55 hợp tác phát triển Việt Nam-Thụy Điển: Trái ngọt từ “điểm đồng” đổi mới sáng tạo

0
12
Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) là một trong những công trình tiêu biểu cho sự giúp đỡ của Thụy Điển dành cho Việt Nam. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Mối quan hệ Thụy Điển-Việt Nam ngày càng tập trung mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững – điều thực sự “nằm trong DNA” của Thụy Điển. Hai nước có nhiều điểm tương đồng khi nói đến đổi mới.

Thụy Điển đi đầu trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi mới ngay từ những năm đầu tiên trong các lĩnh vực cải cách kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản lý kinh tế, hành chính, luật pháp… và tích cực hỗ trợ Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)… Một số công trình biểu tượng cho sự giúp đỡ của Thụy Điển đối với Việt Nam như: Nhà máy Giấy Bãi Bằng, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí…

Sau 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1969-2024), mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được vun đắp, củng cố trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác phát triển, đổi mới sáng tạo…

Niềm tự hào hợp tác phát triển

Thụy Điển đứng thứ 2 thế giới về đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, đô thị thông minh, tái chế rác thải và bảo vệ môi trường. 55 năm qua, Việt Nam-Thụy Điển đã ký kết 107 hiệp định và 12 thỏa thuận song phương, trong đó 42 hiệp định và thỏa thuận còn hiệu lực, tạo nền tảng quan trọng và là cơ sở để thúc đẩy hợp tác thực chất trong kỷ nguyên khoa học – công nghệ và phát triển bền vững.

Về hỗ trợ phát triển, Thụy Điển cung cấp viện trợ ODA lớn cho Việt Nam với tổng số vốn trị giá 3,46 tỷ USD tính tới năm 2013. Nguồn vốn này đã được Việt Nam sử dụng hiệu quả để đầu tư vào nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Một số công trình mang tính biểu tượng của Thụy Điển tại Việt Nam như: Nhà máy Giấy Bãi Bằng, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí…

Thụy Điển cũng giúp Việt Nam đào tạo đội ngũ chuyên gia, kỹ sư trong nhiều lĩnh vực như: nông-lâm nghiệp, y tế, năng lượng điện, truyền thông… Nhiều thế hệ chuyên gia bạn đã sang công tác và cống hiến trí tuệ, công sức cho sự phát triển của Việt Nam.

Về hợp tác khoa học – công nghệ, hai bên đã ký Ý định thư xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược Ngành trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ và nâng cao năng lực (10/2016). Hiện hai bên đang thúc đẩy thiết lập quan hệ hợp tác trong hoạt động nghiên cứu, đổi mới công nghệ, hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.

Tháng 5/2019, Bộ KH&CN ký kết các ý định thư hợp tác về nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực với các đối tác gồm: Học viện Karolinska, Đại học Uppsala, Công ty ABB Việt Nam.

Về hợp tác nông nghiệp, hai nước có quan hệ hợp tác lâu dài và truyền thống. Trong thập niên 1970, Thụy Điển đã giúp Việt Nam xây dựng dự án Nhà máy giấy Bãi Bằng-nhà máy giấy lớn và hiện đại nhất cả nước; chương trình “rừng, cây và con người” cuối thập niên 1980 đã góp phần tạo ra vùng nguyên liệu với hàng ngàn hecta rừng và phát triển kinh tế-xã hội 5 tỉnh miền núi phía Bắc. Khi Việt Nam bước sang thời kỳ Đổi mới, hỗ trợ của Thụy Điển chuyển dần từ hỗ trợ kỹ thuật sang nâng cao năng lực xây dựng và thực thi chính sách phát triển với phương thức tiếp cận mới phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Ngoài ra, quan hệ thương mại, đầu tư cũng là một trong những điểm sáng của hợp tác song phương. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên khoảng 1,3 tỷ USD. Chỉ trong 8/2024, con số này đã lên tới 966,77 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ. Thụy Điển hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Bắc Âu, trong khi Việt Nam là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Thụy Điển ở Đông Nam Á.

Đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam tăng trưởng mạnh. Tính đến tháng 6/2024, Thụy Điển đứng thứ 29/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 111 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 743,39 triệu USD. Từ một đối tác viện trợ, đến nay, Thụy Điển coi Việt Nam là một đối tác quan trọng, hợp tác cùng có lợi. Nhiều công ty Thụy Điển nổi tiếng hiện có mặt tại Việt Nam như : AstraZeneca, Electrolux, IKEA, Tetra Pak, Atlas Copco, ABB, Oriflame, SKF, Volvo…

Định hướng cho tương lai

Trong cuộc tiếp Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Thụy Điển (tháng 11/2024), Thủ tướng Ulf Kristersson khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam, mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực: thương mại, đầu tư, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Đồng tình với đề xuất này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng củng cố và mở rộng quan hệ với Thụy Điển, đề nghị Chính phủ bạn tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Thụy Điển có thế mạnh như trên.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã trao Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác kinh tế, thương mại và phát triển xanh giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Thụy Điển. MoU với mục tiêu tăng cường hợp tác thương mại song phương trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ theo hướng cân bằng và bền vững, khuyến khích đầu tư tiên tiến và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Trong ấn phẩm Dấu ấn kinh doanh Việt Nam-Thụy Điển do Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam phát hành tháng 10/2024 nhấn mạnh: Mối quan hệ Thụy Điển-Việt Nam ngày càng tập trung mạnh mẽ vào đổi mới và phát triển bền vững, vốn thực sự “nằm trong DNA” của Thụy Điển. Đặt tính bền vững lên hàng đầu, Thụy Điển tận dụng sự đổi mới để đạt được mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2045. Ấn phẩm khẳng định, hai nước có nhiều điểm tương đồng khi nói đến đổi mới. Với mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam coi đổi mới là động lực chính để đạt được mục tiêu này.

Thụy Điển đi đầu trong phát triển bền vững, ủng hộ các hoạt động và chính sách có ý thức bảo vệ môi trường. Với cam kết về các nguồn năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng xanh và các mô hình kinh tế tuần hoàn, Thụy Điển dẫn đầu trong việc tạo ra một tương lai xanh hơn và bền vững hơn. Đây đang là hướng hợp tác tiềm năng giữa quốc gia Bắc Âu này với Việt Nam.

Hoàng Nam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here