Bitcoin và những vấn đề đặt ra

0
110

Tám năm sau ngày tiền ảo Bitcoin xuất hiện, các ngân hàng trung ương trên thế giới ngày càng nhận ra những mặt tích cực và tiêu cực tiềm tàng của các đồng tiền ảo. Nghiên cứu về Bitcoin cũng như tình trạng pháp lý của đồng tiền ảo trên thế giới và tại Việt Nam, bài viết đưa ra những cảnh báo, khuyến nghị tới các cơ quan hữu quan có những điều chỉnh về chính sách quản lý phù hợp với đối với các loại tiền điện tử, tiền ảo.

 Một số ưu và nhược điểm của Bitcoin

Tiền kỹ thuật số đầu tiên được giới thiệu là Bitcoin, ra đời vào năm 2008 bởi một người tên là Satoshi Nakamoto. Đây là phiên bản tiền điện tử hoàn toàn ngang hàng cho phép những thanh toán trực tuyến được gửi trực tiếp từ một bên tới một bên khác mà không cần phải qua một tổ chức tài chính.

Bitcoin sử dụng SHA-256 là một tập hợp các hàm băm mật mã được thiết kế bởi Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ và là một loại tiền điện tử dựa trên hệ thống bằng chứng của công việc.

Ngày nay, có hàng trăm đồng tiền điện tử khác nhau, thường được gọi là Altcoins. Các loại tiền này chủ yếu dựa trên nền tảng chuỗi khối (blockchain) nhưng sử dụng phần lớn hàm scrypt hay scrypt-N, x11. Nó cho phép việc khai thác các đồng tiền điện tử một cách dễ dàng mà không cần yêu cầu phần cứng cao cấp như Bitcoin, qua đó giảm thiểu tài nguyên điện và các chi phí khác.

Ưu điểm của Bitcoin

Có thể nói, sự ra đời của Bitcoin đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử về hình thức thanh toán điện tử. Nó có những ưu điểm vượt trội so với những đồng tiền khác như:

– Không cần tới ngân hàng trung ương: Bitcoin là một hệ thống phân tán ngang hàng, do đó không có máy chủ trung tâm hay điểm kiểm soát nào. Bitcoin được tạo ra thông qua một quá trình gọi là “đào” tiền, trong đó các thợ đào phải cạnh tranh với nhau để tìm đáp án cho một bài toán trong lúc xử lý các giao dịch Bitcoin.

Bất kỳ thành viên nào trên mạng Bitcoin cũng đều có thể làm thợ đào, sử dụng công suất xử lý của máy tính của mình để xác minh và ghi nhận các giao dịch. Trung bình cứ 10 phút, một thợ “đào” Bitcoin có thể xác thực những giao dịch của 10 phút trước đó và được thưởng một lượng Bitcoin vừa mới được tạo ra.

Về bản chất, việc “đào” Bitcoin đã phi tập trung hoá các chức năng phát hành tiền tệ và thanh toán bù trừ của một ngân hàng trung ương và thay thế nhu cầu cần phải có một ngân hàng trung ương. Bên cạnh đó, do tốc độ phát hành Bitcoin mới ngày một giảm nên về lâu dài, đồng tiền Bitcoin sẽ mang tính giảm phát.

– Thuận tiện trong giao dịch: Các ngân hàng hay dịch vụ thanh toán online (trung gian giao dịch) thường sẽ có một giới hạn về thời gian, số lượng chuyển và nhận tiền trong ngày nhưng với Bitcoin thì có thể gửi tùy ý với số lượng không giới hạn.

– Bitcoin không thể làm giả: Bitcoin không tồn tại dưới dạng vật chất như những loại tiền khác, hơn nữa việc kiểm định Bitcoin cũng không tốn chi phí nào (trong khi vàng là rất cao).

– Bảo mật cao và rất an toàn: Mọi thông tin giao dịch Bitcoin đều được hiển thị trên internet nhưng danh tính người giao dịch không xuất hiện nên tính bảo mật thông tin cao. Tính tới thời điểm hiện nay, vẫn chưa có một lỗ hổng bảo mật nào để làm mất Bitcoin của người dùng.

– Chi phí giao dịch thấp: Do không thông qua khâu trung gian nên chi phí giao dịch Bitcoin gần như bằng không.

Ngoài ra, Bitcoin có ưu điểm khác là đơn vị tiền tệ có thể chia nhỏ ra tới mức gần như vô hạn (đơn vị nhỏ nhất của Bitcoin là satoshi), giúp cho việc thanh toán chính xác, dễ dàng.

Bitcoin cũng gây rủi ro cho các cửa hàng chấp nhận giao dịch Bitcoin, vì mọi giao dịch Bitcoin không thể hoàn trả hay đảo ngược, do vậy mọi tình trạng gian lận đều vô ích với Bitcoin. Bitcoin cũng không phải sử dụng hóa chất, in ấn hay khai thác để tạo ra, nên an toàn với môi trường. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc xử lý giao dịch Bitcoin ít tốn kém hơn so với hệ thống tài chính hiện tại.

Nhược điểm của Bitcoin

– Số lượng người sử dụng chưa nhiều: Bitcoin chủ yếu được sử dụng ở những nước phát triển còn ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì chủ yếu vẫn sử dụng tiền mặt hay vàng. Phần lớn người dân chưa am hiểu về tiền điện tử và nhận thức rằng, Bitcoin không đáng tin cậy, lo ngại khi sử dụng Bitcoin.

– Không dễ để sử dụng: Nếu thiếu kiến thức về công nghệ và Bitcoin thì người dùng rất khó sử dụng cũng như giao dịch.

– Giá Bitcoin thường biến động: Cũng giống như USD, EURO, vàng hay thị trường chứng khoán, Bitcoin cũng biến động theo thời gian thực, lúc tăng lúc giảm. Thực tế cho thấy, hầu hết các biến động trên thế giới đều ảnh hưởng đến tiền điện tử và làm cho giá Bitcoin biến động. Ví dụ, tại thời điểm mới phát hành, giá Bitcoin chỉ ở khoảng vài USD những hiện nay giá 1 Bitcoin đã đạt hơn 3.000 USD.

– Là “mảnh đất màu mỡ” thu hút sự chú ý của hacker, tội phạm rửa tiền: Chính bởi hình thức giao dịch không được kiểm soát, cho nên tiền ảo đã được nhiều nhóm đối tượng tội phạm nhắm đến và sử dụng như một phương thức giao dịch. Hacker cũng có thể tìm và tấn công sàn Bitcoin và đánh cắp, chưa kể nạn rửa tiền có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Vấn đề quản lý Bitcoin trên thế giới

Vẫn còn khá nhiều luồng ý kiến về tính hợp pháp của loại tiền điện tử, tiền ảo trong đó có Bitcoin.

Những quốc gia chấp nhận Bitcoin

Hiện nay, một số quốc gia đã chấp nhận Bitcoin và có chính sách để điều chỉnh các giao dịch Bitcoin. Nước đầu tiên hoàn toàn chấp nhận Bitcoin là Nhật Bản. Bắt đầu từ ngày 1/4/2017, Bitcoin được coi là một phương thức thanh toán hợp pháp ở nước này. Cùng với Nhật Bản, một số tổ chức cũng đã công nhận Bitcoin là tiền tệ.

Mặc dù các quy định trong việc giao dịch tại ngân hàng đến nay vẫn chưa có nhiều thay đổi nhưng chúng cũng đang được xem xét để áp dụng cho Bitcoin, thậm chí còn có thể đưa vào sử dụng trong đời sống hàng ngày.

Ấn Độ là quốc gia tiếp theo hợp pháp hóa Bitcoin. Chính phủ nước này cho rằng, việc điều chỉnh Bitcoin có thể có lợi và chuẩn bị ban hành dự luật riêng nhằm quản lý đồng Bitcoin. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cân nhắc tiến tới sử dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực ngân hàng…

Các quốc gia điều chỉnh Bitcoin

Các quốc gia có xu hướng điều chỉnh Bitcoin là những quốc gia đã có những quy định, dự luật về Bitcoin, cho dù chưa thực sự xem Bitcoin là tiền tệ như Nhật Bản. Hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều thuộc nhóm này.

Chẳng hạn như ở Mỹ, Uỷ ban giao dịch hàng hoá tương lai của nước này đã phân loại Bitcoin như một mặt hàng, trong khi Bộ Tài chính Hoa Kỳ coi đây là một dịch vụ tiền tệ. Dù không một nhà quản lý tài chính nào coi nó như một loại tiền tệ, song Bitcoin vẫn được báo cáo trong các bản khai thuế.

Ở châu Âu, gần như tất cả các nước đều có các quy định về Bitcoin, chủ yếu để giảm thiểu tội phạm như rửa tiền nhưng chưa hợp pháp hóa việc sử dụng Bitcoin làm tiền tệ. Xu hướng tương tự cũng xuất hiện ở châu Mỹ từ Canada đến Argentina.

Trong khi đó, quy định về Bitcoin luôn gây tranh cãi ở Nga nhưng ngân hàng trung ương nước này cuối cùng cũng đưa ra các quy định xem tiền điện tử như là một loại tài sản.

Hàn Quốc cũng là quốc gia có nhu cầu trao đổi, mua bán Bitcoin lớn nhất thế giới với ước tính có khoảng hai triệu người sở hữu một số loại tiền kỹ thuật số nổi tiếng. Theo quy định của Hàn Quốc, tất cả các công ty có thu nhập trên 20 tỷ won (khoảng 424,7 tỷ đồng) đều phải đóng 22% thuế thu nhập doanh nghiệp và 2,2% thuế thu nhập địa phương đối với các sàn giao dịch đồng tiền điện tử trong năm 2018.

Các quốc gia từ chối Bitcoin

Hiện nay, có 6 quốc gia hoàn toàn cấm Bitcoin, đó là Iceland, Bolivia, Ecuador, Bangladesh, Kyrgyzstan và Việt Nam. Mặc dù là quốc gia có các doanh nghiệp đào Bitcoin lớn nhất trên thế giới, song người dân Iceland lại không được phép mua bán Bitcoin.

Tương tự, Iceland, Bolivia, Ecuador, Bangladesh, Kyrgyzstan và Việt Nam cũng đã đưa ra những cảnh báo và cấm sử dụng đồng Bitcoin để giao dịch trong thị trường.

Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Trong thực tế, tại Việt Nam cho đến nay, chưa có một quy định hay khung pháp lý riêng nào để quản lý việc giao dịch Bitcoin từ phía Chính phủ.

Bộ luật Dân sự 2015 cũng chưa có quy định cụ thể về tài sản ảo, tài sản điện tử; Luật pháp về ngân hàng, về tổ chức tín dụng cũng chưa có quy định quản lý phương tiện thanh toán điện tử.

Tháng 2/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ mới phát đi thông cáo báo chí, trong đó lưu ý rằng: Việc sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Bộ Công Thương cũng chưa công nhận Bitcoin là hàng hoá hay dịch vụ, cho nên Bitcoin đến nay vẫn chưa được đưa vào danh mục hàng hóa hay dịch vụ để thu thuế.

Tuy nhiên, có rất nhiều doanh nghiệp toàn cầu tại Việt Nam cho phép người Việt Nam thanh toán bằng Bitcoin đối với dịch vụ của họ, tiêu biểu như: Dịch vụ nạp thẻ điện thoại BitRefill, dịch vụ mua vé máy bay, đặt khách sạn và thuê ô tô tại Expedia, mua hàng trực tuyến tại OverStock, OpenBazaar hoặc tại các Dark Net Market, mua thẻ quà tặng tại Gyft, mua tên miền và dịch vụ máy chủ tại NameCheap, mua VPN tại BitVPN, mua quần áo thời trang tại ASOS và một loạt các dịch vụ nhỏ khác tại Fiverr…

Thực tiễn vẫn tồn tại các hoạt động giao dịch với các tài sản ảo và tiền điện tử, dẫn đến câu chuyện về khoảng trống pháp lý cần phải lấp đầy. Với mức tăng 2.000% trong năm 2017, Bitcoin trở thành từ khóa tìm kiếm nổi bật nhất toàn cầu và cả Việt Nam.

Thống kê cho thấy, năm 2017, lượng tìm kiếm từ khóa “Bitcoin” từ Việt Nam xếp hạng 41 trong danh sách 63 thị trường quan tâm nhiều nhất đến đồng tiền kỹ thuật số này.

Theo kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu CryptoCompare, tính đến cuối tháng 11/2017, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam chiếm gần 80% hoạt động giao dịch Bitcoin trên toàn cầu, trong khi Mỹ chỉ chiếm khoảng 20% tổng số Bitcoin được giao dịch.

Bên cạnh đó, người Việt còn đứng vị trí thứ nhất về số lượt tìm kiếm và truy cập các trang đầu tư tiền ảo ICO theo mô hình Ponzi, một hình thức đa cấp, huy động tiền vốn, lấy người sau nuôi người trước mà không có kế hoạch kinh doanh cụ thể.

Trong đó, nổi bật nhất là trang Bitconnect, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về lượng truy cập. Các trang mới nổi như Hextracoin, Regalcoin, Ucoincash… người Việt cũng dẫn đầu về lượng truy cập, theo Similarweb.

Rõ ràng, tiền điện tử đã và đang là xu thế tất yếu trong quá trình tiến hóa của tiền tệ cũng như khoa học công nghệ thông tin. Thực tiễn luôn đi trước luật lệ.

Đứng trước các vấn đề mới phát sinh, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng đưa Bitcoin nói riêng, tiền ảo nói chung vào phạm vi quản lý; Xây dựng và hoàn thiện chính sách quản lý tiền ảo, tiền điện tử.

Đồng thời, cần có các chính sách nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia tài chính, chuyên gia mã hóa và bảo mật, nâng cao nhận thức của người dân về bản chất của tiền ảo Bitcoin cũng như các loại tiền ảo khác.

Ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, trong đó có Bitcoin. Đây được xem là thông điệp chính thức từ phía Chính phủ, theo đó, dự kiến sẽ có khung pháp lý điều chỉnh các giao dịch Bitcoin vào tháng 8/2018 với khả năng phân loại Bitcoin vào danh mục tài sản ảo./

TS. Nguyễn Bảo Huyền – Học viện Ngân hàng

Tài liệu tham khảo:

  1. Mark Gates (2018), Blockchain: Bản chất của blockchain, Bitcoin, tiền điện tử, hợp đồng thông minh và tương lai của tiền tệ, NXB Lao động;
  2. Mark Gates (2018), Bitcoin: Bong bóng tài chính hay tương lai của tiền tệ, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân;
  3. Võ Hữu Phước, ThS. Vũ Thị Quý (2017), Tiền ảo Bitcoin và một số khuyến nghị chính sách quản lý tiền ảo ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính;
  4. Andreas M. Antonopoulos (2018), Bitcoin thực hành: Những khái niệm cơ bản và cách sử dụng đúng đồng tiền mã hoá, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân;
  5. Jamie Redman, 2015, Cash2vn Is Bringing Bitcoin’s ‘Core Value’ of Borderless Transactions to Vietnam, https://cointelegraph.com;
  6. Các website: blockchain.info; Bitcoin.vn,coindesk.com.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here