Liệu đây có phải là cú sốc thoáng qua hay là dấu hiệu cảnh báo về một cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn đang đến gần? Nếu như các thị trường chứng khoán bước vào tháng 11 với vẻ yên ắng, thì chính những thị trường này đã phải hứng chịu những sụt giảm đáng kể trong tháng 10 đen tối với chỉ số chứng khoán Paris CAC 40 mất đến 7%, xuống mức thấp nhất trong vòng một tháng kể từ ba năm nay; chỉ số S&P 500 sụt giảm hơn 6% trong khi chỉ số Nasdaq giảm sâu 9,20%, mức sụt giảm mạnh nhất trong một tháng kể từ 10 năm nay. Đây là đợt điều chỉnh mạnh nhất sau dấu hiệu mang tính cảnh báo đầu tiên xảy ra vào tháng 2/2018, khép lại 2 năm thăng hoa của thị trường tài chính thế giới. Đối với các khoản nợ nhà nước bảo lãnh, lãi suất vay dài hạn 30 năm của Mỹ đã tăng trong khi ở châu Âu, lãi suất vay của Italia cũng đang ở mức cao. Nguyên nhân chính của đợt điều chỉnh này là thông tin Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn kiên trì theo đuổi chính sách tăng lãi suất bất chấp căng thẳng thương mại và những bất ổn địa chính trị.
Năm 2019 dự kiến sẽ ghi dấu với tình trạng “bay hơi ” của thị trường chứng khoán quay trở lại. Các nhà đầu tư sẽ phải đối đầu với một khó khăn không mong muốn là sự kết hợp giữa việc kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và việc các ngân hàng trung ương chấm dứt chính sách thả lỏng tiền tệ.
Những bất ổn chính trị tại châu Âu
Những bất ổn chính trị ở châu Âu tiếp diễn khiến các nhà đầu tư lo ngại. Đầu tiên phải kể đến là căng thẳng giữa Italia và EU về kế hoạch ngân sách 2019 của nước này. Dự báo GDP của Italia sẽ giảm 2,4 %, nợ công, dù đã đạt ngưỡng trên 130% GDP, vẫn chưa có chiều hướng giảm. Chắc chắn, Italia vẫn duy trì nợ công cao để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông Frédéric Rollin, chuyên gia thuộc công ty Pictet AM đánh giá “Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để thuyết phục thị trường, sóng gió còn ở trước mắt”. Lãi suất vay thời hạn 10 năm của Italia, duy trì ở mức dưới 2% cho đến tháng 5/2018, đã tăng vọt lên mức 3,3%. Trong các tháng tới, tỷ lệ lãi suất dự báo vẫn tiếp tục tăng trong khi nước này có thể hầu như không tăng trưởng hoặc thậm chí tăng trưởng âm.
Sự bất ổn còn đến từ các cuộc đàm phán Brexit, ngay cả khi các nhà đầu tư đã chuẩn bị tinh thần cho kịch bản Brexit cứng. Ông Hervé Goulletquer, Ngân hàng bưu điện AM cho rằng “Trong ngắn hạn, Brexit không tác động trực tiếp đến các thị trường nhưng sự mơ hồ về kết quả của các cuộc đàm phán cho thấy tính dễ bị tổn thương của EU ”. Kết quả bầu cử châu Âu vào tháng 5/2019 tới còn có thể làm trầm trọng hơn nữa tình trạng này.
Fed tăng lãi suất gây lo ngại
Năm 2018, FED đã đẩy nhanh việc tăng việc lãi suất, hiện đang dao động trong khoảng 2% đến 2,25% kể từ ngày 27/9/2018. Ông Samy Charr, chuyên gia kinh tế hàng đầu của tập đoàn Lombard Odier chỉ ra rằng trong khi cả thế giới vay nợ bằng đồng USD, việc FED tăng lãi suất đồng nghĩa với việc đồng USD tăng giá khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đến từ các nước mới nổi càng dễ bị tổn thương.
Ngoài ra, triển vọng thu được lợi nhuận cao hơn từ thị trường Mỹ sẽ dẫn đến làn sóng các nhà đầu tư rút tiền từ các thị trường chứng khoán Braxin, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ác-hen-ti-na để quay trở về phố Wall, điều này dự báo sẽ lại gây ra một cơn bão tại thị trường tiền tệ ở các nước này. Ông Charr kết luận “Nói cách khác thì việc tăng lãi suất của Mỹ sẽ gây hệ lụy đến khắp nơi trên thế giới: đó là nguyên nhân gây ra các cơn sốt cũng như sự bốc hơi ở các thị trường này”.
Về phần mình, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ ngừng chương trình mua tài sản vào tháng 12/2018 và cũng sẽ bắt đầu tăng lãi suất từ mùa thu năm 2019. Từ đó, các nước khu vực đồng euro sẽ phải trả các khoản vay với chi phí cao hơn, trong đó các nước vay nợ nhiều nhất như Italia, Bồ Đào Nha, Hy Lạp có nguy cơ chịu thiệt hại nhiều nhất, dẫn đến biến động tài chính tại một số thị trường.
Kinh tế thế giới có dấu hiệu giảm tốc
Từ vài tháng nay, mây đen đã tích tụ trên thị trường tài chính thế giới. Sau khi đạt đỉnh vào năm 2017, kinh tế khu vực đồng Euro tăng chậm lại, GDP chỉ tăng 0,2% trong quý 3. Ở các nước mới nổi như Ác-hen-ti-na hay Thổ Nhĩ Kỳ kinh tế còn yếu. Kinh tế Trung Quốc cũng đang giảm tốc, tăng trưởng chỉ đạt 6,5 % trong quý 3, mức thấp nhất từ 10 năm trở lại đây.
Ông Nicolas Chéron, phụ trách mảng nghiên cứu thị trường của Công ty Binck đánh giá “Sau 9 năm tăng trưởng, khi hiệu ứng các biện pháp kích thích tăng trưởng của Trump yếu đi thì chu kỳ tăng trưởng của Mỹ sẽ chấm dứt”. Như vậy, trong điều kiện hiện nay, các thị trường có thể rơi vào xu hướng giảm tốc trong năm 2019.
Căng thẳng thương mại làm gia tăng tình trạng bất ổn
Liệu Mỹ có giành thắng lợi trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc? Nếu điều đó xảy ra thì việc lập lại hàng rào thuế quan sẽ tác động như thế nào đến tăng trưởng của kinh tế thế giới? Tác động của việc này là rất khó lường. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: những bất ổn này hiển nhiên sẽ kìm hãm đầu tư. Bà Isabelle Matéos y Lago, Tổng giám đốc của Viện BlackRock Investment chỉ ra rằng “Việc tăng thuế quan sẽ khiến các doanh nghiệp di chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc để chuyển đến nơi trú ẩn an toàn hơn. Chi phí cho sự điều chỉnh này sẽ rất lớn và kìm hãm triển vọng phát triển của doanh nghiệp ít nhất trong vài quý tới”.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ có xu hướng giảm
Cùng với tăng trưởng kinh tế vững chắc, cải cách thuế của Tổng thống Trump đã đem lại nhiều lợi nhuận cho các doanh nghiệp Mỹ trong cả năm 2018, qua đó thúc đẩy đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Theo các chuyên gia, “hiệu ứng thuế” sẽ còn tiếp tục đến quý 1 năm 2019 trước khi suy giảm. Khi đó, việc tăng lãi suất, tăng lương và sự suy giảm các hoạt động đầu tư sẽ góp phần làm tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ chậm lại trong thời gian tới.
ĐSQ Việt Nam tại Pháp (theo Le Monde, 07/11/2018)