Tại sao nhà đầu tư Nhật Bản vẫn muốn đầu tư ở Việt Nam?

0
201
Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội ông Hironobu Kitagawa.

Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội ông Hironobu Kitagawa đánh giá, Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư đến từ đất nước mặt trời mọc, khi số lượng doanh nghiệp Nhật Bản dự định đầu tư vào Việt Nam vẫn gia tăng hàng năm.

Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội Hironobu Kitagawa.

Ông đánh giá như thế nào về môi trường kinh doanh tại Việt Nam và điều gì đang thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, thưa ông?

Trong những năm gần đây, Việt Nam đặc biệt thu hút sự chú ý, không chỉ là một địa điểm sản xuất có thế mạnh với cơ sở hạ tầng ổn định mà còn có chi phí lao động cạnh tranh cao so với các nước quanh khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là một thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất với quy mô thị trường ngày càng được mở rộng do kinh tế tăng trưởng ổn định và thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện.

Việt Nam đặc biệt hấp dẫn các công ty Nhật Bản bởi nguồn lao động dồi dào và một thị trường tiêu dùng đang rộng mở. Việc thiếu hụt nguồn lao động cũng là một trong những thách thức mà Nhật Bản đang phải đối mặt.

Khảo sát mới nhất của Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) về chỉ số môi trường kinh doanh quý I/2018 cho thấy, nhiều doanh nghiệp châu Âu vẫn khá lạc quan về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản thì sao? JETRO có kế hoạch gì để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam?

Phần lớn doanh nghiệp Nhật Bản đều cho rằng, vấn đề cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện là một rủi ro trong môi trường đầu tư tại Việt Nam. Trong khi đó, những lo ngại do “khó tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu/linh kiện tại nước sở tại” vẫn không giảm.

Về phía JETRO, chúng tôi dự định thu thập thông tin của các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cung cấp linh kiện chất lượng cao theo yêu cầu của phía Nhật Bản và phát hành các tài liệu này. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo thêm các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư tại Việt Nam, hỗ trợ tư vấn thông tin từ khi doanh nghiệp có ý định xúc tiến kinh doanh đến khi hoạt động.

Theo ông, Việt Nam cần cải thiện những gì để tiếp tục đổi mới môi trường kinh doanh, hỗ trợ hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản?

Theo cuộc điều tra của JETRO khảo sát về tình hình hoạt động của của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương năm vừa qua, những yếu tố thuận lợi của môi trường đầu tư tại Việt Nam chính là “Quy mô thị trường/khả năng tăng trưởng”, “Tình hình chính trị/xã hội ổn định”, “Chi phí nhân công rẻ”. Tuy nhiên, những rủi ro trong môi trường đầu tư như “Chi phí nhân công tăng cao”, “Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận dụng luật pháp thiếu minh bạch”, “Cơ chế, thủ tục thuế phức tạp”, “Thủ tục hành chính, cấp phép phức tạp” vẫn được nêu ra hàng đầu.

Đặc biệt, trong các hạng mục rủi ro, tôi cho rằng những phản ánh liên quan đến hành chính có thể được cải thiện nếu có sự nỗ lực từ phía Chính phủ Việt Nam. Việc tạo ra các quy tắc minh bạch và công bằng dựa trên các nguyên tắc quốc tế và thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động vận dụng thể chế là cách làm hiệu quả để thúc đẩy thu hút đầu tư hơn nữa.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Nhật Bản tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của Việt Nam với tổng vốn đầu tư 6,47 tỷ USD. Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống như điện tử viễn thông, sản xuất, chế biến chế tạo, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu quan tâm và gia tăng đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp, bất động sản, thực phẩm…tại Việt Nam. Ông nhận định như thế nào về xu hướng này?

Việt Nam là địa điểm quan trọng của nhà đầu tư Nhật Bản. Khảo sát của JETRO cho thấy, khoảng 70% các công ty khẳng định “muốn mở rộng” dự án tại Việt Nam, chiếm tỷ lệ phần trăm cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Cũng theo cuộc điều tra tại Nhật Bản, tỷ lệ các công ty đề cập Việt Nam là quốc gia/khu vực “đặt cơ sở ở nước ngoài và đang dự định mở rộng hơn nữa” đã tăng lên ba năm liên tục.

Khi phân tích xu hướng nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản tư vấn tại văn phòng JETRO thì khối ngành công nghiệp phi chế tạo chiếm khoảng 70%. Do Việt Nam đang sở hữu một thị trường rộng lớn với hơn 90 triệu người và thành phần dân số trẻ chiếm đa số nên việc tập trung vào các ngành phục vụ nhu cầu trong nước như giáo dục, nông nghiệp, khách sạn/ăn uống dự kiến sẽ tăng trưởng trong tương lai.

Như ông vừa đề cập, một trong những lo ngại đang “cản bước” nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam là việc khó tìm được các nhà cung ứng nguyên vật liệu/linh kiện đáp ứng được nhu cầu, khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc. Theo ông, Việt Nam nên làm gì để thúc đẩy hơn nữa ngành công  nghiệp phụ trợ?

Tôi cho rằng, về sau này tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam sẽ ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, mặc dù chúng ta vẫn hay gọi chung là ngành công nghiệp phụ trợ thì các chi tiết linh kiện sản phẩm của xe máy, ô tô, máy móc điện tử, máy móc văn phòng…là hoàn toàn khác nhau. Nhìn chung tiềm năng của ngành công nghiệp phụ trợ khá lớn nhưng tôi nghĩ trước mắt Việt Nam cần phải xác định rõ cần ưu tiên tăng cường ngành phụ trợ cho ngành nào, xe máy, ô tô hay máy móc điện tử, máy móc văn phòng. Tiếp đó là giải quyết các vấn đề liên quan đến khâu đào tạo nhân lực trong ngành công nghiệp phụ trợ thì sẽ hợp lý hơn. Theo tôi, để đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng được những nhu cầu của nhà sản xuất, Việt Nam có thể tham khảo hệ thống giáo dục chuyên môn cao của Nhật Bản.

Xin cám ơn ông!

Đỗ Ánh (thực hiện)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here