Thực hiện “Tự trị thôn dân” trong xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc (Phần đầu)

0
68
Ảnh minh họa

Tóm tắt: Hội nghị Trung ương 5 khóa XVI (10/2005) của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra chủ trương xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa. Với bốn nội dung cơ bản là phát triển kinh tế, thực hiện dân chủ pháp quyền, phát triển xã hội và phát triển văn hóa, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thực hiện tự trị thôn dân (thực hiện tự trị, tự quản của người dân ở thôn, làng) ở Trung Quốc vừa là một trong những yêu cầu cơ bản của xây dựng nông thôn mới, vừa là nhân tố quan trọng đảm bảo tính bền vững của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Bài viết khái lược về cơ chế tự trị thôn dân và việc vận dụng cơ chế này trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc hiện nay.

Nhằm thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa, xây dựng xã hội khá giả toàn diện, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững về kinh tế, xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa, tháng 10-2005, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XVI, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra chủ trương xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc có nội dung phong phú, trong đó thực hiện tốt dân chủ và pháp quyền ở vùng nông thôn là một trong các nội dung quan trọng của chính sách này. Chính vì vậy, thực hiện “tự trị thôn dân” vừa là một yêu cầu nội tại của xây dựng nông thôn mới, vừa là một nhân tố đặc biệt quan trọng đảm bảo tính bền vững của sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.

  1. “Tự trị thôn dân” ở Trung Quốc: Quá trình hình thành và nội dung chủ yếu

Từ “tự trị” (autonomy) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ “autonomy”. Nó chỉ một trạng thái ở đó cá thể hay cộng đồng tự mình dựa trên ý chí, quy tắc và phương pháp của mình để quyết định và xử lý một cách tự chủ công việc của bản thân, tự quản lý và tự chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình. David Held cho rằng: “Tự trị có nghĩa là năng lực tự quyết định và độc lập suy nghĩ của con người. Nó bao gồm sự suy nghĩ, phán đoán và năng lực căn cứ vào các khả năng khác nhau để lựa chọn hành động của con người cả trong đời sống tư và đời sống công”. Tuy có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm “tự trị”, nhưng có thể hiểu tự trị là trong phạm vi nhất định mọi người có quyền quyết định và tự chủ giải quyết những công việc trong phạm vi nội bộ của mình.

Về khái niệm “tự trị thôn dân” (thôn dân – có nghĩa là người dân ở trong thôn/làng), Điều 2, “Luật Tổ chức Ủy ban thôn dân của nước CHND Trung Hoa” định nghĩa: “Tự trị thôn dân chính là sự tự trị của quần chúng nhân dân cơ sở, tức thôn dân thông qua tổ chức tự trị thôn dân để giải quyết những công việc liên quan đến lợi ích của thôn dân trong thôn theo quy định của pháp luật, thực hiện tự quản, tự giáo dục, tự phục vụ”. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, tự trị thôn dân với tư cách sự tự trị mang tính quần chúng ở cơ sở, nội dung của nó liên quan đến nhiều phương diện về xã hội, chính trị, kinh tế và văn hóa, là một khái niệm tổng hợp vói nhiều cấp độ và góc độ khác nhau. Với tư cách quyền chính trị, tự trị thôn dân chính là dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đông đảo quần chúng nhân dân trực tiếp thực hiện quyền dân chủ trong phạm vi khu vực nhất định theo quy định của pháp luật, người dân thông qua bầu cử dân chủ, quyết sách dân chủ, quản lý dân chủ, giám sát dân chủ… để thực hiện tự giáo dục, tự quản lý và tự phục vụ.

Vào cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, những cải cách trong lĩnh vực kinh tế ở Trung Quốc đã tác động sâu sắc đến phương thức tổ chức và hoạt động của các thiết chế ở nông thôn. Đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, một số nơi ở tỉnh Quảng Tây, người nông dân ở cơ sở đã tự phát thành lập các tổ chức tự trị mang tính quần chúng, được gọi là Ủy ban thôn dân. Sau đó, nông dân ở các tỉnh như Tứ Xuyên, Sơn Đông, Hà Nam cũng lần lượt thành lập tổ chức tương tự. Tháng 12-1982, Ủy ban thôn dân với tư cách tổ chức tự trị của quần chúng ở cơ sở đã được đưa vào Hiến pháp Trung Quốc. Tháng 10-1983, trong văn bản hướng dẫn về việc thành lập chính quyền cấp xã, Trung ương Đảng và Quốc Vụ viện Trung Quốc đã khẳng định tính hợp pháp của Ủy ban thôn dân. Sau khi văn bản này được ban hành, Ủy ban thôn dân được thiết lập trên khắp Trung Quốc. Theo thống kê của Cục Thống kê Trung Quốc, đến cuối năm 1984, Trung Quốc đã thành lập 92,6 triệu Ủy ban thôn dân. Theo hộ gia đình và nhân khẩu, bình quân mỗi Ủy ban thôn dân phụ trách 201 hộ với hơn 900 người. Tháng 11-1987 tại kỳ họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân Trung Quốc (Quốc hội) khóa VI đã ban hành “Luật Tổ chức Ủy ban thôn dân Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (thực hiện thí điểm)”. Tháng 2-1994, Bộ Dân chính Trung Quốc đã ban hành “Hướng dẫn thực hiện tự trị thôn dân nông thôn toàn quốc”. Văn bản này đã chỉ rõ cần phải thiết lập và hoàn thiện chế độ bầu cử dân chủ, quyết sách dân chủ, quản lý dân chủ và giám sát dân chủ ở cấp thôn/làng. Trải qua 10 năm thực hiện thí điểm, tháng 11-1998, tại kỳ họp thứ 5, Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc khóa XIX đã chính thức thông qua “Luật Tổ chức Ủy ban thôn dân”. Tháng 10-1998, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành “Quyết định về một số vấn đề quan trọng của công tác nông thôn và nông nghiệp”. Trong Nghị quyết này, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của tự trị thôn dân đối với việc phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, coi đây là hình thức cơ bản nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Ngày 28 tháng 11 – 2010, tại kỳ họp lần thứ 17 khóa XI, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc của Trung Quốc đã tiến hành sửa đổi “Luật Tổ chức Ủy ban thôn dân”. Điều 1 của Luật này khẳng định, mục đích của việc ban hành luật này là bảo đảm để người dân ở thôn/làng vùng nông thôn thực hiện tự trị, tự quản, đảm bảo để thôn dân tự mình giải quyết những công việc của mình theo pháp luật, phát huy dân chủ cơ sở vùng nông thôn, duy trì quyền và lợi ích hợp pháp của thôn dân, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa.

Nội dung của tự trị thôn dân ở Trung Quốc được quy định rất rõ trong Luật Tổ chức Ủy ban thôn dân, chủ yếu bao gồm bốn phương diện: Bầu cử dân chủ, quyết sách dân chủ, quản lý dân chủ và giám sát dân chủ. Theo đó, quyền bầu cử dân chủ là cơ sở của tự trị thôn dân. Luật Tổ chức Ủy ban thôn dân đã có những quy định cụ thể về bầu cử Ủy ban thôn dân. Điều 22, Luật này quy định: “Người dân ở thôn đủ 18 tuổi, không phân biệt dân tộc, chủng tộc, giới tính, nghề nghiệp, xuất thân gia đình, tôn giáo tín ngưỡng, trình độ giáo dục, thực trạng về tài sản, thời gian cư trú, đều có quyền bầu cử và ứng cử”. Theo đó, đông đảo cư dân trong thôn thông qua bầu cử dân chủ để bầu ra Ủy ban thôn dân; đồng thời với quyền bầu cử, cư dân thôn/làng còn có quyền bãi miễn Ủy ban thôn dân và các thành viên. Quyền quyết sách dân chủ(tham gia thảo luận, bàn bạc, quyết định những công việc quan trọng của thôn) là then chốt của thực hiện quyền tự trị. Luật Tổ chức Ủy ban thôn dân quy định người dân trong thôn có quyền được biết và quyền quyết định cuối cùng đối với tất cả những công việc quan trọng trong thôn. Những công việc quan trọng và sự nghiệp công ích của thôn liên quan đến lợi ích của người dân trong thôn đều phải thông qua đại hội thôn dân hoặc đại hội đại biểu thôn dân thảo luận, đồng thời do toàn thể thôn dân hoặc đại biểu thôn dân dựa trên nguyên tắc bỏ phiếu kín, thiểu số phục tùng đa số để quyết định. Luật Tổ chức Ủy ban thôn dân đã quy định 10 vấn đề do hội nghị thôn dân thảo luận và quyết định.Quyền quản lý dân chủ là cốt lõi của quyền tự trị, vì “dân chủ là một thể chế quản lý xã hội”. Với tư cách một phương diện thuộc quyền tự trị của thôn dân, quản lý dân chủ được hiểu là toàn thể thôn dân căn cứ vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kết hợp với điều kiện thực tế của địa phương để thảo luận và ban hành điều lệ tự trị của thôn, cũng như quy ước, hương ước của thôn mình; đồng thời căn cứ vào điều lệ tự trị và quy ước, thôn dân xây dựng hương ước để thực hiện tự giáo dục, tự quản lý và tự phục vụ. Quyền giám sát dân chủ là bảo đảm của quyền tự trị. Giám sát dân chủ trong tự trị thôn dân chủ yếu là thông qua công khai thông tin, đánh giá dân chủ và báo cáo hoạt động của thôn… để làm cho thôn dân có được thông tin đầy đủ, đồng thời tiến hành giám sát đối với tất cả công việc quan trọng của thôn, hoạt động của Ủy ban thôn dân cũng như hành vi của cán bộ thôn. Luật Ủy ban thôn dân đã quy định cụ thể 05 nội dung công việc phải công khai thông tin cho người dân. Luật này cũng quy định việc thực hiện chế độ kiểm toán đối với các thành viên của Ủy ban thôn dân trước khi nhậm chức và sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, Luật này còn quy định việc cư dân thôn có thể thành lập cơ quan giám sát thôn vụ (cơ quan giám sát các công việc của thôn) hoặc các hình thức tổ chức giám sát khác để giám sát các công việc của thôn và việc thực hiện chế độ công khai thông tin. Theo đó, Ủy ban giám sát thôn dân được thành lập thông qua Đại hội thôn dân, thành phần Ủy ban giám sát thôn dân bao gồm những người am hiểu về tài chính và có kiến thức về quản lý.

Chế độ tự trị thôn dân được thực hiện theo bốn nguyên tắc: Một là, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. Điều 4, Luật Tổ chức Ủy ban thôn dân chỉ rõ: “Tổ chức đảng ở cơ sở vùng nông thôn hoạt động theo Điều lệ Đảng, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, có chức năng lãnh đạo và ủng hộ Ủy ban thôn dân thực hiện nhiệm vụ của mình; bảo đảm cho thôn dân triển khai hoạt động tự trị, trực tiếp thực hiện quyền dân chủ theo quy định của pháp luật. Hai là, nguyên tắc tự trị theo pháp luật. Luật Tổ chức Ủy ban thôn dân đã xác định rõ nội dung và phạm vi của tự trị thôn dân. Nguyên tắc tự trị theo pháp luật chính là yêu cầu nội dung và phạm vi tự trị thôn dân phải theo các quy định của pháp luật, không được trái với chính sách và pháp luật hiện hành. Đặc biệt, việc xây dựng và thực hiện điều lệ tự trị, quy ước, hương ước ở các địa phương khác nhau tuy phản ánh điều kiện đặc thù ở từng nơi nhưng phải phù hợp với pháp luật. Ba là, nguyên tắc tự trị dân chủ. Luật Tổ chức Ủy ban thôn dân quy định: Ủy ban thôn dân là tổ chức mang tính quần chúng của thôn dân ở cơ sở, thực hiện tự quản, tự giáo dục, tự phục vụ, thực hiện bầu cử dân chủ, quyết sách dân chủ, quản lý dân chủ, giám sát dân chủ. “Bốn dân chủ” với tư cách là trình tự và phương thức thực hiện tự trị đã cho thấy một cách đầy đủ nguyên tắc dân chủ của tự trị thôn dân. Đồng thời, Luật Tổ chức Ủy ban thôn dân cũng quy định: “Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, ủy viên của Ủy ban thôn dân được hình thành thông qua bầu cử của thôn dân”. Luật này cũng quy định thôn dân có quyền bãi miễn thành viên Ủy ban thôn dân. Phương thức thôn dân bầu cử trực tiếp và bãi miễn thành viên Ủy ban thôn dân là một hình thức quan trọng của dân chủ xã hội chủ nghĩa – dân chủ trực tiếp.Bốn là, nguyên tắc cân bằng. Nguyên tắc cân bằng được thể hiện ở hai phương diện: Một mặt, cần đảm bảo thực hiện đầy đủ “bầu cử dân chủ, quyết sách dân chủ, quản lý dân chủ, giám sát dân chủ” vì đây là một chỉnh thể hữu cơ; mặt khác, cần đảm bảo thực hiện tự trị thôn dân trên các vùng, miền khác nhau….

(còn nữa)

Nguyễn Trọng Bình

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here