Với mục đích tạo điều kiện cho các nhà sản xuất thép trong nước bằng cách ngăn chặn nhôm thép giá rẻ từ Trung Quốc và các nước khác, Chính quyền Trump đã áp thuế với mức 10% đối với nhôm và 25% đối với thép nhập khẩu. Nhờ chính sách này, lợi nhuận tại các công ty thép của Mỹ đã tăng vọt trong những tháng gần đây, công ăn việc làm trong ngành này cũng tăng đáng kể.
Nhưng mặt khác, nhiều nhà kinh tế và các nhà thầu, nhà sản xuất không đồng tình với việc tăng thuế thép đối với các sản phẩm của Mexico, Canada. Bill Boynton, phát ngôn viên của Sở Giao thông Vận tải New Hampshire, cho biết Chính quyền bang đã chứng kiến sự tăng giá thép kể từ mùa hè này khoảng 30%. Bộ Giao thông Vận tải Ohio đã trả thêm 19,1% cho thép kết cấu vào tháng Chín, so với năm ngoái. Tại Florida, Bộ Giao thông Vận tải tiểu bang đã đồng ý chi thêm khoảng 7 triệu đô la cho hàng chục dự án đường cao tốc và cầu đã được ký hợp đồng để giúp các công ty bù một nửa chi phí tăng giá thép. Tại Nam California, Cơ quan xây dựng đường Foothill cho biết sẽ tốn thêm 570 triệu đô la để xây dựng một tuyến đường sắt dài 12,3 dặm bên ngoài Los Angeles, sau khi nhận được giá thầu cao hơn dự kiến. Ở Tây Virginia, các hồ sơ dự thầu bao gồm sửa chữa 25 cây cầu trên đường I-70 đạt hơn 100 triệu đô la so với ước tính của tiểu bang.
Đến nay, 34 đại diện hiệp hội, ngành công nghiệp gồm cả Hội đồng Ngoại thương và Phòng Thương mại Hoa kỳ đều yêu cầu USTR loại bỏ việc áp thuế theo điều khoản 232 đối với thép và nhôm áp đặt cho Canada và Mexico cũng như đề nghị thay thế áp thuế này bằng chế độ hạn ngạch tuyệt đối đối với hai nước này.
Trong khi đó, cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới đã đồng ý thành lập một hội đồng để xem xét việc áp thuế theo điều khoản 232 của Mỹ đối với thép và nhôm. Bảy thành viên gồm Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Na Uy, Canada, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga theo đuổi vụ kiện này và cho rằng các biện pháp áp thuế của Hoa Kỳ vi phạm các quy định của WTO.
Tất cả bảy thành viên đưa ra yêu cầu lần thứ hai – yêu cầu một hội đồng duy nhất gồm ba thành viên để giải quyết tất cả các tranh chấp vì các tranh chấp này đều giống hệt nhau, nhưng Hoa Kỳ không đồng ý với yêu cầu đó. Trong khi đó, hơn 20 quốc gia khác cho biết họ muốn trở thành đơn vị tham gia của bên thứ ba bằng cách bảo lưu quyền của họ trong hồ sơ. Ấn Độ và Thụy Sĩ cũng đã đưa yêu cầu ban đầu của họ về mức thuế theo điều khoản 232 nhưng Hoa Kỳ đã từ chối, và các nước quyết định tiếp tục nộp tại cuộc họp DSB (Dispute Settlement Body) vào tháng tới. EU, Trung Quốc, Mexico và Canada đã có các biện pháp đáp trả đối với Hoa Kỳ và đều đã được nhất trí thành lập Hội đồng giải quyết tranh chấp riêng.
Hoa Kỳ cương quyết cho rằng WTO không có thẩm quyền để đặt câu hỏi về an ninh quốc gia. Hoa Kỳ trích dẫn Điều XXI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại quy định rằng một quốc gia có thể thực hiện các hành động vi phạm các cam kết WTO nếu họ coi đó là “cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh thiết yếu của mình”. Điều khoản này đưa ra 3 lý do chính yêu cầu về việc miễn an ninh quốc gia: vật liệu hạt nhân, buôn bán vũ khí hoặc thời gian chiến tranh hoặc trường hợp khẩn cấp. Hoa Kỳ cho rằng phán quyết như vậy sẽ “làm suy yếu tính hợp pháp của hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO và thậm chí tính khả thi của WTO nói chung”. Tuy nhiên, EU và các thành viên khác không đồng ý với lập luận của Hoa Kỳ. Canada, Mexico phản đối ý kiến rằng xuẩt khẩu thép và nhôm của họ đặt ra các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, và đang hiện đang cố gắng vận động Hoa Kỳ bỏ việc áp thuế sau khi đã thống nhất Hiệp định USMCA.
(Tin từ ĐSQVN tại Hoa Kỳ)