Nhật Bản thận trọng trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ

0
94
Thủ tướng Abe (trái) và Tổng thống Trump trong một cuộc gặp. (Nguồn: NYMag)
Thủ tướng Abe (trái) và Tổng thống Trump trong một cuộc gặp. (Nguồn: NYMag)

Năm 2018 hiện có thể coi là thành công đối với Tokyo vì Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là CPTPP) mà Tokyo kỳ vọng từ lâu cuối cùng đã được thông qua và Hiệp định hợp tác kinh tế với Liên minh châu Âu (EU) cũng đã được ký kết. Cả hai thỏa thuận này đều bắt đầu có hiệu lực từ năm 2019. Thế nhưng đúng vào lúc những thỏa thuận này sắp được thực hiện thì Nhật Bản có thể lại dính vào tranh cãi song phương với Mỹ – hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản và cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của đất nước Đông Á này. Nhật Bản sẽ phải đưa ra một số quyết định rất khó khăn về vấn đề thương mại trong năm 2019

Vấn đề là Mỹ hiện đang phải chịu thâm hụt thương mại với Nhật Bản ở mức khoảng 61 tỷ USD theo số liệu năm 2017 và đây là lý do Chính quyền Trump đã chỉ trích gay gắt và muốn đưa ra các biện pháp bảo hộ đối với thị trường Mỹ. Kim ngạch nhập khẩu ô tô từ Nhật Bản chiếm khoảng 2/3 mức thâm hụt thương mại nói trên nên ngành ô tô của Nhật Bản đã trở thành mục tiêu đầu tiên của Mỹ khi các quan chức nước này đe dọa áp thuế đối với ngành này. Mục tiêu tiếp theo của Mỹ là buộc Nhật Bản tiếp tục mở rộng thị trường nông nghiệp của nước này – một thị trường mà Mỹ hiện chiếm ưu thế nhưng vẫn phải tuân thủ các biện pháp bảo hộ trong nước của Nhật Bản và phải đối phó với sự cạnh tranh của EU, Trung quốc và Australia. Mục tiêu thứ ba của Mỹ là làm sao hình thành được một thỏa thuận hợp tác có thể đối trọng với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc ở khu vực này.

Thương mại, các cuộc đàm phán và thuế quan
Chính quyền Trump từ lâu đã ép Nhật Bản phải đàm phán song phương, nhưng Tokyo nhất quyết không chịu và kêu gọi Mỹ quay lại bàn đàm phán thương mại đa phương. Nhật Bản rất muốn Mỹ trở lại với CPTPP để giúp cân bằng lợi thế với Trung Quốc và định hình lại cấu trúc thương mại khu vực theo ý của Nhật Bản. Việc Mỹ đánh thuế thép và nhôm hồi tháng 3 không làm Nhật Bản lo ngại vì Mỹ không phải là thị trường trọng điểm của Nhật Bản đối với những mặt hàng này và Nhật Bản vẫn duy trì được tỷ lệ xuất khẩu thép chất lượng cao qua các kênh khác.

Tuy nhiên, tuyên bố của Mỹ về khả năng đánh thuế 25% đối với ô tô và phụ tùng xe đã thay đổi hẳn kế hoạch mà Nhật Bản đã tính toán. Tháng 9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký tuyên bố chung để bắt đầu đàm phán song phương về các vấn đề hàng hóa dịch vụ và các đề xuất nhượng bộ đưa ra trước đó, được gọi là các thỏa thuận ‘thu hoạch sớm’. Khi các thỏa thuận này hoàn tất, việc thương lượng các điều khoản khác về thương mại và đầu tư có thể bắt đầu. Tuyên bố của 2 bên nêu rõ việc thâm nhập vào thị trường ô tô của Mỹ sẽ phải chịu sự ràng buộc của điều khoản tăng sản xuất và việc làm cho người Mỹ đồng thời nêu rõ những nhượng bộ của Nhật Bản về nông nghiệp sẽ không được vượt quá những gì đã cam kết trong các thỏa thuận kinh tế trước đó. Đổi lại, Mỹ cho biết sẽ không áp thuế mới đối với ô tô Nhật Bản trong khi thương lượng đang diễn ra. Hai bên sẽ bắt đầu đàm phán vào khoảng giữa tháng 1/2019 tới trong khi muộn nhất là tháng 2/2019 cơ quan điều tra của Mỹ sẽ công bố có áp thuế mới đối với ô tô Nhật Bản hay không.

Đâu là mục tiêu số 1 của Nhật Bản
Trong những cuộc thương lượng sắp tới, mục tiêu chính của Tokyo sẽ là làm sao đảm bảo vẫn xuất được ô tô vào thị trường Mỹ, ở mức tương đương khoảng 40% tổng lượng ô tô xuất khẩu và khoảng 5% tổng sản phẩm xuất khẩu của Nhật Bản. Hiện ngành ô tô chiếm 11% tổng sản phẩm xuất khẩu của Nhật, đóng góp 3,3% tổng sản phẩm quốc nội và tạo việc làm cho 5 triệu người. Ngoài ra, Nhật Bản cũng có nhiều lý do để bảo vệ thị phần ô tô của mình ở Mỹ. Tháng 10/2019 tới, Nhật Bản sẽ tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10%. Việc tăng thuế nhằm tăng nguồn thu cho chính phủ này vốn đã bị trì hoãn từ năm 2015 vì e ngại động thái này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Nhiều người cho rằng lần tăng thuế trước đó, vào năm 2014, đã khiến kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái. Rõ ràng việc tăng thuế sắp tới sẽ giáng một đòn lên chỉ số tiêu dùng, chưa kể đến tình hình dân số Nhật Bản ngày càng giảm, là yếu tố khiến các thị trường nước ngoài càng trở nên quan trọng hơn đối với Nhật Bản. Mặc dù Trung Quốc đã giảm bớt các rào cản đối với ô tô Nhật Bản, đồng thời hiệp định CPTPP và hiệp định hợp tác kinh tế với EU sẽ giúp Nhật Bản mở rộng thị trường trong thời gian tới, nhưng rõ ràng Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất đối với Nhật Bản.

Nhưng khác với EU vốn áp thuế 10% đối với ô tô nhập khẩu, Nhật Bản không áp thuế nhập khẩu ô tô nên việc thương thảo với Mỹ sẽ xoay quanh các hàng rào phi thuế quan của Nhật Bản mà Mỹ đã chỉ trích từ lâu. May mắn là Nhật Bản và Mỹ đã hiểu nhau ở mức độ nhất định trong vấn đề thị trường ô tô từ trước khi Mỹ quyết định không tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nữa. Các cuộc đàm phán lúc đó cũng đã đề cập đến những vấn đề mà Mỹ quan ngại như những quy định khắt khe của Nhật Bản về tiêu chuẩn an toàn, sự thiếu hụt các quy định rõ ràng cũng như những rào cản trong hệ thống phân phối và các hàng rào phi thuế quan khác của Nhật Bản. Thêm vào đó, các thương lượng trong quá trình đàm phán TPP cũng đề cập đến biện pháp bảo hộ do Mỹ đề xuất nhằm ngăn chặn việc gia tăng nhập khẩu ô tô của Nhật Bản cũng như đề xuất các cơ chế tham vấn giữa hai bên.

Những thương lượng lúc đó đã giúp Nhật Bản có cơ sở để đưa ra các nhượng bộ của mình để Chính quyền Trump không ép Nhật Bản phải mở cửa hơn nữa thị trường nông nghiệp. Chính quyền Hàn Quốc cũng đã áp dụng thành công chiến lược tương tự khi đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn. Washington có thể sẽ vẫn gây sức ép để hạn chế lượng ô tô xuất khẩu của Nhật Bản nhưng Nhật Bản cũng từng phải đối mặt với sức ép đó vào những năm 1981-1994. Khi đó, Nhật Bản đã thích ứng với tình hình bằng cách xây dựng các nhà máy sản xuất ô tô ngay trong nước Mỹ.

Nông nghiệp – vấn đề nan giải
Nông nghiệp sẽ là vấn đề chịu sự giằng co hơn nữa. Hiện nông nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 1% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản, tạo công ăn việc làm cho khoảng 3,5% dân số trong độ tuổi lao động và là ngành xương sống trong nền kinh tế ở nhiều khu vực nông thôn. Ngành nông nghiệp của Nhật Bản chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước và chỉ xuất khẩu khoảng 1%. Sản xuất nông nghiệp trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 44% nhu cầu trong nước và phần còn lại Nhật Bản phải nhập khẩu.

Năm 2017, Nhật Bản là một trong số các nước nhập khẩu nhiều nhất thế giới và là thị trường nhập khẩu nông sản lớn thứ 4 của Mỹ chỉ sau Mexico, Canada và Trung Quốc. Thế nhưng, ngành nông nghiệp của Nhật Bản lại được bảo hộ rất mạnh mẽ khiến việc nhập khẩu cũng phần nào bị hạn chế và khiến các đối tác làm ăn với Nhật Bản phàn nàn nhiều. Giờ đây Mỹ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các nước trong khối CPTPP, ví dụ như Australia, và từ EU, vốn đều là các nền kinh tế rất muốn chiếm thêm thị phần Nhật Bản trong năm 2019.

Trước khi Mỹ rút khỏi TPP, Washington đã xác định Nhật Bản là thị trường nông nghiệp ưu tiên hàng đầu của mình vì mức độ bảo hộ cao, bình quân thu nhập đầu người trên GDP cao và dân số lớn. Năm 2014, Washington ước tính TPP có thể tăng xuất khẩu nông sản của Mỹ lên khoảng 2,6% – tương đương 7,2 tỷ USD, mà riêng nhập khẩu nông sản vào thị trường Nhật Bản sẽ chiếm khoảng 3,6 tỷ USD. Trong quá trình thương thảo TPP lúc đó, Mỹ đã đạt được một số nhượng bộ từ phía Nhật Bản sđể thâm nhập hơn nữa vào thị trường Nhật Bản thông qua việc thay đổi các loại thuế liên quan đến thịt bò, thịt lợn, sữa, ngô, đậu tương, bột mì, gạo và đường. Trong những đàm phán sắp tới, rất có thể Washington cũng sẽ yêu cầu những nhượng bộ từ phía Nhật Bản liên quan đến những mặt hàng này trong thỏa thuận song phương hoặc trong các thỏa thuận “vụ mùa sớm”.

Nếu Mỹ vẫn giữ nguyên những thỏa thuận về nông nghiệp với Nhật Bản như đã bàn hồi tháng 9 thì Nhật Bản sẽ đáp ứng được thỏa thuận. Tuy nhiên, nông nghiệp luôn là vấn đề nhạy cảm chính trị ở Nhật Bản. JA-Zenchu – hay còn gọi là Liên minh hợp tác xã nông nghiệp vẫn là tổ chức có tầm ảnh hưởng lớn trên chính trường Nhật Bản.Những điều khoản bảo hộ của Nhật Bản đối với nông nghiệp trong hiệp định CPTPP và hiệp định kinh tế ký với EU cho thấy đảng Dân chủ tự do – hiện đang cầm quyền ở Nhật Bản, thực sự coi trọng nông nghiệp và không dám ép buộc người nông dân. Tháng 11 vừa qua, Nhật Bản đã dừng đàm phán thương mại với khối thương mại Mercosur của Nam Mỹ chỉ sau 6 tháng – cũng chỉ vì liên quan đến các vấn đề lợi ích nông nghiệp của nước này.

Chính vì vậy, những yêu sách cứng rắn từ phía Chính quyền Trump trong khi đòi Nhật Bản mở cửa hơn nữa thị trường nông nghiệp sẽ buộc đảng Dân chủ tự do phải lựa chọn giữa việc đối mặt với sự phản đối dữ dội trong các cuộc trưng cầu dân ý hay đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắc nghiệt của Mỹ để giữ thị trường xuất khẩu ô tô lớn nhất này. Tháng 7/2019, một nửa số ghế thượng viện của Nhật Bản sẽ được bầu lại và JA-Zenchu có thể gây ảnh hưởng khiến một số nghị sĩ đảng Dân chủ tự do không nhất trí về kế hoạch nhượng bộ với Mỹ trong lĩnh vực nông nghiệp để giữ ghế của mình.

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản giờ có thể đối phó với những kiểu phản đối như vậy nhờ vào việc đảng cầm quyền chiếm đa số ghế tại thượng viện cũng như quyền lực nội tại rất mạnh và thói quen của ông Abe là sẵn sàng bỏ qua ý kiến của các thành viên không có nhiều tiếng nói trong đảng. Đe dọa của Mỹ về vấn đề thị trường ô tô, chừng nào còn thương lượng được, sẽ khiến việc đàm phán về nông nghiệp giữa hai bên trở nên dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, Mỹ và Nhật Bản có thể sẽ xung đột nếu Mỹ đòi đưa vào đàm phán điều khoản ngăn cản sự hợp tác thương mại giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Hiệp định thương mại 3 bên Mỹ-Canada-Mexico được ký kết gần đây bao gồm điều khoản các bên cần đưa ra thông báo đặc biệt nếu định thương thảo hợp tác thương mại với một nền kinh tế phi thị trường – rõ ràng là ám chỉ Trung Quốc. Vì Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản nên Tokyo chắc chắn sẽ giữ bằng được quyền tự do ký kết hợp tác với Trung Quốc về lâu dài, có thể với cả các bên ký kết đa phương như Hàn Quốc. Tuy nhiên, cũng có thể Nhật Bản sẽ đồng ý bổ sung điều khoản đó vào quá trình thương lượng nếu điều khoản đó không ngăn cản Nhật Bản hợp tác với Trung Quốc mà chỉ đơn giản là nếu định thương thảo với nước khác thì Nhật Bản và Mỹ sẽ xem xét lại vấn đề hợp tác chứ không phải lập tức xóa bỏ nó.

Hoàng Nhật (theo Stratfor)

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here