Trong bài trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm cuộc Tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 30/12 tới, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cho biết nếu được bầu nắm quyền lãnh đạo đất nước trong 5 năm tiếp theo, bà sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai những chính sách hiện hành nhằm nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế lên 10%/năm đến năm 2021. Bà cho rằng Bangladesh có thể trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực Châu Á thông qua việc triển khai hàng loạt chính sách, trong đó có việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào hơn 100 đặc khu kinh tế trên khắp cả nước. Hiện có 11 đặc khu đã đi vào hoạt động và 79 đặc khu khác đang được xây dựng. Bên cạnh đó, Bangladesh sẽ tìm kiếm nguồn vốn để xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai, nhanh nhất là vào năm sau. Hiện Nga và Ấn Độ đang giúp đỡ Bangladesh xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Rooppur, phía Tây Bangladesh với công suất thiết kế là 2.400 MW; dự kiến nhà máy đi vào vận hành vào năm 2024. Đối với nhà máy điện thứ hai, Chính phủ đang ráo riết tìm địa điểm phù hợp; nhiều khả năng là ở phía Nam – một trong những khu vực nghèo nhất của Bangladesh. Cũng theo một số nguồn tin địa phương, Trung Quốc đang bày tỏ sự quan tâm rất lớn trong việc hỗ trợ Bangladesh xây dựng nhà máy trên. Đây là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng tại Bangladesh dưới danh nghĩa Sáng kiến “Vành đai và con đường”. Tuy nhiên, bà Hasina cho biết Chính phủ của bà sẽ cân nhắc lựa chọn đối tác phù hợp để triển khai dự án trên nguyên tắc duy trì “quan hệ tốt đẹp” với tất cả các nước lớn.
Đối với vấn đề người Rohingya, bà Hasina cho biết nếu được người dân bầu, Chính phủ của bà sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch di dời người tỵ nạn đến một đảo khác; đồng thời bác bỏ những quan ngại của cộng đồng quốc tế rằng khu vực mới này thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt và như vậy sẽ đe dọa đến tính mạng người Rohingya. Bà Hasina cho biết người Rohingya sẽ có môi trường sống tốt hơn ở khu vực mới; trẻ em được tiếp cận các cơ sở giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Hiện tại, Chính phủ Bangladesh đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất cho khoảng 100.000 người, nhưng hoàn toàn có thể đón 1 triệu người tới đây. Bà Hasina tái khẳng định không có người tỵ nạn Rohingya nào bị ép buộc hồi hương về Myanmar, nhưng đồng thời kêu gọi các nước và tổ chức quốc tiếp tục giúp đỡ nhằm giải quyết vấn đề này và gây sức ép để Chính phủ Myanmar nhận lại số người này.
Tin từ ĐSQVN tại Bangladesh (theo The Daily Star, The Financial Express, 14/12)