Kinh tế thế giới đang lấy lại đà tăng trưởng và xu hướng này sẽ tiếp tục trong những năm tới. Động lực chính là sự cải thiện của thị trường lao động tại các nước phát triển làm tăng nhu cầu tiêu dùng. Tăng trưởng toàn cầu năm 2016 có thể đạt mức 3,3% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong 2 năm tới: 3,6% năm 2017 và 3,7% năm 2018. Sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi chính sách tài khóa, trong khi chính sách tiền tệ có thể sẽ có tính mâu thuẫn trên quy mô toàn cầu sau khi FED quyết định tăng lãi suất. Tuy vậy, các rủi ro đối với nền kinh tế vẫn ở mức cao, đặc biệt tại châu Âu, do những tác động tiêu cực của Brexit và các cuộc bầu cử tại các quốc gia chủ chốt của EU trong năm 2017.
Tăng trưởng của Hoa Kỳ dự kiến tăng từ 1,6% năm 2016 lên 2,4% năm 2017 và 2,6% năm 2018. Trái lại, kinh tế Trung Quốc có xu thế giảm tăng trưởng: 6,5% năm 2016, 6,1% năm 2017 và 5,8% năm 2018. Tốc độ tăng trưởng của Eurozone dự kiến ở mức khiêm tốn: 1,6% năm 2016, 1,5% năm 2017 và 1,8% năm 2018. Nga có thể sẽ ra khỏi suy thoái khi mức tăng trưởng dự kiến của năm 2017 là 1,2% và năm 2018 là 1,9% (năm 2016 là -0,7%). Tốc độ tăng trưởng của Đức sẽ giảm mạnh, từ 1,8% năm 2016 xuống còn 1,2% năm 2017 do xuất khẩu sang Anh giảm mạnh vì Brexit và số ngày làm việc ít hơn (nhiều ngày lễ rơi vào tuần làm việc). Tuy vậy, kinh tế năm 2018 của nước này sẽ tăng trưởng trở lại với mức dự kiến 1,6% năm 2018.
Việc Donald Trump trúng cử Tổng thống Hoa Kỳ có thể đưa đến những tác động tích cực về mặt ngắn hạn do những cam kết thực hiện một chính sách tài khóa rộng rãi, trong đó có việc tăng đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Về dài hạn, các biện pháp mang tính bảo hộ có thể có những tác động tiêu cực nhưng những tác động này chỉ đến sau một thời gian dài.