CPTPP – cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế

0
114
việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam
Việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam

Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 72/2018/QH14 phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan (Hiệp định CPTPP) được ký ngày 8/3/2018 tại thành phố Santiago, Cộng hòa Chilê.

Tờ Sputnik mới đây đăng tải nhận định của bà Tatiana Flegontova, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu APEC, Học viện Kinh tế quốc dân và hành chính quốc gia cho rằng, sự tham gia của Việt Nam vào CPTPP sẽ làm tăng thu nhập thực tế của Việt Nam lên 11 tỷ USD vào năm 2030.

Nếu Mỹ không rút khỏi thỏa thuận, con số này có thể lên đến 41 tỷ USD. Tuy nhiên, CPTPP cũng mở rộng cửa cho các nước khác trong khu vực, và các quốc gia, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Đài Loan đang thể hiện sự quan tâm đến nó. Nếu họ cũng tham gia hiệp định, thu nhập thực tế của Việt Nam sẽ lên tới 25 tỷ USD.

Theo bà Tatiana Flegontova, CPTPP có kiểu cơ cấu tổ chức mới. Đây không chỉ là một khu vực thương mại tự do quy mô lớn. Ở đây, hoạt động của các công cụ thuế quan bị hạn chế và điều quan trọng nhất là điều hòa các biện pháp phi thuế quan.

Tuy nhiên, theo bà Tatiana Flegontova, việc tham gia CPTPP đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện nhiều công việc nghiêm túc liên quan đến thể chế trong đó đặc biệt là Luật lao động. Ở đây nói về việc thành lập các tổ chức công đoàn và cơ chế giải quyết tranh chấp lao động. CPTPP áp đặt tiền phạt nặng nề đối với các vụ vi phạm tiêu chuẩn lao động. Hiện nay, theo CPTPP, Việt Nam phải phê chuẩn tất cả 8 công ước cơ bản của Tổ chức lao động quốc tế.

Điều khoản về doanh nghiệp nhà nước, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư (ISDS) vẫn giữ nguyên. Theo đó, các điều khoản sẽ gây phức tạp cho các công ty nhà nước để nhận tài trợ và được cấp ưu đãi. Công ty nước ngoài có thể khởi kiện Chính phủ lên tổ trọng tài quốc tế, bỏ qua các tòa án quốc gia, khi quốc gia này vi phạm nghĩa vụ của mình và vi phạm đó gây tổn hại đến lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài.

Tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trình bày Báo cáo thuyết minh CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP và các văn bản liên quan tới Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, về chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại, các nước thành viên CPTPP đều khẳng định tôn trọng thể chế chính trị và an ninh quốc gia, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Tham gia CPTPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định vai trò và vị thế địa-chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Về thuận lợi và cơ hội về kinh tế, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới.

Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 9 năm 2017, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.

Về mặt thể chế, tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đồng thời giúp ta có thêm cơ hội hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài./.

CV.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here