Bangladesh sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 24 thế giới vào năm 2033

0
106
Ảnh minh họa

Theo Bảng xếp hạng các nền kinh thế giới do Trung tâm Kinh tế học và nghiên cứu kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại London công bố hôm 26/12, Bangladesh đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 41 trong tổng số 193 nền kinh tế được tiến hành khảo sát năm 2019, tăng 2 bậc so với năm 2018. Trong khu vực Nam Á, Bangladesh là nền kinh tế lớn thứ hai, sau Ấn Độ. Báo cáo đưa ra dự báo tăng trưởng GDP hàng năm của Bangladesh đạt trung bình 7% trong giai đoạn 2018 đến 2033; với tốc độ như trên, Bangladesh sẽ vươn lên vị trí thứ 36 vào năm 2023, vị trí thứ 27 năm 2028 và vị trí thứ 24 năm 2033. Báo cáo cũng chỉ ra động lực tăng trưởng nền kinh tế Bangladesh chủ yếu dựa vào xuất khẩu dệt may, kiều hối và việc hưởng chính sách miễn thuế khi xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra một số nguy cơ đối với nền kinh tế Bangladesh, trong đó có tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng tăng và cuộc khủng hoảng người Rohingya.

Theo bảng xếp hạng của CEBR, quy mô của nền kinh tế Ấn Độ đứng ở vị trí thứ 5; các nền kinh tế khác trong khu vực Nam Á đứng ở các vị trí lần lượt là Pakistan (44), Sri Lanka (66), Nepal (101), Afghanistan (115), Maldives (156) và Bhutan (166). Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, tiếp đó lần lượt là Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Ấn Độ. Báo cáo cũng dự báo Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2032, chậm 2 năm so với dự báo ban đầu do Trung Quốc đang thi hành chính sách tiền tệ nới lỏng và duy trì tỷ giá hối đoái ở mức thấp. Tuy nhiên, về dài hạn, các nền kinh tế Châu Á nói chung sẽ có những bước đột phá, trong đó nổi bật là Bangladesh và Pakistan. Phó Chủ tịch CEBR Douglas McWilliams nhấn mạnh bảng xếp hạng đã chỉ ra rằng mặc dù kinh tế toàn cầu vẫn bất ổn và việc Mỹ duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt đã ảnh hưởng tiêu cực tới một số thị trường mới nổi, nhưng thế kỷ 21 vẫn là thế kỷ của Châu Á. Tới năm 2033, 3 trong số 5 nền kinh tế đứng đầu thế giới là các nước Châu Á, với Trung Quốc ở vị trí dẫn đầu, Ấn Độ và Nhật Bản lần lượt đứng ở vị trí thứ 3 và 4. Mỹ sẽ tụt xuống vị trí thứ 2 và Đức ở vị trí thứ 5.

Tin từ ĐSQVN tại Bangladesh (theo The Daily Star, The Financial Express, The News Today, 8/01).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here