Tin kinh tế Bangladesh, 01/08/2018

0
121

Bangladesh tiếp tục được hưởng ưu đãi phi hạn ngạch và phi thuế quan khi xuất khẩu sang Nhật (The Financial Express, 01/8).

Tại buổi họp báo hôm 31/7 sau khi kết thúc chuyến công tác tại Nhật Bản, Bộ trưởng Thương mại Bangladesh Tofail Ahmed cho biết Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục dành cho Bangladesh ưu đãi phi hạn ngạch và phi thuế quan (DFQF) đối với các hàng hóa từ Bangladesh khi xuất khẩu sang Nhật Bản ngay cả sau khi Bangladesh đã ra khỏi Nhóm các nước kém phát triển nhất vào năm 2024. Gần đây, các sản phẩm xuất khẩu của Bangladesh đã được hưởng Quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập khi vào thị trường Nhật. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bangladesh sang Nhật, trong đó chủ yếu là hàng may sẵn đạt 1,13 tỷ USD. Chính phủ Bangladesh đặt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu lên 2 tỷ USD trong 2 – 3 năm tới. Hiện nay có 266 công ty của Nhật Bản đang đầu tư tại Bangladesh. Chính phủ Bangladesh cũng dành riêng một Đặc khu kinh tế cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đầu tư trong lĩnh vực dệt may tại Bangladesh. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang xem xét tuyển dụng lao động Bangladesh sang Nhật Bản làm việc.

Ông Tofail cũng đề nghị Chính phủ Nhật Bản xem xét sớm dỡ bỏ cảnh báo cấp 2 đối với các công dân của mình khi đi công tác tại Bangladesh bởi Bangladesh là điểm đến an toàn đối với công dân Nhật Bản. Cảnh báo trên được đưa ra kể từ sau vụ tấn công khủng bố tại Dhaka vào tháng 7/2016 khiến 7 công dân Nhật Bản cùng nhiều người nước ngoài khác thiệt mạng.

Hiện Nhật Bản là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Bangladesh với tổng viện trợ là 12 tỷ USD kể từ khi Bangladesh giành được độc lập năm 1971. Mới đây, Nhật Bản đã cung cấp gần 3,6 tỷ USD để hỗ trợ xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Matarbari; gần 2 tỷ USD để hỗ trợ xây dựng tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Bangladesh.

Bangladesh có thể trở thành “Ấn Độ +1” trên thị trường tân dược toàn cầu (The Financial Express, 01/8).

Tại cuộc hội thảo về những cơ hội đối với ngành sản xuất tân dược của Bangladesh được tổ chức tại Dhaka hôm 31/7, các doanh nghiệp đều có chung nhận định rằng Bangladesh có thể trở thành một thị trường chủ yếu cung ứng các sản phẩm tân dược giá rẻ cho toàn thế giới bên cạnh Ấn Độ. Ông Abdul Muktadir, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn dược phẩm Incepta – Tập đoàn sản xuất dược phẩm lớn thứ hai tại Bangladesh cho biết gần đây rất nhiều công ty dược phẩm lớn của Ấn Độ đang chuyển hướng tập trung vào thị trường nội địa, thay vì xuất khẩu; do vậy, Bangladesh cần nắm bắt cơ hội này để trở thành nhà cung ứng tân dược thay thế Ấn Độ. Ấn Độ đã viết nên một câu chuyện rất thành công trong lĩnh vực sản xuất tân dược khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trung bình là 17 tỷ USD. Tuy nhiên, Bangladesh hoàn toàn có tiềm năng để trở thành “Ấn Độ +1” trên thị trường tân dược toàn cầu. Khi nhắc đến dệt may, Bangladesh phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ trên thị trường toàn cầu như Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia… Nhưng khi nhắc đến hàng tân dược, sẽ không có sự lựa chọn nào khác đối với Ấn Độ, ngoài Bangladesh. Hiện các sản phẩm tân dược “made in Bangladesh” đang thống trị thị trường nội địa khi đáp ứng khoảng 97% nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tân dược vẫn còn khiêm tốn so với các sản phẩm dệt may hoặc da. Trong năm tài chính 2016-17, kim ngạch xuất khẩu tân dược đạt 131,17 triệu USD, tăng 24% so với năm trước. Mục tiêu của Chính phủ Bangladesh là các sản phẩm tân dược của nước này sẽ chiếm lĩnh 10% trên thị trường thuốc generic (loại thuốc có cùng dược chất và chất lượng như thuốc gốc nhưng giá rẻ hơn). Đây cũng là thị trường mà Bangladesh có lợi thế cạnh tranh rất lớn. Tuy nhiên, theo ông Kazi M Aminul Islam, Chủ tịch điều hành Cơ quan phát triển đầu tư Bangladesh , các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm của Bangladesh cần nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý. Ông cho rằng nếu như ngành dệt may chủ yếu dựa vào nguồn nhân công thì trong lĩnh vực dược phẩm, chất lượng được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, Bangladesh cần nâng cao năng lực của những cơ quan quản lý và kiểm định thuốc để chất lượng của các sản phẩm “made in Bangladesh” được công nhận trên toàn cầu. Hiện các doanh nghiệp dược phẩm của Bangladesh đang mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Châu Phi và Châu Mỹ Latinh.

(nguồn: ĐSQ VN tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here