Theo các doanh nghiệp trong lĩnh vực gia công hàng dệt may của Bangladesh, gần 70% các công ty thời trang Châu Âu cắt bỏ nhãn mác “Made in Bangladesh” trên sản phẩm của họ. Điều này làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành công nghiệp gia công dệt may của Bangladesh. Hiện Bangladesh là nước gia công xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới, chiếm 6,5% thị phần toàn cầu. Tuy nhiên, uy tín của những sản phẩm dệt may sản xuất tại đây còn bị hạn chế do vấn đề an toàn lao động ở mức dưới tiêu chuẩn cho phép, lương trả cho người lao động thấp. Những điều này khiến cho các công ty thời trang Châu Âu tránh sử dụng nhãn mác “Made in Bangladesh”. Ngoài ra, theo quy định của EU, các công ty thời trang không bắt buộc phải sử dụng nhãn mác ghi xuất xứ của sản phẩm dệt may, chỉ phải giữ nhãn mác ghi thành phần vải, sợi và hướng dẫn bảo quản.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu dệt may Bangladesh Faruque Hassan loại bỏ khả năng các sản phẩm dệt may của Bangladesh bị gắn nhãn mác của các nước khác bởi cả người bán và nhà sản xuất đều phải tuân thủ theo những quy định chặt chẽ về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ông Hassan cho biết Bangladesh sẽ không theo đuổi việc bắt buộc các công ty thời trang Châu Âu phải giữ nguyên nhãn mác “Made in Bangladesh” trên sản phẩm. Thay vào đó, các công ty sản xuất hàng dệt may của Bangladesh đã và đang tự nâng cao uy tín của các sản phẩm “Made in Bangladesh”.
Hiện Bangladesh có số lượng các nhà máy sản xuất hàng dệt may sử dụng công nghệ xanh nhiều nhất thế giới với 73 nhà máy đã đi vào hoạt động và 300 nhà máy khác đang chờ được cấp Giấy chứng nhận bởi Hội đồng Tòa nhà xanh của Mỹ. Chất lượng các sản phẩm sản xuất tại Bangladesh đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây do việc áp dụng các máy móc hiện đại, thiết kế với chất lượng cao. Ông Hassan cũng cho biết lương trả cho các công nhân ngành dệt may đã tăng lên. Bên cạnh đó, Bangladesh đang triển khai kế hoạch truyền thông nhằm nâng cao hình ảnh của các sản phẩm sản xuất tại Bangladesh và loại bỏ những định kiến từ trước đến nay của các công ty thời trang trên thế giới về sản phẩm “Made in Bangladesh”.
Tin từ ĐSQVN tại Bangladesh (Theo The Daily Star, 19/10)