Theo nhà nghiên cứu Charles Kupchan và nhà báo Edward Alden, sau cuộc gặp giữa Donald Trump và Jean-Claude Juncker, châu Âu phải thận trọng vì chính quyền Trump vẫn có ý định phá vỡ trật tự thương mại đa phương.
Trong cuộc họp ngày 25/7, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã tháo ngòi nổ một cuộc chiến thương mại giữa Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ, ít nhất là trong thời điểm này. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí cùng nhau loại bỏ các rào cản đối với thương mại. Châu Âu cam kết mua thêm đậu nành và khí đốt tự nhiên của Mỹ.
Đây là tin tốt lành. Hai bên đã đối thoại và đạt được thỏa thuận đình chiến tạm thời. Thay vì coi EU là “kẻ thù” như ứng xử trong chuyến công du gần đây tới châu Âu, Trump đã lạc quan tuyên bố về “một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu “.
Nhưng châu Âu cần cảnh giác. Tuy Brussels tham gia đầy đủ các cuộc đàm phán thương mại với Washington nhưng châu Âu phải luôn lưu ý tính thất thường cũng như quyết tâm hiển hiện của Trump muốn phá bỏ trật tự thương mại đa phương hiện nay.
Bài phát biểu làm lành của Trump cách đây hai ngày có thể chỉ là một động thái chính trị chiến thuật để bảo đảm sự hỗ trợ cho các nhà sản xuất đậu tương của Mỹ đang phải đối đầu với sự trả đũa của Trung Quốc. Ngoài ra, đàm phán lại để có một thỏa thuận thương mại xuyên Đại Tây Dương mới sẽ gia tăng thách thức ghê gớm.
Chính quyền Obama và EU đã thương lượng Hiệp định Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) trong nhiều năm và kết quả đến nay bằng không. Trump đã tuyên bố muốn áp dụng từ bây giờ thuế quan mới đối với xe ô tô nhập khẩu từ châu Âu.
Do đó, EU phải xây dựng một kế hoạch B. Châu Âu và các đối tác có cùng quan điểm nên có một lộ trình bảo vệ trật tự thương mại đa phương mà Trump chỉ trực muốn phá bỏ.
Ngay cả khi bắn đạn đại bác vào các tổ chức đa phương, Tổng thống Mỹ cũng có lý khi cho rằng các hiệp ước điều chỉnh thương mại quốc tế phải được cập nhật và một số nước – đặc biệt là Trung Quốc – được hưởng lợi từ sự bất công bằng. Nhưng hiện tại, phác đồ điều trị mà ông đưa ra còn tệ hơn căn bệnh. Bằng cách đơn phương áp đặt thuế quan thay vì cùng các nước có cùng quan điểm bàn bạc để khắc phục sự mất cân bằng, ông liên kết với chính các nước đang chống lại Hoa Kỳ, phá vỡ thị trường, tăng giá cả và gây nguy hiểm cho trật tự thương mại có quy tắc. Hy vọng khả quan nhất để Trump không làm hại chính mình là giải quyết sự mất cân bằng toàn cầu dựa trên trật tự đã được quy định, ngăn chặn sự bùng phát chủ nghĩa bảo hộ và duy trì một trật tự thương mại ổn định.
Chiến tranh thuế quan của Trump không chỉ cản trở thương mại và tăng trưởng mà còn gây hậu quả không thể khắc phục đối với hệ thống thương mại có quy tắc đã cho phép mở rộng thương mại thế giới kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Có vẻ như chính quyền hiện nay nghiên cứu cách thức để Hoa Kỳ có thể rút một cách êm thấm khỏi vai trò chủ đạo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong bảy thập kỷ, một trật tự thương mại được thể chế hóa đã giảm dần thuế quan và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong lịch sử nhân loại. Đánh giá này tương phản mạnh với những gì đã xảy ra trước đây: trong khoảng thời gian giữa các cuộc chiến tranh, sự leo thang của các biện pháp bảo hộ đã nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc kinh tế, đây cũng là một nguyên nhân gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai.
Cần phải đánh giá được những rủi ro khi tác hại của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ đặt phương Tây vào một sườn dốc nguy hiểm. Những căng thẳng về thương mại hiện nay đáng lo ngại hơn nhiều so với những vấn đề liên quan đến an ninh. Trong chuyến thăm gần đây của mình đến Brussels, Trump làm mất mặt các đồng minh NATO, hạ thấp chính phủ Theresa May vì các quan điểm về Brexit, sau đó lại hạ mình trước Vladimir Putin. Nhưng cuối cùng ông đã phê chuẩn tuyên bố chung của NATO và rời Brussels với một sự lạc quan tương đối về tương lai của liên minh ; lính Mỹ vẫn đồn trú tại châu Âu và chi tiêu của Mỹ cho quốc phòng của châu Âu vẫn tăng.
Trong thương mại thì sự thất thường cũng nguy hiểm như một liều thuốc độc. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada vào tháng 6, Trump đã từ chối ký vào bản tuyên bố chung và cuộc họp rơi vào bế tắc, các thành viên bị chia rẽ. Lời kêu gọi của tổng thống Mỹ càng mạnh mẽ bao nhiêu thì các quốc gia bị Mỹ đánh thuế càng tìm cách trả đũa bấy nhiêu thay vì tuân theo ý muốn của ông. Trước sức ép kháng cự lại sự đe dọa của Washington, các nước là mục tiêu mà Trump trút cơn giận lên không có cách nào khác là ăn miếng trả miếng ; là biện pháp kinh điển những năm 1930 – và cuộc họp Trump-Juncker tuần trước có thể là một thời gian tam nghỉ nghỉ chốc lát. Trên thực tế, Trump có thể tìm cách tăng cường áp đặt thuế quan tùy theo diễn biến bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.
Kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, Hoa Kỳ vẫn là lãnh đạo của nền kinh tế thế giới, hướng đến sự cởi mở và thịnh vượng hơn nhưng họ đã thoái vị khỏi vai trò thuyền trưởng, ít nhất là tạm thời, và lần đầu tiên bỏ rơi nền kinh tế thế giới kể từ những năm 1930.
Các nước khác sẽ lấp vào khoảng khoảng trống này. Trong một bài phát biểu gần đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi “trở lại con đường của chủ nghĩa đa phương mạnh mẽ”, và thúc giục EU chủ động và làm việc với các nước để khẩn trương chuẩn bị lộ trình tái khởi động các cuộc đàm phán WTO mới. Hãy cho một cơ hội để có một vòng đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và EU. Ông Macron cũng có lý khi nói rằng chúng ta cần phải đưa các cuộc đàm phán này trở lại trong khuôn khổ của WTO. Sự khôi phục bây giờ là cần thiết trước khi một loạt thuế quan trả đũa lẫn nhau sẽ hủy hoại trật tự thương mại thế giới.
(Nguồn: báo Le Monde, ĐSQ VN tại Pháp)