Sáng ngày 18 tháng 12 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo “Tăng cường liên kết vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long” với sự tham dự của các đại biểu là lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới, đại diện các Bộ, ngành và các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các chuyên gia quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh nhận định, biến đổi khí hậu ở Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, diễn ra nhanh hơn so với dự báo, tác động nặng nề đến người dân, đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội địa phương tại ĐBSCL gắn với phát triển bền vững, ứng phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu là hết sức cần thiết. Trên cơ sở đó, tại Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016, Chính phủ đã ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020, qua đó tạo sức mạnh tổng hợp, liên kết chuỗi chặt chẽ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, thuỷ sản của Vùng ĐBSCL. Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá cơ chế thí điểm liên kết và phối hợp với các chuyên gia WB soạn thảo Báo cáo về nội dung thí điểm, đưa ra các giải pháp để triển khai.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ông Ousmane Dione hoan nghênh sáng kiến tổ chức hội thảo của các bộ, ngành Việt Nam, qua đó kiểm điểm lại cơ chế thí điểm phát triển vùng. Ông khẳng định, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tình hình, xây dựng Báo cáo. Giới thiệu về dự án thí điểm, ông cho biết, mục tiêu của Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới là tăng cường khả năng của các địa phương được lựa chọn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước hiệu quả.
Giới thiệu về Quy chế thí điểm, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai thí điểm phát triển kinh tế – xã hội là thiếu hụt nguồn vốn để có thể phát triển đồng thời 6 vùng miền của Việt Nam nên phải có lựa chọn một khu vực để thí điểm. Ông cũng nhìn nhận, thiếu vốn là vấn đề quan trọng nhất và trong 13 địa phương tại khu vực ĐBSCL, hiện chỉ có thành phố Cần Thơ là tự chủ về mặt ngân sách. Trên cơ sở đó, đại diện Viện Kinh tế Việt Nam khuyến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn cho các dự án phát triển bền vững tại Vùng ĐBSCL cũng như có những kế hoạch thúc đẩy, thu hút đầu tư vào khu vực.
Chuyên gia Ngân hàng Thế giới Tania Crouzel đã giới thiệu về kinh nghiệm liên kết vùng tại Mỹ, Hà Lan và Trung Quốc. Kinh nghiệm chung là cần có tầm nhìn dài hạn, có kế hoạch lâu dài để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Kế hoạch cần có sự tham gia của các đối tượng có lợi ích, không chỉ bao gồm các cơ quan nhà nước, chính phủ mà cả doanh nghiệp, các nhà đầu tư và người dân. Nhận định về thực trạng tại nước ta, chuyên gia nhận định, liên kết vùng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Các hoạt động chủ yếu vẫn dừng ở mức ký kết các văn bản và các hoạt động xúc tiến đầu tư vẫn chưa mang tính chất của cả vùng mà riêng lẻ. Các cơ sở dữ liệu thông tin của địa phương vẫn khá rời rạc, chưa có một mẫu chung và chưa phục vụ mục tiêu xây dựng cho mục đích liên kết. Trên cơ sở đó, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã đề xuất 3 giải pháp cho dự án thí điểm, bao gồm: (i) Tăng cường giám sát, phân tích và đánh giá thực trạng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL, ví dụ tình hình ứng phó với lũ tại cá tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp hay khả năng ứng phó với tình trạng ngập mặn ở các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng; (ii) Đề xuất các cơ chế thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư hướng tới các dự án cụ thể, góp phần tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; (iii) Đưa ra các khuyến nghị cụ thể để tăng cường liên kết các địa phương và khả năng nhân rộng tại tất cả các vùng của Việt Nam.
Kết thúc Hội thảo, đại diện Ban soạn thảo Báo cáo đã đưa ra ba khuyến nghị cụ thể để triển khai Quyết định 593/QĐ-TTg trong thời gian tới. Một là, cần xác định ưu tiên liên kết trong vùng ĐBSCL, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên là giao thông vận tải, phát triển cơ sở hạ tầng và lĩnh vực nông nghiệp. Thứ hai, cần xây dựng khuôn khổ liên kết và đề xuất thành lập Uỷ ban điều phối liên kết vùng ĐBSCL, đại diện cho tiếng nói chung của vùng trong các vấn đề liên quan đến quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, tạo cơ chế đồng thuận, hài hoà giữa các lợi ích khác nhau của các địa phương và xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu vùng. Thứ ba, nên có một nguồn tài chính riêng đề đảm bảo nguồn vốn cho các dự án thúc đẩy liên kết vùng. Nguồn vốn này có thể đến từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, nguồn vốn hỗ trợ phát triển và huy động nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và nước ngoài./.
(Ban Quản trị Trang NGKT Trực tuyến)