- Khái niệm công nghiệp hỗ trợ
Thuật ngữ công nghiệp hỗ trợ ra đời đầu tiên ở Nhật Bản. Bản thân cụm từ công nghiệp hỗ trợ được dịch trực tiếp từ thuật ngữ gốc trong tiếng Nhật là “suso-no san-gyuo”, trong đó suso-no nghĩa là “chân núi” và Sangyuo là “công nghiệp”. Nếu xem toàn bộ quy trình sản xuất một sản phẩm như là một quả núi thì các ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò chân núi, còn công nghiệp lắp ráp, sản xuất hoàn tất sản phẩm cuối cùng đóng vai trò đỉnh núi. Do đó nếu không có công nghiệp hỗ trợ rộng lớn, vững chắc thì cũng sẽ không có công nghiệp lắp ráp sản xuất hoàn tất cuối cùng bền vững, ổn định.
Với cách hình dung như trên, tổng thể ngành công nghiệp có thể được xem như là sự kết hợp giữa công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp lắp ráp sản xuất hoàn tất sản phẩm cuối cùng, trong đó, công nghiệp hỗ trợ được coi là cơ sở nền tảng, công nghiệp lắp ráp hoàn tất sản phẩm cuối cùng có vai trò hoàn thành giá trị sử dụng của sản phẩm. Tuy vậy, tại các nước trên thế giới, tuỳ theo tình hình cụ thể và đặc thù của từng quốc gia, khái niệm công nghiệp hỗ trợ có sự khác biệt nhất định.
Có thể nói, công nghiệp hỗ trợ đã được hình thành từ lâu tại Nhật Bản. Nó xuất hiện và tồn tại cùng với quá trình công nghiệp hóa và biến đổi theo thời gian cùng với sự thay đổi của các yếu tố tác động tới môi trường kinh doanh, các yếu tố gây ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa các ngành công nghiệp chính và công nghiệp hỗ trợ.
Ban đầu vào khoảng những năm 40-50 của thế kỷ XX, khái niệm về công nghiệp hỗ trợ của người Nhật cũng chưa thực sự rõ ràng, người ta không dùng khái niệm “công nghiệp hỗ trợ” mà thường chỉ dùng khái niệm “thầu phụ” để chỉ các doanh nghiệp hoặc các nhà cung cấp nhỏ hơn hoạt động theo các hợp đồng nhỏ để hoàn thành hoặc giúp đỡ hoàn thành các phần của sản phẩm của các doanh nghiệp lớn đôi khi được gọi là doanh nghiệp mẹ.
Michael Porter đưa ra định nghĩa về thầu phụ như sau: “Các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản thường có mạng lưới các nhà thầu phụ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp lớn đôi khi có cổ phần trong nhà cung cấp của họ, mở rộng thêm khả năng chia sẻ thông tin. Mặc dù giữ mối quan hệ hợp tác mật thiết với các nhà thầu phụ, tuy nhiên các doanh nghiệp lớn vẫn luôn tìm cách để có được mức giá có lợi nhất”. Vì đây là một trong những đặc điểm độc đáo của nền kinh tế Nhật Bản nên mô hình thầu phụ thường được xem như là một trong những lợi thế cạnh tranh của Nhật Bản so với các nước phương Tây trong giai đoạn tăng trưởng cao. Cụ thể hơn, thầu phụ được “xem là nguyên nhân chính mang đến sự hiệu quả của trong các ngành công, nghiệp lớn như xe ô tô, sản xuất máy móc, dệt may…
Mặc dù có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm thầu phụ nhưng cũng có sự đồng thuận trong một vài khía cạnh của thầu phụ. Thứ hhất, các công ty sản xuất lớn mua các bộ phận sản phẩm từ các công ty nhỏ mà họ ký kết hợp đồng. Thứ hai, thầu phụ là một mối quan hệ lâu dài. Một trong những yếu tố đảm bảo cho mối quan hệ lâu dài này là liên kết quyền sở hữu chéo giữa hai bên. Mối quan hệ sở hữu thay đổi từ quyền sở hữu toàn bộ đến nắm giữ một số cổ phần nhất định của các doanh nghiệp thầu phụ. Chỉ số của mối quan hệ gần gũi giữa doanh nghiệp lớn và nhà thầu phụ cho thấy doanh nghiệp lớn có xu hướng dựa vào số ít các nhà thầu phụ, mặc dù những nhà thầu phụ này gián tiếp liên kết với mạng lưới các nhà thầu phụ rộng hơn thông qua một hệ thống phân cấp các nhà cung cấp. Hơn nữa, mối quan hệ này có thể bao gồm cả các cơ chế khuếch tán, chuyển giao công nghệ, các yếu tố chia sẻ rủi ro và kiểm soát nhà thầu phụ như “hệ thống kanban”. Ngoài ra cũng cần phải đề cập đến việc các nhà thầu phụ có thể có nhiều khách hàng khác nhau. Thứ ba, đôi khi người ta tin rằng có sự tồn tại của mối quan hệ không công bằng giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp được thuê làm thầu phụ. Điều này có thể đúng trong giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới thứ hai khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) không có được vị trí thuận lợi và gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm vốn và cải tiến công nghệ, nhưng các học giả cũng kỳ vọng xu hướng này sẽ giảm dưới tác động của tự do hóa kinh tế.
- Quá trình hình thành và phát triển của công nghiệp hỗ trợ ở Nhật Bản
Trong thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, do nền kinh tế Nhật Bản bị tàn phá nặng nề, lúc này các SME khó có thể tìm được nguồn vốn và công nghệ do bị cách ly khỏi các hoạt động, xuất khẩu và thị trường quốc tế. Thời gian này các doanh nghiệp sản xuất lớn được chính phủ ưu tiên lựa chọn hỗ trợ do Chính phủ Nhật Bản tin rằng những doanh nghiệp này có nhiều tiềm năng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Hơn nữa thời gian này Nhật Bản có nguồn lao động tương đối dồi dào cung cấp cho các SME và đồng thời Nhật Bản lúc này có lợi thế so sánh trong các mặt hàng sử dụng nhiều lao động (Kimura, 2002). Vì những lý do kể trên, mối quan hệ hợp đồng thầu phụ giữa hai bên (doanh nghiệp lớn và nhỏ) đã được thiết lập và nó dường như là một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Doanh nghiệp nhỏ nhận được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật còn các doanh nghiệp lớn có được nhà cung cấp phù hợp. Việc ký kết hợp đồng dài hạn đã giúp các doanh nghiệp đạt được sự ổn định về tài chính. Dường như trong thời kỳ tăng trưởng cao loại quan hệ này là phù hợp để đảm bảo sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Kể từ khi thầu phụ bắt đầu được chứng minh là một hệ thống hiệu quả, quan điểm của công chúng đối với nó đã thay đổi. Các nhà nghiên cứu bắt đầu nhấn mạnh đến những giá trị của thầu phụ như nâng cao hiệu quả trong ngành công nghiệp, đặc biệt là khi các ngành công nghiệp của Nhật Bản tỏ ra vượt trội hơn so với các ngành công nghiệp của Mỹ trong những năm 1970 và 1980. Vì số lượng nhà thầu phụ tăng trưởng nhanh chóng, chất lượng sản phẩm của họ cũng như giá cả và khả năng kỹ thuật được giám sát và xếp hạng bởi các doanh nghiệp lớn. Những doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, có nhiều cơ hội hơn, nhưng đi cùng với điều đó là nhiều trách nhiệm hơn, trong khi đó những nhà thầu phụ thứ bậc thấp hơn có hai lựa chọn: kết thúc hợp đồng hoặc làm việc dưới dạng các nhà thầu phụ cấp thấp.
Đến những năm 1970-1980, khi nền kinh tế Nhật Bản đạt được những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế, việc nhận thức về tầm quan trọng của các nhà thầu phụ thay đổi theo hướng ngược lại. Các nhà nghiên cứu về khoa học quản lý và các học giả của trường phái kinh tể mới đã chỉ ra tầm quan trọng của các nhà thầu phụ (hay nói theo cách hiện đại là công nghiệp hỗ trợ) từ đó thầu phụ được coi là một trong những thành phần quan trọng của hệ thống kinh tế Nhật Bản, với những lợi ích như: tiết kiệm chi phí trong việc tim kiếm và lựa chọn nhà cung cấp mới; nâng cao chất lượng và giảm chi phí; khuyến khích các nhà thầu phụ đầu tư vào tài sản chung; cơ chế chia sẻ rủi ro hiệu quả; duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa nhà lắp ráp và thầu phụ bằng sở hữu chéo cổ phần (nhưng không nhất thiết phải hạn chế các nhà cung cấp, đối tác). Sau đó các doanh nghiệp lớn bắt đầu hỗ trợ tài chính và nghiên cứu phát triển sản phẩm để cùng với các nhà thầu phụ của mình nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh doanh…..
- Xu hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Nhật Bản trong những thập kỷ gần đây
Vào những năm 1980 tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản dần thay đổi theo hướng bất lợi, đồng yên tăng giá đột ngột sau Hiệp định Plaza đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng yên tăng giá dẫn tới việc doanh nghiệp Nhật Bản phải giảm xuất khẩu sản phẩm cuối cùng và chuyển dần cơ sở sản xuất sang các nước có chi phí nhân công rẻ hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài vẫn phải sử dụng các linh phụ kiện nhập khẩu từ nhà thầu tại Nhật Bản vì tại các nước đang phát triển không có nhà cung cấp nào có khả năng cung cấp linh phụ kiện quan trọng, kể cả các nước ASEAN 4.
Ảnh hưởng từ toàn cầu hóa trong những năm 1990 đã gây áp lực buộc các ngành công nghiệp Nhật Bản phải cắt giảm chi phí, đặc biệt là đối với các bộ phận do các nhà thầu phụ trong nước sản xuất. Vì thời gian này Hiệp định Plaza đã làm Nhật Bản mất lợi thế chi phí so với các đối thủ nước ngoài buộc các doanh nghiệp Nhật Bản phải tìm kiếm một hình thức hợp tác và quan hệ sản xuất mới hiệu quả hơn. Một trong những cách giải quyết vấn đề này là đưa bộ phận sản xuất ra nước ngoài. Hình 1 cho thấy xu hướng đầu tư ra nước ngoài ngày càng tăng của các doanh nghiệp Nhật Bản trong khoảng thời gian 1986-2008. Trong một báo cáo về doanh nghiệp vừa và nhỏ của ủy ban SME năm 1998 cho thấy số lượng các nhà thầu phụ trong nước đã giảm đáng kể, ngược lại hoạt động sản xuất ở nước ngoài lại tăng lên. Những doanh nghiệp lớn có tỷ lệ sản xuất ở nước ngoài trên 50% đã cắt giảm tới 46% số lượng thầu phụ trong nước. Như hình 1 cho thấy lượng sản phẩm sản xuất ở nước ngoài tăng từ 7% trong năm 1990 lên gần 20% trong năm 2007, khoảng 1/5 sản phẩm không được sản xuất tại Nhật Bản. Vì Vậy, có thể nói trong giai đoạn này mối quan hệ thầu phụ đã bắt đầu thay đổi theo hướng mở hơn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã bắt đầu sử dụng các nhà cung cấp ở các nước họ mở chi nhánh nhằm tối ưu hóa chi phí.
Bảng 1: Sản lượng bán ra của các SME theo hợp đồng thầu phụ
giai đoạn 1981-1987
(đơn vị %)
Ngành công nghiệp | 1981 | 1987 | |||||
<40 | 40-80 | 80-100 | <30 | 30-70 | 70- 100 | 100 | |
Thực phẩm | 48,5 | 13,2 | 38,1 | 18,1 | 16,0 | 10,5 | 55,4 |
Dệt may | 3,71 | 1,8 | 94,2 | 2,0 | 12,2 | 1,8 | 94,0 |
Trang phục | 4,8 | 3,9 | 91,0 | 21 | 2,8 | 1,8 | 93,3 |
Sản phẩm từ gỗ | 20,7 | 13,5 | 65,4 | 6,5 | 13,6 | 8,9 | 71,0 |
Đồ nội thất | 13,9 | 16,4 | 69,6 | 3,7 | 12,2 | 11,0 | 73,1 |
Giấy | 16,5 | 1,6 | 72,6 | 11,9 | 11,1 | 7,4 | 69,6 |
In | 22,9 | 14,3 | 62,5 | 15,2 | 13,8 | 9,2 | 61,8 |
Hóa chất | 28,4 | 17,6 | 53,6 | 23,9 | 11,2 | 15,8 | 49,1 |
Xăng dầu | 26,7 | 10,3 | 62,8 | 25,3 | 11,0 | 20,4 | 43,3 |
Nhựa | – | – | 1 | 3,9 | 8,6 | 10,5 | 77,0 |
Cao su | 7,0 | 5,8 | 86,9 | 3,2 | 6,0 | 6,6 | 84,2 |
Da | 4,2 | 3,8 | 91,8 | 1,4 | 2,1 | 2,7 | 93,8 |
Gốm sứ | 16,4 | 11,8 | 71,5 | 7,6 | 9,7 | 4,0 | 78,7 |
Sắt thép | 14,5 | 12,2 | 73,1 | 8,6 | 15,2 | 12,3 | 63,9 |
Kim loại màu | 9,0 | 11,2 | 79,5 | 6,6 | 7,8 | 11,4 | 74,2 |
Sản phẩm kim loại | 8,9 | 11,2 | 79,7 | 3,8 | 9,6 | 10,2 | 76,4 |
Máy móc tồng hợp | 7,9 | 7,9 | 84,0 | 3,9 | 7,1 | 10,2 | 78,8 |
Máy móc điện | 5,0 | 6,2 | 88,6 | 3,1 | 4,8 | 9,3 | 82,8 |
Thiết bị vận tải | 5,2 | 4,9 | 89,7 | 2,8 | 4,8 | 9,6 | 82,8 |
Máy móc chính xác | 5,2 | 6,3 | 88,2 | 3,0 | 5,4 | 7,9 | 83,7 |
Sản xuất khác | 11,5 | 9,8 | 78,4 | 6,2 | 8,9 | 5,0 | 79,9 |
Tổng ngành sản xuất | 9,4 | 7,9 | 82,4 | 4,5 | 7,0 | 7,2 | 81,3 |
Nguồn: Subrahmanya, M. B. (2008) “Industrial Subcontracting and Structure in Japan: Evolution and Recent Trends”, Journal of Management History, Vol 14, 23-3.
Sau khi phân tích cả hai bảng, có thể nhận thấy rằng mối quan hệ giữa doanh nghiệp lớn và nhà thầu phụ là mối quan hệ lâu dài cùng phát triển, và khi cấp của nhà thầu phụ trong ngành công nghiệp cao hơn thì sản lượng bán kèm hợp đồng ra cũng cao hơn. Tỉ lệ sản phẩm bán ra càng cao thì mối quan hệ giữa doanh nghiệp lớn và nhà thầu phụ càng chặt chẽ.
Đến khoảng những năm 1980, do chịu tác động bởi toàn cầu hóa, các SME của Nhật Bản bắt đầu tách rời khỏi mô hình truyền thống dựa trên quan hệ thầu phụ lâu dài sang mối quan hệ cởi mở hơn giữa nhà cung cấp và khách hàng. Bảng 3 cho thấy xu hướng trong ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản. Ngành công nghiệp ô tô được lấy làm ví dụ không chỉ bởi vì ngành này tồn tại quan hệ hợp đồng phụ, mà còn vì sự cần thiết phải thay đổi nhanh chóng để bắt kịp xu hướng mới của thị trường quốc tế.
Vì vậy những thay đổi trong quan hệ thầu phụ của ngành công nghiệp này là rất đáng chú ý.
Bảng 2: Thay đổi trong quan hệ thầu phụ của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản giai đoạn 1984-1993
1984 | 1987 | 1990 | 1993 | |
Nhà sản suất/Thầu phụ | 4,81 | 5,01 | 5,17 | 5,44 |
Nhà thầu phụ/Nhà sản xuất | 12,16 | 2,28 | 2,44 | 2,59 |
Tỷ lệ các nhà thầu phụ cung cấp cho Toyota và Nissan | 0,26 | 0,26 | 0,29 | 0,32 |
Nguồn: Kwon, H.-K. (2005), “National Model under Globalization: The Japanese Model and Its Internationalization”Politics Society, 33:234.
Có thể thấy, cả doanh nghiệp sản xuất lớn và nhà thầu phụ đã tăng số lượng đối tác, số lượng tăng đều từ năm 1984 đến năm 1993. Tỷ lệ các nhà thầu phụ hợp tác với Toyota và Nissan đã tăng đáng kể. Xu hướng này có thể được hiểu là dấu hiệu chuyển từ quan hệ thầu phụ lâu dài sang quan hệ mở và linh hoạt.
Cả hai bên đều nhận thấy sự cần thiết phải thay đổi quan hệ thầu phụ. Do mối quan hệ độc quyền với các doanh nghiệp lớn và không phải chịu nhiều cạnh tranh với các doanh nghiệp thầu phụ khác, giá sản phẩm của các SME dần không còn “hấp dẫn” trên thị trường quốc tế. Lúc này các doanh nghiệp lớn cho rằng quan hệ thầu phụ không đủ linh hoạt để đổi mới công nghệ nhanh chóng như đối thủ cạnh tranh. Một loạt các nghiên cứu cho thấy trong những năm gần đây, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản có xu hướng lựa chọn nhà cung cấp một cách cởi mở hơn (Kwon, 2005).
Những phân tích trên chỉ ra những thay đổi trong mô hình nhà thầu phụ của Nhật Bản trong những thập kỷ gần đây. Nhiều quan điểm cho rằng mô hình thầu phụ của Nhật Bản vẫn giữ nguyên truyền thống cho đến những năm 1990 khi chịu tác động từ thỏa thuận Plaza, nhưng từ những dữ liệu của các ngành công nghiệp Nhật Bản, có vẻ như những thay đổi trong quan hệ thầu phụ đã bắt đầu diễn ra sớm hơn, từ những năm 1980. Thời gian này Nhật Bản phải đổi mặt với nhiều vấn đề điều chỉnh cơ cấu với vị thế là một nước phát triển, chứ không còn là một nước đang phát triển. Đồng thời trong thời gian này các nền kinh tế mới nổi hoạt động sôi nổi và đầy cạnh tranh với các sản phẩm có chất lượng và giá cả cạnh tranh hơn… tất cả những yếu tố này tác động lên hoạt động của doanh nghiệp và những doanh nghiệp nhỏ phải chịu nhiều áp lực, nếu không linh hoạt để thích nghi, doanh nghiệp đó sẽ không thể tồn tại. Do vậy trong những năm gần đây, số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản phá sản hay tuyên bố phá sản đã tăng lên, những mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp chính cũng dần thay đổi dưới tác động của toàn cầu hóa, nhiều doanh nghiệp phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình và không ít doanh nghiệp không thể thích nghi.
Như vậy, hệ thống thầu phụ đã từng đóng vai trò tích cực trong việc phân bổ nguồn lực kinh tế trong thời kỳ tăng trưởng cao nay lại một lần nữa được đưa lên bàn thảo luận. Các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản thực sự đã nghiêm túc xem xét lại hệ thống này từ những 1990 nhằm đánh giá những điểm còn hạn chế của hệ thống.
Khi các doanh nghiệp Nhật Bản dần đánh mất sự hiệu quả trong chi phí sản xuất, họ sẽ buộc phải tìm các nhà cung cấp mới có giá thành rẻ hơn. Sự cứng rắn trong các chính sách của chính phủ đã làm tăng giá thành của các sản phẩm do các nhà thầu phụ trong nước cung cấp. Bên cạnh đó, thời điểm này các nước Đông Á cũng đã bắt đầu cung cấp hàng hóa có chất lượng với giá thành cạnh tranh hơn rất nhiều. Đây là lý do doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn giải pháp gia công ở nước ngoài nhằm đảm bảo hiệu quả về chi phí sản xuất. Từ những năm 1980 Nhật Bản đã ghi nhận sự gia tăng liên tục về tỷ lệ sản xuất ở nước ngoài. Theo đó, mối quan hệ thầu phụ từng có những đóng góp lớn vào thành công kinh tế của Nhật Bản trong thời kỳ tăng trưởng cao đang có dấu hiệu chuyển đổi. Để giành lại vị trí của mình trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp Nhật Bản đã phải điều chỉnh theo hoàn cảnh hiện tại, xu hướng cởi mở hơn trong mối quan hệ giữa nhà sản xuất lớn và nhà thầu phụ được thiết lập./.
Bùi Đông Hưng