Năm nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy hợp tác tài chính Việt Nam – Nhật Bản

0
78
Các lãnh đạo ngành chứng khoán - tài chính Việt Nam trả lời câu hỏi của nhà đầu tư Nhật Bản.

Theo báo cáo Khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Châu Á và Châu Đại Dương, được Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội công bố hồi tháng 2 năm 2018, khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng nhờ tỷ lệ làm ăn có lãi lên tới 65,1% doanh nghiệp trong tổng số 1.345 doanh nghiệp. Cũng theo JETRO, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ hai sau Trung Quốc trong số các quốc gia mà doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng và lãnh đạo ngành chứng khoán – tài chính Việt Nam trả lời câu hỏi của nhà đầu tư Nhật Bản, tháng 8/2017.

Những số liệu trên phản ánh niềm tin của nhà đầu tư Nhật Bản đối với Việt Nam, đồng thời cũng cho thấy các kết quả của nỗ lực hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tài chính.

Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Năm 2017, Nhật Bản là đối tác cung cấp nguồn vốn vay ưu đãi (ODA) thứ nhất của Việt Nam với tổng số vốn cam kết khoảng đến nay là 24 tỷ USD, là đối tác lớn thứ hai về đầu tư với tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam là 50 tỷ USD, và là đối tác lớn thứ tư về thương mại với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 là 33 tỷ USD. Bên cạnh đó, hai bên phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau trong nhiều vấn đề quốc tế tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á-Âu (ASEM), các cơ chế hợp tác mở rộng của ASEAN (ASEAN+).

Quan hệ hợp tác tài chính Việt Nam – Nhật Bản không ngừng được mở rộng

Nhật Bản là một trong các đối tác song phương lớn của Việt Nam được Bộ Tài chính cũng như các cơ quan chủ quản và chủ dự án đánh giá cao, đem lại hiệu quả thiết thực. Chính phủ Nhật Bản bắt đầu cung cấp vốn vay ODA cho Việt Nam từ năm 1993. Đến nay, tổng số vốn cam kết hiện nayđã lên tới khoảng 2.586 tỷ yên (tương đương khoảng 24 tỷ USD) với 203 hiệp định vay đã ký.

Quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực vốn vay ODA là quan hệ hai bên cùng có lợi. Theo đó, khi Việt Nam vay vốn ODA Nhật Bản, Nhật Bản cũng xuất khẩu được nguồn vốn có lãi suất cao hơn lãi suất Chính phủ Nhật Bản huy động trên thị trường Nhật Bản, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, tạo nhiều cơ hội cho các nhà thầu, tư vấn Nhật tham gia thực hiện các dự án tại Việt Nam. Các hoạt động hợp tác song phương giữa Bộ Tài chính Việt Nam cùng các đối tác Nhật Bản đang ngày càng mang lại hiệu quả quan trọng. Theo đó, Nhật Bản hỗ trợ kỹ thuật, giúp Việt Nam thực hiện các đột phá chiến lược quan trọng và hoàn thiện thể chế và nguồn lực trong ngành Tài chính.

Sự hỗ trợ của Nhật Bản trong các lĩnh vực hải quan, quản lý thuế và bảo hiểm cũng đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, Dự án Xây dựng, triển khai hải quan điện tử và cơ chế một cửa quốc gia phục vụ hiện đại hóa hải quan tại Việt Nam (VNACCS/VCIS) giai đoạn 2012 – 2014, với tổng vốn ODA không hoàn lại gần 32 triệu USD, hệ thống đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hàng hóa nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh. Hiện tại, Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện Dự án Nâng cao hiệu quả hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS để nâng cao hiệu quả vận hành, khai thác, sử dụng và làm chủ về mặt quy trình xử lý nghiệp vụ hải quan trên hệ thống VNACCS/VCIS với vốn ODA không hoàn lại là 240 triệu Yên (tương đương 2 triệu USD).

Còn nhiều dư địa phát triển

Với mục đích tạo môi trường kinh doanh ổn định và tăng cường niềm tin cho các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục thuế, hải quan.

Tại các địa phương tập trung nhiều dự án đầu tư của Nhật Bản như Hải Phòng, Hà Nội, các Cục Thuế, Cục Hải quan tham gia vào các buổi tọa đàm và đối thoại chính sách của địa phương nhằm cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin mới về chính sách thuế, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp. Thông qua các cuộc đối thoại này, Bộ Tài chính Việt Nam đã thu nhận các ý kiến đóng góp và nghiêm túc xem xét kiến nghị của các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình hoàn thiện chính sách quản lý.

Bên cạnh đó, để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng Nhật Bản đối với thị trường Việt Nam, Bộ Tài chính tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư gián tiếp tại Nhật Bản. Hội nghị Xúc tiến đầu tư gián tiếp tại Nhật Bản năm 2014 và 2017 đã tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư Nhật Bản để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thúc đẩy hoạt động đầu tư gián tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam, trong đó trọng tâm là thu hút các công ty chứng khoán, công ty tài chính, bảo hiểm, quỹ đầu tư của Nhật Bản đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, vào doanh nghiệp nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn và đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán nói chung.

Hiện nay, đầu tư gián tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam còn khiêm tốn so với tiềm lực vốn của Nhật Bản và khả năng hấp thụ vốn của thị trường Việt Nam. Do vậy, thị trường tài chính vẫn còn nhiều dư địa phát triển tạo cơ hội cho các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia tại Việt Nam.

Năm nhiệm vụ trọng tâm

Chặng đường 45 năm hợp tác dựa trên nền tảng cam kết chính trị bền vững, quan hệ hợp tác tài chính giữa Việt Nam và Nhật Bản đã không ngừng được vun đắp và phát triển. Những thành quả hợp tác trong lĩnh vực tài chính đã góp phần tạo động lực cho quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung, song phương giữa các cơ quan quản lý tài chính hai nước nói riêng. Thời gian tới, nội dung hợp tác tài chính Việt Nam – Nhật Bản sẽ tập trung một số nhiệm vụ sau:

Một là, đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực quản lý thuế, quản lý hải quan và giám sát thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm để tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với quá trình cải cách và hiện đại hóa ngành tài chính.

Hai là, tiếp tục khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản trong việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Ba là, nghiên cứu, tạo lập cơ chế đối thoại Bản về chính sách thuế và hải quan với các doanh nghiệp Nhật.

Bốn là, tiếp tục thực thi có hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước.

Năm là, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để nâng cao hiệu quả vận hành, khai thác, sử dụng và làm chủ về mặt quy trình xử lý nghiệp vụ hải quan trên hệ thống VNACCS/VCIS trong lĩnh vực quản lý hải quan.

Đinh Tiến Dũng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here