Quan điểm của Pháp về cải tổ WTO

0
258
ảnh minh hoạ

Trả lời phỏng vấn của Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Pháp phụ trách thương mại J.-B. Lemoyne, France 24 ngày 20/11/2018, cho biết: Điều cần phải làm hiện nay là hiện đại hóa WTO để có thể tồn tại trước các thách thức thương mại của thế kỷ 21. Sự hiện đại hóa này còn khẩn thiết hơn nữa bởi những căng thẳng thương mại quốc tế xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới. Căng thẳng hiện nay đã nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa Mỹ và môt số khu vực vốn là đồng minh như châu Âu trong việc áp thuế trừng phạt lên thép và nhôm. Đứng trước các thách thức hiện nay, nếu không có giải pháp khẩn cấp thì tất cả những thành quả kiến tạo trong nhiều thập kỷ qua trên lĩnh vực tự do thương mại sẽ nhanh chóng sụp đổ.

Cải tổ WTO là để có được một tổ chức có năng lực định ra các quy tắc bởi vì trong những năm qua, WTO đã không thể tiến triển trong nhiệm vụ này. Mặt khác, cũng cần một WTO đủ năng lực thực thi các quy định mà nó đặt ra và trên cơ sở đồng thuận của tất cả các thành viên. WTO hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, chẳng hạn trong việc định ra các quy tắc mới cho thương mại, như trong lĩnh vực thương mại điện tử vốn đang xoay chuyển thương mại thế giới. Cho đến nay WTO vẫn chưa thành công trong việc tiến hành đàm phán về vấn đề này bởi WTO bao gồm 164 thành viên và chính nguyên tắc đồng thuận đã ngăn cản việc WTO đạt được thỏa thuận trên một số lĩnh vực. Vấn đề khác nằm ở chỗ Trung Quốc là một nền kinh tế được quản trị bởi các nguyên tắc không hoàn toàn là kinh tế thị trường khi nhà nước có sự trợ cấp lớn cho các doanh nghiệp và cách xử lý về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, điều này đã được Tổng thống D. Trump lên án và Pháp chia sẻ quan điểm này. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Pháp về mặt phương pháp có sự khác biệt bởi một cuộc chiến tranh thương mại sẽ không làm cho Trung Quốc thay đổi. Điều cần làm là đối thoại và đó chính là cốt lõi của chủ nghĩa đa phương.

Tại hội nghị cấp bộ trưởng WTO năm 2017 tại Buenos Aires, WTO đã thất bại trong việc đi đến thống nhất cấm mọi hình thức trợ cấp đối với đánh bắt hải sản phi pháp. Bởi vậy, cải cách WTO có thể là tiến trình dài với việc khởi đầu đàm phán với một số bên và sau đó đàm phán thêm các bên khác.

Điều khẩn thiết hiện nay là nhân dịp Hội nghị G20 được tổ chức tại Buenos Aires cuối tháng 11, các bên phải đi đến một lộ trình cải tổ WTO. Đối với châu Âu, thẩm quyền trong lĩnh vực thương mại quốc tế thuộc về Ủy ban EU. EU là một siêu cường về thương mại và trên vấn đề thương mại quốc tế, EU không thể để cho Mỹ hoặc bên nào khác áp đặt các quy định, chuẩn mực. Chính vì vậy EU phải có vai trò quan trọng trong cải tổ hệ thống thương mại quốc tế theo hướng bình đẳng. Các đề xuất của EU đi theo hai hướng chính. Một mặt, EU đã tiến hành làm việc với Nhật Bản, Mỹ để thúc đẩy việc áp dụng tốt hơn các quy định của WTO, nhất là trên vấn đề trợ cấp và minh bạch. Chính nhờ sự đối thoại này mà Mỹ đã hiểu được quyết tâm của EU trong việc cải tổ WTO. Tại hội nghị G20 về thương mại ở Mar del Plata, các bên liên quan đã thành công trong việc thúc đẩy Mỹ tham gia vào thông cáo cuối cùng trong đó có điều khoản về hiện đại hóa WTO. Đúng là có những toan tính đơn phương của Mỹ nhưng thế giới cần sự có mặt của họ để có thể biến đổi WTO và ở khía cạnh này, cách tiếp cận theo nhóm đã cho thấy hiệu quả. Mặt khác, EU cũng hình thành một nhóm làm việc với Trung Quốc để tìm ra giải pháp chấm dứt tình trạng tê liệt của cơ quan giải quyết tranh chấp trong WTO.

(Tin từ ĐSQVN tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here