Trong khi đồng USD mất giá nhiều so với các đồng tiền mạnh khác và sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc, ngày càng có nhiều ý kiến xung quanh việc đa dạng hóa các đồng tiền dự trữ mới trong năm 2018. Và đồng NDT đã được giới phân tích đánh giá sẽ dần đóng vai trò lớn hơn trên thị trường thế giới.
Một số tín hiệu tích cực
Con đường vươn ra quốc tế của đồng NDT của Trung Quốc đã rẽ sang một bước ngoặt mới khi đồng tiền này được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế còn gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ tháng 10-2016. Đây được coi là bước tiến dài để đồng NDT trở thành đối thủ thực sự của USD vốn đang giữ vai trò chi phối lớn trên thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh Trung Quốc đang có kế hoạch mở rộng thị trường, cũng như thúc đẩy các hoạt động đầu tư và thương mại tự do toàn cầu.
Theo giới quan sát, trong khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật và Khu vực đồng Euro hiện đang gặp khó khăn, các đồng tiền như USD, Yên và Euro chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều nước đã xem xét lựa chọn NDT làm đồng tiền thanh toán và dự trữ. Một số nước châu Á như: Malaysia, Philippines, Thái Lan đã đưa NDT vào hệ thống dự trữ quốc gia.
Sau khi IMF tuyên bố sẽ đưa đồng NDT vào giỏ SDR, rất nhiều nước như Singapore, Tanzania… đã tuyên bố đưa đồng NDT vào dự trữ ngoại hối. Hàn Quốc cũng đang xem xét đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ của mình, trong đó có tính đến đồng NDT.
14 quốc gia thuộc Đông Phi và Nam Phi (MEFMI) cũng đang thảo luận về khả năng sử dụng đồng NDT như một đồng tiền dự trữ của các khu vực này.
Ngoài ra, nhiều tín hiệu cho thấy ngày càng xuất hiện thêm các tổ chức quốc tế đang quan tâm tới đồng NDT. Tháng 1-2018, Ngân hàng trung ương Pakistan đã chấp thuận sử dụng đồng NDT trong giao dịch thương mại với Trung Quốc. Các ngân hàng trung ương ở châu Âu, trong đó có Pháp và Đức, đã đưa đồng NDT vào dự trữ ngoại hối của họ. Chỉ số MSCI khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng vừa thêm các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Trung Quốc đại lục vào chỉ số của các thị trường mới nổi.
Trong khi đó, đối với các công ty nước ngoài, ngày càng có xu hướng sử dụng đồng NDT trong giao dịch bởi việc này sẽ giúp họ dễ dàng và bớt tốn kém hơn khi hoạt động kinh doanh với đối tác Trung Quốc. Việc đưa đồng NDT vào danh mục đầu tư cũng sẽ giúp tối ưu hóa cơ cấu đầu tư và lợi nhuận.
Theo các chuyên gia, sự gia tăng hiện diện của đồng NDT sẽ mang lại một cơ chế tiền tệ quốc tế cân bằng và đa dạng hơn, qua đó giảm rủi ro từ sự phụ thuộc vào một đồng tiền và những bất ổn địa chính trị.
Việc mở cửa thị trường vốn của Trung Quốc đã cho thấy xu thế quốc tế hóa đồng NDT đang tiến triển ngày càng ổn định. Hiện đồng NDT trở thành một trong 5 đồng tiền “có thể sử dụng tự do” được IMF công nhận. Trung Quốc có thể dùng đồng NDT để trực tiếp nộp định mức cho IMF, đồng thời, các nước thành viên khác cũng có thể lựa chọn đồng NDT để nộp định mức cho IMF. Điều này sẽ làm tăng vai trò và vị thế của NDT trong kho dự trữ toàn cầu.
Mong muốn tăng lên mức 4% dự trữ toàn cầu vào năm 2025
Giỏ SDR là tài sản quốc tế do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thành lập vào năm 1969 để hỗ trợ các nước thành viên. SDR là một dạng tiền dự trữ quốc tế, đóng vai trò như một nhân tố bổ sung cho dự trữ vàng, dự trữ USD sẵn có ở các quốc gia. Trong SDR hiện có 4 đồng tiền là USD, Euro, yên Nhật và bảng Anh. SDR có thể được coi là một loại tiền tệ “nhân tạo” và được định nghĩa như là “giỏ tiền tệ của các đồng tiền quốc gia” do IMF sử dụng một số loại tiền tệ chính để tính giá trị cho SDR. Tham gia SDR được xem như một “con dấu kiểm định” của IMF trên chặng đường quốc tế hóa NDT.
Cùng với việc phát triển kinh tế, để tăng thêm sức mạnh và mở rộng tầm ảnh hưởng trên thế giới, Trung Quốc đã xây dựng chiến lược quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, chính thức đưa đồng tiền này vào nhóm các đồng tiền dự trữ của thế giới.
Trên thực tế, từ lâu Trung Quốc đã nỗ lực vận động để NDT được bổ sung vào nhóm tiền tệ của IMF. Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá việc hạ giá NDT của Trung Quốc trong tháng 8-2015 không hoàn toàn nhằm vào mục đích kích thích tăng trưởng và đối phó với sự sụt giảm của nền kinh tế, mà trước hết là nhằm đưa đồng tiền này trở thành một đồng tiền dự trữ của thế giới. Việc NDT được bổ sung vào SDR được cho là sẽ tạo ra nhiều lợi ích quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc khi tăng nhu cầu mua vào NDT của các Ngân hàng trung ương trên thế giới, giảm phụ thuộc vào USD và qua đó giúp nâng cao vai trò, vị thế của nước này trong nền kinh tế toàn cầu.
Năm 2003, Trung Quốc đã bắt đầu kế hoạch quốc tế hóa NDT. Theo một nguyên tắc cơ bản, nước nào muốn quốc tế hóa nội tệ thì tất yếu phải thúc đẩy tiền tệ nước mình được giao thương rộng rãi trên thế giới và càng phổ biến thì vị thế càng lớn. Và Bắc Kinh đã tiến hành thúc đẩy quốc tế hóa NDT với nhiều biện pháp khác nhau như thúc đẩy giao thương bằng NDT, tăng cường sử dụng NDT trong thanh toán quốc tế, tăng cường ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ bằng NDT… Thế nhưng, dù một mặt đẩy mạnh giao thương NDT trên thị trường quốc tế, nhưng Trung Quốc vẫn muốn giữ NDT ở mức giá thấp để bảo đảm phát triển kinh tế, vốn lệ thuộc mạnh mẽ vào xuất khẩu.
Từ năm 2010, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT, thông qua chính sách mở cửa thị trường tài chính trong nước, song song với việc tiến hành các cải cách tài chính. Chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng các quy định về quản lý ngoại hối, theo đó cho phép các tổ chức nước ngoài được đầu tư không giới hạn trên thị trường trái phiếu liên ngân hàng trị giá trên 8.000 tỷ NDT, đồng thời cho phép các nhà đầu tư quốc tế mua bán cổ phiếu của các công ty Trung Quốc thông qua các tổ chức tài chính tại Hong Kong. Những nỗ lực của Trung Quốc đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ IMF. Dấu mốc đáng chú ý cho những nỗ lực này là việc IMF ngày 30-9-2016 chính thức cho phép đồng NDT tham gia SDR cùng các đồng tiền mạnh như USD, Euro, Yên và bảng Anh.
Dù đã được IMF đưa vào giỏ SDR và Trung Quốc đã rất nỗ lực nhằm quốc tế hóa đồng NDT, song nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, đồng NDT trên thực tế vẫn chưa đáp ứng đủ các tiêu chí của đồng tiền quốc tế.
Xét trong mối quan hệ tương quan với các đồng tiền khác trong giỏ SDR, đồng NDT là đồng tiền đầu tiên của thị trường đang nổi được gia nhập, trong khi các thành viên khác của SDR (USD, Euro, Bảng Anh, Yên Nhật) đều là đồng tiền của các nền kinh tế phát triển có khả năng chuyển đổi hoàn toàn và mở cửa các thị trường vốn theo quy định.
Hơn nữa, tỷ trọng đồng NDT trong kho dự trữ ngoại hối toàn cầu năm 2017 vẫn khá khiêm tốn, chiếm chưa đến 1,2% dự trữ ngoại hối toàn cầu, quá thấp so với tỷ trọng đồng USD (63%) và đồng Euro (20%) vốn đã được duy trì trong 30 năm qua (Deutsche Bank Research, 2017).
Xét về dài hạn, tỷ trọng đồng NDT chỉ có thể tăng lên mức 4% dự trữ toàn cầu vào năm 2025 và lên mức 4,5% vào những năm tiếp theo (tương đương với tỷ trọng của Yên Nhật, Bảng Anh) trong kịch bản lạc quan. Tuy nhiên, với kịch bản kém lạc quan hơn, tỷ trọng đồng NDT chỉ có thể tăng lên 2,5% dự trữ ngoại hối toàn cầu vào năm 2025 và tối đa 3% trong những năm tiếp theo.
Ngoài ra, sau khi đồng NDT tham gia giỏ tiền tệ SDR, Trung Quốc buộc phải tuân thủ thêm nhiều quy tắc quốc tế. Theo đó, Trung Quốc phải minh bạch hơn về chính sách kinh tế và ngoại hối, đồng thời, phải tăng mức độ mở cửa và thị trường hóa thị trường tài chính tiền tệ. Yêu cầu này sẽ tạo thêm nhiều thách thức cho Trung Quốc trong việc giữ ổn định tỷ giá đồng NDT cũng như thị trường tiền tệ.
Hồng Anh