Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung nhìn từ Trung Quốc

0
97

Giữa lúc cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung trở nên căng thẳng và các chỉ trích chống lại ông Donald Trump ngày càng kịch liệt ngay tại Mỹ, thì tại Trung Quốc các phản ứng của các chuyên gia về chính sách đối ngoại lại trái ngược nhau. Một nhà phân tích chỉ trích mạnh mẽ chính sách của Trung Quốc dựa trên sùng bái cá nhân, «tư tưởng Tập Cận Bình» và «sự phục hưng Trung Hoa», cho rằng ông Donald Trump là một «nhà chiến thuật thiên tài» và cuộc chiến thương mại «sẽ còn tiếp tục».

Rất nhiều người ưu tú tại Trung Quốc đang phản đối tham vọng quốc tế của Trung Quốc tăng tốc một cách bất thình lình và không hề giấu diếm. Trong khi ông Đặng Tiểu Bình, người khởi xướng các cải cách tại Trung Quốc cách đây 40 năm, chủ trương giấu mình chờ thời trong lĩnh vực kinh tế, nhất là trong chính sách đối ngoại, thì người kế nhiệm sau mấy đời của ông là ông Tập Cận Bình lại từ hai năm nay bộc lộ một cách không ngượng ngùng ý muốn đưa Trung Quốc trở lại vị trí trung tâm của thế giới, và muốn vậy sử dụng tất cả mọi phương tiện có thể, sẵn sàng khiêu khích Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

Người ta còn nhớ bài diễn văn của ông Tập Cận Bình đọc tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos tháng 1/2017 đã được khéo léo tung ra vài ngày trước khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, hoặc bài diễn văn mà ông Tập Cận Bình đọc tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 hồi tháng 10/2017. Và mới cách đây vài tháng, những người thân cận của Chính quyền tại Bắc Kinh vẫn còn giấu diếm một cách vụng về niềm vui của họ trước sự « thoái trào của Phương Tây » do doanh nhân Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ, do cuộc trưng cầu dân ý tại Anh dẫn tới Brexit đáng tiếc, và do sự suy yếu của bà Thủ tướng Angela Merkel tại Đức.

Chiến thắng của ông Trump

Thực tế ngày nay hoàn toàn khác và Chính quyền Mỹ đang cùng chung tiếng nói chống lại Trung Quốc, trong giới quân sự đã đành, nay ý kiến của các cố vấn kinh tế như đại diện thương mại Robert Lighthizer hoặc Trợ lý Tổng thống về thương mại Peter Navarro ngày càng được lắng nghe. Bằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, ông Donald Trump đang gây rất nhiều khó khăn cho ban lãnh đạo cộng sản nước này.

Trong suốt mùa hè vừa qua, các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã phải thảo luận về tình hình bất lợi hiện nay, ở cả nơi lịch sử Bắc Đới Hà. Các chỉ trích công khai của giáo sư Xu Zhangrun của trường đại học Thanh Hoa cũng đã được phổ biến rộng rãi, cho thấy đang xuất hiện một làn sóng chỉ trích đối với chiến lược tham vọng của ông Tập Cận Bình. Ngoài ra, từ 6 tháng nay, Tổng thống Mỹ và ê-kíp đối ngoại của ông ta dường như tập trung vào hồ sơ Bắc Triều Tiên là hồ sơ duy nhất mà Trung Quốc có thể thực sự dựa vào để đối chọi với Mỹ.

Chắc chắn cuộc chiến thương mại về dài hạn có thể ảnh hưởng xấu đối với cả kinh tế Mỹ lẫn kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, thời điểm cuộc chiến là không đúng lúc. Một nhà chính trị học nổi tiếng của Trung Quốc tiên đoán cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ ngày càng khốc liệt. Ông nhấn mạnh : « Giới truyền thông, chuyên gia, các đại biểu quốc hội… cũng như những người bạn của Trung Quốc đã trở nên im tiếng trước Mỹ ». Tại Bắc Kinh, người ta nghĩ rằng ông Trump đã chiến thắng, cho dù bầu cử giữa kỳ ở Mỹ kết quả thế nào đi chăng nữa. Ông nói thêm : « Thậm chí nếu đảng Dân chủ thắng trong cuộc bầu cử sắp tới và giành đa số tại Quốc hội Mỹ thì sự đồng thuận hiện nay vẫn là chống Trung Quốc ». Rõ ràng đây không phải là vấn đề nhỏ.

Trung Quốc đang ở thế không thuận

Để tránh tác động quá nặng nề, kể cả trong công luận, Trung Quốc đang không ngừng can thiệp, bơm nhiều tiền mặt vào nền kinh tế, phá giá đồng nhân dân tệ, và tìm kiếm các đồng mình tại châu Âu và châu Á, nhưng không đạt kết quả nhiều, nếu đánh giá qua chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (ông này đã cảnh báo Trung Quốc về một « hình thức mới của chủ nghĩa thực dân »), hoặc qua các cuộc thảo luận ít kết quả giữa Trung Quốc và châu Âu cuối tháng 7 vừa qua (Trung Quốc muốn đàm phán về hiệp định đầu tư, thậm chí hiệp định tự do thương mại).

Tại châu Âu, ngày càng có nhiều quan ngại về thâm hụt thương mại, về đầu tư của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ mới và hạ tầng cơ sở, hoặc một cách tổng thể hơn lo ngại về sự thăng tiến sức mạnh Trung Quốc. Điều này tất nhiên khiến Trung Quốc phải lo lắng. Đối với Trung Quốc, điều tồi tệ nhất sẽ là sự xích lại gần nhau giữa các nước xuyên Đại Tây Dương về các vấn đề này.

Giữa lúc các cố vấn của ông Trump chiếm thế thượng phong, ban lãnh đạo Trung Quốc – dù chỉ cách đây vài tháng còn rất tự tin sau khi khẳng định đường lối chính trị mới chủ động hơn – có thể đang phải tự hỏi là họ còn có các đồng minh nặng ký tại Phương Tây nữa hay không, hoặc những cơ may trong chính sách đối nội khó lường của Mỹ cuối cùng sẽ có lợi cho Trung Quốc hay không.

Tin từ Đại Sứ Quán Việt Nam tại Cộng Hòa Pháp(Bài phân tích của Philippe Le Corre, nhà nghiên cứu tại trường Đại học Harvard Kennedy School đăng trên Les Echos, 20/9/2018)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here