Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian qua đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tại thời điểm mới tái lập tỉnh năm 1997, Quảng Nam chỉ có 13 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 230 triệu USD. Nhưng đến tháng 9/2018, sau hơn 20 năm, Quảng Nam có 166 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 5,8 tỷ USD. Số dự án tăng hơn 12 lần, tổng vốn đăng ký tăng hơn 25 lần so với năm 1997.
Các dự án tập trung chủ yếu vào lĩnh vực: công nghiệp chế biến-chế tạo, du lịch-dịch vụ, nông-lâm nghiệp và thủy sản, xây dựng, hoạt động tài chính-ngân hàng và bảo hiểm…
Một số dự án đầu tư quy mô lớn về du lịch, điển hình là dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An của Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển Nam Hội An (Singapore) với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.
Dự án đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với 41 dự án, tổng vốn đăng ký là 274,5 triệu USD. Đứng thứ hai là Trung Quốc với 35 dự án, tổng vốn đăng ký là 421,3 triệu USD. Đứng thứ ba là Nhật Bản với 14 dự án, tổng vốn đăng ký là 128,3 triệu USD…
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết sau khi tái lập tỉnh năm 1997, với xuất phát điểm thấp, Quảng Nam là một trong những địa phương nghèo nhất cả nước với nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh khoảng 230 tỷ đồng. Điều này chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi ngân sách (khoảng 530 tỷ đồng), GRDP bình quân đầu người khoảng 1,8 triệu đồng/năm.
Sau 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Quảng Nam đã tạo nên những chuyển biến đột phá, trở thành một trong những tỉnh khá so với cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2017 đạt 19.673 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa đạt 14.394 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu đạt 5.279 tỷ đồng. Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP bình quân đầu người gần 56 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế, lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển mạnh mẽ, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, thu hút nhiều dự án quy mô lớn đầu tư vào tỉnh.
Với những kết quả đạt được, khu vực kinh tế có vốn FDI đã góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Quảng Nam. Trong bối cảnh ngân sách còn nhiều hạn chế, vốn FDI đã bổ sung vào nguồn đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế trên địa bàn. Điều này cũng góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tính đến cuối năm 2017, tổng vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI đạt khoảng 5.202 tỷ đồng, tăng 104 lần so với năm 1997 và chiếm 21,62% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh. Tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế có vốn FDI trong tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng từ 1,64% năm 1997 lên 10,7% năm 2017.
Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI năm 2017 đạt 358,4 triệu USD, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cơ cấu hàng xuất khẩu cũng có chuyển biến tích cực, nếu trong giai đoạn 1997-2006, ngành hàng xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm chế biến như chế biến nông, lâm, hải sản, sản phẩm may mặc, giày da… thì đến giai đoạn 2007-2017 giảm dần tỷ trọng sản phẩm chế biến thô, hàng thủy sản, tăng xuất khẩu hàng công nghiệp và nông, lâm sản đã qua chế biến, đặc biệt là một số mặt hàng xuất khẩu mới như chip điện tử, ôtô và các phụ tùng vận tải…
Thực tế là nguồn vốn FDI đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa của tỉnh Quảng Nam. Hiện có trên 50% các dự án FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến-chế tạo, đặc biệt một số ngành công nghiệp chủ lực tạo ra những sản phẩm đặc trưng và có lợi thế hơn so với các tỉnh khác như: phụ tùng ôtô, linh kiện điện tử, may mặc, giày da…, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông, lâm, thủy sản trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
Khu vực đầu tư nước ngoài đã góp phần giúp Quảng Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến vào tỉnh, tạo tiền đề gia nhập và phát triển một số ngành kinh tế như sản xuất ôtô, chip điện tử, nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ cao, cơ khí chính xác…
Đáng chú ý là Công ty cổ phần ôtô Trường Hải đã ký thỏa thuận đầu tư và cùng hợp tác với Tập đoàn ôtô Mazda-Nhật Bản để đầu tư Nhà máy sản xuất ôtô Mazda Chu Lai công suất 100.000 xe/năm với vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng…
Sự gia tăng mạnh mẽ các dự án đầu tư, đặc biệt là dự án FDI, trong các năm qua đòi hỏi Quảng Nam phải huy động mọi nguồn lực, xây dựng giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư như: rà soát công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp…
Hiện hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh Quảng Nam đã có sự cải thiện đáng kể, sự hình thành Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang và các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư vào tỉnh.
Từ một tỉnh chưa có khu, cụm công nghiệp, đến nay trên địa bàn Quảng Nam đã có 9 khu công nghiệp, 1 khu kinh tế tại Cửa khẩu Nam Giang, 89 cụm công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch hơn 65.000 ha. Phần lớn các dự án sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều được bố trí thực hiện tại các cụm, khu công nghiệp này theo đúng quy hoạch. Tỷ lệ lấp đầy bình quân của các cụm, khu công nghiệp đã quy hoạch chi tiết trên 60%.
Hiện nhiều dự án lớn đã đầu tư sản xuất kinh doanh vào các cụm, khu công nghiệp như da giày, dệt may, cơ khí chính xác ngành may, phụ tùng ôtô, linh kiện điện tử…
Cùng với sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp, việc phát triển ngành nghề nông thôn, khôi phục và phát triển làng nghề trong những năm qua cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ với trên 20 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống và làng nghề mới.
Nhờ đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của Quảng Nam đứng thứ 7/63 tỉnh thành có chất lượng điều hành tốt trong cả nước. Liên tục trong 3 năm từ 2015-2018, Quảng Nam nằm trong top 10 tỉnh có chỉ số PCI cao. Điều này cho thấy sự nỗ lực của chính quyền tỉnh Quảng Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, phấn đấu đưa tỉnh Quảng Nam trở thành một tỉnh có nền kinh tế năng động của khu vực.
Nguồn: Trần Tĩnh (TTXVN/Vietnam+)