Trong bài viết đăng trên Project Syndicate gần đây, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng thương mại có vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu lớn, từ biến đổi khí hậu đến ứng phó với đại dịch. Tuy nhiên để WTO tiếp tục thực hiện các mục tiêu cốt lõi – nâng cao mức sống, tạo việc làm và hỗ trợ phát triển bền vững – thì các quy tắc của nó cần được cập nhật để phản ánh những thay đổi trong thực tiễn kinh doanh cũng như các yêu cầu của xã hội và môi trường.
Theo Tổng giám đốc WTO, tương lai có nhiều điều không chắc chắn, có thể khủng hoảng toàn cầu lớn tiếp theo sẽ liên quan đến tài chính, hoặc khí hậu, tấn công mạng, đại dịch hay một cái gì đó khác gây ra. Tuy nhiên, chắc chắn rằng thương mại và hợp tác kinh tế quốc tế sẽ giúp thế giới vượt qua bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.
Ví dụ, trong đại dịch Covid-19, thương mại là một động lực tốt. Ít ai có thể ngờ rằng vào quý 1/2021, chưa đầy một năm sau khi đại dịch bắt đầu, khối lượng thương mại đã vượt qua mức trước đại dịch và đạt mức kỷ lục mới. Sự kiềm chế của các chính phủ trong việc sử dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, cùng với hỗ trợ tài chính và tiền tệ trên quy mô lớn, đã giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Tháng 10/2021, WTO đã nâng dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2021 lên 10,8% – tăng từ 8% trước đó – và lên 4,7% vào năm 2022.
Thương mại mở, tuy có những gián đoạn ban đầu, đã cung cấp phao cứu sinh về thực phẩm và vật tư y tế trong đại dịch, giúp thúc đẩy các chuỗi cung ứng đa quốc gia kết hợp lại với nhau để cung cấp các đầu vào chuyên biệt và nguyên vật liệu sản xuất cần thiết cho sản xuất quy mô lớn.
WTO đã ứng phó với đại dịch bằng cách làm việc với các nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 và tất cả các bên liên quan khác bao gồm các công ty phân phối, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan quản lý để duy trì chuỗi cung ứng hoạt động và thúc đẩy sản lượng vắc-xin. Về lâu dài, cần đa dạng hóa việc sản xuất vắc-xin toàn cầu để nguồn cung ứng vắc-xin có khả năng phục hồi và bảo đảm công bằng hơn.
Nhấn mạnh ba xu hướng định hình thương mại toàn cầu trong tương lai
Tổng giám đốc chỉ rõ: Thứ nhất, đại dịch đã cho thấy dịch vụ và nền kinh tế kỹ thuật số sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Các khuôn khổ quốc tế mới về dịch vụ và thương mại kỹ thuật số sẽ nâng cao khả năng dự đoán và giảm chi phí quản lý, tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô. Các đàm phán nhiều bên tại WTO về Thương mại điện tử và Thuận lợi hóa quy định trong nước về dịch vụ đã tiến triển nhanh chóng, hứa hẹn những thỏa thuận quan trọng trong tầm tay.
Thứ hai, thương mại trong tương lai phải “xanh” nhằm ứng phó với các vấn đề toàn cầu như tính bền vững của đại dương và biến đổi khí hậu. Nhiều chính phủ đã cam kết đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 (net-zero) vào năm 2050. WTO có thể tối đa hóa tiềm năng thương mại để giúp đạt được mục tiêu đó. Đầu tư gia tăng vào công nghệ xanh có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt và tắc nghẽn nguồn cung. Thương mại mở có thể sẽ giúp giảm bất kỳ áp lực “lạm phát xanh” nào có nguy cơ làm tăng chi phí giảm thiểu khí thải. Việc khôi phục đàm phán tại WTO về tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường sẽ giúp giảm chi phí đạt được mức trung hòa carbon.
Thứ ba, thương mại phải trở nên bao trùm hơn, cả giữa và trong các quốc gia, nghĩa là mở rộng lợi ích của thương mại cho các nền kinh tế nghèo hơn và cho những người nghèo ở các nước giàu hơn. Các công ty hiện đang chuyển hoạt động sang các nước nhằm giảm chi phí sản xuất, đa dạng hóa rủi ro và gần gũi hơn với khách hàng; quá trình “tái toàn cầu hóa” này cần mở rộng tới cả những khu vực kém hòa nhập ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh. Ngoài ra, cũng cần mở rộng cơ hội cho người dân và doanh nghiệp ở tất cả các quốc gia – đặc biệt là phụ nữ và các doanh nghiệp nhỏ hơn – kết nối với mạng lưới cung ứng toàn cầu. Các chính sách xã hội, giáo dục và kinh tế trong nước có vai trò không thể thiếu trong việc đảm bảo rằng mọi người có thể hưởng lợi từ sự thay đổi kinh tế, cho dù đó là kết quả của thương mại hay công nghệ.
Thương mại có thể giúp thế giới đối mặt với bất cứ điều gì xảy ra trong tương lai, và điều này đòi hỏi các chính sách thương mại mang lại lợi ích cho mọi người, nếu không chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều phản đối dữ dội hơn vốn không đưa ra giải pháp nào cho những bất bình kinh tế thực sự. Và một WTO được cải cách và hồi sinh có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thương mại lấy người dân làm trung tâm.
(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)