Thu hút nguồn vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam (phần cuối)

0
108

2.2. Tình hình thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Vốn FDI công nghệ cao cho lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng cực kỳ thấp trong tổng FDI, chiếm khoảng 18% trong vốn FDI cho lĩnh vực nông nghiệp. Chính sách thu hút FDI chưa thực sự hướng được dòng vốn này vào lĩnh vực nông nghiệp.

Các dự án FDI công nghệ cao cho lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu tập trung một số ngành: Trồng hoa, rau, chế biến nông sản. Các ngành khác, chưa có nhiều dự án công nghệ cao, như các ngành nghiên cứu sản xuất giống cây trồng, sản xuất thuốc thú y, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ.

Các dự án FDI cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chỉ mới tập trung ở một vài vùng miền có lợi thế. Ví dụ, dẫn đầu là tỉnh Lâm Đồng với rất nhiều doanh nghiệp và dự án nông nghiệp công nghệ cao. Lâm Đồng là địa phương đứng đầu cả nước thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hà Nam là địa phương mới nổi ở phía Bắc về thu hút FDI cho nông nghiệp công nghệ cao với 11 nhà đầu tư, tổng số vốn trên 33 triệu USD. Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh đã và đang xuất hiện những dự án sản xuất nông nghiệp thông minh, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, chủ yếu đến từ Nhật Bản. Trong các đối tác đầu tư FDI vào Việt Nam, Nhật Bản là quốc gia có mức đầu tư lớn nhất và đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tính đến hết năm 2017, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 3.599 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 49,46 tỷ USD, xếp thứ 2 trong số các đối tác đầu tư vào Việt Nam, sau Hàn Quốc. Riêng năm 2017, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 9 tỷ USD, chiếm 25% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Có khoảng 20 DN Nhật Bản đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam, trong đó có hơn 10 DN đầu tư ở tỉnh Lâm Đồng. Nhiều DN Nhật Bản đã tìm cơ hội đầu tư vào nông nghiệp như: Mô hình rau nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng; Liên kết xuất khẩu xoài Cát Chu ở Đồng Tháp sang Nhật Bản; Tìm cơ hội đầu tư vào các dự án nông nghiệp công tại Vĩnh Phúc, phát triển đánh bắt và chế biến cá ngừ ở Bình Định, hay phát triển các mặt hàng nông sản Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tiềm năng phát triển nông nghiệp cao ở Việt Nam sẽ còn thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm và mạnh dạn đầu tư của các NĐT đến từ Nhật Bản trong thời gian tới.

2.3. Hạn chế trong thu hút đầu tư FDI vào nông nghiệp công nghệ cao

– Các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp như hỗ trợ cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực mới chỉ áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, chưa áp dụng đối với doanh nghiệp FDI nên các nhà đầu tư còn hạn chế trong việc đầu tư.

– Xuất phát điểm thấp, trình độ nghiên cứu khoa học, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nghiên cứu, thử nghiệm còn thấp, đơn giản.

– Quy mô đất đai nông hộ nhỏ lẻ và manh mún, không có diện tích lớn. Tình trạng đó dẫn đến khó khăn cho việc áp dụng cơ giới hóa, đồng bộ khoa học kỹ thuật.
– Yếu tố con người chưa đáp ứng được với yêu cầu của nhà đầu tư. Các vấn đề về trình độ vận hành công nghệ, kỷ luật trong lao động cũng như tính chuyên nghiệp trong sản xuất chưa cao.

– Thủ tục hành chính hiện còn rườm rà, phức tạp và kết nối hộ nông dân với doanh nghiệp còn khó khăn.

  1. Các giải pháp nhằm thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam trong thời gian tới

Thứ nhất, về vấn đề tích tụ và tập trung đất trong sản xuất nông nghiệp.
Nếu, vốn và vấn đề tiếp cận vốn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao là vấn đề khó khăn nhất mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đang hoạt động trong lĩnh vực này gặp phải, thì đối với nhà đầu tư nước ngoài vấn đề được quan tâm hơn cả là tích tụ đất đai, tập trung quỹ đất để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Áp dụng công nghệ cao cần gắn với quy mô đủ lớn, nhưng với quy định về hạn mức giao đất như hiện nay, diện tích sản xuất đất nông nghiệp vẫn lẻ tẻ, manh mún. Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm bị giới hạn là 3 ha với khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, 2 ha với các tỉnh thành khác. Hạn mức nhận quyền sử dụng đất gấp 10 lần hạn mức giao đất. Điều này gây cản trở lớn trong quá trình tập trung và tích tụ đất đai. Đồng thời, quy trình thực hiện gặp không ít khó khăn từ người dân về các vấn đề thủ tục, tài chính và việc vận động người nông dân chuyển quyền sử dụng đất cho dự án, doanh nghiệp. Vì vậy, chúng ta cần:

– Đi đến bãi bỏ hoặc nới rộng hạn mức giao đất, hạn mức nhận quyền sử dụng đất trong nông nghiệp, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI có được “đất sạch” trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

– Trong quá trình triển khai tích tụ, tập trung đất đai, chính quyền địa phương cần nỗ lực, tích cực phát huy vai trò của mình để vận động người nông dân thấy được hiệu quả, chủ động hợp tác. Đồng thời, chính quyền địa phương đóng vai trò là cầu nối giữa người nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên trong quá trình tích tụ, tập trung đất đai.

Thứ hai, hỗ trợ chính sách với những ưu đãi rất lớn cho nhà đầu tư trong nông nghiệp.

Đề thu hút FDI, Việt Nam đang thực hiện rất nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi lớn như: Ưu đãi về tiền thuê đất 20% 5 năm đầu tiên trong xây dựng cơ bản, ưu đãi thuế suất như doanh nghiệp xuất khẩu cà phê được miễn thuế VAT xuất khẩu, miễn giảm thuế có thời hạn (tối đa 9 năm), cho phép chuyển lỗ trong vòng 5 năm, miễn đánh thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư. Những ưu đãi này nhằm tăng tính hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khi Việt Nam gia nhập WTO, những hình thực trợ cấp trong nông nghiệp sẽ cần tiến tơi cắt giảm và xóa bỏ để phù hợp với các cam kết.

Với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao, dường như những ưu đãi trên là chưa đủ, bởi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Vậy nên, bên cạnh chính sách về tích tụ và tập trung quỹ đất sạch, Nhà nước nên xem xét:

– Vận dụng tối đa các biện pháp được WTO cho phép để tăng cường thu hút FDI vào ngành Nông nghiệp: Tăng cường trợ cấp cho người dân đầu tư phát triển nguyên vật liệu trong nước bằng cách cho vay ưu đãi (trợ cấp đèn xanh);

– Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, lĩnh vực nghiên cứu phát triển R & D;

– Đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao, các dự án nghiên cứu phát triển, công nghệ tiên tiến, hiện đại. Ưu tiên lựa chọn các dự án FDI vào nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường và bền vững.

Thứ ba, biện pháp giảm thiểu rủi ro đầu tư trong nông nghiệp.

Đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tiềm ẩn rủi ro rất lớn, trong khi các biện pháp đảm bảo đầu tư cho nhà đầu tư ở nước ta còn hạn chế. Vì vậy:

– Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tham gia các thể chế quốc tế về đầu tư, đảm bảo đầu tư, ký kết các hiệp định bảo hộ đầu tư song phương, đa phương, nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

– Hoàn thiện và tăng cường thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền. Chúng ta cần có những chính sách biện pháp bảo hộ bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này giúp nhà đầu tư FDI cũng như các nhà đầu tư trong nước có cơ sở đế phát triển và cạnh tranh lành mạnh.
Thứ tư, xây dựng chuỗi giá trị cho nông nghiệp chú trọng đến vị trí và vai trò của người nông dân.

Xây dựng chuỗi giá trị cho nông nghiệp là vấn đề thiết yếu trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là yếu tố thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Để xây dựng chuỗi giá trị cho nông nghiệp hiệu quả, cần:

– Chú trọng đến vấn đề về thị trường và phát triển thị trường cho sản phẩm nông nghiệp cùng các biện pháp hỗ trợ đi kèm;

– Trong chuỗi giá trị cho nông nghiệp, cần hết sức quan tâm đến vị trí và vai trò của người nông dân. Bởi lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam là rất lớn, người nông dân sẽ đứng ở đâu trong chuỗi giá trị nông nghiệp, người nông dân hiểu và thay đổi tư duy về cách làm nông nghiệp mới có thể phát triển được nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ người nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khi yếu tố công nghệ làm giảm chi phí, lao động thì vấn đề về dư thừa lao động trong nông nghiệp cần được giải quyết. Vì vậy, cần quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng lao động của người nông dân để có thể đáp ứng phù hợp với nông nghiệp công nghệ cao, cũng như là các ngành nghề khác khi thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp.

Thứ năm, các hoạt động xúc tiến thu hút FDI và xây dựng cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hoạt động xúc tiến đầu tư thu hút FDI cần được đẩy mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp
– Tăng cường các hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao.

– Khảo sát, học tập kinh nghiệm của các quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là các quốc gia trong khối ASEAN.

– Thúc đẩy đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tăng giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, vấn đề về hoàn thiện cơ sở hạ tầng cơ bản trong nông nghiệp nông thôn cần tiếp tục triển khai và cải thiện: Hệ thống giao thống, hệ thống điện lưới, Hệ thống công nghệ thông tin, Hệ thống thủy lợi. Xây dựng được cơ sở hạ tầng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp cũng như tăng tính hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

ThS. Dương Thị Trang (Trường Đại học Tài chính – Quản trị Kinh doanh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here