Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”: Cạnh tranh mới Mỹ – Trung và Kiến nghị với Việt Nam (Phần 2)

0
92
  1. Kiến nghị chính sách thích ứng của Việt Nam

Việt Nam cần tìm hiểu rõ ý nghĩa, nội dung của chiến lược này, thời cơ và thách thức do chiến lược này mang tới. Xét về nội hàm, chiến lược này có vẻ phù hợp với lợi ích của ASEAN và Việt Nam. Như vậy, giống như chiến lược “Tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương”, “điểm rơi” của chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” vẫn là Đông Nam Á. Tuy nhiên Việt Nam cần tránh để bị cuốn vào cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng lớn giữa hai cường quốc Mỹ – Trung. Chúng ta mong chiến lược này không tạo ra sự đối đầu căng thẳng giữa hai nước lớn.

Cả bốn nước trong “Tứ giác kim cương” Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia đều là các đối tác chiến lược hoặc đối tác hợp tác toàn diện của Việt Nam, vậy nên Việt Nam cần khai thác những thế mạnh hợp tác với từng đối tác để phục vụ lợi ích của ta. Trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Việt Nam tháng 11-2017, hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ về việc thúc đẩy kết nối khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Tuy nhiên, việc ký kết này không đảm bảo rằng “Vành đai và Con đường” sẽ có những đột phá ở Việt Nam. Trên thực tế, phản ứng của Việt Nam với sáng kiến này vẫn còn dè dặt, bởi Việt Nam có kinh nghiệm về hợp tác với Trung Quốc. Một trong những lĩnh vực hợp tác đang nổi lên là xây dựng cơ sở hạ tầng. Việt Nam nên tận dụng chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” để tập trung xây dựng những dự án khả thi về kinh tế và giảm thiểu gánh nặng nợ nần, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Một trong những đối tác trong “tứ giác kim cương” ấy mà ta nên tranh thủ hợp tác là Nhật Bản và Australia, những nước có không ít hợp tác đầu tư dự án hạ tầng ở Việt Nam.

Bộ “tứ giác kim cương” Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã có cơ chế hợp tác, gần đây nhu cầu hợp tác tăng lên, đặc biệt là trong lĩnh vực chiến lược và an ninh. Mặc dù vậy, “bộ tứ” này là một dạng tập hợp lực lượng theo vấn đề, không thể chế hóa sâu sắc, hoặc sẽ ở trạng thái cầm chừng như hiện nay, hoặc sẽ dần mai một do khác biệt về lợi ích và nhận thức về mối đe dọa giữa các nước trong “bộ tứ” cũng như diễn biến quan hệ song phương giữa từng nước “bộ tứ” với Trung Quốc. Nội dung phạm vi, phương thức và cấp độ hợp tác của “bộ tứ” chưa rõ ràng, ngoài diễn tập an ninh hàng hải trên biển. Do đó, chúng ta cần có thêm thời gian để đánh giá tác động thực chất và lâu dài của “bộ tứ” trong cấu trúc an ninh khu vực.

Tuy nhiên, “bộ tứ” sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng, đặc biệt là phối hợp xử lý các vấn đề an ninh trên biển; mở rộng hợp tác với một số nước, trong đó có Việt Nam trong khuôn khổ các cơ chế của ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống như cứu trợ nhân đạo, chống khủng bố, cướp biển… Chúng ta cần chủ động sớm xác định chủ trương, chuẩn bị lực lượng để tham gia hợp tác, nếu được mời. Như vậy, Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh và kinh tế với các nước “bộ tứ”, phù hợp với phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ quyền và bình đẳng. Điều đó tránh cho Việt Nam không bị rơi vào vòng vây của bất kỳ cường quốc nào.

Về đối ngoại, mỗi thành viên “bộ tứ’ có những cách thức triển khai và ưu tiên khác nhau, phản ánh lợi ích của mỗi nước. Mỹ coi cạnh tranh và cân bằng với Trung Quốc về quân sự là khá rõ. Trong khi đó, Nhật Bản và Australia nhấn mạnh hợp tác kinh tế, đặc biệt là kết nối hạ tầng, thương mại mở và tự do. Việt Nam cần giữ nguyên tắc cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và các cường quốc khác. Mặt khác, Việt Nam cần chủ động tiếp cận, đảm bảo một cấu trúc khu vực mở, mang tính dung nạp, dựa trên pháp quyền, đảm bảo ASEAN có tiếng nói và vai trò. Khi ASEAN càng thể hiện tiếng nói chung thì càng tạo điều kiện cho các nước duy trì một khu vực không có sự chèn ép từ phía bên ngoài và tất cả các nước đều tồn tại trên cơ sở tôn trọng pháp luật quốc tế. Việt Nam có thể bị lôi kéo tham gia khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Tuy nhiên, Việt Nam cần hết sức thận trọng, như thế sẽ có lợi hơn cho Việt Nam.

  1. Kết luận

Từ thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” xuất hiện tại một cuộc hội thảo, đến nay đã trở thành chiến lược của cường quốc hàng đầu thế giới. Chiến lược này không những kế thừa chiến lược “Tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương” của các đời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm, mà còn thể hiện tính liên tục và sự phát triển của chiến lược ấy trong dài hạn. Một khi được thực thi thì chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” sẽ tạo nên sự cạnh tranh to lớn với sáng kiến “Vành đai và Con đường” do Trung Quốc khởi xướng.

Là quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, một thành viên của ASEAN và là một bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam cần phân tích kỹ lưỡng, tranh thủ nắm bắt những cơ hội do cạnh tranh giữa các nước lớn đưa lại để phát triển đất nước, giữ cân bằng quan hệ với các nước lớn, không để bị đứng ngoài rìa, đồng thời nỗ lực cao hơn, tạo sự cân bằng an ninh khu vực ở diện rộng lớn hơn để đảm bảo an ninh không chỉ cho Việt Nam và cả trong khu vực. Đồng thời, Việt Nam (và ASEAN) cần gửi một tín hiệu rõ ràng tới các cường quốc rằng bất kỳ cấu trúc hay sự dẫn đầu khu vực nào cũng sẽ không thể thành công nếu thiếu vai trò trung tâm của ASEAN./.

(Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here