Việt Nam đang chiến thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung

0
109

Phân tích của Bennett Murray đăng trên Tạp chí Foreign Policy, 30/10/2018

Trên đoạn đường cao tốc Hà Nội – Hạ Long, du khách nhận thấy ngày càng có nhiều các nhà máy mọc lên, sản xuất từ ô tô Ford Focus cho đến camera cho điện thoại Iphone. Ở phía Bắc Hà Nội, tại tỉnh Thái Nguyên, khu công nghiệp Samsung rộng tới 100 héc ta, sản xuất phần lớn các máy điện thoại thông minh cho thế giới và đóng góp tới 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Các nhà cung cấp cho Apple cũng có mặt tại Việt Nam với Tập đoàn LG Innotek, chuyên cung cấp camera cho những chiếc điện thoại Iphone, vừa mới thành lập một nhà máy ở Hải Phòng để tiện tiếp cận với cảng quốc tế và đưa các sản phẩm của mình ra thế giới. LG Display, nhà cung cấp màn hình cảm ứng cho Apple, cũng đang hoạt động tại Hải Phòng.

Điều này cho thấy Việt Nam đã bắt đầu cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, chứ không chỉ dựa vào xuất khẩu hàng hoá may mặc hay các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp. Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tiếp diễn, các doanh nghiệp có động lực chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ví dụ, Công ty Goertek của Trung Quốc, chuyên lắp ráp tai nghe Airpod của Apple cũng đã chuyển dịch tất cả dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Theo Tổng giám đốc Công ty, quyết định này xuất phát từ tình hình địa chính trị. Phát biểu trên kênh truyền hình ABC, ông nói: “Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã khiến cho các hoạt động của công ty trở nên khó khăn hơn”.

Thực ra xu hướng này đã có từ trước khi ông Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Giá nhân công trung bình tại khu vực Shenzhen, Trung Quốc ở mức 315 USD, so với mức lương tối thiểu cao nhất ở Việt Nam là 170 USD. Mức lương tối thiểu ở Phổ Yên, Thái Nguyên, nơi nhà máy Samsung hoạt động, còn giảm xuống 130 USD.

Việt Nam rất tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), từ CPTPP cho đến EVFTA. Việc ký kết các FTA này bắt buộc Việt Nam phải mở cửa thị trường và nước này hiện đã có mức độ mở cửa còn cao hơn Trung Quốc. Bản thân Bắc Kinh và Hà Nội cũng đã ký FTA song phương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tại Việt Nam có thể nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc với chi phí rẻ hơn.

Việt Nam cũng rơi vào “tầm ngắm” của Mỹ, với Tổng thống Trump phàn nàn việc Mỹ nhập siêu tới 38,35 tỷ USD trong năm 2017. Nhưng dường như các lãnh đạo Việt Nam đã tìm được cách để giảm bớt lo ngại này. Trong chuyến thăm tới Washington năm 2017, Thủ tướng Việt Nam đã mang một món quà là các hợp đồng trị giá 8 tỷ USD cho doanh nghiệp Mỹ và nhận được sự hưởng ứng tích cực của Tổng thống Trump. Nhưng quan trọng hơn là ông Trump kỳ vọng vào hợp tác quốc phòng giữa 2 bên và khả năng Việt Nam nhập khẩu vũ khí tối tân từ Mỹ sau khi Tổng thống Obama huỷ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Hà Nội./.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here