Kinh tế Trung Quốc sẽ suy thoái, đây là điều không thể tránh khỏi và khi đó kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Câu hỏi này được đặt ra khi cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ phát động đang đánh thẳng vào Trung Quốc, giữa lúc nền kinh tế nước này đang chững lại rõ rệt.
Các đánh giá, nhận định, như IMF cho thấy nền kinh tế Trung Quốc suy thoái sẽ tác động tới toàn bộ thế giới, nhưng chỉ hạn chế ở mức độ cấp vùng hơn là trong trường hợp suy thoái trầm trọng ở Mỹ. Điều này có lẽ sẽ chỉ là mong muốn đáng thương: Có thể sẽ xảy ra cả suy thoái lẫn khủng hoảng tài chính.
Lãi suất tăng cao
Hiện nay, các nhà đầu tư đang rất lo ngại về việc lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng không chỉ tới tiêu dùng và đầu tư mà còn làm giảm giá trị cổ phiếu các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. Nếu kinh tế Trung Quốc suy thoái sẽ còn làm tình hình trầm trọng hơn.
Theo lý thuyết Keynes, nếu tất cả các nền kinh tế trên thế giới suy thoái sẽ kéo theo nhu cầu toàn cầu giảm và dẫn đến sức ép giảm lãi suất. Tuy nhiên, lý thuyết hiện đại lại khác. Lãi suất tiết kiệm tại châu Á trong hai thập niên qua khá cao nhưng lãi suất thực tế toàn cầu vẫn thấp, tại Mỹ cũng như tại châu Âu, do thị trường vốn châu Á vẫn còn nhỏ bé nên chỉ có thể hấp thụ một cách vừa phải những khoản tiền tiết kiệm dư thừa.
Quá dư thừa tiết kiệm
Suy thoái kinh tế của Trung Quốc thay vì đưa tới giảm lãi suất thế giới lại có thể khiến lãi suất các khu vực khác tăng, nhất là nếu cuộc khủng khoảng tài chính lần thứ hai tại châu Á diễn ra, dẫn tới việc các ngân hàng trung ương giảm mạnh dự trữ. Vì vậy, đối với các thị trường vốn thế giới, suy thoái kinh tế của Trung Quốc có thể dễ dàng được coi là một tác động kép.
Kim ngạch xuất khẩu các nước sang Trung Quốc sẽ chững lại, nhưng việc tăng lãi suất trên thế giới sẽ có nhiều diễn biến xấu. Các nhà lãnh đạo khu vực đồng Ơ-rô sẽ ít được biết ơn vì nỗ lực duy trì sự toàn vẹn của đồng tiền chung châu Âu, một sự toàn vẹn đang lung lay trước những rủi ro tiềm ẩn của kinh tế và chính trị. Nhưng nhiệm vụ của họ sẽ hầu như không thể thực hiện nếu lãi suất thế giới không cực kỳ thấp, bởi vì lãi suất cực kỳ thấp thì mới cho phép họ tránh được đồng Ơ-rô mất giá và không phải tái cấu trúc nợ.
Cách đây 10 năm, khi các nền kinh tế phát triển gặp khủng hoảng tài chính, các thị trường mới nổi đã phục hồi tương đối nhanh chóng nhờ nợ thấp và giá nguyên liệu cao. Tuy nhiên, ngày nay nợ đã tăng cao một cách đáng kể và lãi suất thực tế trên thế giới tăng rất mạnh sẽ khiến gần như chắc chắn lan rộng khủng hoảng vốn đang manh nha ở một số nước (Argentina và Thổ Nhĩ Kỹ). Nước Mỹ cũng sẽ không tránh khỏi. Hiện tại, Mỹ có thể bù đắp những thâm hụt của mình với chi phí tương đối thấp. Nhưng thời gian đáo hạn tương đối ngắn của các khoản vay của họ (dưới 4 năm) có nghĩa việc tăng lãi suất sẽ đưa đến hậu quả là việc thanh toán nợ sẽ nhanh chóng ngốn hết chi tiêu công trong nhiều lĩnh vực.
Siêu chu kỳ nợ
Đồng thời, cuộc chiến tranh thương mại cũng đang đe dọa làm hỏng sự năng động của kinh tế Mỹ. Những ai đã từng nghĩ các chính sách của Tổng thống Donald Trump về thương mại phần lớn chỉ là khoác loác, huyênh hoang, chắc chắn sẽ phải lo lắng.
Suy thoái kinh tế tại Trung Quốc có thể sẽ là giai đoạn thứ ba của siêu chu kỳ nợ mà đã bắt đầu tại Mỹ năm 2008 và xảy ra ở châu Âu năm 2010. Đến nay, các giới chức Trung Quốc đang rất nỗ lực để làm chậm lại sự suy thoái mà không thể tránh khỏi. Khi suy thoái xảy ra, thế giới có thể sẽ phát hiện ra rằng kinh tế Trung Quốc còn quan trọng hơn những gì mà phần lớn mọi người đã nghĩ.
(ĐSQVN tại Pháp)