Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Thách thức và cơ hội cho phát triển

0
163

Trong khi thế giới vẫn đang trong tiến trình của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ III, sự manh nha cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV đã được hình thành và được dự đoán sẽ có những tác động mạnh mẽ gấp bội đến sự phát triển của loài người. Liệu cuộc cách mạng lần này sẽ đem lại thách thức và cơ hội gì cho phát triển đối với các nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam?Bài nghiên cứu này sẽ cố gắng đi tìm một phần nào câu trả lời, góp phần cho những định hướng chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong thời gian tới

 1. Những đặc trưng cơ bản của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

1.1 Khái quát lịch sử các cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới từ trước cho đến nay

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu (Olson, Kenny 2015; Nghiên cứu quốc tế 2014; Stearns 2013; Fisher 1992), thế giới đã và đang trải qua 03 cuộc cách mạng công nghiệp, đó là:

(i) Lần thứ nhất, diễn ra tại Tây Âu và Bắc Mỹ từ nửa cuối thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19 với thành tựu nổi bật là việc chế tạo máy móc (đặc biệt là đầu máy hơi nước), phát triển giao thông (đường sắt và đường biển). Đây là cuộc cách mạng công nghiệp hình thành nên chủ nghĩa tư bản.

(ii) Lần thứ hai, được bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ 19 đến đầu Thế chiến thứ nhất (1914) với thành tựu cơ bản là động cơ đốt trong (gắn với sự hình thành của các xe cơ giới) và điện. Phạm vi của cuộc cách mạng công nghiệp lần II diễn ra rộng hơn so với lần thứ nhất, tuy nhiên trung tâm của nó vẫn nằm tại châu Âu và Bắc Mỹ.

(iii) Lần thứ ba, được bắt đầu vào cuối những năm 1960 với sự xuất hiện của ngành điện tử và công nghệ thông tin. Cuộc cách mạng này vẫn còn tiếp diễn và hiện chưa xác định được thời điểm kết thúc. Đây là cuộc cách mạng gắn với quá trình toàn cầu hóa sâu rộng, với phạm vi ảnh hưởng đến hầu hết mọi quốc gia trên thế giới.

1.2 Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các đặc trưng cơ bản của nó

Khái niệm Công nghiệp thế hệ 4.0 (Industrie 4.0) hay là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư lần đầu tiên được đề cập trong bản Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao được chính phủ Đức thông qua vào năm 2012 (Hội Cơ khí TP. Hồ Chí Minh 2016). Tiếp đó, tại Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016 (từ 20-23/01/2016) tổ chức tại Davos (Thụy Sĩ), một trong những nội dung quan trọng được đề cập là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và một số tác động có thể có của nó đến sự phát triển của loài người (VTV 2016, Báo Tin tức Việt Nam 2016). Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang manh nha hình thành ngay trong khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 chưa kết thúc. Nó được ra đời trên cơ sở nền tảng của cuộc cách mạng lần thứ ba, với sự tích hợp của ba thế giới: thế giới vật lý, thế giới số và thế giới sinh vật. Ranh giới giữa các thế giới này có thể bị xóa nhòa dần và do đó, tác động của cuộc cách mạng này đến sự phát triển của loài người là sự tác động mang tính cộng hưởng, với tốc độ ở cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng tốc độ như các cuộc cách mạng trước đó về phạm vi và chiều sâu mang tính hệ thống

Theo Trần Hồng Quang và Nguyễn Hoàng Hà (2016:13), cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có 03 đặc trưng nổi trội gắn với những đột phá công nghệ trong 03 thế giới:

– Những tiến bộ căn bản trong thế giới thực (vật lý) với sự phát triển của các thiết bị tự động hóa, công nghệ in 3D, rô-bốt hiện đại và các dạng vật liệu mới.

– Những bước tiến vượt bậc về thế giới số (ảo) làm tăng khả năng tương tác với thế giới thực nhờ phát triển của Internet of Things – IoT (Mọi vật Kết nối) và sự ra đời của các cảm biến hiện đại.

– Những đột phá về thế giới sinh vật với việc xây dựng biểu đồ gen tiết kiệm rất nhiều nguồn lực tài chính và thời gian so với trước.

Trong khi đó, theo Delloite (2014), cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có 4 đặc trưng, gắn với tính “tích hợp” của các công nghệ. Cụ thể:

– Xuất hiện mạng lưới dọc các hệ thống sản xuất thông minh, ví dụ như các nhà máy thông minh, hệ thống kho vận thông minh, marketing thông minh và các sản phẩm thông minh. Sản phẩm có tính cá nhân hơn, có tính địa phương hơn.

– Tích hợp theo chiều ngang bằng một thế hệ mới các mạng lưới tạo ra giá trị toàn cầu, bao gồm tích hợp cá đối tác kinh doanh và khách hàng, tích hợp các mô hình kinh doanh và hợp tác mới xuyên quốc gia và lục địa.

– Ứng dụng khoa kỹ xuyên suốt toàn bộ chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất cho tới khâu tiêu thụ sản phẩm (toàn bộ chu kỳ sống của sản phẩm).

– Tăng tốc sản xuất thông qua công nghệ theo cấp số nhân (công nghệ có tính đột phá) làm cho giá thành giảm xuống rất thấp.

Theo Clark II và Cooke (2014), cách mạng công nghiệp sắp tới là cuộc cách mạng xanh, gắn với những sự đột phá về năng lượng. Cụ thể là năng lượng tái sinh, dự trữ năng lượng, chia sẻ năng lượng linh hoạt, và tích hợp vận tải. Những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ xanh, thân thiện với môi trường và có năng suất cao hiện đã bắt đầu xuất hiện tại một số quốc gia phát triển, nhất là các nước Bắc và Tây Âu. Tư tưởng chủ đạo của cuộc cách mạng công nghiệp xanh này là sự bền vững. Một số nền kinh tế có thể bắt đầu chuyển dịch sang một mô hình phát triển mới, có tên gọi “nền kinh tế tuần hoàn” (circular economy).

Tổng quát lại, có thể thấy cuộc cách mạng công nghiệp sắp tới đây sẽ là sự đột phá chưa từng có về sự tinh vi, về năng suất, và có thể là chìa khóa để giải quyết những vấn đề về môi sinh của loài người.

  1. Một số tác động chính của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến phát triển kinh tế thế giới

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được dự báo sẽ làm thay đổi mạnh mẽ mọi mặt trong đời sống của loài người hiện đại, đặc biệt là phát triển kinh tế. Trong phạm vi của bài viết, các tác giả chủ yếu đánh giá một số tác động chính của cuộc cách mạng công nghiệp này đến phát triển kinh tế thế giới, cụ thể là đối với lĩnh vực sản xuất và thương mại; năng lượng, sinh học, và y học; văn hóa xã hội và khoảng cách phát triển giữa các quốc gia.

a) Đối với hoạt động sản xuất và thương mại

Có một điều chắc chắn rằng cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ biến đổi nhiều mô hình sản xuất và kinh doanh. Với những đột phá về ba (03) thế giới, nhiều phương thức kinh doanh mới sẽ ra đời, có tính ưu việt so với những phương thức kinh doanh hiện hành. Sự ảnh hưởng sâu sắc của cuộc cách mạng công nghiệp lần này là rất sâu rộng, với tốc độ đột phá chưa có tiền lệ bởi sự tương tác, tích hợp của nhiều loại công nghệ tiên tiến. Điều này sẽ tạo nên sự biến đổi mạnh mẽ, căn bản của toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Sự tác động trực diện, mạnh mẽ nhất là đến chuỗi sản xuất công nghiệp. Một số tác động lớn có thể có từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với hoạt động sản xuất và thương mại như sau:

– Các yếu tố đầu vào của sản xuất sẽ thay đổi căn bản. Những đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm mất đi những lợi thế sản xuất truyền thống, đặc biệt là từ các nước đang phát triển như nhân công rẻ, dồi dào hay sở hữu nhiều tài nguyên. Cách mạng công nghệ thông tin sẽ làm giảm lợi thế của phương thức sản xuất tập trung và chia sẻ chi phí. Trong khi đó, các ngành nghề phổ thông thuộc nhóm thu nhập trung bình sẽ giảm dần, thậm chí biến mất và thay vào đó là những việc làm đòi hỏi trình độ tay nghề cao. Nguồn lao động giá rẻ sẽ mất dần lợi thế do tự động hóa, robot hóa và công nghệ in 3D. Ví dụ, công nghệ in 3D được phát triển từ những năm 1980 và cho đến nay ngày càng phổ biến và mang tính thương mại nhờ sự phát triển của vật liệu mới và công nghệ thông tin. Về lý thuyết, in 3D có thể tạo ra bất kỳ một vật gì nếu có thể mô tả vật đó bằng thiết kế 3D và có được các vật liệu thích hợp, kể cả nội tạng con người. Lúc này, đất đai cũng trở nên ít quan trọng hơn và tài nguyên thiên nhiên từng bước bị thay thế bởi công nghệ vật liệu tổng hợp mới. Bên cạnh đó, khả năng tự động hóa siêu việt của máy móc hoàn toàn có thể thay thế hoạt động cơ học, thậm chí là trí tuệ của con người. Khi đó, khung cảnh về một thế giới chạy bằng rô-bốt và máy tính với trí tuệ nhân tạo có thể phát triển tới mức thay thế con người trong việc phán đoán và quản lý các hệ thống phức tạp đã không còn là viễn cảnh. Các phương thức sản xuất mới dự kiến sẽ làm sản lượng của các ngành sản xuất vật chất nói chung và công nghiệp nói riêng được tăng mạnh hơn bao giờ hết.

– Phương thức sản xuất thay đổi, đặc biệt là cách thức quản lý với sự xuất hiện của thế giới “ảo”. Những công nghệ hiện đại được tích hợp có thể kết nối thế giới thực và ảo để sản xuất, con người có thể điều khiển quy trình ngay tại nhà mình mà vẫn bao quát tất cả mọi hoạt động của nhà máy thông qua sự vượt trội về Internet. Có thể coi IoT là mối quan hệ giữa vạn vật (các sản phẩm, dịch vụ, địa điểm, v.v…) và con người thông qua các công nghệ kết nối và các nền tảng khác nhau. Hiện tại, có hàng tỷ thiết bị trên toàn thế giới như điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính được kết nối internet. Nhiều thiết bị được tích hợp, liên thông với nhau và con người chỉ cần sử dụng một công cụ có thể điều khiển, truy cập được nhiều phương tiện và ứng dụng. Số lượng thiết bị được dự kiến sẽ tăng mạnh mẽ trong vài năm tới, ước tính vài tỷ đến hơn một nghìn tỷ thiết bị. Điều này sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức mà chúng ta quản lý chuỗi cung ứng bằng cách cho phép chúng ta giám sát và tối ưu hóa tài sản và các hoạt động đến một mức rất chi tiết.

– Các đột phá trong ba (03) thế giới cũng sẽ làm giảm đáng kể chi phí vận chuyển và liên lạc, dây chuyền hậu cần và cung cấp toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, chi phí thương mại được giảm thiểu. Sự phát triển công nghệ thông tin và số người sử dụng internet tăng nhanh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử và đem lại lợi ích hết sức to lớn đối với người tiêu dùng thông qua việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới với chi phí thấp. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng có điều kiện ứng dụng các công nghệ thông tin vào điều hành hoạt động (thành phố thông minh), ứng dụng công nghệ tự động hóa trong thi công công trình kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, thương mại điện tử gây ra những lo ngại về an ninh trong các giao dịch mua bán trực tuyến, vấn đề về dịch vụ logistics giao hàng, dịch vụ logistic xuất nhập khẩu.

b) Đối với lĩnh vực sinh học, y học và năng lượng

– Sự tiến bộ về công nghệ gen không chỉ thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất mà nó còn tạo ra sự đột phá trong công nghệ y học. nhiều căn bệnh nan y có thể được chữa trị, thậm chí, con người có thể phòng được nhiều loại bệnh ngay từ khi chưa được sinh ra. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các robot trong các ca điều trị, nhất là trong phẫu thuật đã làm tăng đáng kể sự thành công. Con người hoàn toàn có thể được kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống.

– Tạo ra các đột phá trong lĩnh vực y sinh học, tạo điều kiện phát triển các loại thực phẩm biến đổi gen, cải tạo các giống cây trồng và vật nuôi cho năng suất cao, chất lượng cao và khả năng thích ứng tốt với môi trường nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, ứng dụng của biểu đồ gen còn được sử dụng để tạo ra các loại thực vật làm nhiên liệu (ví dụ như nhiên liệu sinh học) để có thể tạo ra năng lượng tái tạo thay thế năng lượng truyền thống hiện nay.

– Ngoài ra, những tiến bộ lớn về công nghệ trong sản xuất năng lượng tái tạo (như năng lượng mặt trời, gió) sẽ làm giảm giá thành và sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng không tái tạo, nhất là năng lượng hóa thạch đang tạo ra ô nhiễm và sự nóng lên của trái đất.

c) Đối với văn hóa, xã hội

– Sự thay đổi về thói quen sản xuất, tiêu dùng, cách thức quản lý, sẽ làm biến đổi mạnh mẽ về văn hoá và lối sống của loài người. Máy móc hoàn toàn có thể lên chương trình viết phần mềm để giải quyết những nhu cầu nhất định của con người; người máy có thể chẩn đoán được bệnh tật,… Công nghệ một mặt làm cho xã hội thông minh hơn, nhưng đồng thời nó lại làm cho nhiều nhóm xã hội “lười” tư duy, thụ động và phụ thuộc vào những sự “lập trình” sẵn có, kể cả trong cuộc sống gia đình.

– Trong một xã hội khi người nào có trình độ tay nghề cao sẽ tận dụng được sức mạnh công nghệ và sẽ có thu nhập cao hơn. Sự chênh lệch giàu nghèo của tầng lớp được coi là “sáng tạo” nhất so với những lao động “tay chân” là rất lớn. Từ đó, bất bình đẳng xã hội có thể sẽ được kéo dãn ra lớn hơn, tạo một khoảng cách khó san lấp.

– Tình trạng bị mất việc làm do sự thay đổi của công nghệ, đặc biệt đối với những tầng lớp trung niên chưa thích nghi kịp sẽ tạo ra những cú sốc cho xã hội. Điều này không chỉ diễn ra ở các nước đang phát triển mà còn diễn ra ở các các nước phát triển. Khi robot và tự động hóa lên ngôi, những người làm trong các lĩnh vực trung gian, đặc biệt là những nhân công trong ngành vận tải, kế toán, môi giới bất động sản hay bảo hiểm cũng sẽ thất nghiệp.

d) Đối với các quốc gia

– Khoảng cách phát triển giữa các quốc gia và khoảng cách giàu nghèo trong xã hội có thể ngày càng trầm trọng hơn. Một thế giới sẽ trở nên “phẳng” hơn cho các nước nghèo nếu họ có sự chủ động thông minh và gặp được vận may. Tuy nhiên, ngược lại nếu các nước nghèo bị động thích nghi, sẽ là những hố sâu chênh lệch hơn nữa trong sự phát triển với các nước giàu.

– Công nghệ và thiết bị sẽ ngày càng cho phép người dân tiếp xúc dễ dàng và gần hơn tới chính phủ để nêu ý kiến, cũng như giám sát quá trình hoạt động. Đồng thời, các chính phủ cũng dựa vào công nghệ để tăng cường khả năng lãnh đạo của mình đối với người dân dựa trên những hệ thống giám sát rộng rãi và khả năng điểu khiển hạ tầng số. Tuy nhiên, xét về tổng thể, các chính phủ sẽ ngày càng phải đối mặt với áp lực thay đổi cách thức tiếp cận của họ với sự tham gia của công dân dưới sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ. Chính vì vậy, khả năng thích ứng là yếu tố then chốt quyết định sự tồn tại của các chính phủ. Nếu có thể bắt kịp một thế giới với những thay đổi đột phá, cải thiện cơ cấu để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả hoạt động, các chính phủ sẽ tồn tại. Ngược lại, nếu không thể thích ứng, họ sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề về điều hành và quản lý.

– Việc quản trị quốc gia cũng đang đặt gặp nhiều thách thức về an ninh phi truyền thống. Các cuộc biểu tình, bạo loạn, thậm chí khủng bố hay lật đổ chính quyền chỉ từ những hình ảnh, thước phim có tính kích động, kêu gọi được khuếch tán nhanh chóng qua internet. Không những thế, tất cả các nước đều phải đối diện với các cuộc khủng bố bằng công nghệ cao, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và vật chất. Bên cạnh những khả năng tấn công bằng hạt nhân, sinh hóa học thì những cuộc tấn công làm tê liệt hệ thống điện, viễn thông,… cũng sẽ gây ra tác hại vô cùng nghiêm trọng.

  1. Cơ hội và thách thức cho phát triển từ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến Việt Nam

Việt Nam vẫn đang trong quá trình công nghiệp hóa. Dường như mục tiêu “đến năm 2020, trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” đã không thể đạt được. Nếu xét theo tiêu chí của UNIDO (2013) thì Việt Nam vẫn chưa phải là một quốc gia đã hoàn thành quá trình công nghiệp hóa. Theo UNIDO (2013), giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến bình quân đầu người (MVApc) là một tiêu chí thích hợp để xác định ngưỡng các nước đã công nghiệp hóa. Theo đó, bất kỳ nền kinh tế có MVApc (đã điều chỉnh) ≥ 2.500 USD hoặc GDP đầu người (tính theo sức mua tương đương) ≥ 20.000 USD thì nước đó là nước đã hoàn thành quá trình công nghiệp hóa. Theo cách thức phân nhóm này, Việt Nam có MVApc chỉ vào khoảng trên 1.000 USD và thuộc vào nhóm các nước công nghiệp mới nổi.

Bên cạnh đó, theo các nghiên cứu khác nhau, Việt Nam vẫn là một quốc gia có trình độ phát triển quá độ giai đoạn 1-2 (WEF 2015) hoặc giai đoạn một (Ohno 2009). Nền kinh tế của Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng nhiều lao động có giá rẻ, dồi dào, kỹ năng thấp và nhiều tài nguyên như. Khoảng cách đến “trần thủy tinh” hay bước vào giai đoạn phát triển “dựa trên tính hiệu quả” vẫn còn khá xa.

Như trên đã trình bày, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm giảm, thậm chí triệt tiêu lợi thế truyền thống của một số nước, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam có nhân công rẻ, dồi dào, sản xuất dựa trên lợi thế tài nguyên. Tuy nhiên, đi cùng với thách thức là những cơ hội, thời cơ lớn hơn bao giờ hết. Có thể kể đến một số thách thức và cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với nền kinh tế Việt Nam:

a) Thách thức

– Đối với giải quyết việc làm: Với sự mở rộng ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin, điều khiển, tự động hóa. Các hệ thống robot có trí thông minh nhân tạo sẽ thay thế con người trong nhiều công đoạn hoặc trong toàn bộ dây chuyền sản xuất nhất là trong những ngành sử dụng nhiều lao động. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn dựa nhiều vào các ngành thâm dụng lao động giá rẻ. Trong khi đó, theo xu thế phát triển của kinh tế tri thức, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi, có năng lực sáng tạo mới là lợi thế. Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam khi 44% lao động vẫn hoạt động trong ngành nông nghiệp. Không những vậy, chuyển dịch cơ cấu lao động trong gần 20 năm qua của Việt Nam rất chậm và chậm hơn nhiều nếu so với chuyển dịch cơ cấu GDP.

Như đã trình bày ở trên, các công nghệ hiện đại châm ngòi cho cuộc cách mạng mới trong nhiều ngành trong nền kinh tế thế giới như công nghệ in 3D, robot và tự động hóa lại sử dụng rất ít nhân công. Các loại hình công nghệ này sẽ thách thức mô hình “sản xuất hàng loạt” bằng mô hình “tùy chỉnh hàng loạt” và tự động hóa với chi phí thấp hơn. Trong tương lai, nhiều lao động trong các ngành nghề của Việt Nam có thể thất nghiệp ví dụ như lao động ngành nông nghiệp, dệt may, kế toán, lắp ráp và sửa chữa thiết bị. Số lao động này hiện đang chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong lực lượng lao động của nước ta hiện nay. Ngoài ra, nhân lực kém cũng làm một cản trở về nâng cao năng lực tiếp thu, làm chủ và ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới ở các quy mô doanh nghiệp, ngành lĩnh vực và cả nền kinh tế trong điều kiện xuất phát điểm phát triển của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước.

– Quản trị nhà nước cùng nguy cơ tụt hậu xa hơn cũng là một trong những thách thức lớn nhất đối với nước ta. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ gặp nhiều khó khăn nếu công cuộc cải cách cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đi chệch hướng, không thành công như mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó những thách thức về an ninh phi truyền thống sẽ tạo ra áp lực lớn nếu Nhà nước không đủ trình độ về công nghệ và kỹ năng quản lý để ứng phó.

– Các nước công nghiệp mới nổi và nhiều nước đang phát triển đều cạnh tranh quyết liệt, tìm cách thu hút, hợp tác để có đầu tư, chuyển giao công nghệ, nhanh chóng ứng dụng những thành tựu công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đem lại để giành lợi thế phát triển. Áp lực lớn cho Việt Nam về sự tỉnh táo trong hội nhập, hợp tác quốc tế, phát triển nền kinh tế thị trường nhất là thị trường khoa học công nghệ, cải thiện đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh, tích lũy đầu tư để thu hút chuyển giao, ứng dụng nhanh những thành tựu khoa học công nghệ vào phát triển nền kinh tế.

b) Các cơ hội

– Có điều kiện tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của nhân loại, trước hết là công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hóa để nâng cao năng suất, hiệu quả trong tất cả các khâu đặc biệt là quản lý ở cả nền kinh tế, hệ thống chính quyền các cấp, tất cả các ngành lĩnh vực, ở các doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình.

– Cơ hội phát triển nhanh hơn nhiều ngành kinh tế và phát triển những ngành mới thông qua mở rộng ứng dụng những tiến bộ, thành tựu về công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển, công nghệ sinh học (thuộc các lĩnh vực như công nghiệp không gian, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp giải trí, công nghiệp sinh học, công nghiệp quốc phòng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,…).

– Cơ hội đón đầu, hình thành và phát triển nhanh nền kinh tế tri thức, thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp những nước đi trước trong khu vực và thế giới thông qua tiếp thu, làm chủ và ứng dụng nhanh vào sản xuất kinh doanh, quản lý những tiến bộ, thành tựu công nghệ (kể cả phương thức sản xuất, quản lý) từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đối với năng lượng tái sinh, đặc biệt là năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học, Việt Nam có lợi thế đối với hai loại hình năng lượng này bởi chi phí của nó không quá cao. Việc chuyển dịch cơ cấu năng lượng sẽ giúp Việt Nam giảm tải được áp lực về môi trường và sự phụ thuộc vào bên ngoài đối với thủy điện, nhiệt điện, dầu khí và điện hạt nhân.

Lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mạng xã hội, di động, phân tích và điện toán đám mây (SMAC) đang là xu hướng mới mẻ của cả thế giới và Việt Nam có cơ hội phát triển lĩnh vực này. Với lợi thế hiện có có hạ tầng Internet tương đối tốt, giá rẻ trong khi thiết bị di động có cấu hình cao nhưng với mức giá phù hợp đang trở nên phổ biến, Việt Nam có tiềm năng phát triển công nghệ SMAC rất lớn. Một yếu tố thuận lợi nữa là sự khuyến khích phát triển của chính phủ cùng với việc Việt Nam đang có các đối tác quốc tế có kinh nghiệm, có trình độ cao trong lĩnh vực này như Microsoft thì triển vọng cho công nghệ này càng gặp thuận lợi.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một cơ hội để Việt Nam đuổi kịp các nước phát triển trong kỷ nguyên số. Việc ứng dụng kỷ nguyên số còn cho phép chúng ta đẩy nhanh được việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhiều ngành nghề, góp phần khắc phục những khó khăn hiện có. Những ngành cần ứng dụng này nhất hiện nay là thương mại điện tử, giao thông vận tải, đo lường địa chất, hay đo lường chất lượng môi trường.

– Công nghệ sinh học, y học có tác động mạnh mẽ đến năng suất cũng như chất lượng cây trồng vật nuôi, từ đó, tăng giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm nông nghiệp. Việt Nam được đánh giá vẫn có lợi thế đối với ngành nông nghiệp. Nếu có những sự cải cách về giống cùng cách thức nuôi, trồng sẽ tạo ra một nền nông nghiệp sạch với các sản phẩm có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Đối với lĩnh vực y tế, nhiều bệnh nan y, nhất là ung thư đang trở thành vấn đề sức khoẻ mang tính chất toàn cầu, gây ra những mất mát về người, sự tốn kém về kinh tế trong điều trị và ngăn chặn. Những công trình nghiên cứu của công nghệ sinh học ứng dụng thành công trong y dược, đặc biệt là trong sản xuất thuốc và trong chuẩn đoán bệnh là đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong giai đoạn tới đây.

  1. Một số gợi ý chính sách đối với Việt Nam

Để tận dụng được những cơ hội và đối phó với những thách thức từ cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, Việt Nam cần phải xây dựng và phát triển năng lực đổi mới sáng tạo phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của mình.

– Trước hết cần xây dựng một nhận thức chung trong toàn xã hội đối với những thay đổi nhanh chóng do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang tới. Sự chủ động và sẵn sàng là một điều rất quan trọng, góp phần “tăng tốc” nhanh lúc ban đầu của một quốc gia.

– Đổi mới thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý có tính đến tác động của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư. Trước hết nhanh chóng hoàn thiện môi trường pháp lý cho phát triển thị trường khoa học công nghệ theo hướng hội nhập, xây dựng môi trường pháp lý cho phát triển các ngành nghề kinh doanh mới ở Việt Nam đang bắt đầu nảy sinh từ cuộc cách mạng công nghiệp. Nhà nước cần tạo điều kiện thật thuận lợi về môi trường cho các doanh nghiệp được tiếp cận, tham gia và ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Xây dựng chỉ số đổi mới công nghệ quốc gia và lấy chỉ số này cùng các chỉ số về năng lực cạnh tranh làm một trong những thước đo sự hiệu quả của chính phủ.

– Rà soát và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế theo hướng đón đầu, lựa chọn và đi thẳng vào khai thác sử dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp thứ tư. Coi khoa học công nghệ là một trong yếu tố dẫn dắt quá trình tái cơ cấu kinh tế. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phải gắn liền với nhiệm vụ thu hút ứng dụng tiến bộ, thành tựu công nghệ của thế giới.

– Các cấp, các ngành cần nhanh chóng rà soát, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hành động để sẵn sàng các điều kiện và thực hiện ngay từ bây giờ việc hội nhập, hợp tác, chủ động đón nhận, đưa Việt Nam vào nhóm nước đang phát triển đi đầu trong tham gia, thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư. Đổi mới tư duy, bộ máy và phương thức quản lý điều hành, hoạch định cơ chế chính sách phù hợp với sự thay đổi có tính cách mạng về công cụ, công nghệ sản xuất và quản lý, trực tiếp nhất là quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng và sự nghiệp công nghiệp hóa mà Việt Nam đang triển khai. Đặc biệt, có một sự cấp thiết về xử lý tổng hợp khối lượng thông tin lớn, phản ứng nhanh nhạy với các tình huống và tính minh bạch trong quản lý và quá trình ra quyết định.

– Xây dựng và thực hiện chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực hội nhập đón nhận cách mạng công nghiệp thứ tư cho doanh nghiệp Việt Nam nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một khu vực tư nhân năng động có thể tạo ra nhu cầu mạnh mẽ và hấp thụ tri thức tiên tiến cho những hàng hóa có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao hơn trên thị trường trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp khi đó có thể tham gia hiệu quả hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu, đóng vai trò dẫn dắt trong các chuỗi giá trị nội địa và các cụm (cluster) công nghiệp.

– Đổi mới lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề theo hướng hội nhập quốc tế, đào tạo và đào tạo bổ sung để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ và khai thác vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ làm nên cách mạng công nghiệp thứ tư. Trước hết khoa học, công nghệ và giáo dục đại học phải đạt trình độ tiên tiến, đủ năng lực cung cấp tri thức và nhân lực chất lượng cao cho khu vực doanh nghiệp. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển năng động trong một môi trường cạnh tranh hướng đến hiệu quả và có đóng góp quan trọng vào nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam phải phát triển một hệ thống các viện nghiên cứu (think tank) năng động, hiệu quả và liên kết với mạng lưới tri thức toàn cầu. Các viện nghiên cứu của Nhà nước phải được tái cơ cấu theo hướng tự chủ cao để phù hợp với nền kinh tế thị trường, thực hiện nghiên cứu ứng dụng theo hợp đồng với khu vực doanh nghiệp, trong khi tập trung vào nghiên cứu cơ bản có tính cạnh tranh để phục vụ cho các ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội. Các viện nghiên cứu của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, cũng được hình thành và phát triển nhằm cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo của cả khu vực tư nhân và khu vực nhà nước.

– Xây dựng những kịch bản nhằm thích ứng với tình hình thay đổi do cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, nhất là ứng phó, quản lý rủi ro từ những hệ quả của nó, nhất là các vấn đề về việc làm và quản trị nhà nước./.

Nguyễn Hoàng Hà

(Nguồn: vids.mpi.gov.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here