0
41

Các nhà kinh tế được The Wall Street Journal khảo sát cho biết đà tăng trưởng năm 2021 của kinh tế Mỹ có thể đạt đỉnh vào mùa xuân, nhưng dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài cho đến sang năm. Mở cửa kinh doanh rộng rãi trở lại, tỷ lệ tiêm chủng tăng và một lượng lớn viện trợ chống đại dịch của chính phủ vào mùa xuân này đã giúp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng gia tăng nhanh chóng, đây là động lực chính cho sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang bắt đầu chậm lại. Ellen Zentner, nhà kinh tế trưởng về kinh tế Mỹ tại Morgan Stanley cho biết kinh tế Mỹ đã chuyển sang giai đoạn phát triển vừa phải hơn: “Chúng ta đã qua thời kỳ đỉnh cao của tốc độ phát triển, nhưng điều đó không có nghĩa là điều gì đó xấu hơn đang diễn ra ở đây và chúng ta sẽ bắt đầu xuống dốc mạnh.” Các nhà kinh tế kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm tới, do sự gia tăng việc làm, tăng tiết kiệm và tiếp tục các biện pháp hỗ trợ tài chính. Về lâu dài, họ dự đoán sự phát triển của kinh tế sẽ dần hạ nhiệt đến một tốc độ ổn định hơn sau đại dịch. Các nhà kinh tế được Tạp chí khảo sát, ước tính rằng nền kinh tế mở rộng với tốc độ trung bình 9,1%/năm trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6. Tốc độ này sẽ là tốc độ nhanh thứ hai kể từ năm 1983, vượt quá mức phục hồi nhanh chóng của mùa hè năm ngoái, khi các doanh nghiệp bắt đầu mở cửa trở lại sau khi ngừng hoạt động và các bang bắt đầu nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch. Nhiều nhà kinh tế ước tính tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ đã vượt qua mức trước đại dịch trong Quý Hai. Những người trả lời khảo sát cho rằng tăng trưởng sẽ hạ nhiệt xuống tốc độ 7% trong Quý Ba, và tiếp tục giảm xuống mức 3,3% trong Quý Hai năm 2022. Dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng 6,9% trong năm 2021, sau đó giảm xuống còn 3,2% vào năm sau và 2,3% vào năm 2023.

Các nhà kinh tế cho biết với mức tăng trưởng vừa phải hơn, tỷ lệ tăng việc làm và lạm phát cũng sẽ giảm bớt. Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại RSM, cho biết sau khi tăng đều kể từ mùa thu, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã giảm nhẹ trong ba tháng qua do các nhà đầu tư cho rằng tiềm năng tăng trưởng yếu hơn. Chi tiêu của người tiêu dùng đã tăng 5% vào tháng 3 sau khi Quốc hội và Nhà Trắng ban hành gói cứu trợ đại dịch trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, trợ cấp 1.400 USD cho nhiều hộ gia đình. Việc tăng chi tiêu hàng tháng đã chậm lại kể từ đó sau khi tác động kích thích ban đầu mất dần. Zach Schneider, đồng sở hữu của S&S Hardware ở St. Paul, Minn ước tính doanh số bán hàng tháng 5/2021 cao hơn từ 17% đến 19% so với tháng 5/2019. Lạm phát cũng tăng vọt vào mùa xuân và đầu mùa hè do chi tiêu của các hộ gia đình vượt quá khả năng theo kịp của các doanh nghiệp. Bộ Lao động cho biết giá tiêu dùng tăng 5,4% trong tháng 6 so với một năm trước, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2008. Khi tốc độ tăng trưởng chậm lại, các công ty sẽ có nhiều thời gian hơn để tìm nhân công, giải quyết các đơn hàng tồn đọng và tăng sản lượng, mặc dù nhiều nút thắt trong chuỗi cung ứng vẫn tồn tại.

Một số động lực cho tăng trưởng kinh tế có thể tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong những quý tới. Hàng triệu người thất nghiệp hoặc không tìm việc làm sẽ có khả năng tìm được việc làm, mang lại thu nhập để họ chi tiêu. Tháng 9 có thể là tháng bản lề, khi các trường học mở cửa trở lại trên toàn quốc và trợ cấp thất nghiệp mở rộng sẽ kết thúc trên cả nước. Trong khi đó, kích thích liên bang vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Chính phủ liên bang hôm thứ Năm đã bắt đầu gửi các khoản thanh toán hàng tháng lên đến $300 cho mỗi trẻ em như một phần của khoản tín dụng thuế trẻ em mở rộng.

Giai đoạn mới của quá trình phục hồi cũng có nhiều rủi ro của riêng nó. Mặc dù nhiều nhà kinh tế cho rằng áp lực giá gần đây chỉ là tạm thời, nhưng có khả năng chi phí đối với một số hàng hóa và dịch vụ sẽ đẩy lạm phát kéo dài. Một rủi ro khác đến từ thị trường lao động, thị trường vốn đã phục hồi chậm hơn so với dự đoán của nhiều nhà kinh tế vào đầu năm nay. Nền kinh tế Mỹ vẫn thiếu khoảng 7 triệu việc làm so với mức trước đại dịch và một số cản trở đối với tăng trưởng việc làm có thể còn lâu dài.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here