Thông tin về tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta ước đạt trên 4,27 tỷ USD, giảm gần 5% so với cùng kỳ năm trước.
Dù tháng 11 xuất khẩu giảm nhẹ, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 11 tháng của năm 2022 đã chạm mốc 49 tỷ USD, vượt con số kỷ lục của cả năm 2021 (48,6 tỷ USD).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, con số ấn tượng này có sự góp phần không nhỏ của ngành thủy sản, khi lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản của nước ta chạm mốc 10,14 tỷ USD (tăng 27%).
11 tháng qua, 8 mặt hàng/nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD và giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: cà phê đạt 3,5 tỷ USD (tăng 31,5%), cao su đạt 2,9 tỷ USD (tăng 3,2%), gạo đạt 3,2 tỷ USD (tăng 6,9%), cá tra đạt 2,2 tỷ USD (tăng 61%), tôm đạt 4,1 tỷ USD (tăng 14,6%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,6 tỷ USD (tăng 9%)…
Về thị trường xuất khẩu của nông sản Việt Nam, châu Á vẫn đứng số một với 44,7% thị phần, tiếp đến là châu Mỹ 27, 4%, châu Âu 11,3%, châu Đại Dương 1,7% và châu Phi 1,7%.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam khi đạt 12,3 tỷ USD, chiếm 25% thị phần. Đứng thứ hai là Trung Quốc với khoảng 9,3 tỷ USD, chiếm 18,9% thị phần; thứ ba là Nhật Bản với giá trị đạt 3,9 tỷ USD, chiếm 7,9% thị phần…
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, 2022 là “năm thắng lợi nhất” của ngành hàng rau quả ở “chợ toàn cầu”. Đó là nhờ chanh leo, sầu riêng, chuối, khoai lang mở cửa được thị trường Trung Quốc; quả bưởi lấy được “visa” vào thị trường Mỹ; New Zealand cũng chấp thuận nhập khẩu quả bưởi và chanh của Việt Nam…
Vài tháng gần đây, sau khi ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối… sang Trung Quốc, giá các mặt hàng này đều tăng vọt. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng, chuối tháng 11/2022 tăng lần lượt là 294% và 47,9% so với tháng tháng 10/2021.
Tính đến hết tháng 10 năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng 91,2%, chuối tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở ngành hàng gạo, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng báo tin, sản lượng gạo xuất khẩu năm nay đạt kỷ lục 7 triệu tấn.
Đáng chú ý, gạo Việt dần có hình hài tại thị trường khó tính, khi lần đầu tiên món cơm chiên sử dụng gạo ST25 đến từ Việt Nam trở thành “bữa trưa đặc biệt” tại Văn phòng Nội các Nhật Bản. Trong khi, ở trời Âu, thương hiệu “Cơm Việt Nam” được bày bán trên kệ 4.000 siêu thị ở Pháp.
Bước sang năm 2023, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam nhận định, xuất khẩu rau quả sẽ rất thuận lợi. Bởi, năm nay Việt Nam đã mở cửa được hàng loạt các thị trường cho những mặt hàng mới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Nghị định thư được ký, xuất khẩu rau quả từ tăng trưởng âm sang tăng trưởng dương trong những tháng cuối năm.
Hiện Trung Quốc là thị trường chính của rau quả và nhiều loại nông sản xuất khẩu khác của nước ta. Thời gian gần đây, quốc gia này dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19. Trên các cửa khẩu, nông sản xuất khẩu đã thông thương nhanh chóng. Những tín hiệu cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng trưởng mạnh tại thị trường Trung Quốc trong năm 2023.
Ông Đặng Phúc Nguyên tính toán: “Với những lợi thế của xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc và các thị trường khác, dự đoán xuất khẩu nhóm mặt hàng này năm 2023 sẽ đạt con số 4 tỷ USD – mức cao nhất lịch sử”.
Gia Thành