Ngày 25/5, Hội nghị Gặp gỡ châu Âu (Meet Europe 2018), do Bộ Ngoại giao (MOFA) và Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phối hợp tổ chức đã thu hút hơn 1.000 đại biểu tham dự, bao gồm đại diện các doanh nghiệp lớn, Chính phủ Việt Nam và các phái đoàn ngoại giao. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị.
Tham dự Hội nghị: Phía Việt Nam còn có Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương của Việt Nam.
Phía Liên minh châu Âu có: Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet; Đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam ông Nicolas Audiers và ông Denis Brunetti, phái đoàn Ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ của châu Âu.
Dòng chuyển động tràn đầy sinh khí
Phát biểu tại Hội nghị Gặp gỡ châu Âu (Meet Europe 2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, “cơ hội và tiềm năng hợp tác không chỉ đến từ Việt Nam, mà còn đến từ sự sẵn sàng và quyết tâm của các bạn. Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng với hơn 2.000 doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các đối tác châu Âu đã trở thành những người bạn đồng hành thân thiết cùng Việt Nam trong 30 năm Đổi mới, phát triển và mở cửa hội nhập.
“Các bạn là nhà đầu tư FDI lớn với tổng đầu tư gần 25 tỷ USD, nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt kim ngạch thương mại trong 10 năm qua 2006-2017 đã tăng gần 5 lần và đạt trên 50 tỷ USD năm 2017”, Thủ tướng nói.
Ngày nay, Việt Nam, châu Âu đang đứng trước những vận hội to lớn để có thể nâng tầm quan hệ và phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn bao giờ hết.
Giới thiệu tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp; tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị, đem lại cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư và doanh nghiệp châu Âu. Tinh thần doanh nghiệp, khởi nghiệp đang trở thành động lực cho phát triển quốc gia, nhất là trong lớp thanh niên trẻ.
Thủ tướng cho rằng, tất cả các biện pháp cải cách hiện nay đang lan tỏa đến 63 tỉnh, thành phố, địa phương, nơi các nhà đầu tư và doanh nghiệp châu Âu đã, đang và sẽ có các dự án hợp tác, đầu tư kinh doanh.
Thủ tướng khẳng định, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cùng với sự hợp tác hiệu quả của các đối tác quốc tế, trong đó có các đối tác châu Âu, đang tạo nên một dòng chuyển động tràn đầy sinh khí, tạo nên diện mạo mới, năng động mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, nâng tầm trình độ phát triển quốc gia trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để Việt Nam có thể tham gia sâu hơn, vươn lên những thang, bậc có giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước kết quả trong Báo cáo khảo sát của Eurocham về môi trường đầu tư Việt Nam tháng 3/2018 vừa qua, trong đó 90% doanh nghiệp châu Âu mong muốn duy trì và tăng đầu tư tại Việt Nam. “Tôi mong rằng đến kỳ khảo sát lần sau con số này phải tiến tới gần 100%. Việt Nam phải trở thành điểm đến hấp dẫn, ổn định và lâu dài cho tất cả các bạn, tất cả các doanh nghiệp châu Âu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải lắng nghe, tạo điều kiện, giải quyết các khúc mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp, đối tác châu Âu trong kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời cũng mong các đối tác, doanh nghiệp châu Âu có một chiến lược đầu tư, kinh doanh lâu dài ở Việt Nam, tạo dựng kết nối ngày càng hiệu quả với các đối tác Việt Nam.
EVFTA có thể được ký vào cuối năm 2018
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, quan hệ giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu đang phát triển hết sức tích cực trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực đang diễn biến phức tạp cạnh tranh gia tăng, áp lực bảo hộ thương mại ngày càng gay gắt.
Sau khi Hiệp định khung đối tác hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có hiệu lực, quan hệ Việt Nam – Liên minh châu Âu đang được mở rộng trên nhiều lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu hiệu quả. Liên minh châu Âu không chỉ là nhà cung cấp viện trợ phát triển không hoàn lại lớn nhất mà còn là đối tác thương mại lớn thứ hai và là nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam.
Cũng theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Việt Nam đang triển khai sâu rộng, hiệu quả quan hệ Đối tác chiến lược với 5 nước là Anh, Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha; quan hệ Đối tác toàn diện với Đan Mạch; Đối tác Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu với Hà Lan; quan hệ hữu nghị truyền thống với nhiều nước khu vực Bắc Âu và Trung Đông như: Thụy Điển, Phần Lan, Ba Lan, Hungary, Romania, Czech, Slovakia, Bulgaria. Với Khối Mậu dịch tự do châu Âu, quan hệ Việt Nam và bốn nước thành viên gồm: Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtensteincũng đang có những bước phát triển mới. Trên cơ sở những tiến bộ tích cực nêu trên, hợp tác cấp độ địa phương giữa Việt Nam và châu Âu cũng phát triển hết sức sôi động thu hút sự tham gia ngày càng đa dạng của nhiều đối tác.
Nhận thấy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và châu Âu đang trên đà phát triển tốt đẹp nhưng vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, năm 2018 được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước đột phá mới với việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do với khối Mậu dịch tự do châu Âu. Các hiệp định này sẽ tạo xung lực mới để hai bên khai thác tối đa tiềm năng thị trường, tạo ra thêm nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam cũng đang quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm cho rằng cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp châu Âu nói riêng đầu tư, kinh doanh, ổn định, lâu dài và hiệu quả tại Việt Nam.
Để đảm bảo EVFTA phải được thực thi hiệu quả
Tại Hội nghị, ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, dự kiến cuối năm nay, Hiệp định EVFTA sẽ được ký kết. Một trong những yếu tố tạo nên môi trường thuận lợi cho việc ký kết Hiệp định này sắp tới là hai bên phải đưa ra những tín hiệu hợp tác tốt, đảm bảo Hiệp định thương mại tự do phải được thực thi hiệu quả. Muốn có được việc này, hai bên cần có những cải cách, điều chỉnh để có thể có những hướng đi đúng.
Hiện nay, quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu không chỉ về mặt thương mại mà còn về các lĩnh vực: hội nhập trong khu vực, năng lượng, y tế, tư pháp, giáo dục, quốc phòng…vì lợi ích của người dân hai bên.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet cho rằng, Hội nghị “Gặp gỡ châu Âu 2018” sẽ giúp tạo ra các mối quan hệ và cơ hội kinh doanh mới giữa các công ty châu Âu và các tỉnh của Việt Nam, cũng như thu hút các nguồn đầu tư mới.
Gặp gỡ châu Âu 2018 là một sự kiện mang tính kết nối các doanh nghiệp với Chính phủ Việt Nam, kết quả của sự hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Hội nghị cũng là một ví dụ điển hình cho sự trao đổi và đối thoại thường xuyên giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các doanh nghiệp châu Âu.
Hội nghị chỉ ra rằng các doanh nghiệp châu Âu đang đầu tư mạnh mẽ vào sự phát triển của Việt Nam và mong muốn tiếp tục trở thành đối tác chiến lược với Việt Nam trong thời gian tới. Thông điệp này đưa ra đúng thời điểm khi mà châu Âu và Việt Nam chuẩn bị bắt đầu bước vào giai đoạn kết nối thương mại và đầu tư mang tính lịch sử nhờ EVFTA, Hiệp định hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội trao đổi độc đáo và đem lại những lợi ích có tầm ảnh hưởng lớn tới người dân cả hai châu lục./.
Chu Văn
BOX
- Hơn 70 cuộc họp giữa doanh nghiệp và Chính phủ (B2G) đã được tổ chức tại Meet Europe 2018 nhằm tạo ra các cơ hội kinh doanh và thúc đẩy đầu tư.
- Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nhiều chủ đề như triển vọng hợp tác và thương mại tự do châu Âu-Việt Nam; năng lượng tái tạo và thành phố thông minh; nông nghiệp và thủy sản; cơ sở hạ tầng và logistics; công nghệ 4.0 và đào tạo nghề; dược phẩm và thiết bị y tế; du lịch và khách sạn.