Hải Phòng đã xác lập được vị trí một thành phố cảng, công nghiệp hiện đại; một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn của cả nước; một cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; một trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước.
Chú trọng triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế, ngay sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế và triển khai của Chính phủ, thành phố Hải Phòng đã kịp thời ban hành Chương trình hành động và kế hoạch triển khai ở cấp địa phương.
Nỗ lực hội nhập từ các cấp
Về cơ bản, việc ban hành văn bản và thực hiện các chủ trương của Trung ương trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế đã được thành phố Hải Phòng thực hiện khá đầy đủ và kịp thời. Để thống nhất chỉ đạo trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế, Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế thành phố được thành lập đáp ứng kịp thời với những yêu cầu cấp bách về công tác Hội nhập kinh tế quốc tế. Nội dung công tác hội nhập kinh tế quốc tế được thể hiện thông qua các hoạt động và phân công cụ thể cho các cấp, các ngành thực hiện. Hoạt động sơ kết, tổng kết thực hiện công tác hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố được thực hiện nghiêm túc và định kỳ hàng năm nhằm đánh giá kết quả triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn.
Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương, cùng những biện pháp đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế – xã hội thành phố Hải Phòng thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc, toàn diện với nhiều đột phá mới trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng.
Hải Phòng đã xác lập được vị trí một thành phố cảng, công nghiệp hiện đại; một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn của cả nước; một cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; một trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước.
Quy mô kinh tế được mở rộng; kinh tế tăng trưởng tương đối cao. Tốc độ tăng GRDP bình quân hàng năm của thành phố đạt 9,07%/năm trong giai đoạn 2011 – 2015, năm 2016 đạt tốc độ tăng 11% so với năm 2015, đặc biệt là từ năm 2017 (năm 2017 tăng 14,01%, năm 2018 ước đạt 16,25% so cùng kỳ (cao nhất từ trước đến nay, cao nhất cả nước, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thành phố. Cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch theo hướng tăng dần và cơ bản được duy trì theo đúng hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát huy được tiềm năng, lợi thế của thành phố. Xuất hiện nhiều ngành, lĩnh vực mới trong nền kinh tế.
Đột phá toàn diện
Năng lực cạnh tranh của thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn được cải thiện, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi sản xuất trong nước, một số ngành có đóng góp tích cực, giữ vai trò đầu tàu trong cả nước và vùng. Hợp tác, liên kết về phát triển kinh tế trong và ngoài nước được tăng cường đáng kể, không gian kinh tế ngày càng mở rộng, độ mở nền kinh tế thành phố ngày càng lớn. Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển có bước chuyển biến mới. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội không ngừng tăng trưởng. Giai đoạn 2011-2015 tổng vốn đầu tư toàn xã hội huy động trên địa bàn đạt 206.694 tỷ đồng, tăng bình quân 8,81%/năm, chiếm hơn 40% GRDP. Năm 2016, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 56.382,6 tỷ đồng, tăng 14,91% so với năm 2015.
Đến năm 2018, tổng mức đầu tư toàn xã hội ước đạt 96.435,9 tỷ đồng tạo sự khởi sắc trong phát triển kinh tế, xã hội, đô thị của thành phố. Thu hút khách du lịch năm 2018 tăng đột biến, ước đạt trên 7,79 triệu lượt, tăng 16,18 %, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 (mục tiêu đến năm 2020 đạt 7,5 triệu lượt khách).
Thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là thu nội địa là nguồn lực quan trọng đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong giai đoạn vừa qua. Thu nội địa năm 2018 ước đạt 24.365 tỷ đồng, tăng 8,21% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 107% dự toán pháp lệnh Trung ương giao. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của thành phố hàng năm đều tăng cao.
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu Hải Phòng đạt 6.524,4 triệu USD, tăng 22,18% so với năm 2016. Trong đó: khối kinh tế Trung ương ước đạt 115,6 triệu USD; khối kinh tế địa phương ước đạt 1.637,1 triệu USD; khối kinh tế có vốn ĐTNN ước đạt 4.557,6 triệu USD chiếm 70% tổng kim ngạch năm 2017. Với đà tăng trưởng hiện nay, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng ước đạt 8.191,4 triệu USD, tăng 25,55% so với năm 2017. Mặt hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Hải Phòng ngày càng phong phú và đa dạng, có nhiều sản phẩm mới tham gia xuất khẩu như sản phẩm công nghệ cao thâm nhập được các thị trường khó tính, đòi hỏi khắt khe về mặt chất lượng. Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu có chuyển biến tích cực, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tăng nhanh, thị trường xuất khẩu hàng hóa tiếp tục được mở rộng, với trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, đặc biệt là các đối tác có quan hệ FTA với ta như Nhật bản, Hàn quốc, EU, Trung Quốc và ASEAN…
Hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển. Đã khẳng định được vai trò đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đã xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng nước sâu tại Lạch Huyện). Sản lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng mạnh mẽ (năm 2018 ước đạt trên 109 triệu tấn) chiếm thị phần ngày càng lớn trong hệ thống cảng biển của vùng và cả nước. Đã kết nối với Tây Nam Trung Quốc và các tỉnh phía Bắc bằng hệ thống đường bộ, kết nối với các tỉnh, thành phố trong tam giác kinh tế Bắc bộ bằng đường cao tốc. Đã kết nối quốc tế và hình thành cửa khẩu hàng không quốc tế Cát Bi.
Có thể khẳng định, trong những năm qua, Hải Phòng có sự phát triển đột phá, toàn diện, góp phần vào tổng thể phát triển chung của kinh tế – xã hội đất nước. Môi trường đầu tư của thành phố được cải thiện mạnh mẽ, trong 2 năm qua Hải Phòng luôn là địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn nhất, trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế và thu hút đầu tư; một làn sóng đầu tư mới của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến với thành phố Hải Phòng với nguồn vốn đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế – xã hội thiết yếu, có nhiều ý nghĩa cho cả hiện tại và tương lai phát triển của thành phố.
Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có sự hiện diện của các nhà đầu tư trong nước có tiềm lực, kinh nghiệm lớn nhất của đất nước như: tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Him Lam, Tập đoàn FLC,… với tổng mức đầu tư lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, triển khai nhiều dự án có giá trị kinh tế… Nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia đã đầu tư vào thành phố, có đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu chung của thành phố có thể kể đến như: Công ty LGE; Công ty TNHH Fuji Xerox, Công ty TNHH Công nghiệp Aurora, Công ty TNHH Nichias Hải Phòng, Công ty TNHH Rayho Việt Nam, Công ty TNHH Regina Meracal, Tập đoàn Fujita Corporation (Nhật Bản), Tập đoàn McKinley (Hàn Quốc), Trung tâm thương mại Aeon-Nhật Bản,…
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 tăng 12 bậc so với năm 2016, xếp hạng 9/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 5/63 tỉnh, thành. Chỉ số đo lường hài lòng đối với sự phục vụ hành chính của thành phố đạt 88,92%, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quan hệ hợp tác, hữu nghị với các địa phương ngoài nước được mở rộng, phát triển. Đến nay, Hải Phòng đã ký kết trên 26 thỏa thuận hợp tác và giao lưu với trên 20 địa phương, thuộc 12 quốc gia. Trong đó, đặc biệt là Hải Phòng đã nâng cấp từ quan hệ “hợp tác hữu nghị” lên “thành phố kết nghĩa” đối với thành phố Kitakyushu (Nhật Bản).
8 giải pháp tiếp tục triển khai
Trong thời gian tới, để tổ chức triển khai thực hiện tốt các các Nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động của Chính phủ, mang lại lợi ích thật sự cho doanh nghiệp, người dân, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc, Thành phố Hải Phòng tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
(1) Tăng cường phối hợp, chủ động triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ được giao tại các chương trình, kế hoạch trong công tác hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế của Thành phố.
(2) Chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động phổ biến thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế và hướng dẫn việc thực thi các cam kết hội nhập cho người dân và doanh nghiệp tại địa phương; tập trung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp địa phương về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết nói riêng, đặc biệt là cơ hội và thách thức từ các FTA, cách thức tận dụng các cam kết FTA trong hoạt động kinh doanh với đối tác nước ngoài, phù hợp với đặc thù và điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
(3) Chủ động nghiên cứu cơ hội từ các cam kết quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là các FTA và trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương để tham mưu quy hoạch sản xuất các sản phẩm chủ lực, có kế hoạch thu hút đầu tư vào sản xuất, đẩy mạnh sản xuất và chế biến hàng hoá, tạo nguồn hàng và dịch vụ xuất khẩu phong phú.
(4) Phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân thành phố; xây dựng một số doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
(5) Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương để khuyến khích hỗ trợ sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, tận dụng những tiềm năng, lợi thế để tăng khả năng cạnh tranh, kết nối thị trường tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa của thành phố.
(6) Chủ động thúc đẩy quan hệ hợp tác, kể cả việc tích cực đàm phán, ký kết và triển khai hiệu quả, thực chất các thỏa thuận hợp tác kinh tế-thương mại cấp địa phương với các nước đối tác FTA.
(7) Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao kiến thức và năng lực cho các cán bộ làm hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố trong việc xây dựng chính sách cũng như thực thi các cam kết quốc tế.
(8) Nghiêm túc thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Hải Phong