Năng suất – nhân tố tổng hợp và tăng trưởng kinh tế Nhật Bản giai đoạn 1960-1990: khảo sát và những nhận định chủ yếu (Phần cuối)

0
80

2. Giá đầu ra và lợi nhuận tương đối

Tỷ lệ gia tăng trong giảm phát giá đầu ra, lương và lợi nhuận trên vốn cổ phần (lợi nhuận/vốn cổ phần) cũng được xem là nhưng nhân tố tác động đến động thái tăng trưởng của các nhóm ngành cũng như toàn bộ nền kinh tế. Có thể rút ra một số nhận định như sau:

2.1. Lĩnh vực sơ chế

Giá sản phầm đầu ra trong lĩnh vực sơ chế đã tăng nhanh hơn hai nhóm còn lại cho đến thập niên 1960, nhưng tăng chậm hơn trong từng giai đoạn ngắn hạn 1976-1980, 1981-1985, 1986-1990. Điều này là do sự chuyển biến rõ rệt trong chính sách nông nghiệp trong đó có chính sách giá gạo và chính sách nhập khẩu các nông sản khác. Mặc dù mức tăng lương trong lĩnh vực này tăng nhanh hơn trong thập niên 1960, nhưng vẫn thấp hơn so với các lĩnh vực khác, nên sự tăng trưởng về giá dường như là yếu tố quyết định lợi tức/vốn cổ phần. Trong giai đoạn 1961-1965, lĩnh vực sơ chế đem lại lợi nhuận cao nhất, và mặc dù khả năng sinh lời đã sụt giảm nhanh chóng sau đó, song ngành này vẫn mang lại lợi nhuận trong giai đoạn 1971-1975 khi đầu tư vào nông nghiệp như một ngành sản xuất. Điều này giải thích tại sao các đầu tư vốn quy mô lớn trong nông nghiệp vẫn diễn ra trong nửa đầu thập niên 1970. Nhưng cần lưu ý ở đây là những đầu tư trong ngành này mang lại lợi nhuận nhất định nhưng hoàn toàn không hiệu quả trên thực tế do tiết kiệm lao động nhưng ở mức không đáng kể và TFP đã giảm một cách rõ rệt. Mặc dù các chính sách nông nghiệp đã góp phần vào việc đảm bảo công bằng xã hội và làm giảm bớt những tổn thương do chuyển dịch kinh tế, song nó cũng gây nên sự thiếu hiệu quả đáng kể trong phân bổ mà nếu không có sẽ làm tăng trưởng diễn ra nhanh hơn. Vào thập niên 1980, giá đầu ra tương đối ổn định và mặc dù lương tăng rất ít trong lĩnh vực này, nhưng lợi tức trên vốn đã sụt giảm rất mạnh. Hậu quả là vốn đầu vào cũng tăng chậm dần. Tuy nhiên, về mặt tiết kiệm lao động, thập niên 1960 hoạt động hiệu quả hơn và TFP ở mức giảm sút thấp hơn.

2.2. Lĩnh vực công nghiệp

Giá đầu ra trong nhóm ngành này liên tục tăng thấp hơn hai nhóm ngành còn lại cho đến nửa đầu thập niên 1970. Tuy nhiên, đôi khi giá cả ngành này tăng nhanh hơn mức giá nông sân, nhưng tương đối ổn định. Điều này có nghĩa là vốn đầu vào trong nhóm lĩnh vực này phải đưa đến sự gia tăng năng suất trên thực tế. Liên quan đến lợi tức trên vốn cổ phần, có điểm thắt nút khá rõ sau thập niên 1960, nhưng nó vẫn ổn định khá ấn tượng cho đến tận đầu thập niên 1970. Không tính đến giai đoạn ngắn hạn đầu những năm 1990, xu hướng giảm khả năng sinh lời không mang tính dài hạn.

2.3. Lĩnh vực dịch vụ

Giá đầu ra của lĩnh vực này tăng nhanh hơn lĩnh vực sản xuất, nhưng chậm hơn lĩnh vực sơ chế trong suốt thập niên 1960. Trong những năm tiếp theo, giá đầu ra đã tăng nhanh một cách thường xuyên hơn các nhóm ngành khác.Với mức sản lượng thực tế tăng gần như ngang bằng với nhóm lĩnh vực sản xuất, sản lượng danh nghĩa của nhóm lĩnh vực này đã tăng nhanh hơn hai nhóm lĩnh vực còn lại. Điều này là đương nhiên khi cho rằng dịch vụ là sự “xa xỉ”. Tỷ suất lợi nhuận/vốn cổ phẩn cũng có điểm thắt như trong lĩnh vực sản xuất, nhưng vẫn đạt mức cao hơn đáng kể so với các nhóm lĩnh vực khác.

Như vậy, chi phí về vốn của lĩnh vực này đã tăng nhanh hơn nhóm lĩnh vực sản xuất từ giai đoạn 1976-1980. Tuy nhiên, đó không phải là loại hình tiết kiệm lao động, và doanh thu trong tổng năng suất vẫn chỉ ở mức cận biên mà thôi. Tuy nhiên vẫn cần phải có thêm các nghiên cứu để xác định có quá khó tăng năng suất trong nhóm lĩnh vực dịch vụ này hay không? Dường như vẫn còn phạm vi khá rộng để tăng năng suất trong nhóm lĩnh vực này. Trước hết, TFP cho thấy mức tăng khá lớn 5,2%/năm trong giai đoạn 1966-1970 (Bảng 1). Thứ hai, giá sản lượng đầu ra của lĩnh vực này có xu hướng tăng lên do thiếu sự canh tranh và do nhiều sản phẩm của nhóm lĩnh vực này “không có khả năng thương mại” và vì có rất nhiều quy định hạn chế việc tham gia và hoạt động trong nhóm lĩnh vực này. Với mức giá đầu ra tăng, đây là những khoảng trống tạo “lợi nhuận khá dễ dàng” và do đó không nhiều động lực để tăng năng suất thực. Nhóm ngành III được phân chia thành ba lĩnh vực nhỏ hơn: kinh doanh bán buôn bán lẻ, dịch vụ và các loại khác. Động thái của các ngành này cho thấy kinh doanh bán buôn bán lẻ thể hiện gia tăng lớn trong TFP ở thập niên 1960, có thể phản ánh nền kinh tế nhờ quy mô (sản lượng thực tăng rất ấn tượng, và các siêu thị quy mô lớn bắt đầu lan rộng). Lĩnh vực nhỏ này vẫn hoạt động tốt trong các giai đoạn gần đây. Điểm ấn tượng là giảm phát giá khá ổn định từ đầu thập niên 1980, do đó đầu tư vốn đã tăng được năng suất thực. Tuy nhiên, mức giảm phát giá của dịch vụ lại hầu như tăng nhanh hơn các lĩnh vực khác, và đôi khi tăng nhanh hơn cả lương. Dù đầu tư tăng lên một cách nhanh chóng, nhưng nguồn lao động đầu vào vẫn không đổi nên TFP thường xuyên ở tình trạng thấp. Những dẫn chứng trên cho thấy cạnh tranh có xu hướng khuyến khích đầu tư tăng năng suất thực, thông qua việc nâng cao tính hiệu quả hay do tăng cường quy mô nền kinh tế, thì đều có xu hướng dẫn đến tăng TFP.

3. Chính sách công nghiệp

Một số nhận định khá phổ biến đặt lại vấn vấn đề về ảnh hưởng tích cực của các chính sách công nghiệp trong những năm 1960-1970. Hệ thống trợ giá nông nghiệp là một sai lầm rõ ràng với việc đã đổ quá nhiều vốn vào nông nghiệp hơn mức mong muốn và đã không được sử dụng một cách hiệu quả. Các chính sách đã được thay đổi vào cuối thập niên 1970, và lĩnh vực sơ chế đã không tăng trưởng âm.

Trong nhóm ngành thứ ba, vốn có sự điều tiết lớn hơn nhóm ngành thứ hai, giá đầu ra cũng tăng nhanh hơn, và có xu hướng khuyến khích đầu tư. Nhưng nhóm ngành này dường như thu được nhiều lợi tức danh nghĩa, là mối quan tâm có ý nghĩa đối với các nhà đầu tư, chứ không đưa đến tăng năng suất thực. Giá vé hàng không và cước điện thoại đường dài giảm trong những năm gần đây chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy còn những khoảng trống để gia tăng cạnh tranh và cơ hội kinh doanh mới bằng cách nới lỏng điều tiết.

Trong chính sách công nghiệp theo nghĩa hẹp, vốn đầu vào trong các nhóm ngành công nghiệp trong những năm 1960 đã tăng nhanh hơn so với các nhóm ngành khác. Tuy nhiên, liệu đây có phải là hệ quả trực tiếp của chính sách hay không vẫn còn là vấn đề để ngỏ câu trả lời. Trong nhiều trường hợp các nhà quản lý doanh nghiệp nhìn thấy các thị trường tiềm năng khá lớn cũng như không gian hoạt động theo quy mô nền kinh tế còn nhiều và đã đầu tư rất mạnh. Cũng nên lưu ý theo mạch này là “Kế hoạch gấp đôi thu nhập” nổi tiếng năm 1961 thực ra là những dự báo nhằm tăng kỳ vọng của các doanh nghiệp đối với tăng trưởng tương lai của các thị trường. Trong bất cứ trường hợp nào, chính phủ cũng không tác động để các hàng công nghiệp đắt hơn so với nông sản. Một điểm quan trọng khác là chính phủ sẽ không hạn chế canh tranh, và điều này dường như sẽ khuyến khích đầu tư nào làm tăng năng suất thực.

Trên hết, những đóng góp của chính phủ vào tăng trưởng kinh tế cao thập niên 1960 dường như bị đề cao quá mức trên truyền thông đại chúng và có xu hướng bỏ qua hoặc xem nhẹ những tác động tiêu cực qua các chính sách nông nghiệp sai lầm. Nếu việc hỗ trợ nông dân là một mục tiêu hợp lý, thì nên được thực hiện bằng cách hỗ trợ thu nhập trực tiếp, để không làm chệch sự phân bổ nguồn lực nhiều như các chính sách trợ giá thực tế đã thực hiện. Trong nhóm ngành thứ ba cũng vậy, một số quy định của chính phủ dường như đã thu hút các hoạt động đầu tư không làm tăng năng suất thực, mặc dù vẫn cần có các chứng cứ rõ ràng hơn cho điều này. Chuyên gia kinh tế Vestal của Đại học Oxford cho rằng thực ra không có chính sách công nghiệp “kiểu Nhật” nào tại Nhật Bản, và những gì thực sự diễn ra chứa đựng một yếu tố lớn cản trở tăng trưởng bằng cách bảo hộ các ngành không hiệu quả.

4. Một số nhận định chung

Như đã trình bày, những năm 1990 và các thập kỷ sau đó là thời suy thoái và bức tranh về tăng trưởng kinh tế và TFP hoàn toàn khác biệt. Tỷ lệ tăng sản lượng thực chỉ 1% và TFP là số âm lớn nhất từ trước đến nay. Tất nhiên là cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát để có thể khẳng định liệu tăng trưởng tiềm năng của Nhật Bản có trải qua một giai đoạn nút thắt khác nữa hay không, nhưng nhiều yếu tố cho thấy giai đoạn này mặc dù có những đặc thù nhất định nhưng vẫn có khả năng khôi phục một mức tăng trưởng tiềm năng đáng kể.

Trước hết, số liệu của các yếu tố đầu vào cũa giai đoạn này đã nhấn mạnh quá mức lượng đầu vào thực tế. Ở đây có nhiều lao động dự trữ, hay “thất nghiệp tiềm tàng”, khi các doanh nghiệp đang cố gắng không sa thải công nhân. Về vốn đầu vào, cũng có khá nhiều năng lực dư thừa. Trong nhóm ngành công nghiệp, với số liệu hiện có, hiệu suất hoạt động trung bình là 91,1% trong giai đoạn này, so với 95,1% của giai đoạn 1986- 1990. Do vậy, TFP được tính là cao hơn thực tế và chưa phản ánh đúng thực trạng.

Thứ hai, nguyên nhân chính cho sự đình trệ của giai đoạn này trở đi là sự gia tăng nhập khẩu, đặc biệt từ các nước Châu Á. Tất nhiên trong ngắn hạn, chứng thể hiện sự rò ri trong tổng cầu, nhưng không có lý do nào, ít nhất về mặt lý thuyết, cho thấy sự cạnh tranh từ nhập khẩu sẽ làm giảm tiềm năng tăng trưởng của Nhật Bản. Thay vào đó, bằng cách thu hút phân bổ nguồn lực tốt hơn, nó sẽ làm tăng nguồn tiềm năng này. Mặt khác, những hạn chế đối với tăng trưởng tiềm năng của Nhật Bản có thể thấp hơn. Nếu tình trạng trì trệ hiện tại tiếp tục kéo dài hơn, nó có thể khiến các doanh nghiệp xem xét giảm các kỳ vọng tương lai của mình, điều đó có nghĩa là sẽ có ít vốn đầu vào hơn bao gồm cả R&D. Điều này sẽ tác động xấu đến năng suất đạt được. Do vậy, điều này sẽ thúc đẩy việc phân bổ nguồn lực có hiệu quả hơn và có sự tự do dịch chuyển nguồn vốn và lao động đến các ngành nơi các nguồn lực này được huy động một cách có lợi nhất.

Hiện vẫn còn rất nhiều quy định ràng buộc, đặc biệt trong nhóm ngành thứ ba, và nỗ lực gỡ bỏ chúng đã vấp phải nhiều phản ứng cứng rắn. Tóm lại, điều quan trọng là phải dẫn dắt nền kinh tế khỏi trạng thái trì trệ, trước khi các doanh nghiệp bị sút giảm hoạt động dài hạn. Vấn đề quan trọng không kém là phải loại bỏ các quy định đã không còn hữu ích. Nếu nỗ lực loại bỏ các rào cản này thành công, dường như sẽ không còn số liệu nào của cuối thập niên 1980 có thể đưa ra một tương lai ảm đạm cho Nhật Bản được nữa.

Thứ ba, sự thu hẹp tương đối của ngành sơ chế đã góp phần đáng kể vào sản lượng tổng thể của nền kinh tế và sự gia tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) trong thời kỳ được khảo sát trên.

Thứ tư, lợi tức trên vốn trong ngành sơ chế vẫn giữ mức cao là do hệ thống trợ giá và vốn đầu vào trong lĩnh vực đó vẫn tăng gần như ngang bằng với các lĩnh vực khác của toàn bộ nền kinh tế. Điều này dẫn đến tổn thất lớn về năng suất trong ngành đó. Điều đó có nghĩa là vốn đã được sử dụng hoàn toàn không hiệu quả và có thể sẽ được sử dụng ở ngành khác hiệu quả hơn.

Thứ năm, mức tăng trong vốn đầu vào của lĩnh vực sản xuất đôi khi nhanh hơn mức tăng của toàn bộ nền kinh tế những năm 1960, nhưng không phải sau đó có mức tăng như vậy. Do vậy dường như không phải chính sách công nghiệp đã phân bổ lượng vốn cho ngành chế tạo lớn tương đối so với các ngành khác. Thay vào đó, sự cạnh tranh trong nước mạnh mẽ đã giữ mức giá đầu ra sản xuất vẫn ổn định, và thu nhập từ vốn của lĩnh vực này tương đối thấp.

Cùng với quan điểm nói trên, người ta vẫn nghi ngờ liệu các chính sách mở rộng (bao gồm các chính sách nông nghiệp) có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng trong thập niên 1960.

Thứ sáu, mức tăng trưởng tổng thể đã bị giảm một nửa trong đầu thập niên 1970 và duy trì mức khá ổn định cho đến cuối thập niên 1980. Điều này trước hét phản ánh tốc độ huy động vốn giảm và thực tế là năng suất tổng thể cũng đã tăng cùng mức tương tự nửa đầu thập niên 1960. Trong khi các số liệu trên không lý giải được tốc độ giảm tích lũy vốn, yếu tố cầu có thể đã tác động ngầm phía sau sự sụt giảm đó.

Thứ bảy, đã có một thay đổi rõ rệt trong chính sách giá nông nghiệp. Chỉ số giảm phát giá trong lĩnh vực đó đã tăng trong các giai đoạn nhỏ 1976-1980, 1981-1985 và 1986-1990 ít hơn mức giảm phát sản lượng tổng thể, và giảm nghiêm trọng trong lợi tức trên vốn. Điều này đã làm giảm sút đầu tư vào nông nghiệp. Hơn nữa, những đầu tư đang thực hiện cũng kém hiệu quả hơn. Kết quả là, sự tác động tiêu cực từ nông nghiệp sẽ thấp hơn nhiều, trong khi đóng góp tích cực từ việc chuyển đổi nguồn lực giữa các nhóm ngành cũng thấp hơn.

Phần giữ lại trong TFP của nhóm ngành công nghiệp đã thấp hơn từ đầu thập niên 1970 so với thập niên 1960, nhưng đó không phải là xu hướng suy giảm, ít nhất là cho đến cuối thập niên 1980. Không có chứng cứ nào đủ mạnh cho một mức giới hạn trần về công nghệ. Lợi tức trên vốn trong lĩnh vực này cũng rất ổn định từ đầu thập niên 1970, ngoại trừ cho đến gần đây.

Thứ tám, nhóm ngành thứ ba (dịch vụ) dường như luôn đem lại lợi tức trên vốn cao hơn nhóm ngành công nghiệp, khi mức giá đầu ra của ngành này gia tăng nhanh hơn. Phần còn lại trong TFP đã nhỏ đi đáng kể, bên cạnh đó, đầu vào lao động đã tăng trưởng thường nhanh hơn các lĩnh vực khác. Trên cơ sở cân nhắc thực tế là nhóm ngành này ít chịu áp lực cạnh tranh quốc tế, phải tuân thủ nhiều quy định hơn nhóm ngành công nghiệp, nên dường như còn nhiều không gian để sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.

Thứ chín, giai đoạn đầu thập niên 1990 rất khó để giải thích, khi giai đoạn nhỏ này chỉ toàn những năm suy thoái. Nhưng những phát hiện ở trên không đưa ra được nhân tố cung nào có thể hạn chế lớn đến sự tăng trưởng trung hạn.

Như vậy, với điều kiện là các chính sách quản lý về phía cầu thành công trong việc không gây trở ngại cho R&D và việc bãi bỏ các quy định ràng buộc để sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn trong nhóm ngành dịch vụ đạt kết quả, Nhật Bản sẽ đạt được những thành quả tăng trưởng đáng kể hơn rất nhiều./.

DƯƠNG MINH TUẤN 

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Yoshikawa, H (1995), “High Economic Growth and It’s End in Japan: An Explanation by a Model of Demand-Led Growth”, in M. Okabe (ed.), The Structure of the Japanese Economy: Changes on the Domestic and International Fronts, Macmillan, London, pp. 203-232.
  2. Vestal, J. (1994), Planning for Change: Industrial Policy and Japanese Economic Development 1945-1990, Oxford University Press, Oxford.
  3. Aoki, S., Esteban-Pretel, J., Okazaki, T., Sawada, Y. (2009), “On the Role of Government in Facilitating TFP Growth during Japan’s Rapid Growth Era: A Two-sector View”. Paper to be presented at the Festschrift Conference in honor of Professor Yujiro Hayami.
  4. Ohkawa, K. Kohama, H.,(1989), Lectures on Developing Economies: Japan’s Experience and Its Relevance, University of Tokyo Press.
  5. Fukao, K. and H. U. Kwon (2006), “Why Did Japan’s TFP Growth Slow Down in the Lost Decade? An Empirical Analysis Based on Firm-Level Data of Manufacturing Firms”, Japanese Economic Review 57 (2), 195-227.
  6. Miyagawa, T., Y. Sakuragawa and M. Takizawa (2006), “Productivity and Business Cycles in Japan: Evidence from Japanese Industry Data”, Japanese Economic Review 57 (2), 161-186.
  7. Fukao, K., Miyagawa T., (2008), “Seisansei to Nihon no Keizaiseicho [Productivity and Japan’s Economic Growth]”, in Japanese. University of Tokyo Press, Tokyo
  8. Gittleman, M., Raa, T., Wolff, E., (2006), “The Vintage Effect in TFP Growth: An Analysis of the Age Structure of Capital”, Structural Change and Economic Dynamics 17, 306-328.
  9. Hornstein, A., Krusell, P., (1996), “Can Technology Improvements Cause Productivity Slowdown?” NBER Macroeconomic Annual, 209-259.
  10. Tokui, J., Inui, T., Ochiai, K., (2008), “Shihon no Vinteji, Kenkyukaihatsu to Seisansei”, [Vintage Capital, R&D, and Prodùctivity; in Japanese]. JCER Economic Journal, forthcoming.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here