Tỉnh Lâm Đồng có tổng diện tích chuyên canh chè trên 23.000ha, trong đó khoảng 3.000ha trồng chè chất lượng cao như chè ô long Kim Xuyên, Long Đỉnh. Sản phẩm chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu nên luôn đảm bảo các tiêu chuẩn. Tại huyện Lâm Hà, vùng chè nguyên liệu hơn 70ha được trồng theo phương pháp hữu cơ. Mô hình này không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho bà con mà còn cung cấp khoảng 100 tấn trà ô long chất lượng mỗi năm.
Tiền thân là một nông trường chè rộng 4ha ven hồ Phúc Thọ, năm 2009, Công ty Long Đỉnh mở rộng vùng chè lên 60ha theo quy trình VietGAP để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Nhờ xây dựng thành công mô hình liên kết 4 nhà gồm nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông tại huyện Lâm Hà, công ty đã thuyết phục được bà con chuyển từ chuyên canh cây cà phê sang trồng chè ô long.
Ban đầu, công ty phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà chuyển giao kỹ thuật sản xuất chè ô long VietGAP cho 7 hộ tham gia ở các xã Phúc Thọ, Hoài Đức, Liên Hà. Theo đó, cán bộ kỹ thuật tới từng hộ hướng dẫn cách trồng và chăm sóc chè VietGAP.
Để bà con yên tâm sản xuất, công ty ký hợp đồng bao tiêu, cung cấp cây giống, hỗ trợ phân bón hữu cơ (10 tấn phân hữu cơ trên một ha, bón trong 6 tháng), thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, nhân viên kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, theo dõi chất lượng cây chè.
Nhờ được doanh nghiệp chế biến theo sát, người dân bỏ dần thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan. Thay vào đó, quy trình trồng tuân thủ theo mô hình VietGAP, ghi chép lại đầy đủ quá trình trồng trọt và chăm sóc cũng như thông tin người thực hiện, thời gian, loại hóa chất. Mọi sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đều do công ty cung cấp. Đây là điểm mấu chốt để kiểm soát nguồn chè đầu vào.
Từ 7 hộ tham gia ban đầu, đến nay, tham gia cùng Công ty Long Đỉnh có trên 55 hộ với diện tích trồng trên 70ha. Bà Nguyễn Thị Liên ở thôn Phúc Tân, xã Phúc Thọ cho biết, gia đình bắt đầu trồng 5 sào chè từ năm 2011, sau 2 năm, cây chè đã cho thu hoạch. Gia đình bà ký hợp đồng thu mua của công ty với giá 15.000 – 22.000 đồng một kg búp chè tươi. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu được khoảng 150 triệu đồng. Nhận thấy thu nhập ổn định hơn, lại được bao tiêu đầu ra nên năm 2015, bà đã quyết định trồng thêm 5 sào chè.
Năm 2009, Công ty Long Đỉnh xây dựng nhà máy chế biến công suất 4 tấn chè búp mỗi ngày tại vùng hồ Phúc Thọ, đem lại công việc cho khoảng 80 lao động địa phương. Nhờ chất lượng chè ổn định và quy trình trồng sạch, 80% sản lượng trà ô long Long Đỉnh được xuất khẩu đi Đài Loan, Mỹ, Ấn Độ./.
Theo VnExpress