Cùng bắt tay với ASEAN, Nhật – Trung xích lại gần nhau hơn

0
124
Mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á trong khuôn khổ BRI bao gồm kế hoạch đầy tham vọng là xây dựng mạng lưới đường sắt châu Á gồm 3 tuyến đường sắt dài 4.500-5.500 km nối Trung Quốc với Đông Nam Á. Các tuyến đường Trung, Đông và Tây sẽ chạy từ Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) qua Lào, Thái Lan, Myanmar, Malaysia và Singapore. (Nguồn: wikipedia)

Trên trang mạng Eastasiaforum.org có bài viết về các mối quan tâm riêng mà chung của cả hai cường quốc châu Á Nhật Bản và Hàn Quốc đối với ASEAN. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã lên kế hoạch đẩy mạnh tính kết nối thông qua việc phát triển một loạt  tuyến đường sắt, đường bộ và đường thủy để mang lại cho khu vực không chỉ là cơ hội để đảm bảo các hợp đồng đầu tư nước ngoài mà còn để định hình cơ sở hạ tầng Đông Nam Á. Chính cơ hội này đã nâng cao tính cạnh tranh giữa hai “gã khổng lồ” châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc trong lĩnh vực tài trợ cơ sở hạ tầng và xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc (HSR).

Những mối quan tâm riêng

Các nước Đông Nam Á vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc hội nhập và kết nối thị trường khu vực.

Nhật Bản bắt đầu chương trình đầu tư quy mô lớn ở Đông Nam Á vào những năm 1970 và đã thiết lập một tầm nhìn về kết nối cơ sở hạ tầng trong khu vực vào những năm 1990. Ý tưởng cơ bản của Nhật Bản là thiết lập mối liên kết xuyên quốc gia và liên khu vực, đồng thời xây dựng các hành lang kinh tế ở nhiều quốc gia đang phát triển trong khu vực để thúc đẩy công nghiệp hóa và hội nhập khu vực của ASEAN.

Nhật Bản coi ASEAN là “một thị trường mà Nhật Bản không bao giờ có thể thua cuộc và đứng sau”. Sau khi chương trình HSR giữa Jakarta và Bandung hồi tháng 9/2015 có nhiều vượt trội, chính phủ Nhật Bản đã điều chỉnh chính sách cho vay của mình và cam kết sẽ đóng góp vào sự phát triển cơ sở hạ tầng “chất lượng cao” cho khu vực này trong tương lai.

Hồi tháng 2/2018, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và nội các của ông đã vạch ra chiến lược viện trợ mới, cam kết sẽ sử dụng viện trợ Nhật Bản để thực hiện “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” của mình. Chiến lược này, do Abe khởi xướng hồi tháng 8/2016, nhằm mục đích đẩy mạnh khả năng kết nối khu vực thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng “chất lượng cao” và thực thi pháp luật hàng hải.

Trung Quốc bắt đầu đầu tư vào Đông Nam Á muộn hơn Nhật Bản. Những cam kết phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc dành cho khu vực được đưa ra trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21, khi tỉnh Vân Nam và khu tự trị Quảng Tây đặt ưu tiên kết nối giao thông liên vùng với các nước Đông Nam Á.

Các sáng kiến xây dựng kết nối cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở Đông Nam Á đã đạt được động lực vào năm 2013, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất Sáng kiến “Vành đai và con đường” (BRI). Mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á trong khuôn khổ BRI bao gồm kế hoạch đầy tham vọng là xây dựng mạng lưới đường sắt châu Á gồm 3 tuyến đường sắt dài 4.500-5.500 km nối Trung Quốc với Đông Nam Á. Các tuyến đường Trung, Đông và Tây sẽ chạy từ Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) qua Lào, Thái Lan, Myanmar, Malaysia và Singapore.

Mặc dù đầu tư của Trung Quốc ở 10 nước ASEAN vẫn xếp sau Nhật Bản và thậm chí cả Mỹ, song thứ hạng này sẽ chỉ tăng lên khi việc thực hiện BRI được tiếp tục và sự phối hợp chính sách giữa Trung Quốc và ASEAN được tăng cường.

Mặc dù việc đầu tư là mang tính cạnh tranh, song kế hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đầy chiến lược của Trung Quốc và Nhật Bản ở Đông Nam Á là khác nhau. Nhật Bản chủ yếu tập trung vào việc xây dựng tuyến đường Đông-Tây, vốn sẽ kết hợp với một số kế hoạch phát triển hành lang kinh tế Đông-Tây kết nối Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam mà Nhật Bản đề ra. Mục đích là để giúp các công ty Nhật Bản mở rộng hoạt động kinh doanh và tối ưu hóa mạng lưới sản xuất của họ trong và ngoài khu vực thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh là xây dựng một mạng lưới đường sắt Bắc Nam xuyên châu Á, với hy vọng mạng lưới này sẽ phối hợp với tuyến HSR Kuala Lumpur-Singapore và cải thiện khả năng tiếp cận của Trung Quốc với Đông Nam Á và hơn thế nữa.

Chính phủ Nhật Bản coi việc xuất khẩu các hệ thống cơ sở hạ tầng chính là chìa khóa để hồi sinh nền kinh tế vốn trì trệ từ lâu của nước này. Phát triển cơ sở hạ tầng được coi là một hoạt động kinh doanh sẽ mở rộng từ việc sản xuất đến dịch vụ và cung cấp một phương tiện tiếp cận thị trường toàn cầu hiệu quả. Chính phủ Abe quyết tâm đẩy mạnh doanh thu các sản phẩm cơ sở hạ tầng của Nhật Bản thông qua đầu tư tư nhân.

Đối với Trung Quốc, các dự án cơ sở hạ tầng của nước này trong khu vực mang lại một số ảnh hưởng chính trị (chủ yếu là do ý nghĩa địa chính trị của cả BRI lẫn Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á cho Trung Quốc lãnh đạo), tuy nhiên, chúng còn mang lại nhiều lợi ích hơn về mặt kinh tế nội địa. Trung Quốc tìm cách thúc đẩy sự phát triển ở khu vực phía Tây nước mình thông qua hỗ trợ và kết hợp với các chiến lược phát triển của các nước láng giềng.

Nhật Bản và Trung Quốc có những mục tiêu và lợi ích kinh tế chung ở Đông Nam Á. Cả hai nước đều nhận thấy tầm quan trọng của sự hợp tác và đạt được đồng thuận để cùng nhau xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước thứ ba. Người ta tin rằng Thủ tướng Abe sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận hợp tác cụ thể trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc dự kiến vào tháng 10 tới.

Và điểm gặp nhau

Đối với các nước ASEAN, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều là những nguồn đầu tư quan trọng và những đối tác thương mại thiết yếu. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều có khả năng xây dựng và huy động tài chính để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á.

Mặt khác, kết nối khu vực là mục tiêu lâu dài của Cộng đồng ASEAN. ASEAN có chương trình nghị sự riêng, bao gồm Kế hoạch thực hiện Sáng kiến Hội nhập ASEAN và Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025. Vì vậy, có khả năng việc đầu tư từ Nhật Bản hay Trung Quốc đều không được xem là phù hợp với các mục tiêu này.

Chẳng hạn, khi đầu tư của Trung Quốc cho các quốc gia riêng lẻ tăng lên, có những mỗi lo ngại cho rằng các kết nối cơ sở hạ tầng mới liên kết Trung Quốc với Đông Nam Á có thể đe dọa tính kết nối của ASEAN. Cũng có nhiều nghi ngại về việc liệu hệ thống HSR của Nhật Bản và Trung Quốc có tương thích nhau hay không – khả năng các mạng lưới đường sắt sẽ tạo ra vấn đề nếu các nước khác nhau trong khu vực áp dụng các hệ thống sử dụng công nghệ khác nhau.

Do đó, một cơ chế phối hợp và đối thoại hiệu qủa về tính kết nối khu vực giữa ASEAN, Trung Quốc và Nhật Bản là điều cần thiết. Loại hình hợp tác đa phương này không chỉ nuôi dưỡng lòng tin giữa Trung Quốc và Nhật Bản mà còn đẩy mạnh hiệu quả các nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng của họ. Bằng cách này, cả hai cường quốc châu Á có thể bắt đầu nhìn thấy triển vọng khu vực rộng lớn hơn chứ không đơn thuần chỉ qua lăng kính nhỏ hẹp của lợi ích quốc gia.

PV. (theo Eastasiaforum.org)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here