CHÍNH SÁCH VAY VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI CỦA HÀN QUỐC DƯỚI THỜI TỔNG THỐNG PARK CHUNG HEE (1961-1979) (Phần 1)

0
227

Bài viết phân tích bối cảnh ra đời, nội dung chủ yếu của chính sách vay vốn đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc, trong giai đoạn cất cánh kinh tế Hàn Quốc lần 1, từ năm 1961-1979. Sau đó, tác giả đi sâu vào phân tích kết quả, những thành tựu mà chính sách đã đạt được trong giai đoạn này.

1. Bối cảnh kinh tế Hàn Quốc những năm đầu thập kỷ 1960

Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã tàn phá một cách nặng nề nhiều nhà máy, hầm mỏ, đoàn tàu đánh cá, hệ thống tưới tiêu, nhà cửa, làng mạc của Hàn Quốc, đồng thời, khoảng 40%-50% các thiết bị máy móc dùng cho công nghiệp bị phá hủy khiến cho các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, dân số đông, thất nghiệp tràn lan. Thu nhập bình quân đầu người vào năm 1953 vào khoảng 67 USD/năm, thấp hơn các quốc gia nghèo ở Châu Phi hay Nam Mỹ như Ghana, Congo, Argentina và Uruguay. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc gia (GNP) giảm nhanh qua các năm, năm 1957 là 7,7% sau đó giảm xuống 5,2% vào năm 1958, 3,9% vào năm 1959 và 1,9% vào năm 1960.

Trong tình cảnh đó, Hàn Quốc lựa chọn việc mở rộng quan hệ kinh tế với Mỹ như một nhu cầu cấp thiết. Đồng thời, chính phủ nước này cũng lựa chọn mô hình kinh tế hướng nội với chiến lược công nghiệp hóa khuyến khích xuất khẩu, thay thế nhập khẩu bằng các phương pháp ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu như may mặc, da giầy, phân bón, hóa chất bên cạnh việc phát triển một số ngành công nghiệp nặng, thúc đẩy quan hệ hàng-tiền phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn 1954-1959, tình trạng lạm phát cao, sự phá giá của đồng tiền đã gây tác động xấu cho chính sách thay thế nhập khẩu, đem lại sự gián đoạn trong xuất khẩu. Các ngành công nghiệp trong nước, hầu hết là các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu đều tỏ ra kém hiệu quả do phụ thuộc nặng nề vào việc nhập khẩu nguyên, liệu.

Kết quả là, năm 1960-1961, kinh tế Hàn Quốc vẫn mang đặc trưng của một nền kinh tế truyền thống: nghèo về tài nguyên, thu nhập thấp và dựa vào nông nghiệp. Thu nhập quốc dân (GNI) tính theo đầu người vào năm 1960 là 79 USD/năm, 1/5 dân số trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tỷ lệ tiết kiệm của chính phủ từ năm 1954 đến 1961 là -2,6% trong khi tỷ lệ tăng dân số đạt ở mức cao (3%/năm). Hầu hết người dân vẫn đói nghèo, thu nhập không thể đảm bảo cho nhu cầu sống tối thiểu.

2. Chính sách vay vốn đầu tư nước ngoài

Tình hình kinh tế bị phá hủy nặng nề như thế khiến cho các nhà đầu tư quốc tế kể cả các công ty Mỹ không muốn đầu tư và thành lập chi nhánh ở Hàn Quốc. Đồng thời, thu nhập bình quân đầu người thấp và tiết kiệm thấp cũng là một trong các lý do khiến cho đầu tư nước ngoài vào Hàn Quốc trở nên ít đi. Do vậy, nội dung chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần 1, lần 2, lần 3, lần 4 của chính phủ Park Chung Hee chính là chính sách vay vốn đầu tư nước ngoài bởi mục tiêu như sau: (1) Tăng cường sản xuất nông nghiệp; (2) Tăng thu nhập bình quân đầu người; (3) Tăng cường hiện đại hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ; (4) Xây dựng nền tảng để phát triển ngành công nghiệp nặng và công nghiệp hóa học; (5) Phát triển khoa học kỹ thuật và tăng cường đào tạo về kỹ thuật; (6) Tăng cường nguồn vốn xã hội gián tiếp như thiết bị truyền thông, hiện đại hóa máy móc thiết bị vận tải; (7) Phát triển thiết bị cấp nước; (8) Hỗ trợ ngành sản xuất chế tạo bằng cách nhập nguyên vật liệu.

2.1 Cơ quan phụ trách và các điều luật liên quan

Kể từ khi bắt đầu tiến hành kế hoạch phát triển kinh tế, vào tháng 7 năm 1961, Hàn Quốc đã thành lập Viện Kinh tế kế hoạch, cơ quan chủ chốt quản lý chính sách về kinh tế. Khi mới được thành lập, Viện này bao gồm 4 cục là Cục Kế hoạch tổng họp, Cục Ngân sách, Cục Thống kê và Cục hỗ trợ vật giá. Trong đó, Cục hỗ trợ vật giá được chia thành 2 bộ phận là Cục thu hút đầu tư nước ngoài và Cục xử lý điều chỉnh. Sau đó, đến tháng 6 năm 1962, Cục thu hút đầu tư nước ngoài đã được đổi tên thành Cục hợp tác kinh tế đảm nhiệm cả hai nhiệm vụ đồng thời là quản lý và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Vào tháng 12 năm 1961, Chính phủ Hàn Quốc đưa ra Chiến lược Quản lý thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời, chỉnh sửa lại toàn bộ Luật Xúc tiến đầu tư nước ngoài đã được chính phủ trước ban hành vào năm 1960.

2.2. Nội dung chính của chính sách

Hình thức thu hút vốn nước ngoài trong thời kỳ này chủ yếu là vay nợ. Các khoản vay nợ chủ yếu bao gồm các khoản viện trợ không hoàn lại hay hoàn lại của Mỹ, Nhật Bản dành cho Chính phủ Hàn Quốc, các khoản vay của Nhật Bản hoặc tổ chức tiền tệ quốc tế với lãi suất vừa phải theo hiệp ước đã ký kết khi bình thường hóa quan hệ Hàn-Nhật, tín dụng xuất khẩu, các khoản vay nợ ngân hàng tư nhân. Chính vì thế, để ổn định nền kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ như: chính sách ổn định kinh tế, chính sách ổn định vật giá, chính sách cải cách tiền tệ, chính sách phát triển vốn xã hội gián tiếp và đất đai.

a. Chính sách ổn định kinh tế

Do cuộc đảo chính quân sự ngày 16/5/1961 và cuộc cải cách tiền tệ vào ngày 10/6/1962 đã khiến cho tình hình kinh tế, xã hội của Hàn Quốc trở nên bất ổn, khó thu hút các nhà đầu tư. Chính vì thế, trong chính sách phát triển kinh tế lần thứ nhất, chính phủ đã xin viện trợ không hoàn lại để bảo vệ đời sống đô thị và nông thôn, tiến hành quy hoạch đô thị để tạo cơ hội làm việc cho những người thất nghiệp.

Kể từ khi tiến hành chính sách này vào tháng 7 năm 1962 cho đến cuối năm, chính phủ đã viện trợ được 72 nghìn đấu lương thực cho 300 nghìn người và hỗ trợ được cho 1 triệu người thất nghiệp.

Ngoài ra, chính sách này được chính phủ thể hiện qua việc gia tăng sản xuất, cải cách thuế, chính sách tín dụng, chính sách thúc đẩy các khoản cho vay, tăng cường tuyển dụng, giảm giá tiền sản phẩm của các công ty độc quyền, ưu tiên sử dụng ngoại hối để tăng cường nhập khẩu. Ngoài ra, nội dung hành động của chính sách này còn được thể hiện ở 6 mục chính trong chính sách vật giá tổng hợp với nội dung như sau: (1) Tăng cường thu hút ngoại tệ nhờ việc thúc đẩy sản xuất ở khu vực nông thôn; (2) Ổn định tiền tệ thông qua kế hoạch ổn định tài chính và cân đối ngân sách; (3) Tăng cường sản luợng lương thực bằng cách nhập dư thừa những sản phẩm nông sản bị thiếu như ngũ cốc hay các phương pháp khác; (4) Ổn định tiền tệ thông qua việc cung cấp các yếu tố sản xuất chính và các nhu yếu phẩm; (5) Hạn chế nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng không cần thiết; (6) Nghiên cứu cơ cấu giá cả hợp lý.

Nhờ chính sách này mà lượng tiền lưu thông cuối năm 1963 giảm còn 4 tỷ won, lạm phát giảm. Thêm vào đó, vào ngày 3 tháng 5 năm 1964, tỷ giá của đô la Mỹ so với won đã tăng từ 1 USD đổi được 130 won nay đổi được 255 won giúp giảm số lượng hàng nhập khẩu cũng như tăng cường xuất khẩu.

b. Chính sách ổn định vật giá

Trong giai đoạn thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ hai (1962-1966), chỉ số giảm phát GNP tăng nhanh và đạt mức 19,7%, đồng thời chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng gấp đôi so với tỷ giá này tại thời điểm từ năm 1960 đến năm 1961. Điều này đã cho thấy tình trạng lạm phát cao đang diễn ra. Vì thế để ổn định nền kinh tế, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra chính sách ổn định giá cả với nội dung hành động như sau: (1) Điều chỉnh giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế để giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước; (2) Giảm đầu tư vào lĩnh vực xây dựng; (3) Điều chỉnh mức thuế làm giảm tiêu dùng và đầu tư; (4) Điều chỉnh tình trạng suy giảm của lĩnh vực tài chính-tín dụng; (5) Tăng cường hệ thống dự trữ nông sản chính và nguyên vật liệu dùng cho công nghiệp, các sản phẩm chính dùng trong sinh hoạt; (6) Ổn định giá của các nguyên vật liệu nhập khẩu chính. Tuy nhiên, chính sách này vẫn tỏ ra kém hiệu quả, khiến cho tỷ giá tiêu dùng vẫn tăng từ 6,6% vào năm 1962 lên đến 13,2% vào năm 1971.

c. Chỉnh sách cải cách tiền tệ

Sau khi chính sách cải cách tiền tệ lần thứ hai được ban hành vào năm 1962, toàn bộ tiền cũ của Hàn là hwan được đổi sang thành tiền won với tỷ giá 1/10 và các tài sản, bất động sản, tiền tiết kiệm… cũng được đổi theo tỷ giá này. Sau khi cải cách tiền tệ, lượng tiền lưu thông đã giảm từ 35,6 tỷ won vào tháng 5 năm 1962 xuống còn 28 tỷ won giúp lạm phát giảm dần, sản xuất phục hồi, vật giá vào giữa tháng 6 ổn định và tăng không quá 0,1% so với thời gian đầu tháng 6 tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư.

d. Chính sách phát triển đất đai và vốn xã hội gián tiếp

Việc phát triển vốn xã hội gián tiếp của Hàn Quốc trong thời kỳ này chủ yếu ở việc xây dựng các tuyến đường cao tốc, góp phần tạo nên tốc độ đô thị hóa cao nhưng vẫn phải bảo vệ môi trường tự nhiên của đô thị. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc tạo nên nền tảng cơ bản phát triển kinh tế Hàn Quốc và thu hút vốn đầu tư. Để thực hiện mục tiêu này, chính phủ đã đưa ra các phương hướng cụ thể như sau: (1) Linh hoạt sử dụng đất đai cho phù hợp với đặc điểm của khu vực; (2) Mở rộng vốn xã hội gián tiếp để tạo nền tảng cơ bản để phát triển; (3) Bảo đảm môi trường sinh thái trước tốc độ đô thị hóa cao; (4) Tạo môi trường sinh hoạt văn hóa an toàn và lành mạnh cho người dân. Để đáp ứng được điều này, trong 10 năm từ năm 1971 đến 1981, Hàn Quốc đã đầu tư 314 tỷ won để phát triển 4 con sông lớn nhằm đảm bảo phát triển mạng lưới điện, phát triển tài nguyên nước, tăng cường hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ môi trường tự nhiên …

(Còn tiếp)

Tác giả Nguyễn Ngọc mai.

Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 4-2018.

 

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here