Ngày 14/2/2019, Nghị viện châu Âu đã thông qua quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn đầu tư nước ngoài. Theo các nhà quan sát, đây là một bước tiến còn khiêm tốn nhưng là một việc làm rất có ý nghĩa về mặt chính trị, bởi vì văn bản được thông qua dù không hứa hẹn một cuộc cách mạng nhưng cho thấy châu Âu đã thay đổi nhận thức về một vấn đề lâu nay vẫn bị coi là kiêng kị mà nhiều cường quốc trên thế giới thận trọng né tránh.
Với nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, quy định dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2020 không mang tính ràng buộc. Đây trước tiên chỉ nhằm tạo ra một cơ chế thông tin giữa các nước thành viên EU. Ý tưởng chính là các nước thành viên thông báo cho nhau tất cả các khoản đầu tư nước ngoài có thể có tính nhạy cảm. Ở đây, Ủy ban châu Âu (EC), ngoài vai trò tập hợp các thông tin, sẽ có nhiệm vụ rà soát những đầu tư nước ngoài liên quan tới các chương trình của EU.
Đối với những đầu tư có những nghi vấn, các nước thành viên EU sẽ trao đổi thông tin về lĩnh vực đầu tư, danh tính của nhà đầu tư và tổng vốn đầu tư. Nếu một nước thành viên EU đặt câu hỏi về một dự án đầu tư tại một nước thành viên khác, thì nước có dự án đầu tư này sẽ chỉ đơn giản phải “tính đến”. Nhưng nếu EC có ý kiến nghi ngờ thì quốc gia tiếp nhận đầu tư sẽ buộc phải trả lời. Nghĩa vụ phải chứng minh này sẽ đem lại tiếng vang về mặt chính trị đối với những chủ đề mà lâu nay thoát khỏi sự kiểm soát.
Quy định mới, vẫn bảo đảm quyền độc lập đưa ra quyết định của các nước thành viên, nhưng thể hiện sự tiến triển mạnh mẽ về nhận thức tại châu Âu trước những hành xử của Trung Quốc. Với chương trình “Chế tạo tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025), Trung Quốc có tham vọng trở thành cường quốc công nghệ và đã thâu tóm tập đoàn sản xuất người máy Kuka của Đức, điều này đã trở thành “chất xúc tác” chính cho quy định mới. Đến nay, mới có 14 trong tổng số 28 nước thành viên EU có cơ chế về kiểm soát đầu tư nước ngoài. Quy định mới của EU sẽ thúc đẩy toàn bộ thành viên EU phải nâng cao cảnh giác với đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo EC, sự cảnh giác đối với Trung Quốc không nên thể hiện bằng việc hy sinh chính sách về cạnh tranh mà phải bằng việc yêu cầu nguyên tắc “có đi có lại”. Quy định mới về kiểm soát đầu tư nước ngoài là một trong những bước đi cụ thể đầu tiên.
Tin do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổng hợp.