Các doanh nghiệp tại Trung Quốc đang buộc phải thích ứng với quyết định tăng thuế hải quan thêm 10% mà Mỹ áp dụng từ ngày 24/9/2018 đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp còn lo ngại là Mỹ sẽ tăng thuế hải quan lên đến 25% kể từ ngày 1/1/2019 và áp dụng đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đến nay, hậu quả của cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ vẫn trong tầm kiểm soát. Trung Quốc đang hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách phá giá đồng nhân dân tệ. Trong những tháng qua, đồng nhân dân tệ đã mất giá 10% so với đồng đô la và ngày 1/11 vừa qua, đồng tiền Trung Quốc đã xuống mức thấp nhất kể từ 10 năm qua khi 6,975 nhân dân tệ mới đổi được 1 USD. Đây được coi là việc bơm thêm «ô xi» cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Mặc dù tác động của việc tăng thuế hải quan vẫn còn hạn chế trong phạm vi toàn Trung Quốc, nhưng một số doanh nghiệp đã bắt đầu cảm nhận thấy những hậu quả và tính đến chiến lược «né tránh» thuế bằng cách không bán sản phẩm sang Mỹ nữa như hãng xe hơi Ford đã từ chối bán loại xe Focus mới sang Mỹ hoặc các công ty về điện tử của Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản đặt tại Trung Quốc tính đến khả năng tăng cường bán sản phẩm ở các nước châu Á. Một cách né tránh nữa là di dời một bộ phận sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc như công ty sản xuất đồ chơi Hasbro nổi tiếng của Mỹ, hoặc như Sourcify, một doanh nghiệp khởi nghiệp của Mỹ, đã đề nghị các nhà sản xuất không sản xuất áo T-shirts tại Trung Quốc nữa mà sản xuất tại Philippines. Theo các nhà quản lý của Sourcify, điều này sẽ mất công vận chuyển nhưng tiết kiệm được rất nhiều bởi vì sản phẩm áo T-shirts bán từ Philippines sang Mỹ không bị thuế hải quan. Như vậy, Việt Nam, Ấn Độ và Philippines cần tiếp tục thâu tóm các hoạt động sản xuất đòi hòi nhiều nhân công như dệt may và đồ nội thất.
Tập đoàn Ningbo Staxx Material Handling Equipment của Trung Quốc chuyên sản xuất các thiết bị bốc dỡ hàng hóa, xuất khẩu xe bốc dỡ hàng chủ yếu sang Mỹ cũng đã tìm được một giải pháp né tránh khác: thay vì xuất khẩu trong một lần toàn bộ 100% máy móc điện tử, tập đoàn này tách các máy móc thành các bộ phận bán điện tử bằng cách rút lại mô-tơ. Sau đó, khi khách hàng Mỹ nhận được mô-tơ thì sẽ lắp ráp lại. Việc này không đơn giản, nhưng là giải pháp đỡ tốn kém hơn, bởi vì sản phẩm nguyên chiếc chịu thuế hải quan 25% trong khi sản phẩm bán điện tử chỉ chịu thuế 10%. Tuy nhiên, thủ thuật này cũng không thể kéo dài, bởi vì thuế đối với các xe bốc dỡ hàng bán điện tử cũng sẽ tăng lên 25% từ ngày 1/1/2019 tới. Dẫu vậy, tập đoàn này vẫn không quá lo lắng vì họ đang thống trị thị trường thế giới về sản phẩm xe bốc dỡ hàng hóa và giá sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc của họ rẻ gấp ba lần sản phẩm cùng loại sản xuất tại Đức.
Bất chấp sự cạnh tranh của các nước có nhân công rẻ hơn, Trung Quốc, «công xưởng của thế giới» vẫn chưa đầu hàng và đang tìm cách vươn lên trong các dây chuyền giá trị với sự hỗ trợ của chính quyền Trung ương. Việc sử dụng người máy trong các dây chuyền sản xuất là một giải pháp. Trong chiều hướng này, công ty sản xuất hàng điện máy dân dụng Midea của Trung Quốc đã mua lại công ty Kuka chuyên về người máy công nghiệp của Đức. Theo ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc bán hàng của công ty sản xuất thiết bị điện tử Robot của Việt Nam, «vừa qua các doanh nghiệp Pháp đã đến thăm nhà máy của công ty ông tại thành phố Hồ Chí Minh, bởi vì họ đang nghĩ tới việc từ bỏ các nhà cung cấp Trung Quốc». Ông Đông tỏ vui mừng và muốn tin rằng cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ sẽ mang lại những «cơ hội làm ăn» mới cho ông. Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra sáng suốt khi nhận ra con đường còn dài. Ông cho biết: «Đúng là lương bổng ở nước chúng tôi (Việt Nam) thấp hơn hai lần so với Trung Quốc, nhưng chúng tôi không có quy mô được như Trung Quốc. Chỉ duy nhất tại Trung Quốc người ta mới có thể chế tạo được sản phẩm từ A đến Z với chất lượng cao hơn nhiều và trong khoảng thời gian nhanh hơn nhiều so với các nước khác tại châu Á».
Dù sao, tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện có mặt tại thành phố Đông Quan hoặc Quảng Châu, hai trung tâm sản xuất hàng «made in China», đều đồng ý với nhau về một điểm: Thuế hải quan sẽ không kéo các nhà máy đến Mỹ, bất chấp những nỗ lực của ông Donal Trump.
(Tin từ ĐSQVN tại Pháp).