APEC 2018 không có tuyên bố chung, không hẳn là thách thức

0
111
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2018 ở Papua New Guinea. (Nguồn: AP)
APEC 2018 ở Papua New Guinea đã không thể ra được Tuyên bố chung. (Nguồn: AP)

Cuộc tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc dẫn đến việc lần đầu tiên trong lịch sử, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) kết thúc mà không ra được tuyên bố chung. Tất nhiên, cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ảnh hưởng đến các nước trong khu vực, nhưng có vẻ như các doanh nghiệp ở châu Á-Thái Bình Dương vẫn giữ tâm trạng khá lạc quan.

Doanh nghiệp APEC vẫn lạc quan

Ngay trước khi diễn ra hội nghị cấp cao APEC, PricewaterhouseCoopers (PwC) – công ty tư vấn của Anh đã công bố kết quả cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 5-7/2018 với 1.189 lãnh đạo doanh nghiệp tại 21 nền kinh tế APEC. Theo đó, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp rất tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng doanh thu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 51% số người được hỏi có kế hoạch tăng cường hoạt động đầu tư trong năm tới, chủ yếu ở các quốc gia của họ, cũng như ở các nước APEC khác. Hai năm trước, con số này là 43%.

Khoảng 1/5 số người được khảo sát đã thông báo về những rào cản thương mại mới xuất hiện trong năm 2018. Số người tự tin về khả năng tăng trưởng doanh thu nhờ các thỏa thuận thương mại mới đã tăng gấp đôi so với năm ngoái (từ 14% lên đến 28%). 31% số người được khảo sát đang tìm kiếm cơ hội ký kết những hiệp định thương mại mới trong năm tới. Mặc dù Mỹ và Trung Quốc gia tăng thuế quan, ở khắp mọi nơi có kẻ thắng và người thua, nhưng kết quả cuộc khảo sát cho thấy các công ty đang tìm kiếm những cách thức mới để phát triển.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Sputnik, chuyên gia hàng đầu của Nga về kinh tế Việt Nam, GS. TS. Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông – Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết: “Những dữ liệu khảo sát này phản ánh đúng thực chất tình hình kinh doanh ở Việt Nam. Kết quả cuộc khảo sát của PwC cho thấy Việt Nam là quốc gia hấp dẫn nhất đối với những khoản đầu tư nước ngoài.

Việt Nam giữ vị trí hàng đầu trong top 5 điểm đến dự kiến thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất, vượt cả Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan và Australia. Và các công ty Việt Nam tự đầu tư hàng tỷ USD vào nền kinh tế của nước mình. Một ví dụ là Tập đoàn Vingroup. Công ty này đã bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, và đang đầu tư vào ngành điện tử, bán lẻ, nông nghiệp, y học và giáo dục, bây giờ tạo ra ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam và có kế hoạch sản xuất 250 nghìn xe mỗi năm trong vòng 5 năm tới.

Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định kinh tế quốc tế. Mới đây, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), tham gia hiệp định này sẽ giúp tốc độ phát triển GDP của Việt Nam tăng thêm 1,3%.”

Thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Các công ty thuộc các nền kinh tế thành viên APEC đều cho rằng, điều kiện quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh trong tương lai gần là phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

Sự phát triển của nền kinh tế Internet là một nhiệm vụ chính và cấp thiết nhất trong bối cảnh hoạt động giao dịch quốc tế không ổn định. Chính bởi vậy đang xuất hiện nhiều công ty khởi nghiệp phát triển nhanh. Ở Việt Nam, chính phủ chỉ đạo quá trình này và nhiều Việt kiều trẻ cũng khởi nghiệp thành công ở Việt Nam. Chính phủ đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng: đến năm 2020 sẽ tăng gấp đôi số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam để cả nước có 1 triệu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nền kinh tế kỹ thuật số chỉ có thể thành công nếu có các chuyên gia trình độ cao. 65% người được khảo sát cho rằng, các nước APEC nên “đào tạo thêm chuyên gia trong lĩnh vực khoa học và công nghệ”. Một số người lo ngại tự động hoá sẽ thay thế nhiều việc làm, nhưng hầu hết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều nói rằng công nghệ tiên tiến tạo ra việc làm và những nghề nghiệp mới. Việc tái cơ cấu giáo dục để thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một trong những nhiệm vụ chính của các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.

Chỉ bằng cách thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mới có thể duy trì và phát triển các lợi thế cạnh tranh trong khu vực.

Thọ Anh (theo Sputnik, PwC)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here