Cần chiến lược dài hơi để tận dụng tốt thế mạnh, tiềm năng của quan hệ Việt Nam – UAE

0
162
Đại sứ Trịnh Vinh Quang làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Nakheel và Limitless . (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại UAE)
Đại sứ Trịnh Vinh Quang làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Nakheel và Limitless . (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại UAE)

Trong 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) (1/8/1973-1/8/2018), hai nước đã tận dụng được thế mạnh về vị trí chiến lược của nhau để đẩy mạnh quan hệ hữu nghị và phát huy tiềm năng hợp tác về kinh tế. UAE đã đầu tư vào lĩnh vực cảng biển, khách sạn và năng lượng tại Việt Nam. Chiều ngược lại, Việt Nam đã tận dụng tốt thế mạnh về sản xuất hàng hóa, nhất là nông, lâm, thủy sản và hàng tiêu dùng xuất khẩu sang UAE.

Đó là nhận định của Đại sứ Việt Nam tại UAE Trịnh Vinh Quang khi nói về những tiềm năng, thế mạnh mà hai bên cần tận dụng và phát huy nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đồng thời vun đắp quan hệ hữu nghị song phương.

Phát huy thế mạnh sẵn có

UAE là thị trường mở, tiêu dùng nội địa chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, thuế nhập khẩu thấp (từ 0% – 5%) đối với hầu hết các loại hàng hóa và là thị trường có sức mua lớn. Số lượng người nhập cư và khách du lịch lớn nên nhu cầu sản phẩm đa dạng về chủng loại, chất lượng. Nền kinh tế UAE đang tiếp tục tăng trưởng mạnh, đặc biệt là các ngành du lịch, xây dựng, tài chính, bất động sản, dầu khí, điện, hàng không…

Hiện UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông – châu Phi và là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trên thế giới. Trong 10 năm qua, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng trưởng vượt bậc, từ xấp xỉ 500 triệu USD trong năm 2008 lên 5,6 tỷ USD năm 2017, tăng gấp 11 lần. Trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn ở thế xuất siêu với UAE.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính tới hết tháng 4 năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước đạt khoảng 2,15 tỷ USD (tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang UAE đạt xấp xỉ 2 tỷ USD (tăng 22,8 %), nhập khẩu đạt gần 148 triệu USD (giảm 22,9%).

Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường UAE những mặt hàng chủ yếu bao gồm: điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; phương tiện vận tải; hàng dệt may; các mặt hàng nông, lâm, thủy sản;… Trong số các mặt hàng này, điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục đứng đầu về kim ngạch trong các nhóm hàng xuất khẩu sang UAE với 1,57 tỷ USD, chiếm tới 78% tổng trị giá xuất khẩu.

Nếu không tính mặt hàng điện thoại di động thì tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE tính tới hết tháng 4/2018 đạt 420 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2017. Đứng thứ hai là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với trị giá đạt 113 triệu USD. Các mặt hàng nông sản như hạt tiêu, hồi, quế, thuỷ sản… xuất khẩu giảm do bị cạnh tranh gay gắt bởi giá với các đối thủ cạnh tranh và sự sụt giảm trong nhu cầu nhập khẩu. Những mặt hàng xuất khẩu truyền thống khác sang thị trường UAE vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá như: giày dép, hạt điều, gỗ và sản phẩm từ gỗ,…

Đối với mặt hàng rau và trái cây tươi, với sự chấp nhận của thị trường đối với hàng Việt Nam về chất lượng, hương vị và giá cả, mặt hàng này có mức tăng tốt đạt trên 15 triệu USD, tăng 25%. Trong thời gian tới giá trị xuất khẩu dự báo  sẽ gia tăng mạnh mẽ hơn.

Về cơ cấu mặt hàng nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ UAE các mặt hàng là nhiên liệu, sản phẩm hóa dầu và nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước gồm chất dẻo nguyên liệu, khí đốt, thức ăn gia súc, máy móc thiết bị phụ tùng, kim loại thường, hoá chất, nguyên phụ liệu dệt may da, sản phẩm hoá chất, cao su…

Trong lĩnh vực hợp tác công nghiệp và đầu tư, hiện nay, các doanh nghiệp UAE đã bước đầu tham gia các dự án đầu tư tại Việt Nam. Cho đến nay, UAE có 16 dự án đầu tư trực tiếp với trị giá khoảng 29 triệu USD (không tính góp vốn đầu tư gián tiếp dưới tên các đối tác khác) tại Việt Nam. Các dự án mà phía UAE tham gia trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, bất động sản, khai thác tài nguyên khoáng sản, sản xuất, du lịch dịch vụ…

Bên cạnh đó, lĩnh vực mà các Tập đoàn, công ty lớn tại Dubai hiện nay đặt sự quan tâm đặc biệt với mong muốn đầu tư tại Việt Nam là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, xử lý rác thải.

Còn nhiều tiềm năng, tăng cường hợp tác

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, trải qua hơn hai thập kỷ thiết lập và xây dựng quan hệ, hai nước đã tận dụng được những tiềm năng, thế mạnh nào của nhau, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai bên. Hai nước đã tận dụng được thế mạnh về vị trí chiến lược của nhau để đẩy mạnh quan hệ hữu nghị và phát huy tiềm năng hai nước.

UAE mong muốn đầu tư vào Việt Nam làm cầu nối để tiến vào vào khu vực thị trường rộng lớn bao gồm Đông Dương, Đông Nam Á và phía Nam Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt vị trí chiến lược của UAE là trạm trung chuyển và đầu mối thương mại lan tỏa sang khu vực Trung Đông – Bắc Phi để từ đó hàng hóa Việt Nam thâm nhập hiệu quả sang các thị trường khu vực rộng lớn hơn không chỉ bó hẹp trong thị trường UAE.

Hiện nay, số lượng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đã đạt khoảng 100 mặt hàng, hầu hết các hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đều có mặt tại UAE. Sau nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, mặt hàng trái cây tươi (chanh không hạt, thanh long, gạo, ổi…) đã có chuyển biến rất tốt tại thị trường này, các mặt hàng này đã xâm nhập được vào một số hệ thống siêu thị tại UAE và người tiêu dùng bắt đầu chấp nhận và tiêu thụ trái cây tươi của Việt Nam. Ngoài ra, gạo,  thủy hải sản và thực phẩm chế biến, trong đó có chè và cà phê, bánh kẹo các loại – là các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam – cũng được tiêu thụ mạnh tại thị trường này.

Chia sẻ về những lưu ý đối với doanh nghiệp Việt Nam khi khai thác thị trường này để đạt được hiệu quả cao nhất, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, UAE là thị trường có mức tiêu thụ lớn, tỷ trọng nhập khẩu lớn (chiếm 95%) và có tính kết nối khu vực tốt nên các doanh nghiệp nhập khẩu của UAE và Trung Đông thường ưu tiên các nhà cung cấp hàng hóa có tính ổn định cao về chất lượng, số lượng và giá cả. Đây chính là lời giải để khắc phục việc xuất khẩu tiểu ngạch, ngắn hạn, nhiều rủi ro của doanh nghiệp Việt Nam.

Để làm tốt điều này, Đại sứ Phạm Quang Vinh lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam rất cần các chiến lược dài hơi về sản xuất, cung ứng và giao vận với tiêu chí nhanh về thời gian, tốt về chất lượng, giảm thiểu chi phí và giá ổn định trong ít nhất 12 tháng để có thể cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa các nước khác. Đây cũng chính là các tiêu chí xuất khẩu chính trong tương lai của thương mại quốc tế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm tốt hơn nữa công tác tìm kiếm và tiếp cận thị trường mới với những chủng loại hàng hóa đa dạng phong phú và hướng tới sự thuận tiện và hài lòng của khách hàng. Trong quá trình đó, các cơ quan đại diện, trong đó có Đại sứ quán Việt Nam tại UAE luôn là địa chỉ tin cậy, là đầu mối cần thiết về thông tin và kết nối cũng như các hộ trợ cần thiết khác cho các doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường Trung Đông.

Ngoài ra, uy tín, tầm nhìn và tính chuyên nghiệp trong thương mại luôn rất được coi trọng tại các quốc gia Hồi giáo. Chính vì vậy, việc giữ chữ tín trong giao vận, thanh toán, chất lượng hàng hóa phải được tuân thủ nghiêm ngặt.

“Theo quan điểm của tôi, Việt Nam và UAE đang đi đúng hướng trong phát triển quan hệ song phương bằng việc lấy thương mại và đầu tư làm trụ cột bên cạnh sự ủng hộ tương hỗ trong các vấn đề quốc tế và đây cũng là xu hướng chính trong những năm tiếp theo”, Đại sứ Việt Nam tại UAE nhận định.

Cũng theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, để tối ưu hóa hiệu quả hợp tác, cả hai nước cần tranh thủ những yếu tố như: hướng tới chiến lược phát triển bền vững, không coi dầu mỏ là nguồn năng lượng và thu nhập chính. Đây là yếu tố nên tạo điều kiện và phát huy. UAE có nguồn năng lượng tái tạo xanh rất lớn với ví dụ điển hình là TP. Masdar. UAE hội tụ đủ các yếu tố về công nghệ và giá thành để có thể tham gia phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, rất phù hợp với chiến lược phát triển bền vững tại các đặc khu hành chính của Việt Nam.

Ngoài ra, cả hai nước cần tranh thủ, ưu tiên và tối đa hóa các thế mạnh của nhau trong quá trình trao đổi thương mại, đầu tư và thúc đẩy quan hệ. UAE mạnh về ngành dầu khí và hóa dầu là lĩnh vực Việt Nam đang rất chú trọng phát triển, trong khi Việt Nam mạnh về nguồn lực lao động và đảm bảo an ninh lương thực, là lĩnh vực UAE rất quan tâm. Khi các thế mạnh này được cụ thể hóa thông qua hợp tác phát triển, cả hai nước vừa có thể hưởng nhiều lợi ích hơn vừa có thêm nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển của mỗi nước.

Nhật Anh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here