Ngày 26/11/2018, toàn bộ 27 nước Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua thỏa thuận Brexit để Anh rời khỏi EU. Ngay sau đó, Thủ tướng Theresa May đã kêu gọi các thành viên Quốc hội Anh bỏ phiếu thuận cho thỏa thuận này vào đầu tháng 12/2018. Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven bày tỏ lo ngại, EU sẽ trong tình thế rất khó khăn nếu thỏa thuận này không được Quốc hội Anh thông qua. Bởi nếu trường hợp này xảy ra, hầu như chưa có một kế hoạch dự phòng nào cho 27 nước còn lại trong EU cũng như cho bà May. Như vậy, phải thực hiện kế hoạch B của EU dành cho Anh, nghĩa là một hình thức gia hạn thời gian nào đó cho Anh sẽ được đề xuất để các nước EU bỏ phiếu nhất trí thì mới có thể có hiệu lực. Điều đó sẽ đặt EU vào tình thế cực kỳ khó khăn.
Theo lộ trình, sau khi EU thông qua thỏa thuận Brexit, Quốc hội Anh dự kiến bỏ phiếu vào ngày 10/12/2018 và Hội đồng Bộ trưởng EU sẽ bỏ phiếu vào ngày 19/3/2019, chỉ 10 ngày trước dấu mốc Anh rời EU.
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Thụy Điển Ann Linde cũng bày tỏ lo ngại Quốc hội Anh không thông qua thỏa thuận. Do vậy, Chính phủ Thụy Điển đang chuẩn bị một kế hoạch kiểm soát hải quan để hệ thống ngân hàng và hải quan không bị ảnh hưởng. Đồng thời, bà Linde cũng kêu gọi các công ty chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Hiện các công ty của Thụy Điển đóng tại London đang đau đầu lo lắng chuẩn bị cho kịch bản xấu khi Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận. Vấn đề lớn nhất mà các công ty này có thể phải đối diện là khó tìm được nhân viên bởi ngày càng nhiều công dân Scandinavian lựa chọn rời London sang nước khác làm việc.
(Tin từ ĐSQVN tại Thụy Điển – theo DI, SvD, DN online – 22, 23, 26/11)