208,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2022

0
40
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Chỉ riêng tháng 12/2022, cả nước có 10,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, 6.104 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động bất thường với nhiều khó khăn, thách thức nhưng hoạt động kinh tế – xã hội năm 2022 của nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, không thể không kể đến số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, hoạt động đầu tư phát triển cũng như khoa học công nghệ.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2022 công bố ngày 29/12, của Tổng cục Thống kê, trong tháng 12/2022, cả nước có 10,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 9,8% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 6.104 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2,6% so với tháng trước và tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2021; 3.776 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 5,7% và tăng 25,4%; 5.847 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 14,8% và giảm 35,4%; 1.761 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,8% và giảm 6,2%.

Tính chung năm 2022, cả nước có 208,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 30,3% so với năm trước; bình quân một tháng có 17,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 143,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,5%; bình quân một tháng có 11,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2022 cho thấy, có 32,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý III/2022; 33,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 33,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý I/2023, có 31,5% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2022; 37,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 31,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Trong lĩnh vực Khoa học công nghệ, theo Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2030. Đến nay đã có gần 3.000 dữ liệu được cập nhật bao gồm các thông tin về các quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ, chuyên gia và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước.

Về lĩnh vực sở hữu công nghiệp, tính đến tháng 11/2022, tiếp nhận 71.071 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021.

Về chuyển đổi số, trên cổng dịch vụ công quốc gia, tính đến ngày 22/12/2022, số thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 4.298 thủ tục.

Về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, theo công bố tại Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2022 Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng 20 bậc), xếp vị trí 48/132 quốc gia, giảm 4 bậc so với năm 2021 (Năm 2021 xếp thứ 44/132 quốc gia) và xếp vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Trong lĩnh vực đầu tư phát triển, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý IV/2022 theo giá hiện hành ước đạt 1.089,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021. Ước tính năm 2022, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 136,29 tỷ USD) tăng 11,2% so với năm trước.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam: Tính đến ngày 20/12/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt gần 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất.

Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 16,8 tỷ USD; chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD.

Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,26 tỷ USD và gần 1,29 tỷ USD.

Trong năm 2022, đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,88 tỷ USD; Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD.

Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2022. Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,94 tỷ USD, chiếm 4,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,14 tỷ USD; Quảng Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,37 tỷ USD – đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới, số lượt góp vốn mua cổ phần và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn, sau Hà Nội.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài năm 2022 có 109 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 426,6 triệu USD, tăng 4,3% so với năm trước; có 26 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 107,4 triệu USD (năm 2021 điều chỉnh giảm 776 triệu USD). Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt gần 534 triệu USD (năm 2021 điều chỉnh giảm 367 triệu USD) so với năm trước.

D. Linh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here