Hiện nay có trên 230.000 người Việt Nam đang học tập, sinh sống, làm việc tại Nhật Bản và hơn 16.000 người Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, ngày càng đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế – xã hội và thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Trải qua 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2018) hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực trong đó có hợp tác về lao động và xã hội.
Những dấu ấn về hợp tác lao động xã hội
Việt Nam và Nhật Bản là hai dân tộc có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa và truyền thống. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức tháng 9 năm 1973, hai nước đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng của nhau trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt sau khi Việt Nam – Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” vào tháng 3/2014, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện và đi vào thực chất.
Hợp tác về lao động giữa hai quốc gia bắt đầu từ việc Nhật Bản đồng ý tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang thực tập tại Nhật Bản năm 1992. Hiện nay, công dân Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản dưới hai dạng, bao gồm: thực tập sinh kỹ năng và lao động kỹ thuật (lao động chất lượng cao và điều dưỡng viên, hộ lý ). Tính đến nay, Việt Nam đã phái cử trên 100 nghìn lao động sang tu nghiệp và thực tập tại Nhật Bản. Năm 2017, tổng số thực tập sinh được phái cử sang Nhật Bản đạt 54 nghìn người và Việt Nam trở thành nước có số lượng thực tập sinh phái cử nhiều nhất trong số 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản.
Tháng 6 năm 2017, trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23, ngày 06/6/2017 dưới sự chứng kiến của hai Thủ tướng Nhật Bản và Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội, Ngoại giao, Tư pháp của Nhật Bản đã ký Bản ghi nhớ về Chương trình thực tập kỹ năng (MOC).
Đây là bản ghi nhớ đầu tiên giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực này và cũng là bản ghi nhớ đầu tiên của Chính phủ Nhật Bản ký với các nước đưa thực tập sinh sang Nhật Bản. Qua bản ghi nhớ, hai bên thống nhất thúc đẩy hợp tác nhằm chuyển giao kỹ năng, kỹ thuật trong việc đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam, phục vụ lợi ích của cả hai nước. Thời hạn thực tập của thực tập sinh Việt Nam tăng từ 3 năm lên 5 năm, đồng thời, nhiều ngành nghề được mở rộng thêm như nông nghiệp, chế biến thực phẩm, chăm sóc sức khỏe..
Cùng với việc đưa thực tập sinh sang Nhật Bản làm việc,việc hợp tác đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản cũng được triển khai thực hiện theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) ký kết tháng 12/2008. Theo đó, Việt Nam là nước thứ 3 sau Indonesia và Philippine có thỏa thuận đưa điều dưỡng viên và hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản.
Hiện nay, đã có 673 điều dưỡng viên và hộ lý của Việt Nam xuất cảnh và sắp tới dự kiến hơn 200 ứng viên sẽ xuất cảnh sang làm việc tại Nhật Bản trong quý II/2018. Theo đánh giá chung, chất lượng của ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam được phía các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản đánh giá cao, dẫn tới nhu cầu tiếp nhận của phía bạn luôn cao hơn nhiều so với số lượng ứng viên đang được đào tạo ở mỗi khóa.
Mở rộng hợp tác giáo dục nghề nghiệp và xã hội
Được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực. Thông qua Bản ghi nhớ, phía Nhật Bản hỗ trợ đào tạo tiếng Nhật cho học viên học nghề, đào tạo học viên theo tiêu chuẩn của Nhật để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Ngoài ra, nhằm giúp hệ thống đánh giá kỹ năng nghề của Việt Nam đáp ứng phù hợp với nhu cầu của ngành công nghiệp phụ trợ và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng ưu tú tại Việt Nam, phía bạn thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Hiệp hội phát triển năng lực nghề Nhật Bản, đã hỗ trợ cho Việt Nam một số nghề cơ khí, điện, điện tử của ngành công nghiệp phụ trợ, theo hai phương thức là phái cử chuyên gia và hỗ trợ hướng dẫn, thực hiện tại các kỳ thi đánh giá kỹ năng nghề. Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) xây dựng và chuẩn bị triển khai 02 dự án: Dự án “Hợp tác kỹ thuật về giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam” (vốn ODA không hoàn lại) và Dự án “Tăng cường lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam” (vốn ODA).
Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực xã hội giữa Việt Nam – Nhật Bản cũng được triển khai thông qua các hoạt động trao đổi đoàn khảo sát, tham quan, đào tạo nâng cao trình độ trong các lĩnh vực như: phục hồi chức năng, chăm sóc người khuyết tật, người cao tuổi và trao đổi kinh nghiệm xây dựng các chính sách bảo hiểm, bảo trợ xã hội, hỗ trợ nạn nhân do bom mìn, vât liệu nổ sau chiến tranh. Các chương trình tình nguyện viên Nhật Bản cũng thường xuyên cử tình nguyện viên vật lý trị liệu sang để làm việc, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật của Việt Nam.
Một số định hướng hợp tác trong thời gian tới
Nhằm thúc đẩy thực hiện hiệu quả các chương trình hợp tác lao động với Nhật Bản trong thời gian tới, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Nhật Bản một số chương trình, dự án. Trong đó, tập trung thực hiện một số nội dung:
Một là, tăng cường quản lý việc phái cử thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản; chuẩn bị tốt khâu tuyển chọn, đào tạo lao động, bồi dưỡng kiến thức cho người lao động nhằm nâng cao chất lượng thực tập sinh trước khi sang làm việc tại nước bạn.
Hai là, các đơn vị chức năng của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với phía Nhật Bản xem xét, mở rộng thêm các ngành nghề tiếp nhận thực tập sinh, đẩy mạnh tiếp nhận lao động chất lượng cao của Việt Nam; tăng số lượng ứng viên tuyển chọn của chương trình đưa điều dưỡng viên, hộ lý trong các khóa tiếp theo. Chú trọng công tác kết nối việc làm cho thực tập sinh khi hồi hương để có thể phát huy những kỹ năng đã được học tập và rèn luyện ở Nhật Bản, thúc đẩy hợp tác trong việc đầu tư phát triển một số trường chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam;
Ba là, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị bạn hỗ trợ phái cử chuyên gia, thực hiện đào tạo đánh giá viên và thực hiện đánh giá kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn Nhật Bản; hỗ trợ Việt Nam xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và ngân hàng câu hỏi, đề thi thực hành cho một số nghề…Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật trong việc triển khai chính sách bảo hiểm xã hội, đặc biệt là chế độ hưu trí để đối phó với xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam.
Bốn là, hai bên tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác thực hiện các dự án về phúc lợi xã hội, đặc biệt cho người già và trẻ em khuyết tật, trợ giúp nạn nhân bị mua bán người; hỗ trợ nạn nhân bom mìn; mở rộng hợp tác về chỉnh hình và phục hồi chức năng…
Đào Ngọc Dung