Cách mạng công nghiệp 4.0 tại một số quốc gia ASEAN: Cơ hội và thách thức (Phần đầu)

0
277
Ảnh minh họa

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan rộng trên toàn cầu, Đông Nam Á – khu vực kinh tế năng động vào bậc nhất trên thế giới, dự báo sẽ “phát triển vượt bậc” so với các khu vực đang phát triển khác như Trung Đông và châu Phi. Với tốc độ tăng trưởng đạt 5% GDP (2017), dân số khoảng 650 triệu người, trong đó hơn 65% đang ở độ tuổi lao động, ASEAN sẽ được hưởng lợi thế lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nếu biết tận dụng cơ hội, vượt qua những thách thức và có phản ứng chính sách kịp thời.

1. Vài nét về cách mạng công nghiệp 4.0 ở một số nước ASEAN

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là mô hình cách mạng mới cho sản xuất, sử dụng các hệ thống sản xuất không gian mạng, bao gồm các mạng cảm biến trực tuyến, máy móc và các hệ thống công nghệ thông tin nhằm mở rộng toàn bộ chuỗi giá trị. Những hệ thống máy móc mới sẽ thúc đẩy tăng năng suất lao động và mang lại hiệu quả cao hom rất nhiều. Với CMCN 4.0, các nền kinh tế sẽ chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào những yếu tố truyền thống như lao động giá rẻ, đất đai, tài nguyên… sang mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ, kinh tế số. Việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế số sẽ giúp GDP của các nước ASEAN tăng thêm khoảng 1.000 tỷ USD trong giai đoạn 10 năm (2015 – 2025). Đồng thời, dự đoán giá trị nền kinh tế số có thể vượt mức 200 tỷ USD vào năm 2025.

CMCN 4.0 nhằm mục tiêu làm mọi thứ trở nên thông minh, thiết bị thông minh, giải pháp thông minh, sản xuất thông minh. CMCN 4.0 giúp các nước Đông Nam Á vượt qua những trở ngại về cấu trúc dân số, mô hình kinh doanh để vươn lên trình độ sử dụng năng lượng và sản xuất sản phẩm giá trị cao hơn. Nếu ứng dụng công nghệ bài bản, có chiến lược rõ ràng, những thay đổi mà cuộc CMCN 4.0 mang lại có thể giúp cải thiện, nâng cao mức thu nhập, chất lượng cuộc sống của các nước ASEAN.

ASEAN được đánh giá là khu vực có tốc độ tăng trưởng internet lớn nhất thế giới. Theo khảo sát của Google Temasek, ASEAN có trên 700 triệu thiết bị di động, khoảng 260 triệu người sử dụng internet (2016). Chỉ riêng 6 nền kinh tế ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) sẽ trở thành khu vực phát triển internet nhanh nhất trên thế giới, với hơn 480 triệu người dùng vào năm 2020. Nền kinh tế internet của nhóm ASEAN (chủ yếu là thương mại điện tử) sẽ tăng khoảng 14% mỗi năm và tăng trưởng kép hàng năm lên 200 tỷ USD vào năm 2025, tương đương 6% tổng GDP của khu vực. Đây là nền tảng thuận lợi và là thị trường lớn cho đổi mới, đầu tư phát triển nhanh các mô hình kinh doanh mới ở khu vực Đông Nam Á. Lý do dẫn đến mức tăng trưởng nhanh như vậy là vì khu vực ASEAN có cơ cấu dân số trẻ đang bùng nổ với hơn 65% người dân ở độ tuổi dưới 40, có sức mua tăng nhanh.

Trong ASEAN, Singapore đang dẫn đầu cuộc đua CMCN 4.0. Theo báo cáo về “Tương lai của sản xuất 2018” của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) (1/2018), Singapore nằm trong nhóm 25 quốc gia trên thế giới có ưu thế tốt nhất để hưởng lợi từ CMCN 4.0. Singapore chỉ đứng thứ hai (sau Mỹ) về năng lực chủ động trong sản xuất. Sản xuất là một động lực chính của nền kinh tế Singapore, chiếm 20-25% GDP. Năng lực sản xuất của Singapore đã phát triển vượt bậc, với năng lực cạnh tranh mạnh trong các lĩnh vực sản xuất có giá trị cao như nghiên cứu và phát triển, thiết kế sản phẩm. Để đạt được thành tựu này, Singapore đã đưa ra hàng loạt các chiến dịch như: Quốc gia Singapore thông minh (Smart Nation Singapore), Trung tâm Đổi mới Singapore (SGInnovate) với mục tiêu kết nối mạnh mẽ hơn nữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và nguồn lực tài chính để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ vào sáng tạo, làm động lực đổi mới kinh tế – xã hội.

Singapore cùng với Thái Lan là hai nước đầu tiên chính thức ban hành kế hoạch cụ thể trong chương trình tiếp cận CMCN 4.0: Singapore có chương trình “Quốc gia thông minh”. Chính phủ Singapore đầu tư lớn vào việc nâng cao kỹ năng, chuyên môn và khả năng sáng tạo của người dân và doanh nghiệp. Chiến lược với tên gọi “người dân tay nghề cao, nền kinh tế sáng tạo” đã giúp quốc đảo Singapore trở thành một quốc gia thông minh với cơ sở hạ tầng đồng bộ, môi trường kinh doanh hấp dẫn và dịch vụ chất lượng cao.

Singapore đã thiết lập các trung tâm công nghệ trên toàn quốc, các kế hoạch về đô thị thông minh và hàng loạt chương trình sáng tạo khác. Quốc gia này xuất khẩu hàng hoá công nghệ cao đứng thứ 4 thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc và Đức). Chính phủ Singapore có kế hoạch dành 450 triệu USD trong 3 năm (2018 – 2020) để phát triển ứng dụng robot phục vụ đời sống. Nhằm đón đầu làn sóng CMCN 4.0, Singapore đã triển khai chương trình xây dựng năng lực thông qua sáng kiến Kỹ năng cho tương lai (Skills Future). Đây là sáng kiến đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, biến công nghệ thành tác nhân quan trọng phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Singapore được xếp vị trí thứ 11 trong thang đánh giá mức độ hiện đại, quy mô của ngành sản xuất. Thị trường “Kết nối vạn vật” (Internet of Things – IoT) của Singapore sẽ có quy mô đạt 79,3 tỷ USD năm 2020, với mức tăng trưởng kép hàng năm 26,8%.

Singapore chọn các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) làm điểm nhấn trong chiến lược thúc đẩy nắm bắt CMCN 4.0 vì những lý do sau:

Một là, nếu không có chính sách hỗ trợ tốt, các DNNVV – có tỷ trọng lớn lao động và đóng góp chủ yếu cho nền kinh tế – có thể bị tụt hậu, mất sức cạnh tranh và trì trệ trong tăng trưởng năng suất. Trong khi đó, nếu có chính sách thúc đẩy tốt, các DNNVV có thể phát huy tính nhạy bén, linh hoạt, trở thành lực lượng đi đầu, tạo nên sức mạnh cho toàn bộ nỗ lực của nền kinh tế.

Hai là, Singapore tạo điều kiện và khuyến khích các DNNVV hiểu rõ lợi ích của việc nắm bắt CMCN 4.0, giúp giải quyết những khó khăn để khai thác lợi ích từ cuộc CMCN 4.0; Chính phủ dành ngân sách để hỗ trợ các DNNVV nắm bắt CMCN 4.0, tập trung vào các ngành mà ứng dụng số đem lại hiệu quả nhanh chóng và rõ rệt như du lịch, nhà hàng, thương mại, logistics, an ninh.

Thái Lan hướng tới cuộc CMCN 4.0, với chương trình “Thái Lan 4.0”. “Thái Lan 4.0” là một chính sách then chốt của Chính phủ trong chiến lược cải cách và phát triển của Thái Lan. Tập trung phát triển nền kinh tế dựa trên giá trị, sáng tạo, đổi mới và công nghệ, đó là nội dung cốt lõi của chính sách Thái Lan 4.0. “Thái Lan 4.0” đã đưa ra ba chiến lược chuẩn bị cho cuộc cách mạng lần này gồm: Chiến lược thứ nhất,các dự án khổng lồ để cải thiện hạ tầng như tàu điện, tàu 2 đường ray, sân bay; Chiến lược thứ hai, hành lang kinh tế phía Đông (EEC) nhằm tạo ra hệ thống giao thông, hậu cần liên lạc liên kết các tuyến đường huyết mạch; Chiến lược thứ ba, phát triển kỹ thuật số. Thái Lan đầu tư mạnh vào internet băng rộng và hệ thống cáp ngầm nối liền Thái Lan, Hồng Công và Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thái Lan là thị trường thương mại điện tử lớn thứ 3 trong ASEAN với giá trị 900 triệu USD (dự kiến sẽ tăng gấp 12 lần, lên 11,1 tỷ USD vào năm 2025). Mục tiêu của mô hình “Thái Lan 4.0” nhằm làm thay đổi nền kinh tế, bao gồm:

Thứ nhất, trở thành một nước có thu nhập cao thông qua tiếp tục phát triển kinh tế tri thức với trọng tâm là nghiên cứu, sáng tạo, khoa học kỹ thuật cải tiến.

Thứ hai, Thái Lan hướng tới một “xã hội hòa nhập”, nơi mọi thành quả của sự phát triển và thịnh vượng được tiếp cận một cách công bằng tới tất cả người dân.

Thứ ba, mô hình “Thái Lan 4.0” đặt mục tiêu phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững hướng tới bảo vệ môi trường.

Với tầm nhìn Thái Lan 4.0, quốc gia này có tham vọng dẫn đầu khu vực ASEAN trong lĩnh vực công nghệ số. Mục tiêu kinh tế số của Thái Lan sẽ đóng góp 25% GDP (2027). Để đạt được mục tiêu đề ra, Thái Lan đã đầu tư 2,5 tỷ baht cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ số, xây dựng thành phố thông minh ở 7 tỉnh; nâng cấp đường truyền internet tốc độ cao tới hơn 74.000 đơn vị cấp phường ở địa phương; ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, phát triển nông nghiệp thông minh; Thiết lập cơ chế cấp giấy phép một lần cho khởi nghiệp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các tô chữc như: Kết nối doanh nhân toàn cầu, Liên minh Viễn thông Quốc tế…

Malaysia được đánh giá là có nền tảng sản xuất và ứng dụng công nghệ mạnh mẽ (xếp thứ 17/40 quốc gia trong bảng xếp hạng Chỉ số Cạnh tranh sản xuất toàn cầu năm 2016), được định vị tót để hưởng lợi từ CMCN 4.0 (xếp thứ 37 toàn cầu và thứ 8 châu Á về Chỉ số Đổi mới Sáng tạo 2017). Năm 2018, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã xếp Malaysia là một trong 25 quốc gia sẵn sàng nhất cho CMCN 4.0.

CMCN 4.0 giúp các công ty Malaysia loại bỏ tình trạng tổn thất, giảm chi phí, tăng nền tảng khách hàng và vượt lên các đối thủ cạnh tranh. Chính quyền của cựu Thủ tướng Najib Razak đã đề ra hàng loạt các biện pháp, chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài để kéo ngành công nghiệp Malaysia phát triển và sẽ sử dụng ít lao động hơn. Malaysia ghi dấu ấn trọng nền kinh tế chia sẻ với việc xây dựng nền tảng “Grab” không chỉ ở lĩnh vực giao thông, mà trong cả dịch vụ thanh toán. Malaysia đặt mục tiêu kinh tế’ số chiếm 17% tỷ trọng nền kinh tế.

Indonesia đang thành công với dự án Lò phản ứng khí gas nhiệt độ cao (HTGR – High Temperature Gas Reactor) tại Bali, biến công nghệ sạch trong lĩnh vực năng lượng trở thành mẫu hình kinh doanh mới. Indonesia là nền kinh tế có quy mô lớn nhất Đông Nam Á (khoảng 1.000 tỷ USD năm 2018), xếp hạng 16 thế giới (World Bank) có tham vọng đưa đạt nước lọt vào top 10 thế giới bằng một lộ trình nâng cấp năng lực chế tạo sản xuất nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP. Với quy mô thị trường lên tới hơn 260 triệu người (lớn thứ 4 thế giới) và cơ cấu dân số trẻ, mục tiêu đó Indonesia hoàn toàn có thể đạt được.

Indonesia nhắm tới mục tiêu của kế hoạch “Making Indonesia 4.0” (2017) là nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh của ngành công nghiệp sản xuất thông qua sử dụng công nghệ. Trong đó, đặt ưu tiên vào các lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, ô tô, dệt may, điện tử và hóa chất. Thông qua cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Indonesia hy vọng sẽ đổi mới năng lực và hiệu suất trong các ngành nghề này – là những lĩnh vực, ngành nghề quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Nước này hy vọng sẽ trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu ở những lĩnh vực đó.

Việc thực hiện thành công kế hoạch “making Indonesia 4.0” giúp GDP của Indonesia tăng trưởng thêm 1-2% mỗi năm, lên mức 6-7% trong giai đoạn 2018 – 2030 và đưa Indonesia lọt vào tốp 10 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu vào năm 2030. Kế hoạch sẽ giúp tạo ra 10 triệu việc làm mới đến năm 2030. “Making Indonesia 4.0” sẽ là kế hoạch chủ chốt để thúc đẩy các ngành công nghiệp hạ tầng có giá trị gia tăng và công nghệ cao, từ đó đưa Indonesia trở thành một đối thủ cạnh tranh trên “sân chơi” toàn cầu.

Kế hoạch “Making Indonesia 4.0” là chương trình quốc gia hàng đầu của Indonesia. Mọi nguồn lực và ưu tiên đều được tập trung để thúc đẩy kế hoạch “Making Indonesia” nhằm đưa Indonesia phát triển và thành công. Để thực hiện kế hoạch, Tổng thống Joko Widodo cũng kêu gọi các công ty lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng hợp tác để triển khai kế hoạch.

Tuy nhiên, để theo kịp cuộc CMCN 4.0, các quốc gia ASEAN cần tập trung phát triển các lĩnh vực, ngành nghề sau:

Một là, tập trung đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu và phát triển (R&D) để có được các ý tưởng, thành tựu mới ứng dụng vào sản xuất. Đây là chìa khóa tăng năng suất, hiệu quả lao động.

Hai là, chú trọng phát triển hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối vật lý, kỹ thuật số và sinh học thành một thể thống nhất, đem lại sự đột phá trong công nghệ sản xuất và khai thác các nhu cầu. Mức độ thâm nhập internet ngày càng tăng của ASEAN tạo bước đệm vững chắc cho việc nắm bắt CMCN 4.0.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là chủ thể của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhân lực chất lượng cao không chỉ làm nghiên cứu phát triển mà bao gồm đội ngũ chuyền tải đổi mới sáng tạo vào quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng.

Bốn là, tăng cường thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo và tạo lập được thể chế phù hợp. Vai trò nhà nước kiến tạo thực sự cần thiết. Sự thành công của Hàn Quốc có thể được xem như hình mẫu chứng tỏ nhà nước tạo lập được thể chế phù hợp, nắm bắt xu thế mới, qua đó mở ra những tiềm năng kinh tế khổng lồ.

(Còn tiếp)

Phạm Thị Thanh Bình và Lê Thị Thu Hương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here