5 kiến nghị của VASEP đối với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

0
94

Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 20, tại Tọa đàm “Gặp gỡ Đoàn Ngoại giao, Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài, kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra trực tiếp kết hợp trực tuyến với gần 300 điểm cầu ở Việt Nam và quốc tế, bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến Thương mại, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã nêu ý kiến về việc Hỗ trợ xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Bà Lê Hằng đại diện VASEP cùng các đại biểu trong Tọa đàm Gặp gỡ Đoàn Ngoại giao, Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài, kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Anh)

Khẳng định thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, Bà Lê Hằng, nêu 5 kiến nghị với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài như sau.

Thứ nhất, đẩy mạnh kết nối với các nguồn lực đầu tư và hỗ trợ từ nước ngoài để kịp thời xây dựng các phương án nhằm hạn chế sự tác động của biến đổi khí hậu đối với VIệt Nam, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (khu vực chủ lực sản xuất thủy sản của Việt Nam). Theo bà Hằng, đây là một trong những nền tảng cơ bản để thủy sản Việt Nam thích ứng và tiếp tục phát triển xanh, bền vững.

Thứ hai, liên quan mục tiêu tháo gỡ “thẻ vàng” mà Châu Âu áp với thủy sản Việt Nam, đại diện VASEP đề nghị các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ kết nối với các cơ quan sở tại, thông tin về những nỗ lực và hiệu quả trong công tác khắc phục “thẻ vàng” của thủy sản Việt Nam, để Việt Nam sớm gỡ được thẻ và lấy lại được “thẻ xanh”.

Thứ ba, liên quan xúc tiến thương mại thủy sản, VASEP cần các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xúc tiến quảng bá các hình ảnh, sản phẩm của Việt Nam thông qua các kế hoạch mục tiêu của cơ quan, trong các sự kiện của Đại sứ quán để giới thiệu với đối tác nước ngoài.

Thứ 4, VASEP mong muốn được tiếp cận, chia sẻ thông tin, khai thác các nguồn thông tin chính thống, các thực tế về xuất khẩu, tiêu dùng ở sở tại, qua đó để có thêm tư liệu thông tin để phân tích về thị trường, cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp trong nước.

Cuối cùng, đại diện VASEP nhấn mạnh, đơn vị đánh giá rất cao sự phối hợp của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cán bộ, chuyên gia của Bộ Ngoại giao trong thời gian qua đã tổ chức các hội thảo, các diễn đàn kết nối doanh nghiệp với các nước, chia sẻ nhu cầu, cơ hội giao thương với đối tác nước ngoài. Bà Hằng nói, VASEP mong tiếp tục được tham gia các sự kiện thiết thực như thế.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở TP. HCM và 18 tỉnh, thành phố phía nam – khu vực trọng điểm chế biến và xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam, gây sụt giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu sang nhiều thị trường chính từ tháng 8/2021.

Nhìn lại tháng 8/2021, xuất khẩu thuỷ sản sang nhiều thị trường trọng điểm giảm từ 35-45% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nhiều thị trường nhỏ vẫn duy trì tăng trưởng, như: Mexico tăng vượt trội với 72%, Philippines tăng 58%, Tây Ban Nha tăng 48%, kế đến là Ai Cập và Bồ Đào Nha lần lượt tăng 38% và 14%…

Đáng chú ý, xuất khẩu thuỷ sản sang Mexico đạt 5,7 triệu USD trong tháng 8, với sản phẩm chính là cá tra và cá ngừ. Cá tra chiếm 67% với 3,84 triệu USD, tăng gần 49% so với cùng kỳ năm ngoái, cá ngừ chiếm 29% với 1,65 triệu USD, tăng mạnh 263%. Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thuỷ sản sang Mexico đạt trên 59 triệu USD, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặt khác, dù xuất khẩu thuỷ sản sang EU trong tháng 8 sụt giảm gần 31% nhưng vẫn có một số thị trường quan trọng duy trì được tăng trưởng dương như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Xuất khẩu thuỷ sản sang Tây Ban Nha trong tháng 8 đạt 8,2 triệu USD. Tính chung 8 tháng đầu năm, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này đạt trên 45 triệu USD, tăng 17%. Đối với thị trường Bồ Đào Nha, xuất khẩu thuỷ sản tháng 8 đạt 3,8 triệu USD, luỹ kế 8 tháng đầu năm tăng 13% đạt gần 30 triệu.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here