Kinh tế Châu Á tăng trưởng chậm trong năm 2019

0
140
ảnh minh hoạ

Ngày 12/12/2018, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã công bố Báo cáo cập nhật về Tầm nhìn phát triển Châu Á, trong đó giữ nguyên dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực trong năm 2018 và 2019 lần lượt là 6,0% và 5,8%. Riêng đối với khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng kinh tế trong năm tới giảm còn 5,1 %; khu vực Nam Á, vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trung bình là 7,1%. ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2018 là 6,6% và giảm xuống còn 6,3% trong năm sau. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ trong năm nay dự kiến đạt 7,3% và sẽ tăng lên 7,6% vào năm tới. Theo Chuyên gia kinh tế cao cấp của ADB, Yasuyuki Sawada mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận 90 ngày tạm hoãn việc tăng thuế, nhưng những xung đột chưa giải quyết được giữa hai nước vẫn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với triển vọng kinh tế của khu vực. Tuy nhiên, động lực cho tăng trưởng kinh tế của khu vực là nhu cầu nội địa tăng mạnh và sức ép lạm phát đã được giảm bớt.

Ngày 12/12/2018, Ủy ban Kinh tế và xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UN ESCAP) đã công bố báo cáo về tình hình thương mại và đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó phân tích về những ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đối với khu vực. Theo Báo cáo, các nền kinh tế trong khu vực tiếp tục thu hút vốn đầu tư trong những lĩnh vực sử dụng nhiều nhân công như dệt may. Thí dụ, lĩnh vực dệt may của Bangladesh đã thu hút 422 triệu USD vốn FDI năm 2017, cao hơn 1% so với năm 2016. Xu hướng gia tăng FDI trong lĩnh vực dệt may tại Bangladesh sẽ tiếp tục được duy trì mặc dù có nhiều lo ngại về sự bền vững của ngành công nghiệp này.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng cuộc chiến thương mại sẽ đem đến nhiều đơn đặt hàng và vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may cho một số nền kinh tế trong khu vực, trong đó có Bangladesh và Việt Nam. Tuy nhiên, nếu cuộc chiến kéo dài, nền kinh tế của khu vực cũng chịu những tác động tiêu cực. Cụ thể là cuộc chiến thương mại đã bắt đầu làm đứt chuỗi cung ứng và làm nản lòng các nhà đầu tư. Minh chứng cho điều này là xu hướng giảm của kim ngạch thương mại sau nửa đầu năm 2018. Nếu căng thẳng thương mại vẫn tiếp diễn, tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2019 sẽ giảm xuống mức 2,3%, so với mức gần 4% của năm nay. Dòng vốn FDI vào khu vực cũng sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2019. Do các ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu chủ yếu là những ngành sử dụng nhiều nhân công, nên nếu xuất khẩu giảm thì sẽ khiến nhiều lao động bị thất nghiệp.

Theo dự báo, có khoảng 2,7 triệu lao động trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bị thất nghiệp do chiến tranh thương mại, trong đó những lao động không có tay nghề, đặc biệt là phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Nếu cuộc chiến tăng thuế vẫn tiếp tục leo thang trong năm 2019, cùng với đó là niềm tin của các nhà đầu tư và người tiêu dùng bị giảm sút, thì GDP toàn cầu sẽ bị sụt giảm gần 400 tỷ USD, trong đó riêng Châu Á – Thái Bình Dương, mức thiệt hại này là 117 tỷ USD; khoảng 9 triệu lao động trong khu vực sẽ bị mất việc làm và buộc phải tìm kiếm công việc mới.

Do vậy, nếu muốn tiếp tục duy trì những thành tựu đã đạt được trong việc thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững, thì Chính phủ của các nền kinh tế trong khu vực cần dành nhiều ưu tiên hơn cho chính sách đào tạo nghề, giáo dục, an sinh xã hội nhằm hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi chiến tranh thương mại.

(Tin từ ĐSQVN tại Bangladesh).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here