- Bối cảnh ra đời ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc
1.1. Bối cảnh trong nước
Sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Hàn Quốc gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Nền kinh tế Hàn Quốc lúc đó phần lớn là nền kinh tế nông nghiệp truyền thống, với 2/3 dân số trong độ tuổi lao động sống bằng nghề nông. Tuy nhiên, chiến tranh đã phá hủy thủ đô Seoul và nhiều thành phố lớn khác cũng như tàn phá một cách nặng nề nhiều nhà máy, hầm mỏ, tàu đánh cá, hệ thống tưới tiêu, nhà cửa, làng mạc khiến cho 40%-50% thiết bị máy móc dùng cho công nghiệp bị phá hủy. Điều này đã khiến cho nông nghiệp và công nghiệp bị ảnh hưởng, cơ sở vật chất bị tàn phá, đội ngũ doanh nghiệp và nguồn vốn con người có kỹ thuật bị thiếu hụt, nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối nghèo nàn, thị trường nội địa nhỏ, các vấn đề như yếu kém công nghệ, thiếu vốn, các ngành công nghiệp liên kết lại kém phát triển. Lúc này, Hàn Quốc đang thực hiện chính sách công nghiệp thay thế nhập khẩu trong bối cảnh dựa vào Mỹ cả về quân sự lẫn kinh tế. Mỹ đã viện trợ ồ ạt cho Hàn Quốc với tổng sổ tiền viện trợ từ năm 1952 đến năm 1961 lên tới hơn 2 tỷ USD. Tuy nhiên, chiến lược này không thành công, Hàn Quốc vẫn là nước nghèo với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đạt 5% và sức cạnh tranh cộng nghiệp còn yếu trong suốt những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ XX.
Năm 1962 là năm đánh dấu sự ra đời của ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc và là giai đoạn sơ khai khi các công ty sản xuất ô tô của Hàn Quốc có công nghệ và năng suất thấp, phụ thuộc nhiều vào phụ tùng linh kiện nhập khẩu. Sau đó, vào năm 1963, Mỹ giảm viện trợ mạnh, đồng thời, trong kế hoạch 5 năm lần đầu tiên (1962-1966), Chính phủ Hàn Quốc thực hiện chủ yếu chiến lược xuất khẩu thay thế nhập khẩu và phát triển một số ngành công nghiệp nhẹ như sợi nhân tạo, thiết bị điện, cao su, gỗ dán, giày da, tóc giả và lấy việc phục vụ thị trường nội địa là chính. Tuy nhỉên, chiến lược này chưa thực sự có hiệu quả và cũng không tạo ra nhiều công ăn việc làm. Chính vì lẽ đó, trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1967-1971) và thứ ba (1972-1979), Hàn Quốc đã chuyển hướng sang chiến lược công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu và ưu tiên xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp nặng và hóa chất sử dụng nhiều lao động có lợi thế so sánh với các quốc gia khác trên thế giới, trong đó có ô tô, ngành công nghiệp có khả năng sinh lợi cao và giúp thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển. Tuy nhiên, trong giai đoạn đó ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc cũng tồn tại một số vấn đề chủ yếu như: sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật thấp, hàng hóa được sản xuất với số lượng nhỏ nên sản phẩm ô tô thường lỗi và giá thành cao, không thể sản xuất đại trà trong thời gian dài các mẫu xe ngoại luôn thay đổi. Đồng thời, những mẫu xe này cho dù được nội địa hóa 100% cũng khó khai thác thị trường xuất khẩu. Vì thế bước đột phá duy nhất cho quá trình phát triển công nghiệp ô tô Hàn Quốc chính là khả năng sản xuất mẫu xe con độc quyền, có tỷ lệ nội địa hóa cao với giá thành thấp.
Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa phụ tùng, linh kiện ô tô còn thấp do các công ty trong nước chỉ tập trung nhập khẩu linh kiện phục vụ cho việc lắp ráp nhờ quy định miễn thuế cho loại hàng hóa này. Ngay cả công ty Sinjin, doanh nghiệp giữ vai trò độc quyền trong ngành công nghiệp ô tô cũng chỉ đạt tỷ lệ nội địa hóa là 21% vào năm 1966 và sau đó là 38,2% vào năm 1969. Số lượng phụ tùng ô tô cho động cơ, khung gầm xe… mà các công ty trong nước có thể cung cấp được chỉ chiếm tỷ lệ 38,19%. Do vậy Chính phủ Hàn Quốc cũng ban hành hàng loạt các chính sách xúc tiến và bảo hộ ngành công nghiệp ô tô. Vào ngày 29/12/1969, Bộ Công nghiệp Hàn Quốc sau đổi tên thành Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã đưa ra kế hoạch cơ bản phát triển công nghiệp ô tô Hàn Quốc với ba mục tiêu chính là: tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 100% vào năm 1972 đối với dòng xe con và vào năm 1974 với dòng xe tải; hình thành liên kết theo chiều ngang trong ngành công nghiệp chế tạo ô tô; nâng cao sản lượng xuất khẩu lên 75.000 xe vào năm 1981. Đồng thời, Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ ba được đưa ra vào năm 1971 với nội dung chủ yếu tập trung vào việc sản xuất ô tô trong nước và sử dụng linh kiện được nội địa hóa ở mức tối đa. Thêm vào dó, chính phủ nước này cũng khuyến khích các công ty trong nước thành lập liên doanh với các nhà sản xuất lớn của nước ngoài để học hỏi và chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, quá trình sản xuất ô tô Hàn Quốc được bắt đầu vào năm 1955 khi doanh nhân Hàn Quốc Choi Moo Seong và anh em của ông là Choi Hae Seong và Choi Soon Seong đã chuyển đổi chiếc xe jeep của quân đội Mỹ để chế tạo chiếc xe Hàn Quốc đầu tiên được gọi là “Sibal”. Tuy nhiên, chiếc xe này mới chỉ dừng lại ở mức lắp ráp, sửa chữa đơn thuần. Sau đó, lần lượt các công ty sản xuất ô tô ra đời. Đầu tiên, ông Park Na Jong, một doanh nhân Hàn Quốc nhưng sống xa xứ ở Nhật Bản đã được ngài Kim Jong Pil (Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Hàn Quốc) giúp đỡ để có được giấy phép lắp ráp xe Nissan và sau đó thành lập nên công ty Saenara Motors vào năm 1962. Đây là một doanh nghiệp lắp ráp các mô hình xe khách Nissan và nhập khẩu các bộ linh kiện không đồng bộ (gọi tắt là SKD) của mẫu Nissan Bluebird đã được miễn thuế để lắp ráp ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, công ty này bị sụp đổ vào tháng 7 năm 1963 khi chính quyền quân sự không thể cho phép công ty này nhập khẩu bộ linh kiện vì tình trạng thiếu ngoại tệ sau cuộc cải cách tiền tệ. Sau đó, Công ty Sinjin Motors liên minh với Toyota đã mua lại Saenara vào năm 1965 và bắt đầu lắp ráp mẫu xe của Toyota, Corona với tỷ lệ nội địa hóa 21% và chiếm thị phần chủ yếu của thị trường ô tô trong nước. Với việc sản xuất Toyota Corona, tổng tài sản của Sinjin tăng gấp 10 lần trong ba năm tiếp theo, từ 300 triệu won năm 1965 lên 3,2 tỷ won năm 1965. Vào năm 1972, công ty này cũng tạo liên doanh với General Motors khi Toyota thoái vốn do áp lực từ “Bốn nguyên tắc” của Chu Ân Lai và sự chuyển hướng của Tổng thống Park sang giai đoạn sản xuất ô tô.
Công ty Asia Motor được thành lập vào năm 1965 và sản xuất xe theo công nghệ Fiat. Sau đó, công ty này bị Kia Motors một công ty đến sau thành lập năm 1970 thu mua và tiếp quản. Đến năm 1967, Công ty Hyundai Motor được thành lập trong thỏa thuận chuyển nhượng công nghệ, phát triển sản xuất động cơ ô tô với Công ty Ford Motor và sau đó là Công ty ô tô Mitsubishi Nhật Bản. Theo đó, các kỹ sư của Hyundai sẽ được cử sang nhà máy Mitsubishi để kỹ sư Nhật Bản đào tạo và trong giai đoạn phát triển xe Pony, mẫu xe đầu tiên có tỷ lệ nội địa hóa cao của Hàn, các kỹ sư Nhật Bản sống ở nhà máy Ulsan của Hyundai Motors để thiết kế bản vẽ dây chuyền lắp ráp và để giám sát quá trình xây dựng dây chuyền. Cùng trong năm đó, chính phủ Tổng thống Park đồng ý cho Hyundai Motors và sau đó một năm là Asia Motors tham gia vào phát triển ngành công nghiệp ô tô và cạnh tranh thị phần với Công ty Sijin.
Như vậy, mặc cho các điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng nhờ vào sự viện trợ về vốn của Mỹ, sự hỗ trợ về chuyển giao công nghệ của Nhật Bản, các chính sách hợp lý và đúng đắn của chính phủ cầm quyền, lợi thế nguồn nhân công rẻ cũng như sự cạnh tranh giữa nhiều hãng sản xuất mà ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ có được tốc độ phát triển vượt bậc trong giai đoạn này và đạt được những thành tựu lớn hơn về sau.
1.2. Bối cảnh quốc tế
Vào năm 1960, nền kinh tế thế giới cũng như thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế có những bước phát triển mới. Thêm vào đó, vào năm 1970, cục diện Xô-Mỹ ổn định, do nhiều nhân tố tác động như chạy đua vũ trang quá tốn kém và nhọc nhằn, hai phe đã tạo được thế cân bằng về quân sự, chiến lược nên các nước lớn đã chuyển sang hòa hoãn, đấu tranh và hợp tác trong sự giải trừ quân bị và chạy đua kinh tế. Đồng thời, sự hợp tác kinh tế giữa các nước khác nhau về thể chế chính trị đã xuất hiện, mở đầu cho quá trình liên kết kinh tế quốc tế mới. Tình hình tài chính quốc tế tương đối ổn định, nguồn vốn tài chính cho vay của các tổ chức quốc tế cũng như Hoa Kỳ, Mỹ, Nhật Bản đối với các nước đang phát triển khá thuận lợi. Các chính sách bảo hộ mậu dịch cũng chưa thực sự nặng nề như những thập niên về sau. Hàng rào trao đổi buôn bán kinh doanh giữa các nước còn ít, quá trình buôn bán quốc tế và phát triển kinh tế của các nước phát triển được đẩy mạnh với tốc độ nhanh. Chính vì thế, các nước đang phát triển có khả năng đuổi kịp các nước tư bản phát triển do những cơ hội thuận lợi đem lại, mà không nhất thiết phải tuần tự phát triển theo các bước như các nước tư bản phát triển đã trải qua trước kia. Do vậy, có thể nói điều kiện kinh tế thế giới trong giai đoạn 1960-1973 cực kỳ thuận lợi cho công cuộc phát triển kinh tế của Hàn Quốc với chính sách tập trung phát triển ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất.
Đồng thời, trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1960, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại bùng nổ khiến cho ngành công nghiệp ô tô có những bước phát triển vượt bậc. Những thành tựu khoa học kỹ thuật được áp dụng như vật liệu mới, kỹ thuật điện tử, điều khiển học đã làm thay đổi thiết kế ô tô thời kỳ này theo khuynh hướng tiết kiệm nhiên liệu và tuân thủ các quy định về môi trường của chính phủ các nước trên thế giới. Sản lượng công nghiệp ô tô của Nhật Bản và Tây Âu tăng mạnh nhưng quy mô vẫn nhỏ hơn so với Mỹ. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào những năm 1970 và những quy định ngặt nghèo về môi trường đã tạo ra trào lưu phát triển dòng xe có lượng phát thải thấp trong giai đoạn sau, khiến cho ngành công nghiệp ô tô Mỹ mất thị phần vào tay những nhà sản xuất ô tô Nhật Bản với những mẫu ô tô tiết kiệm nhiên liệu, chất lượng cao với giá cả phải chăng.
Như vậy, có thể thấy, ngành công nghiệp ô tô thế giới luôn là một ngành đầy cơ hội và thách thức với sự thay đổi liên tục vị trí các nước dẫn đầu. Do vậy, bên cạnh các điều kiện thuận lợi về kinh tế chính trị, sự hỗ trợ của Nhật Bản, một trong ba trung tâm sản xuất lớn trên thế giới, dành cho Hàn Quốc cũng là một trong những nhân tố quyết định giúp vực dậy ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc, tạo điều kiện cho ngành này có những bước phát triển không ngừng.
- Cơ quan phụ trách và các điều luật liên quan
Công nghiệp ô tô là một ngành công nghiệp mũi nhọn trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm của Chính phủ Hàn Quốc. Chính vì thế, rất nhiều cơ quan trọng yếu của chính phủ đã được Tổng thống Hàn Quốc chỉ định và giao nhiệm vụ quản lý cũng như ban hành những chính sách cần thiết và phù hợp để phát triển ngành công nghiệp này, cụ thể là các cơ quan dưới đây:
Viện Kinh tế Kế hoạch Hàn Quốc: Đây là cơ quan trực thuộc Cục Ngân sách Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ được thành lập vào ngày 22/7/1961. Ngày nay, Bộ Tài chính và Viện Kinh tế Kế hoạch được hợp nhất thành Bộ Kế hoạch tài chính. Đây là cơ quan có nhiệm vụ bao quát các chính sách kinh tế, tài chính của Hàn Quốc cũng như xây dựng chiến lược phát triển quốc gia trong dài hạn, chính sách tài chính, xây dựng các kế hoạch về thuế và ngoại hối, việc thu chi ngân sách nhà nước, quản lý tài sản quốc gia và quốc khố…
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc: Đây là cơ quan chính phủ được thành lập từ năm 1944. Từ năm 1944 đến năm 1978, Bộ này ban đầu có tên là Bộ Công Thương có nhiệm vụ quản lý ngoại thương, thương mại, công nghiệp, bằng sáng chế, nợ công và các khoản vay thương mại, điều chỉnh một số chính sách kinh tế, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp và năng lượng, khuyến khích đầu tư nước ngoài tại Hàn Quốc… ĐẾn năm 1968, Bộ này đặt thêm các cục mới như Cục Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Cục Xúc tiến Thương mại (thành lập nãm 1970), Sở Xúc tiến Công nghiệp, Cục Quản lý khu công nghiệp (thành lập vào năm 1973 sau đó bị giải thể vào năm 1976), Cục Sở hữu trí tuệ (thành lập năm 1976).
Tố chức đầu tư xúc tiến và thương mại Hàn Quốc: Đây là tổ chức ra đời vào năm 1962 và cho đến nay đã hình thành và phát triển hệ thống các văn phòng ở nước ngoài gồm 126 trung tâm được gọi tắt là KBC (Trung tâm Thương mại Hàn Quốc) tại 86 quốc gia trên thế giới. Nhiệm vụ của tổ chức này là xúc tiến thương mại yà đầu tư của Hàn Quốc cũng như cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và đầu tư ở nước ngoài cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, khai thác các cơ hội hợp tác kinh tế đa dạng…
Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc: Đây là viện nghiên cứu đa ngành đầu tiên được thành lập vào năm 1966 dưới sự bảo trợ của Mỹ và Hàn Quốc. Viện này đã đóng góp đáng kể vào việc phát triển kinh tế của Hàn Quốc đặc biệt trong giai đoạn tăng trưởng nhanh vào những năm 1970 và 1980. Nhiệm vụ của viện nghiên cứu này là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia và hiện đại hóa các lĩnh vực kỹ thuật. Từ đó, viện này đã đặt nền tảng cơ bản để phát triển công nghệ ở Hàn Quốc cũng như để thiết lập các tổ chức nghiên cứu và phát triển quan trọng sau này, góp phần phát triển công nghệ khẩn cấp cần thiết trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa của Hàn Quốc. Hiện nay, Viện có một đội ngũ nghiên cứu khoảng hơn 1.800 người, trong số đó có rất nhiều nhà khoa học, nghiên cứu sinh và học viên, các nhà khoa học nước ngoài tham gia vào nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ khác nhau.
Hiệp hội hợp tác ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc: Là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1962 với mục đích phát triển các ngành công nghiệp ô tô và xe máy của Hàn Quốc, đặc biệt là các ngành công nghiệp sản xuất linh kiện và phụ tùng. Hiệp hội này hiện nay có 270 công ty thành viên. Nhiệm vụ chính của tổ chức này là nghiên cứu và phân tích các vấn đề mà ngành ô tô phải đối mặt và đề xuất việc thực hiện chính sách phù hợp với các tổ chức chính phủ có liên quan, thu thập, biên soạn và phổ biến thông tin như dữ liệu thống kê về sản xuất, bán hàng và xuất khẩu liên quan đến ngành công nghiệp ô tô, cung cấp cho các công ty thành viên tất cả các thông tin cập nhật về tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật liên quan đến phụ tùng ô tô và khuyến khích họ đáp ứng, kết hợp với Hiệp hội sản xuất ô tô Hàn Quốc để tổ chức Triển lãm ô tô Seoul (Seoul Motor Show) và tham gia một số triển lãm thương mại quốc tế trên toàn thế giới, hỗ trợ đối tác nước ngoài bằng cách cung cấp thông tin đáp ứng nhu cầu tìm nguồn cung ứng của họ cũng như sắp xếp cho họ cuộc họp với các nhà sản xuất Hàn Quốc thích hợp.
Hiệp hội Xúc tiến xuất khẩu Hàn Quốc: Tổ chức này được thành lập vào tháng 12 năm 1962. Đây là cơ quan quyết định và xúc tiến thực hiện các chính sách về xuất khẩu. Hiệp hội này có chủ tịch là Thủ tướng Hàn Quốc và 12 thành viên, trong đó có 8 thành viên nội các chính phủ, 2 thành viên đại diện cho chính phủ (Ngân hàng và Văn phòng xúc tiến thương mại Hàn Quốc-KOTRA), 2 người đại diện cho đoàn thể kinh tế tư nhân (Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc và Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc). Đến tháng 8 năm 1964, con số thành viên của hội tăng lên thành 15 người, với 8 người đại diện cho nội các, 4 người đai diện cho cơ quan chính phủ và 3 người đại diện cho đoàn thể kinh tế tư nhân. Hiệp hội này tổ chức Đại hội xúc tiến xuất khẩu hàng năm từ năm 1965-1979.
Về khía cạnh các điều luật liên quan, vào ngày 21 tháng 5 năm 1962, Chính phủ Hàn Quốc chính thức ban hành Luật bảo hộ ngành công nghiệp ô tô. Đây là luật chủ yếu góp phần quan trọng đối với việc thành hay bại của quá trình phát triển và sản xuất ô tô của Hàn Quốc, chỉ ra vai trò chủ đạo của chính phủ trong việc hình thành cơ cấu các ngành công nghiệp, quy định cụ thể và rõ ràng về vai trò của vốn nước ngoài cũng như tỷ lệ nội địa hóa các phụ tùng, linh kiện ô tô. Luật này cũng cấm nhập khẩu xẹ hoàn chỉnh, cấm nhập khẩu bộ phận và linh kiện trừ những thiết bị cần thiết để lắp ráp thành xe hoàn thiện và giảm thuế quan cho các linh kiện dạng này. Bên cạnh đó, Luật miễn giảm thuế ban hành năm 1975 đưa ra một loạt các ưu đãi về thuế bao gồm cả không phải đóng thuế, hoãn thuế đầu tư và khấu hao nhanh cho những ai tham gia vào chương trình công nghiệp nặng, công nghiệp hóa chất. Kết quả là đối với những người tham gia chương trình thì mức thuế doanh thu chỉ nằm trong khoảng 15-20%, trong khi đối với các xí nghiệp không thuộc công nghiệp nặng thì mức này là 48-52%, Luật Xúc tiến thầu phụ doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành vào năm 1975 và điều chỉnh năm 1978 yêu cầu các doanh nghiệp hạt nhân phải cùng với các doanh nghiệp thành viên nghiên cứu, phát triển phụ kiện, nguyên liệu mới thay thế, phải mua các sản phẩm này từ các doanh nghiệp thành viên chứ không được tự sản xuất. Ngoài ra, một số luật khác liên quan đến chính sách phát triển công nghiệp ô tô như Luật bảo hộ ngành công nghiệp ô tô (ban hành ngày 21/5/1962, Luật cơ bản dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (điều 18, 19, ban hành tháng 7/1966), Luật khuyến khích ngành máy móc (ban hành năm 1969), Luật miễn giảm thuế (ban hành nam 1975)…
Như vậy, với điều kiện trong và ngoài nước thuận lợi cho phát triển kinh tế, các điều luật liên quan phù hợp và tạo nhiều ưu đãi, mục tiêu đặt ra rõ ràng, cụ thể, ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc có nhiều tiềm năng lớn để phát triển từ chỗ chỉ lắp ráp các linh kiện có sẵn sang giai đoạn có thể tự sản xuất ra loại ô tô nội địa hóa hoàn toàn và cao hơn là xuất khẩu sang các nước thứ ba.
Nguyễn Ngọc Mai (theo Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 11-2018)