷ thứ XIII, ở các thành phố lớn của một số nước châu Âu có điều kiện địa lý thuận lợi cho việc giao lưu buôn bán, đã xuất hiện các công ty thương mại đổi nhân đầu tiên”[2]. Hệ thống luật công châu Âu lục địa chịu ảnh hưởng rất lớn từ pháp luật của Đức và Pháp vì “Đức là một trong những nước xuất hiện công ty sớm”[3] còn “những hình thức công ty của Pháp gần như là đã tập hợp tất cả những đặc điểm của cách tổ chức công ty của nền kinh tế hàng hóa ở nhiều nước trên thế giới”[4]. Điểm đáng chú ý là hiện nay, pháp luật của các quốc gia này vẫn đang quy định sự tồn tại của loại hình công ty hợp vốn đơn giản.
Còn tại Việt Nam, công ty hợp vốn đơn giản đã từng xuất hiện trong thời kỳ Pháp thuộc và kéo dài cho đến khi chế độ Việt Nam Cộng hòa chấm dứt tại miền Nam[5]. Sau đó, trải qua một số năm không được pháp luật quy định, đến năm 1999, cùng với công ty hợp danh, các dấu hiệu của công ty hợp vốn đơn giản đã xuất hiện trở lại. Bởi lẽ, khi phân tích các đặc điểm của công ty hợp danh có thể thấy rằng, “công ty này bị gắn với một hình thức công ty khác là công ty hợp vốn đơn giản để cùng được gọi là công ty hợp danh”[6]. Cho đến nay, mặc dù Luật Doanh nghiệp đã trải qua khá nhiều lần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, thế nhưng công ty hợp vốn đơn giản và công ty hợp danh vẫn cùng tồn tại trong một chế định pháp luật của công ty hợp danh. Điều này là sự khác biệt rất lớn nếu so với các quốc gia châu Âu khi quy định về loại hình công ty hợp vốn đơn giản. Vì vậy, việc nghiên cứu pháp luật của các quốc gia châu Âu và so sánh với pháp luật Việt Nam hiện nay về công ty hợp vốn đơn giản là rất cần thiết và mang lại nhiều giá trị quan trọng. Bởi qua nghiên cứu có thể có những đóng góp cho việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật doanh nghiệp nói chung cũng như đối với công ty hợp vốn đơn giản nói riêng tại Việt Nam.
- Sự khác biệt giữa pháp luật các quốc gia châu Âu với pháp luật Việt Nam
Trên thực tế, quy định về công ty hợp vốn đơn giản tại một số quốc gia châu Âu có khá nhiều điểm khác biệt so với Luật Doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay (2014). Điều này được thể hiện qua các khía cạnh như:
Thứ nhất, về vấn đề tách bạch rõ ràng hình thức pháp lý giữa công ty hợp vốn đơn giản (limited partnership) với công ty hợp danh (general partnership). Hiện nay, pháp luật của hầu hết các quốc gia châu Âu đều có sự tách bạch rất rõ ràng giữa công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản. Thông thường, dấu hiệu thành viên sẽ là căn cứ để phân biệt ranh giới tồn tại của từng loại hình công ty này. Vì thế, đối với công ty hợp danh, pháp luật chỉ quy định một loại hình thành viên là “thành viên hợp danh”. Còn công ty hợp danh có thêm “thành viên góp vốn” thì đó đã được coi là công ty hợp vốn đơn giản. Hay nói cách khác, công ty hợp danh chỉ có duy nhất loại hình thành viên hợp danh còn công ty hợp vốn đơn giản có cả hai loại hình thành viên là: thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Đây chính là cơ sở để phân biệt sự khác biệt giữa hai loại hình công ty vốn có nhiều điểm chung là công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản.
Mặt khác, nhằm tách bạch rõ ràng hình thức pháp lý của các loại hình công ty đối nhân, trong hệ thống pháp luật doanh nghiệp của các quốc gia châu Âu thường quy định khá nhiều loại hình hợp danh khác nhau. Theo quy định của pháp luật Thụy Điển[7], có ba loại hình của công ty hợp danh đó là: công ty hợp danh đơn giản (simple partnership), công ty hợp danh thương mại (trading partnership) và công ty hợp danh hữu hạn (limited partnership). Tại Đức, công ty đối nhân bao gồm hai loại: công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản[8]. Hay ở Pháp, “nhóm các công ty trách nhiệm vô hạn có đăng ký và có tư cách pháp nhân gồm ba loại sau: công ty dân sự; công ty hợp danh; công ty hợp tư đơn giản (công ty hợp vốn đơn giản)[9]. Cũng tại Pháp, để phân biệt rõ ràng hai loại hình khác nhau của công ty hợp vốn: công ty hợp vốn đơn giản (trong đó các thành viên xuất vốn được lựa chọn thiên về nhân thân và là người có các phần vốn góp của công ty); và công ty hợp vốn cổ phần (các thành viên xuất vốn có các quyền có thể được chuyển nhượng tức là cổ phần, tình trạng của thành viên xuất vốn gần giống như tình trạng của cổ đông trong các công ty cổ phần)[10]. Còn ở Đức, công ty hợp vốn đơn giản và công ty hợp vốn cổ phần cũng được pháp luật phân biệt rất rõ ràng: “Công ty hợp vốn cổ phần là sự kết hợp cấu trúc của công ty cổ phần và công ty hợp vốn đơn giản. Công ty được phép phát hành cổ phần để huy động vốn của công chúng theo các quy định của pháp luật chứng khoán”[11].
Trái ngược với các quốc gia châu Âu, pháp luật tại Việt Nam hiện nay quy định: “Công ty hợp danh phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn… thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty”[12]. Căn cứ vào dấu hiệu thành viên góp vốn, có thể thấy rằng đây không chỉ là công ty hợp danh mà còn là công ty họp vốn đơn giản. Do Luật Doanh nghiệp chưa có sự “tách bạch rõ ràng hình thức pháp lý giữa công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản”[13] nên các quy định về công ty hợp danh hiện nay gộp chung cả công ty hợp vốn đơn giản. Tuy nhiên, quy định gộp chung như vậy “là chưa phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn bởi vì sự tách bạch giữa hai hình thức hợp danh có ảnh hưởng tới bản chất của các quan hệ đầu tư trong công ty hợp danh”[14]. So sánh quy định có thể thấy các quốc gia châu Âu đều quan niệm công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản là hai loại hình công ty khác nhau nên chúng phải được điều chỉnh bằng từng đạo luật hoàn toàn riêng biệt, trong khi Luật Doanh nghiệp của Việt Nam lại gộp cả hai loại hình công ty thành một loại hình công ty có thể từ đó đã “dẫn đến sự nhận thức thiếu chính xác về bản chất của hai loại công ty và pháp luật cũng không thể quy định đầy đù, chặt chẽ về cả hai công ty này”[15].
Ngoài ra, một bất cập rất lớn phát sinh từ việc quy định không rõ ràng hình thức pháp lý của công ty hợp danh chính là: “những người có quan hệ làm ăn với công ty sẽ phải tìm hiểu xem công ty hợp danh nào các thành viên đều chịu trách nhiệm vô hạn và công ty hợp danh nào có cả thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn. Bởi vì nếu trong công ty tất cả các thành viên đều là thành viên hợp danh, đều chịu trách nhiệm vô hạn thì khách hàng có thể giao dịch với bất kỳ thành viên nào và có thể đòi bất kỳ thành viên nào trả toàn bộ khoản nợ của công ty cho mình. Nếu trong công ty lại có cả thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn thì khách hàng phải biết rõ thành viên nào chịu trách nhiệm hữu hạn và thành viên nào chịu trách nhiệm vô hạn để giao dịch và đòi nợ nếu có”[16]. Mặt khác, cũng chính từ việc quy định “không rõ ràng hình thức pháp lý của hai loại hình công ty này đã dẫn đến nhiều hạn chế khác”[17] và đây còn là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng “công ty hợp danh hầu như không phát triển mấy ở Việt Nam”[18].
Thứ hai, Quy định về số lượng thành viên của công ty hợp vốn đơn giản. Thông thường, hầu hết các quốc gia châu Âu chỉ yêu cầu công ty hợp vốn đơn giản có tối thiểu một thành viên nhận vốn cộng với một thành viên góp vốn. Vương quốc Anh yêu cầu: “Hợp danh hữu hạn (công ty hợp vốn đơn giản) phải bao gồm một hoặc nhiều người được gọi là thành viên hợp danh, người phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ của công ty và một hoặc nhiều người được gọi là thành viên góp vốn… ”[19]. Công ty hợp vốn đơn giản ở Đức, “về cơ bản giống công ty hợp danh với điểm khác căn bản là: chỉ cần ít nhất cỏ một thành viên chịu trách nhiệm vô hạn (thành viên nhận vốn), còn những thành viên khác chịu trách nhiệm hữu hạn (thành viên góp vốn)”[20]. Tại Pháp, “Công ty góp vốn đơn giản có hai loại thành viên khác nhau: thành viên nhận vốn là loại hình thành viên giống như thành viên hợp danh của công ty hợp danh, nên các quy tắc liên quan đến thành viên này được áp dụng tương tự. Thành viên xuất vốn, thành viên này không phải đem hết tài sản của cá nhân ra để chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty, họ chỉ chịu trách nhiệm đến hết giả trị phần vốn góp của mình”[21].
Căn cứ các quy định về công ty hợp vốn đơn giản trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, công ty này luôn bắt buộc sẽ phải có ít nhất hai thành viên là thành viên hợp danh (do không tách bạch rõ ràng giữa công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản nên Luật Doanh nghiệp gọi chung thành viên nhận vốn cũng là thành viên hợp danh) và có thể có thêm các thành viên góp vốn[22]. Từ đó, có thể thấy rằng quy định của pháp luật Việt Nam về số lượng thành viên của công ty hợp vốn đơn giản rất khác biệt so với các quốc gia châu Âu.
Thứ ba, về trách nhiệm của thành viên nhận vốn đối với công ty hợp vốn đơn giản, về bản chất, thành viên nhận vốn của công ty hợp vốn đơn giản cũng chính là thành viên hợp danh của công ty hợp danh bởi giữa hai loại hình thành viên của hai công ty này vốn không có sự khác biệt về quy chế pháp lý. Chính vì vậy, tương tự thành viên hợp danh của công ty hợp danh, thành viên nhận vốn của công ty hợp vốn đơn giản phải chịu trách nhiệm liên đới và vô hạn. Đây là nguyên tắc pháp định nên không có ngoại lệ với bất kỳ thành viên nhận vốn nào. Kể từ khi chính thức trở thành thành viên nhận vốn của công ty hợp vốn đơn giản, trách nhiệm vô hạn và liên đới đã phát sinh hiệu lực đối với thành viên nhận vốn đó. Ngay cả khi thành viên nhận vốn rời khỏi công ty thì về nguyên tắc, trách nhiệm của họ đối với công ty hợp vốn đơn giản vẫn chưa chấm dứt.
Pháp luật Đức quy định: “nghĩa vụ của thành viên hợp danh là 05 năm tiếp theo kể từ khi đã rời khỏi công ty”[23]. Còn tại Cộng hòa Pháp, “Mối quan hệ giữa các thành viên (nhân thân) giữ một vai trò quyết định tới việc thành lập, hoạt động và giải tán công ty. Chính vì sự liên quan chặt chẽ của các thành viên, nên rất khó để một thành viên của công ty hợp danh có thể rút khỏi công ty sau khi đã chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho một bên thứ ba mà không được sự nhất trí của tất cả các thành viên còn lại đối với việc chuyển nhượng này. Ngoài ra, việc một thành viên của công ty hợp danh chết cũng có thể là lý do quan trọng dẫn tới việc công ty bị giải thể. Về nguyên tắc, công ty bị giải thế trong trường hợp một thành viên qua đời”[24]. Bởi vậy, đối với công ty hợp vốn đơn giản, trách nhiệm của các thành viên nhận vốn là rất lớn.
Còn đối với pháp luật Việt Nam, căn cứ các quy định về loại hình thành viên hợp danh, “trong thời hạn hai năm kể từ ngày chẩm dứt tư cách thành viên hợp danh, người đó vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên”[25]. Vì vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, chỉ sau thời hạn hai năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên, trách nhiệm liên đới của thành viên nhận vốn mới chính thức chấm dứt. Từ đó, có thể thấy thời gian chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài sản của công ty hợp vốn đơn giản sau khi thành viên nhận vốn rời khỏi công ty tại Việt Nam là khá ngắn.
Thứ tư, liên quan đến vấn đề tên gọi của công ty hợp vốn đơn giản cũng có sự khác biệt giữa các quốc gia. Tại Đức, để phân biệt rõ ràng với một loại hình công ty đối nhân khác là công ty hợp danh, pháp luật tại đây đặt tên cho công ty là “công ty hợp vốn đơn giản”[26]. Hay ở Pháp, công ty hợp vốn đơn giản được gọi là “công ty góp vốn đơn giản”[27] hoặc “công ty hợp tư đơn giản”[28]. Pháp luật Thụy Điển gọi công ty hợp vốn đơn giản là “công ty hợp danh hữu hạn”[29]. Vương quốc Anh gọi là “hợp danh hữu hạn”[30] vì quốc gia này không quan niệm hợp danh và hợp danh hữu hạn là các loại hình công ty mà chỉ là các hiệp hội liên kết kinh doanh. Còn tại Việt Nam hiện nay, “công ty hợp vốn đơn giản còn có thể được gọi là công ty hợp danh hữu hạn”[31]. Tuy nhiên, thời kỳ trước đây, công ty hợp vốn đơn giản tại Việt Nam vẫn thường được biết đến dưới các cái tên như: “công ty cấp vốn đơn giản”[32], hay “hội hợp tư đơn thường”[33].
Thứ năm, việc quản trị điểu hành của công ty hợp vốn đơn giản: Thông thường, pháp luật của các quốc gia châu Âu đều rất ít khi can thiệp vào các công việc quản lý điều hành mang tính nội bộ của công ty hợp vốn đơn giản. Vì vậy, ngoài việc quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc như cơ cấu tổ chức bắt buộc thì các thành viên của công ty hợp vốn đơn giản có quyền tự do quyết định mọi vấn đề liên quan đến các hoạt động quản lý điều hành của công ty. Tuy nhiên, riêng các chức danh lãnh đạo chủ chốt của công ty hợp vốn đơn giản vẫn phải được tiến hành dựa trên cơ sở là: những người quản lý bao giờ cũng được chỉ định trong số thành viên nhận vốn, còn các thành viên góp vốn thì không thể trở thành người quản lý. Điều này có nghĩa, thành viên nhận vốn sẽ chịu mọi trách nhiệm liên quan đến việc quản trị điều hành và đại diện cho công ty hợp vốn đơn giản. Còn thành viên góp vốn do được hưởng cơ chế chịu trách nhiệm hữu hạn về mặt tài sản nên họ không thể tham gia vào các công việc quản trị điều hành hay đại diện cho công ty”[34].
Một điểm khác biệt quan trọng giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật của các quốc gia châu Âu đó là quy định về người quản lý của công ty hợp vốn đơn giản. Pháp luật tại Việt Nam hiện nay quy định: “Chủ tịch Hội đồng thành viên chỉ có thể là một thành viên hợp danh. Nếu căn cứ điểm b, khoản 1, Điều 172 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì thành viên hợp danh bắt buộc phải là cá nhân”[35]. Hay nói cách khác, chỉ cá nhân mới có thể là người quản lý điều hành của công ty này. Tuy vậy, khác với Luật Doanh nghiệp năm 2014 của Việt Nam, pháp luật của Cộng hòa Pháp thường cho phép người quản lý có thể là pháp nhân hoặc người ngoài công ty: “công ty có thể chỉ định một hay nhiều người quản lý trong hay ngoài số thành viên”[36]; và “công việc quản lý có thể trao cho một pháp nhân”[37]. Như vậy, với quy định thông thoáng này, pháp luật tại Pháp đã tạo ra thuận lợi hơn cho các thành viên của công ty hợp vốn đơn giản.
- Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về công ty hợp vốn đơn giản trong Luật Doanh nghiệp năm 2014
Nghiên cứu công ty hợp vốn đơn giản tại các quốc gia châu Âu và so sánh với Luật Doanh nghiệp năm 2014 hiện nay cho thấy, công ty hợp vốn đơn giản đang tồn tại khá nhiều hạn chế, bất cập. Chính vì vậy, để hoàn thiện loại hình công ty hợp vốn đơn giản tại Việt Nam cần xem xét các giải pháp sau:
Thứ nhất, về số lượng thành viên của công ty hợp vốn đơn giản. Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định công ty hợp vốn đơn giản phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên đã gây ra khá nhiều khó khăn cho các thành viên của công ty này. Bởi, trên thực tế, khá nhiều nhà đầu tư do lo sợ rủi ro bởi quy chế pháp lý trách nhiệm liên đới và vô hạn của thành viên hợp danh nên chỉ muốn tham gia công ty hợp vốn đơn giản với tư cách là thành viên góp vốn. Vì vậy, nhiều trường hợp để huy động đủ hai thành viên hợp danh cho công ty hợp vốn đơn giản là khá khó khăn. Hơn nữa, khi công ty hợp vốn đơn giản không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu (trường hợp công ty có hai thành viên hợp danh và có thêm một số thành viên góp vốn nhưng một thành viên hợp danh muốn rời khỏi công ty hoặc đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự…) theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 201 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, công ty bắt buộc sẽ phải tiến hành giải thể. Nếu như pháp luật Việt Nam quy định theo hướng công ty hợp vốn đơn giản chỉ cần tối thiểu một thành viên nhận vốn và một thành viên góp vốn như các quốc gia châu Âu thì trong các trường hợp này công ty hợp vốn đơn giản vẫn có thể tiếp tục tồn tại. Mặt khác, quy định công ty hợp vốn đơn giản có tối thiểu một thành viên nhận vốn và một thành viên góp vốn còn có ý nghĩa đối với cả công ty hợp danh. Vì trong trường hợp công ty hợp danh chỉ có hai thành viên hợp danh mà một thành viên đã rời khỏi công ty, công ty hợp danh vẫn có thể chuyển đổi hình thức pháp lý sang thành công ty hợp vốn đơn giản để tiếp tục tồn tại mà không phải tiến hành giải thể (khi đó công ty hợp danh chỉ cần kết nạp thêm một thành viên góp vốn). Từ đó, chúng tôi cho rằng, cần tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia như Pháp, Đức về loại hình công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản để từ đó xây dựng các đạo luật riêng biệt nhằm điều chỉnh mỗi loại hình công ty. Đồng thời, quy định số lượng thành viên của công ty hợp danh phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên. Còn công ty hợp vốn đơn giản chỉ cần một thành viên nhận vốn và một thành viên góp vốn.
Thứ hai, việc mở rộng đối tượng thành viên nhận vốn và cho phép pháp nhân tham gia quản lý điều hành công ty hợp vốn đơn giản. Hiện nay, tại một số quốc gia châu Âu như Pháp, pháp luật cho phép người quản lý của công ty hợp vốn đơn giản và công ty hợp danh có thể là pháp nhân hoặc người ngoài công ty. Điều này tạo thuận lợi rất lớn cho công ty và các thành viên bởi lẽ các pháp nhân cũng có thể được phép trở thành thành viên nhận vốn. Hoặc công ty hợp vốn đơn giản có thể thuê mướn thêm người ngoài để tham gia quản lý công ty. Trái ngược với quy định tại Pháp, Luật Doanh nghiệp năm 2014 của Việt Nam không cho phép pháp nhân được phép trở thành thành viên nhận vốn và công ty cũng không thể thuê mướn người ngoài tham gia quản lý công ty. Có thể nhà làm luật Việt Nam không muốn cho pháp nhân được phép trở thành thành viên nhận vốn. Bởi vì các pháp nhân thường có cơ chế chịu trách nhiệm hữu hạn về mặt tài sản, điều này sẽ phá vỡ trật tự chung của tính chất thành viên nhận vốn luôn chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản. Mặc dù vậy, trên thực tế đã từng có học giả tại Việt Nam đề nghị xem xét tư cách thành viên của thành viên hợp danh và “việc mở rộng thành viên hợp danh là pháp nhân”[38]. Bởi, với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 hiện nay đã tạo nên sự kém hấp dẫn cho loại hình công ty hợp vốn đơn giản và gây cản trở cho sự phát triển, mở rộng của công ty này. Từ đó, chúng tôi cho rằng, nên mở rộng quy định cho phép pháp nhân cũng có thể trở thành thành viên nhận vốn của công ty hợp vốn đơn giản hay thành viên hợp danh của công ty hợp danh. Đồng thời, các pháp nhân cũng sẽ được tham gia quản lý, lãnh đạo công ty hợp vốn đơn giản với tư cách là thành viên nhận vốn. Cơ sở của điều này, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm xây dựng pháp luật của Cộng hòa Pháp: “trách nhiệm không hạn định cũng thay đổi tùy theo việc hội viên là pháp nhân hay thể nhân, trường hợp hội viên là pháp nhân thì trách nhiệm vô hạn này vẫn bị giới hạn bởi trách nhiệm hữu hạn của công ty đã tham gia vào công việc làm ăn của công ty trách nhiệm vô hạn như là một hội viên (ví dụ một công ty trách nhiệm hữu hạn là hội viên của một công ty hợp danh)”[39]. Hoặc như tại Hoa Kỳ, “thành viên hợp danh có thể là một công ty”[40]. Vì thế, việc quy định pháp nhân được phép trở thành thành viên nhận vốn và tham gia quản lý điều hành công ty hợp vốn đơn giản là điều rất hợp lý./.
Nguyễn Vĩnh Hưng- ĐH Quốc gia Hà Nội
[1] Nguyễn Vinh Hưng (2016), “Cơ cấu tổ chức, quản trị điều hành và cơ chế đại diện của công ty hơp vốn đơn giản theo pháp luật một số quốc gia”, Nghiên cứu Lập Pháp, kỳ 1 tháng 4/2016, tr. 58.
[2] Trường Đại học Luật Hà Nội (2011), Giáo trình Luật Thương mại, tập I, Nhà xuất bản Công an nhân dân,tr. 112.
[3] Trường Đại học Luật Hà Nội (2011), Giáo trình Luật Thương mại, tập I, tlđd, tr.113.
[4] Maurice Cozian và Alian Viandier (1990), Tổ chức công ty, dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Droit des societes: Litec. 1988, Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp, tr3.
[5] Nguyễn Vinh Hưng (2015), Xây dựng chế định pháp luật về cong ty hợp vôn đơn giản tại Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, Khoa Luật – ĐHQGHN, tr.71 – 72
[6] Ngô Huy Cương (2009), “Khái niệm công ty hợp danh tại Luật Doanh nghiệp năm 2005”, Nghiên cứu Lập pháp, số 11(148),06/2009
[7] Carl Hemstrom (1995), Corporations and Partnership in Sweden, Fritez, pp.19.
[8] Friedrich Fubler và Jurgen Simon (1992), Mấy vấn đề pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức , Nxb Pháp ly, tr.31.
[9] Maurice Cozian và Alian Viandier (1990), Tổ chức công ty, tlđd, tr.163.
[10] Francis Lemeunier (1993), Nguyên lý và thực hành Luật Thương mại, Luật Kinh doanh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, tr.170.
[11] Nguyễn Văn Lâm (2016), “Pháp luật về công ty hợp vốn cổ phần ở một số quốc gia và kinh nghiệp cho Việt Nam”, Dân chủ pháp luật, số chuyên đề Môi trường pháp lý cho doanh nghiệp, Nxb Tư pháp, tr.168.
[12] Điểm a, c, khoản 1, Điều 172 của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[13] Nguyễn Vinh Hưng (2015), “Phân biệt công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản theo Luật Doanh nghiệp năm 2014”. Tạp chí Nghề Luật, số 06, tr.9.
[14] Đào Lộc Bình (2012), “Đề xuất vấn đề cần sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2005”, Tạp chí Nghề Luật, Học viện Tư pháp, số 3/2012, tr.24.
[15] Nguyễn Vinh Hưng (2013), “Công ty hợp danh theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 – Một số bất cập và kiến nghị”, Dân chủ và pháp luật, số 07, tr.36
[16] Nguyễn Thị Khế và Bùi Thị Khuyên (1999), Luật kinh doanh, Nhà xuất bản Thống kê, tr.197
[17] Nguyễn Vinh Hưng (2013), “Công ty hợp danh theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 – Một số bất cập và kiến nghị” tlđd, tr.35 – 40.
[18] Minh Ngọc và Ngọc Hà (2011), Luật Kinh tế, Nhà xuất bản Lao động, tr.224
[19] Berr (2009), The legislative reform (Limited partnership) order 2009 explanatory document, Department for business Enterprise & Regulatory Reform, pp. 35.
[20] Friedrich Fubler và Jurgen Simon (1992), Mấy vấn ddeef pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, tlđd, tr. 31.
[21] Francis Lemeunier (1993), Nguyên lý và thực hành Luật Thương mại, Luật Kinh doanh, tlđd, tr. 197.
[22] Điểm a, khoản 1, Điều 172 của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[23] Friedrich Fubler và Jurgen Simon (1992), Mấy vấn đề pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, tlđd, tr. 33.
[24] Francis Lemeunier (1993), Nguyên lý và thực hành Luật Thương mại, Luật Kinh doanh, tlđd, tr. 204.
[25] Khoản 5, Điều 180 của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[26] Friedrich Fubler và Jurgen Simon (1992), Mấy vấn đề pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, tlđd, tr. 31.
[27] Francis Lemeunier (1993), Nguyên lý và thực hành Luật Thương mại, Luật Kinh doanh, tlđd, tr. 196.
[28] Maurice Cozian và Alian Viandier (1990), Tổ chức công ty, tlđd, tr. 189.
[29] Carl Hemstrom (1995), Corporations and Partnership in Sweden, tlđd, pp. 30.
[30] Berr (2009), The legislative reform (Limited partnership) order 2009 explanatory document, Department for business Enterprise & Regulatory Reform, pp. 35.
[31] Nguyễn Vinh Hưng (2017), “Công ty đối nhân tại một số quốc gia Châu Âu”, Nghiên cứu Châu Âu, số 4 (199), tr. 16.
[32] Lê Tài Triển (1959), Luật Thương mại toát yếu, tlđd, tr.16.
[33] Lê Tài Triển, Nguyễn Vạng Thọ và Nguyễn Tân (1973), Luật Thương mại Việt Nam dẫn giải, Nhà xuất bản Sài Gòn Kim lai ấn quán, Quyển II, tr.800.
[34] Nguyễn Vinh Hưng (2016), “Các loại hình của công ty hợp danh tại một số quốc gia châu Âu”, Nghiên cứu Châu Âu, số 9, tr.36.
[35] Nguyễn Vinh Hưng (2016), “Cơ cấu tổ chức, quản trị điều hành và cơ chế đại diện của công ty hợp vốn đơn giản theo pháp luật của một số quốc gia”, Nghiên cứu Lập pháp, số 7 (11)/2016, tr. 59.
[36] Francis Lemeunier (1993), Nguyên lý và thực hành Luật Thương mại, Luật Kinh doanh, tlđd, tr.197.
[37] Maurice Cozian, Alian Viandier (1988), Tổ chức công ty, dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Droit des societs: Litec. 1988, tr.22, tlđd
[38] Đỗ Văn Đại (2005), “Cần quy định hợp lý về công ty hợp danh”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 06/2005, tr.52-55.
[39] Maurice Cozian, Alian Viandier, Tổ chức công ty, tlđd, tr.165.
[40] Marianne M. Jennings (2006), Business its legal, Ethical, and global environment, seventh edition, Thomson West, tr.853.