4 năm thực thi EVFTA, “trái ngọt” thu được và những vấn đề đặt ra

0
59
Hiệp định EVFTA cơ bản đạt mục tiêu đề ra trong thúc đẩy quan hệ tổng thể giữa hai bên. (Nguồn: Thư viện Pháp luật)

Ngày 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện nhất mà Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết với một nước đang phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hiệp định EVFTA cơ bản đạt mục tiêu đề ra trong thúc đẩy quan hệ tổng thể giữa hai bên. (Nguồn: Thư viện Pháp luật)

Sau 4 năm đi vào thực thi (năm 2020-2024), EVFTA cùng Việt Nam và EU trải qua nhiều khó khăn như đại dịch Covid-19 hay những thay đổi địa chính trị. Tuy vậy, những thành tựu thương mại đạt được trong thời gian qua đã trở thành điểm nhấn trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bên.

Hiệp định EVFTA cơ bản đạt mục tiêu đề ra trong thúc đẩy quan hệ tổng thể giữa hai bên. EU trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Ngược lại, đất nước Đông Nam Á trở thành quốc gia có thị phần lớn nhất so với các nước trong khu vực ASEAN xuất khẩu vào EU.

Một thành công lớn

  1. TS. Andreas Stoffers, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Việt Nam hiện đang sống tại Đức cho rằng, EVFTA đã và chắc chắn là một thành công lớn. Nhờ hiệp định, Việt Nam có khả năng tiếp cận trực tiếp tới 27 thị trường của EU. Những tiêu chuẩn cao mà EVFTA đặt ra giúp nền kinh tế Việt Nam mở rộng thương mại, đạt được lợi thế rõ rệt trong việc tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại toàn cầu.

Số liệu từ Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho thấy, trong số những FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, EVFTA là hiệp định đem lại kết quả tích cực nhất. Sau 4 năm EVFTA có hiệu lực, thương mại được xem là thành công lớn giữa hai bên. Trong 4 năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khối 27 thành viên ước tính đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trưởng từ 12% đến 15%.

Riêng tháng 7/2024, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch xuất khẩu tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 8,7%. Khối 27 thành viên nằm trong tốp 6 thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu sang đa số các thị trường chủ lực trong EU đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, Hà Lan là thị trường xuất khẩu nhiều nhất, đạt hơn 6,14 tỷ USD, chiếm 24,88% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, tăng 27,12% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là thị trường Đức đạt gần 3,82 tỷ USD, chiếm 15,46%, tăng 3,27%; Italy đạt gần 2,53 tỷ USD, chiếm 10,23%, tăng 9,23%…

Bên cạnh đó, GS. TS. Andreas Stoffers nhận thấy, các số liệu kinh tế của Việt Nam trong năm nay cũng đã chứng minh lợi ích từ “hiệp định lịch sử” với EU. Kết quả của nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 rất đáng khích lệ, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,42%. Kỳ vọng trong năm 2024, GDP ở mức 6,5-6,7%.

Song song với đó, cả ba trụ cột của nền kinh tế là đầu tư, thương mại và tiêu dùng đều đang có xu hướng đi lên mạnh mẽ. “Nhìn chung, đây là điều kiện rất tốt để Việt Nam mở rộng thương mại với EU dựa trên EVFTA”, GS. TS. Andreas Stoffers khẳng định.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4%. Điều đặc biệt đáng chú ý là 80% vốn FDI đăng ký tập trung ở những nơi có cơ sở hạ tầng hoàn hảo, nguồn nhân lực có tay nghề cao và chính quyền địa phương cam kết xúc tiến đầu tư hợp lý.

Dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam bứt tốc đáng kể

Bên cạnh lợi ích thương mại, EVFTA góp phần củng cố vị thế của Việt Nam với vai trò là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nước châu Âu, góp phần tạo đột phá trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) được ký kết cùng lúc với EVFTA vẫn đang trong quá trình phê chuẩn, chưa được thực thi nhưng dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam có sự bứt tốc đáng kể trong những năm qua.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/8/2021, EU có 2.240 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 22,25 tỷ USD, chiếm 5,55% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam. Quy mô dự án bình quân của EU tại Việt Nam là 9,9 triệu USD/dự án, thấp hơn quy mô dự án bình quân chung là 11,7 triệu USD/dự án.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Dominik Meichle nhấn mạnh: “EVFTA đã góp phần đưa EU lên vị trí thứ 6 trong số các nhà đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam với 28 tỷ Euro vào 2.450 dự án.

Đáng chú ý, Việt Nam đã “chiếm” được niềm tin của doanh nghiệp EU vào nền kinh tế và thu hút được hơn 800 triệu Euro đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh xu thế FDI toàn cầu suy giảm”.

Lũy kế đến hết nửa đầu năm 2024, Hà Lan là quốc gia có số vốn đầu tư lớn nhất trong số các quốc gia thuộc EU vào Việt Nam với 14,56 tỷ USD cho 441 dự án.

Giải pháp “gỡ” khó

Cuộc khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2024 của EuroCham đã nêu bật những thách thức chính đang diễn ra. Cụ thể như sau:

Quy định phức tạp: Nhiều công ty nhận thấy, các quy định của Việt Nam khó áp dụng.

Không công nhận các tiêu chuẩn quốc tế: Chính quyền địa phương đôi khi không chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế, điều này có thể gây ra sự chậm trễ và tăng thêm chi phí cho các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là trong các lĩnh vực như y học và sản xuất công nghệ cao.

Thiếu hiểu biết: Không phải ai cũng hiểu rõ cách thức hoạt động của EVFTA, điều này có thể dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội và những sai lầm ngoài ý muốn.

Các vấn đề hải quan: Cách hiểu khác nhau về các quy định hải quan có thể gây ra sự chậm trễ và tăng thêm chi phí cho các doanh nghiệp EU khi xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp có chuỗi cung ứng phức tạp hoặc sản phẩm đắt tiền.

Bất chấp thách thức, Chủ tịch EuroCham khẳng định: “Chúng tôi vẫn lạc quan về tiềm năng của EVFTA. Thời gian tới, EuroCham cam kết hợp tác với Chính phủ Việt Nam để giải quyết những thách thức này và bảo đảm EVFTA phát huy hết tiềm năng cho cả hai bên. Thông qua đối thoại cởi mở và hiểu biết lẫn nhau, EuroCham có thể tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và dễ dự đoán hơn, thúc đẩy kết quả đôi bên cùng có lợi cho doanh nghiệp”.

Bàn về giải pháp “gỡ” khó, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nêu những giải pháp như:

Thứ nhất, Việt Nam quyết tâm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông qua thực hiện những sửa đổi, bổ sung về các quy định pháp luật trong nước, hoàn thiện thể chế nhằm xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Thứ hai, duy trì và mở rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về EVFTA thông qua các hình thức như tổ chức hội thảo, tọa đàm, tuyên truyền qua sách báo, tạp chí, các ấn phẩm và các trang thông tin điện tử nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của doanh nghiệp về EVFTA.

Thứ ba, Việt Nam phối hợp với EU để giúp doanh nghiệp đáp ứng các quy định mới về lao động và môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm do EU ban hành.

Thứ tư, điểm mấu chốt là cần hỗ trợ doanh nghiệp; trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong khi đó, GS. TS. Andreas Stoffers cho rằng, điều mà Việt Nam vẫn có thể cải thiện để tận dụng tối đa EVFTA là nâng cao kiến ​​thức về các tiêu chuẩn của EU. Tại mục 13 của hiệp định EVFTA đề cập đến điều kiện làm việc và khía cạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR).

“Các quy định mới xuất hiện từ EU cũng cần được tính đến. Ví dụ như Luật thẩm định cung ứng của Đức – phù hợp với chỉ thị của EU – có thể gây thách thức cho đối tác kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tốt với những thay đổi này, nếu muốn tham gia quan hệ thương mại, kinh doanh với các doanh nghiệp châu Âu.

Tất nhiên, điều tương tự cũng xảy ra với phía châu Âu. Các thành viên EU cần hiểu biết sâu sắc hơn về thị trường Việt Nam để có thể thành công ở đây”, GS. TS. Andreas Stoffers nói.

Về phía EU, Chủ tịch EuroCham Dominik Meichle cho rằng, hai bên cần đầu tư vào các chương trình đào tạo về EVFTA. Điều này bao gồm việc tìm hiểu về việc giảm thuế, quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan và các quy định cụ thể của ngành. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tối đa hóa lợi ích mà hiệp định mang lại.

Thêm vào đó, sự tham gia tích cực với các chính phủ và hiệp hội doanh nghiệp như EuroCham là rất quan trọng. EuroCham có thể chia sẻ kinh nghiệm và mối quan tâm, giúp các doanh nghiệp xác định, giải quyết các thách thức, từ đó, áp EVFTA suôn sẻ và hiệu quả hơn.

Ông Dominik Meichle nói: “Ngoài ra, các doanh nghiệp hai bên nên ưu tiên đổi mới và thích ứng để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng phát triển của cả hai thị trường. Điều này có thể liên quan đến việc nâng cấp quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hoặc thực hiện các hoạt động bền vững. Khi tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, doanh nghiệp có thể bảo đảm các quy định của EVFTA và tăng cường khả năng cạnh tranh ở cả hai thị trường”.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here